OCOP Đắk Lắk: Kết nối thị trường, hoàn thiện sản phẩm

P.V Thứ ba, ngày 06/10/2020 09:02 AM (GMT+7)
Sau 2 năm triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Đắk Lắk đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người tiêu dùng… là động lực tích cực trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo.
Bình luận 0

Khắc phục nhược điểm, sẵn sàng tham gia thị trường

Giữa năm 2019, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 1040 về việc phê duyệt Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Cùng với đó, tỉnh này cũng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Chương trình OCOP nói trên. Ngay sau đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk đã ban hành các công văn nhằm hướng dẫn và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình OCOP. Đến nay, toàn tỉnh đã có 15/15 huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP; 15/15 huyện, thị xã, thành phố ban hành Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm.

OCOP Đắk Lắk: Kết nối thị trường, hoàn thiện sản phẩm - Ảnh 1.

Công ty TNHH SX&TM Cà phê Vương Thành Công tham gia Hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Sóc Trăng.

Sau hơn 2 năm, Chương trình OCOP của tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những kết quả bước đầu; nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp chính quyền, của đông đảo các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là của người tiêu dùng…

Để Chương trình được phổ biến sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị truyền thông, báo chí kịp thời đưa tin các hoạt động, nội dung liên quan đến sản phẩm tham gia giới thiệu trong các chương trình hội nghị, lễ hội…Ngoài ra, Văn phòng Điều phối nông thôn mới đã hợp đồng với các Tạp chí, báo in… trực tiếp tuyên truyền về các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế khi tham gia OCOP của tỉnh theo định kỳ hàng tháng. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng trực tiếp ban hành 10 ngàn cuốn sổ tay tuyên truyền Chương trình OCOP.

Bên cạnh hoạt động tuyên truyền, cơ quan chuyên môn cũng đã thông tin, vận động các đơn vị có các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, đại diện cho tỉnh Đắk Lắk đi trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối với các thị trường trong và ngoài tỉnh trong các Chương trình, Lễ hội, Hội thảo… do Trung ương, địa phương tổ chức. Qua đó, các đơn vị trưng bày sản phẩm cơ bản đã nắm bắt được cơ hội kết nối thị trường, hoàn thiện sản phẩm để tham gia vào hệ thống các siêu thị của BigC, Vinmart…

Đặc biệt, cuối năm 2019, cơ quan chuyên môn đã tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên tại Đắk Lắk. Hoạt động này đã giúp các chủ thể (có sản phẩm tham gia hội chợ) tự đánh vị trí, yếu điểm cũng như cơ hội khi tham gia vào thị trường của sản phẩm của mình. Từ đó, các chủ thể từng bước khắc phục nhược điểm, nâng cao chất lượng sản phẩm để thích ứng với thị trường.

Trang bị kiến thức cho cán bộ quản lý và các chủ thể

Song song với các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến thương mại, hàng năm, trên cơ sở thống kê nhu cầu đào tạo, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch, nội dung tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý (tỉnh, huyện, xã) cũng như các chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Năm 2019, Sở đã tổ chức được 2 lớp dành cho cán bộ quản lý và 3 lớp dành cho các chủ thể (gồm: Chủ doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Hộ sản xuất kinh doanh) với số lượng 330 học viên tham dự. 

Trong năm 2020, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tập huấn, triển khai kế hoạch năm 2020 về Chương trình OCOP cho 320 người tham dự. Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, đồng chí Bùi Văn Cường đã đến tham dự và trực tiếp chỉ đạo tại Hội nghị này. Đồng thời, theo dự kiến, trong năm 2020, toàn tỉnh sẽ có thêm gần 400 học viên được tham dự các lớp tập huấn.

Các lớp tập huấn, ngoài việc trang bị kiến thức cho các cán bộ quản lý Chương trình OCOP, mỗi chủ thể tham gia Chương trình OCOP sẽ nắm được cách viết câu chuyện sản phẩm cũng như quy trình xây dựng mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, quy trình xây dựng mã vạch, chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu, xây dựng phương án kinh doanh… 

Anh Lê Văn Bằng, Phó giám đốc Công ty TNHH SX&TM Cà phê Vương Thành Công cho biết: "Sau khi tham dự lớp tập huấn, chúng tôi đã nắm vững hơn về quy trình đăng ký, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm. Đồng thời, đơn vị cũng nắm được những khiếm khuyết cần hoàn thiện khi đưa sản phẩm ra thị trường".

Sau 2 năm thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Đắk Lắk đã có 11 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao và 10 sản phẩm đạt 3 sao. Ngoài ra, các huyện Krông Năng, Ea H'Leo, Cư M'Gar, Krông Ana cũng đã tổ chức đánh giá cho tổng cộng 8 sản phẩm, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao và 6 sản phẩm đạt 3 sao. Dự kiến tháng 11, tỉnh sẽ tổ chức đánh giá đợt 2 cho trên 20 sản phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem