Phải cấm đốt vàng mã như từng cấm đốt pháo!

Việt Hiếu Thứ bảy, ngày 24/02/2018 13:15 PM (GMT+7)
Có ý kiến cho rằng phải cấm triệt để việc đốt vàng mã như cấm đốt pháo trước đây, bởi không có đất nước nào có nghành sản xuất ra thứ chỉ dùng để đốt như ở Việt Nam.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, mới đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa ra công văn đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Cụ thể, văn đề nghị Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trị các tự viện (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường) nhất là các tự viện là di tích lịch sử - văn hoá tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, văn hoá Phật giáo.

img

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa đưa ra công văn đề nghị bỏ tục đốt vàng mã. Ảnh: Việt Hiếu

"Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam" - công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ.

Nói về vấn đề này, ông Vũ Đình Dương (45 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, việc đốt vàng mã theo quan điểm của ông là tập tục cổ hủ, tốn kém và đặc biệt là ảnh hưởng xấu đến môi trường nên ông hoàn toàn đồng tình với đề nghị trên.

"Nhưng vì văn hoá này đã có lâu đời nên rất khó bỏ ngay tức. Ví dụ như đi lễ chùa thì cũng nên thắp một vài nén nhang để thể hiện lòng thành kính với tổ tông, với Đức Phật.

Còn những ai muốn đốt vàng mã thì chỉ nên đốt một ít thôi, nhiều người mê tín cứ ra sức đốt thật nhiều, như vậy là không tốt. Lâu ngày sẽ ảnh hưởng rất xấu đến môi trường", ông Dương nói.

img

Ông Dương đồng ý với đề nghị bỏ tục đốt vàng mã của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: Việt Hiếu.

Đồng quan điểm với ông Dương, ông Lê Văn Đại (Nông Cống – Thanh Hóa) cũng khẳng định mình hoàn toàn đồng ý với việc cấm đốt vàng mã vì đó là hủ tục lạc hậu và ảnh hưởng đến môi trường.

“Mọi người hướng về Đức Phật bằng Tâm và Đức thì tốt hơn. Tin vào luật nhân quả như lời dạy của Đức Phật. Hiếu thảo với ông bà, cha mẹ lúc còn sống.

Hướng về tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất bằng thành tâm hiếu kính. Chứ đốt vàng mã chắc người chết không nhận được gì đâu. Cúng mâm cao cỗ đầy xong rồi chỉ người sống ăn nhậu hết”, ông Đại nêu quan điểm.

Ngoài ra ông Đại cũng cho rằng, phải cấm đốt vàng mã như cấm đốt pháo. Không đất nước phát triển nào lại có một ngành sản xuất các thứ ra chỉ để đốt như ở Việt Nam. Vừa lãng phí nhân lực, vật lực vừa gây ô nhiểm môi trường.

Trong khi đó, dù khẳng định không phải người mê tín và ít khi đốt hương nhang, vàng mã nhưng trước đề nghị của hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chị Hiền Anh (23 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) lại không hoàn toàn đồng tình.

img

 Chị Hiền Anh cho rằng không nên bỏ hẳn tập tục này vì có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Ảnh: Việt Hiếu

Chị này cho rằng việc đốt vàng mã tuy có ảnh hưởng tiêu cực nhưng chúng ta  không nên loại bỏ hoàn toàn mà chỉ nên tìm cách hạn chế những tác hại của nó. Vì đây đã là nét văn hoá có từ lâu đời, cũng là nghi thức để thể hiện sự biết ơn đối với tổ tiên, với người đã khuất.

Do vậy, từ bỏ tập tục này có thể ảnh hưởng tới thế giới tâm linh. "Theo tôi thì có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Dù sao đây cũng là văn hoá từ lâu đời rồi, không nên bỏ hẳn”, chị chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem