Phá rừng pơ mu Vườn Quốc gia Hoàng Liên: Trách nhiệm thuộc VQG Hoàng Liên và UBND tỉnh Lào Cai

Lam Anh - Văn Hoàng Thứ năm, ngày 06/05/2021 16:16 PM (GMT+7)
Theo quy định của pháp luật hiện hành, để xảy ra tình trạng phá rừng diễn ra trong vùng lõi VQG Hoàng Liên, trách nhiệm thuộc về chủ rừng là Vườn quốc gia Hoàng Liên và đơn vị chủ quản là UBND tỉnh Lào Cai.
Bình luận 0
Phá rừng pơ mu VQG Hoàng Liên: Trách nhiệm thuộc VQG Hoàng liên và UBND tỉnh Lào Cai - Ảnh 1.

Gỗ bị khai thác trong vùng lõi VQG Hoàng Liên, những khu vực gần với khu dân cư sinh sống những cây cổ thụ đã bị khai thác hết, người khai thác đã chọn những cây bé hơn. Ảnh: Văn Hoàng

Trách nhiệm thuộc Chủ vườn và UBND tỉnh Lào Cai

Trao đổi với PV Dân Việt sáng ngày 6/5, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Chi cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm Lào Cai - cho biết: "Hiện đang triển khai kiểm tra, xử lý thông tin Báo nêu, khi nào có kết quả sẽ thông tin tới Báo. Trách nhiệm mất rừng thuộc về Vườn quốc gia Hoàng Liên vì khu vực này (khu vực phá rừng) thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên quản lý".

Còn ông Đồng Xuân Hùng, Phó đội trưởng Đội Kiểm lâm đặc nhiệm (Cục Kiểm Lâm) vừa trở về sau nhiều ngày được Cục Kiểm lâm cử đi phối hợp với Vườn quốc gia Hoàng Liên kiểm tra tình trạng phá rừng như Dân Việt phản ánh - cho biết: "Đợt kiểm tra đã kết thúc, hiện đơn vị chủ trì là Vườn quốc gia Hoàng Liên nắm thông tin".

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên thông tin rằng: "Hiện nay anh em đang tổng hợp báo cáo".

Phá rừng pơ mu VQG Hoàng Liên: Trách nhiệm thuộc VQG Hoàng liên và UBND tỉnh Lào Cai - Ảnh 2.

Từng đoàn người vác gỗ pơ mu từ trong vùng lõi VQG Hoàng Liên ra khỏi rừng. Ảnh: Văn Hoàng


Đem câu chuyện phá rừng pơ mu quy mô lớn tại Vườn quốc gia Hoàng Liên phản ánh với Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (người được giao phụ trách mảng lâm nghiệp), ông nói: "Mình chưa thấy có thông tin nào phá rừng pơ mu ở Lào Cai cả. Có gì liên hệ với Văn phòng Tổng cục hoặc Cục Kiểm lâm".

Phóng viên Báo NTNN/Dân Việt cũng đã nhiều lần liên hệ với ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Theo Quyết định số 90/2002/QĐ-TTG ngày 12/07/2002 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc Chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Sa Pa, tỉnh Lào Cai thành Vườn quốc gia Hoàng Liên và Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai trực tiếp quản lý. Vì vậy, để rừng Quốc gia Hoàng Liên bị tàn phá có phần trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND tỉnh Lào Cai.

Tại khoản 4 của Điều 102 của Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15/11/2017 nêu rõ Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm về cháy rừng, phá rừng hoặc mất rừng do hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng gây ra thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Phá rừng pơ mu VQG Hoàng Liên: Trách nhiệm thuộc VQG Hoàng liên và UBND tỉnh Lào Cai - Ảnh 4.

Không chỉ phá rừng lấy gỗ, nhiều người còn đào cả gốc pơ mu lấy các u mấu để bán với giá 2 triệu đồng/ cục nặng khoảng 20kg. Ảnh: Văn Hoàng

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân có liên quan

Trước đó, sau khi Báo NTNN/Dân Việt đăng tải bài 1 trong loạt bài Phá rừng pơ mu VQG Hoàng Liên, Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai có văn bản số 306-CV/TU giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xác minh thông tin Báo Dân Việt đăng tin về việc phá rừng pơ mu cổ thụ, "moi ruột" Vườn Quốc gia trên nóc nhà Đông Dương (Vườn Quốc gia Hoàng Liên), kịp thời xử lý sự việc; báo cáo kết quả với Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 7/5/2021.

Nghĩa là hôm nay, 6/5 là thời hạn để các cơ quan liên quan báo cáo kết quả với Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai. 

Đồng thời, cùng ngày, UBND tỉnh Lào Cai xét đề nghị của VQG Hoàng Liên tại báo cáo nhanh số 62/BC-VQG ngày 28/4/2021 đã tiếp tục có văn bản hỏa tốc chỉ đạo xử lý các cá nhân vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Hoàng Liên sau khi Báo Dân Việt phản ánh.

Phá rừng pơ mu VQG Hoàng Liên: Trách nhiệm thuộc VQG Hoàng liên và UBND tỉnh Lào Cai - Ảnh 5.

Gỗ mới được cưa xẻ để khiêng ra khỏi rừng Quốc gia Hoàng Liên. Ảnh: Lam Anh

Theo đó UBND tỉnh chỉ đạo, Vườn quốc gia Hoàng liên: Chủ trì, phối hợp với UBND huyện Sa Pa, Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị liên quan tổ chức, thành lập 2 Đội Kiểm tra, kiểm soát việc khai thác lâm sản trái phép.

Thành phần bao gồm: Lãnh đạo Vườn quốc gia Hoàng Liên, Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên, Hạt Kiểm lâm thị xã Sa Pa, Công an thị xã Sa Pa, Đội xung kích bảo vệ rừng tại cơ sở và một số thành phần khác liên quan) để kiểm tra, truy quét, điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật về khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép tại Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Phá rừng pơ mu VQG Hoàng Liên: Trách nhiệm thuộc VQG Hoàng liên và UBND tỉnh Lào Cai - Ảnh 6.

Lá cây còn tươi nguyên khi thời điểm nhóm phóng viên vào vùng lõi VQG Hoàng Liên cuối tháng 4/2021. Ảnh: Văn Hoàng

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường lực lượng có thời hạn cho Vườn quốc gia Hoàng Liên, Hạt Kiểm lâm thị xã Sa Pa để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và điều tra các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại Vườn quốc gia Hoàng liên; củng cố hồ sơ các đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của của pháp luật.

Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND thị xã Sa Pa, Vườn quốc gia Hoàng Liên và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành phương án tổ chức lực lượng kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các đối tượng vào rừng Vườn quốc gia Hoàng Liên khai thác lâm sản trái pháp luật trong năm 2021. Hoàn thành báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/5/2021.

Tuy nhiên, như Báo Điện tử Dân Việt đã phản ánh, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã có văn bản báo cáo nhanh chưa đúng sự thật, chưa đúng với những hoạt động khai thác gỗ, lâm sản trái phép diễn ra tại Vườn quốc gia Hoàng Liên trong thời gian qua.

Phá rừng pơ mu VQG Hoàng Liên: Trách nhiệm thuộc VQG Hoàng liên và UBND tỉnh Lào Cai - Ảnh 7.

Gỗ pơ mu được khách hàng ưa chuộng mua nên là "đối tượng" để người phá rừng khai thác nhất. Ảnh: Văn Hoàng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem