Ô tô bị cây đổ đè trúng sau trận mưa đá, gió lốc ở Hà Nội, ai phải bồi thường?

Quang Trung Chủ nhật, ngày 21/04/2024 19:47 PM (GMT+7)
Theo chuyên gia pháp lý, để được bồi thường, người bị thiệt hại phải chứng minh mình không có lỗi và đã có thiệt hại do cây cối gây ra.
Bình luận 0

Nhiều xe ô tô bị cây đổ đè trúng sau trận dông lốc

Tối 20/4, lãnh đạo Đội CSGT đường bộ số 1 (Phòng CSGT, Công an Hà Nội) cho biết, đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng xử lý hiện trường cây đổ trúng ô tô trên phố Quán Sứ (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Ô tô bị cây đổ đè trúng sau trận mưa đá, gió lốc ở Hà Nội, ai phải bồi thường?- Ảnh 1.

Một chiếc xe bị cây xanh đổ trúng trên phố Quán Sứ. Ảnh: Nguyễn Hùng.

Trước đó, khoảng 20h cùng ngày, dông lốc kèm gió giật mạnh khiến một số cây xanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm bị bật gốc.

Trên phố Quán Sứ, hai chiếc xe sang, gồm một ô tô nhãn hiệu Audi và một ô tô nhãn hiệu Mercedes, bị cây gãy đổ đè trúng. Hai chiếc ô tô bị hư hại nhưng rất may không có ai bị thương.

Ghi nhận của Dân Việt cho thấy, tại một số quận huyện khác, nhiều xe ô tô, xe máy cũng bị cây đè trúng, hư hỏng. Đến khoảng 21h30, các cây xanh bị đổ đã được di chuyển đi, giao thông trở lại bình thường.

Cũng trong tối qua, nhiều quận huyện như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa ghi nhận mưa đá, kéo dài khoảng 10-20 phút.

Sau thông tin này, bạn đọc đặt câu hỏi, những xe ô tô bị cây gãy đổ đè trúng, ai phải bồi thường?

Ai phải bồi thường?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, mùa mưa bão khiến cây xanh ngã đổ làm hư hỏng tài sản của người dân là khá phổ biến trong thời gian qua.

Theo quy định của pháp luật, nếu cây xanh gây ra thiệt hại mà người bị thiệt hại không có lỗi, người quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại.

Bởi vậy, trong trường hợp cây đổ đè bẹp xe ô tô mà chủ xe ô tô không có lỗi, người quản lý cây xanh đó phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do cây cối gây ra.

Cụ thể, Điều 604, Bộ luật dân sự 2015 quy định: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.

Trong khi đó, Điều 584, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại sẽ phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Trường hợp tài sản gây thiệt hại, chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Theo ông Cường, việc bồi thường dựa trên nguyên tắc, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế, bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại sẽ không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Trường hợp cây xanh có nguy cơ bị đổ, đã có biển cảnh báo cấm đỗ xe mà chủ xe vẫn đỗ vào đó thì mới được loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Còn trường hợp là khu vực được phép đỗ xe, việc đỗ xe đúng quy định, đơn vị quản lý cây xanh có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại.

Còn trường hợp nếu các xe ô tô này có bảo hiểm, bảo hiểm có thể sẽ chi trả cho những hư hỏng theo nội dung hợp đồng bảo hiểm thân vỏ.. Ngoài ra, chủ xe cũng liên hệ với cơ quan chức năng để xác định đơn vị nào quản lý những cây xanh này để thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, ông Cường cho biết thêm, theo quy định, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người hoặc đơn vị được giao quản lý cây xanh không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. 

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Vì vậy thiệt hại nếu được xác định là do sự kiến bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của nạn nhân, sẽ không đặt ra trách nhiệm bồi thường.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem