Ôn thi tốt nghiệp THPT: Lưu ý của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học

Thứ hai, ngày 15/04/2024 06:37 AM (GMT+7)
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) lưu ý một số nội dung về ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.
Bình luận 0

Phân loại để ôn tập

- Học kỳ II là giai đoạn các trường tăng tốc ôn thi tốt nghiệp THPT. Ông có lưu ý gì về triển khai công tác dạy học, ôn tập trong giai đoạn này?

- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ giữ ổn định như năm 2023; trong đó, nội dung thi bám sát chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Các nhà trường cần lưu ý hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, phù hợp với Khung kế hoạch thời gian năm học 2023 - 2024.

Tổ chuyên môn, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp với điều kiện từng trường, nhóm học sinh. Tổ chức ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, chú trọng việc giúp học sinh thông hiểu và vận dụng kiến thức.

Nhà trường, giáo viên tổ chức phân loại trình độ học sinh để có kế hoạch ôn tập phù hợp. Sau khi kết thúc chương trình, kế hoạch ôn tập cần tăng cường hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn; sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, không gây quá tải...

Trong quá trình ôn tập, giáo viên cần hướng dẫn để học sinh tự hệ thống hóa kiến thức; luyện tập các dạng câu hỏi, bài tập theo yêu cầu của chương trình. Nhưng thầy cô không nên yêu cầu trò làm quá nhiều bài tập, đề thi có cùng dạng. Chỉ cần làm với số lượng vừa đủ, nhưng bao quát hết các dạng bài tập tương ứng với yêu cầu của nội dung chương trình. Làm sao để học sinh nắm vững kiến thức, có khả năng vận dụng, so sánh, thấy rõ mối quan hệ giữa các đơn vị kiến thức.

Thầy cô cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá để xem học sinh còn yếu những gì để kịp thời bổ sung. Bên cạnh giúp trò hiểu bản chất kiến thức, thầy cô cần lưu ý giúp các em biết cách vận dụng trong các tình huống cuộc sống.

- Hiện, hầu hết địa phương tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT, bên cạnh đó, nhiều trường cũng tổ chức kỳ thi thử cấp trường. Điều này có nên hay không?

- Tổ chức thi thử tốt nghiệp giúp học sinh làm quen với việc tham gia kỳ thi, đề thi; đồng thời cũng là một lần kiểm tra kiến thức của người học để có kế hoạch ôn tập trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, việc tổ chức thi không nên quá nhiều. Một mặt gây áp lực không cần thiết, mặt khác nếu đề thi thử không bảo đảm chất lượng; cách thức tổ chức thi thử hoặc động lực của học sinh khi làm bài chưa phù hợp có thể dẫn tới kết quả không phản ánh đúng năng lực, ảnh hưởng không tốt đến việc ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi chính thức của học sinh.

Ôn thi tốt nghiệp THPT: Lưu ý của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học- Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành.

Dựa vào mạch kiến thức cốt lõi

- Bộ GD&ĐT đã công bố đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Các nhà trường, giáo viên, học sinh nên khai thác, tận dụng tài liệu này ra sao để phát huy hiệu quả công tác ôn tập?

- Bộ GD&ĐT đã công bố đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, thầy cô triển khai đến các học sinh để nắm định dạng, cấu trúc, cách hỏi trong đề thi; cho học sinh làm thử các bài kiểm tra theo dạng đề tham khảo sau mỗi chương, chủ đề trong quá trình học tập.

Qua đề tham khảo, học sinh có thể phân biệt được các câu hỏi ở những mức độ khác nhau; từ đó có định hướng ôn tập và không bị bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi chính thức. Ngoài ra, tùy theo nhóm học sinh, thầy cô có thể cung cấp thêm tài liệu để tham khảo, luyện tập thêm, nhưng không nên quá nhiều, gây quá tải không cần thiết.

Tài liệu chính để ôn tập vẫn là sách giáo khoa và vở ghi bài học đã học, các dạng câu hỏi, bài tập, bài thực hành… đã làm trong quá trình học tập; cần dựa vào đó để ôn tập thật chắc từng đơn vị kiến thức cơ bản.

- Một số lưu ý của ông đối với thí sinh để ôn tập hiệu quả trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay?

- Học sinh cần ôn tập dựa vào mạch kiến thức của chương trình lớp 12 và kiến thức của các lớp dưới có liên quan, tiếp nối với các nội dung kiến thức của lớp 12.

Với sự hướng dẫn của thầy cô, các em có thể sử dụng nhiều cách khác nhau để hệ thống hóa kiến thức. Ví dụ, hệ thống kiến thức cơ bản bằng cách xây dựng đề cương với hình thức hỏi - đáp, phủ kín nội dung của chương trình môn học hoặc theo trình tự bài học, hoặc theo chủ đề, dạng bài... Thí sinh cũng có thể hệ thống kiến thức cơ bản bằng cách lập bảng hay sơ đồ hệ thống hóa kiến thức, tùy theo cách nào các em dễ nhớ.

Các em cần tự làm đề cương, bảng hay sơ đồ hệ thống hóa kiến thức vì trong khi thực hiện sẽ nắm vững kiến thức một cách chủ động, chắc chắn. Khi làm các bài tập luyện tập, đối với mỗi câu hỏi, dạng bài, các em phải nắm vững về kiến thức và phương pháp giải để vận dụng vào các câu hỏi, bài tập tương tự; trước khi làm mỗi câu hỏi, bài tập cần so sánh với câu hỏi, bài tập đã làm để đối chiếu sự giống và khác nhau; không nhất thiết phải làm quá nhiều bài tập tương tự...

Cuối cùng, có thể luyện các đề tổng hợp, tương ứng với cấu trúc đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT với thời gian làm bài như khi thi thật để có kinh nghiệm trong việc phân bố thời gian cho bài thi.

- Xin cảm ơn ông!


Hiếu Nguyễn (giaoducthoidai.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem