Đến một nơi ở Tiền Giang, bất ngờ thấy cây mai chiếu thủy có tên: Cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô, tư

Sớm Mai (Cổng TTĐT Tiền Giang) Thứ ba, ngày 13/02/2024 06:01 AM (GMT+7)
Cuối năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Mai chiếu thủy nu Gò Công". Khu vực vùng địa lý sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận "Mai chiếu thủy nu Gò Công" của tỉnh Tiền Giang...
Bình luận 0

Cuối năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Mai chiếu thủy nu Gò Công". 

Khu vực vùng địa lý sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận "Mai chiếu thủy nu Gò Công" của tỉnh Tiền Giang, gồm: Huyện Gò Công Tây có các xã: Thạnh Nhựt, Long Vĩnh, Bình Nhì, Vĩnh Hựu, Đồng Sơn, Thạnh Trị và thị trấn Vĩnh Bình; huyện Gò Công Đông gồm các xã: Tân Đông, Bình Nghị, Gia Thuận, Kiểng Phước, Bình Ân, Phước Trung, Tân Điền, Tân Phước, Tân Tây, Tân Thành, Tăng Hòa, thị trấn Tân Hòa và thị trấn Vàm Láng; huyện Tân Phú Đông gồm các xã: Phú Đông, Phú Tân, Tân Phú, Tân Thới, Phú Thạnh và Tân Thạnh; thị xã Gò Công gồm các Phường: 2, 3, 4, 5 và các xã: Long Hưng, Long Chánh, Tân Trung, Long Hòa, Long Thuận, Bình Đông và Bình Xuân.

Nghệ nhân tạo hình kiểng cổ mai chiếu thủy nu theo dáng: Cần, kiệm, liêm, chính; chí, công vô, tư.

Cây "Mai chiếu thủy nu" vốn đã bén rễ ở vùng đất Gò Công trên 100 năm nay, nhiều gia đình trở nên khấm khá và gầy dựng nên cơ nghiệp cũng nhờ cây kiểng cổ này.

Đến một nơi ở Tiền Giang, bất ngờ thấy cây mai chiếu thủy có tên: Cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô, tư- Ảnh 2.

Xây dựng nhãn hiệu mai chiếu thủy đặc trưng của vùng đất Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Nhắc đến vùng đất Gò Công thì nhiều người biết đến bởi nơi đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, với những nhân vật đã đi vào lịch sử, cùng với nhiều sản phẩm đặc trưng. 

Đặc biệt, kiểng cổ "Mai chiếu thủy nu" đã làm say mê biết bao người yêu cây cảnh bởi vẻ đẹp khác biệt so với các loại cây kiểng khác. 

Theo truyền miệng của những nghệ nhân địa phương, giống mai này có mặt ở vùng Gò Công ít nhất cũng phải trên 100 năm, xuất phát từ tầng lớp quý tộc và chịu ảnh hưởng của nho giáo thông qua tạo hình của kiểng cổ.

Từ vài héc-ta ban đầu, nay diện tích trồng mai ở 04 huyện, thị của vùng đất Gò Công có trên 50 ha. Nghệ nhân Lê Văn Quang, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh (SVC) huyện Gò Công Tây, người đã gắn bó với cây mai nu hơn 30 năm cho biết: Qua lời kể của những cao niên, gần 100 năm trước trong khu ruộng của ông Bái Tám (vốn là một địa chủ giàu có nhất vùng) thuộc ấp Thạnh Lạc Đông, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây có khu mộ dòng họ Lê được tấn đá xanh, bên cạnh là con rạch Mù U, xuất hiện nhiều giống mai hoang dại...

Rồi do tự lai tạo hay đột biến thành giống mai có nhiều u nần. Một số người thấy lạ nên bẻ vài nhánh về trồng thử... Sau khi thấy độc lạ và cho hiệu quả kinh tế cao, giống mai nu này được người dân nhân rộng ra nhiều ấp của xã Thạnh Nhựt.

Bà Lê Nhất Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Gò Công Tây cho biết: Hiện nay, huyện Gò Công Tây là một trong 04 huyện, thị xã vùng Gò Công được biết đến là vùng lõi của sản phẩm mai nu với tổng diện tích trồng cây mai nu chiếu thủy khoảng 34 ha, tập trung nhiều nhất là ở xã Thạnh Nhựt, Long Vĩnh, Vĩnh Hựu và thị trấn Vĩnh Bình. 

Riêng ở xã Thạnh Nhựt, diện tích trồng cây mai chiếu thủy nu là 20,9 ha, trồng nhiều nhất là ấp Thạnh Lạc Đông và ấp Tân Thạnh. 

Người dân chủ yếu trồng mai chiếu thủy, mai nu trước sân nhà vừa làm đẹp cho cảnh quang nhà vừa làm kinh tế. Đối với cây mai chiếu thủy nu nguyên liệu thì người dân trồng xen trong vườn dừa hoặc trồng ngoài đồng ruộng.

Xuất phát từ tình hình trên, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Gò Công Tây cùng với Hội SVC đã đề xuất với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Tiền Giang xây dựng thương hiệu cho cây "Mai chiếu thủy nu". 

Theo đó, cuối năm 2021, Sở KH&CN phối hợp với UBND huyện và Trung tâm Nghiên cứu công nghệ, sở hữu trí tuệ CIPTEK công bố kết quả tạo lập và đề xuất phương án phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Mai chiếu thủy nu Gò Công". UBND huyện cũng đã trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho 23 cá nhân trên địa bàn huyện.

Ông Phạm Văn Chính, Chủ tịch Hội SVC tỉnh Tiền Giang cho biết: Nhãn hiệu "Mai chiếu thủy nu Gò Công" được công nhận nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế cũng như nâng cao giá trị nhận diện thương hiệu cho sản phẩm đến khách hàng và người thưởng lãm trong và ngoài tỉnh. 

Đồng thời giúp quản lý kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu một cách hiệu quả, phù hợp, mang lại giá trị ổn định cho các chủ thể trồng, kinh doanh sản phẩm trên địa bàn…

Thú chơi tao nhã cho hiệu quả kinh tế cao

Ông Phạm Văn Chính, Chủ tịch Hội SVC tỉnh Tiền Giang cho biết thêm: Kiểng cổ Gò Công không tự do phóng khoáng mà theo một nguyên tắc, kết cấu bố trí bày bản, tỉ mỉ và hài hòa về tổng thể. 

Việc tạo hình cho một cây kiểng nào đó đều mang một ý nghĩa triết lý sâu sắc, chẳng hạn: Bộ kiểng nu tam cang (quân thần cang, phu thê cang, phụ tử cang), ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) hay tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh)…

Trong đó, bộ kiểng cổ được xem đạt chuẩn khi dáng, thế tổng thể của cây phải nằm trọn trong một tam giác cân, thể hiện sự ngay ngắn, vững bền của gia đình; thân, gốc to, ngọn nhỏ (đầu voi, đuôi chuột) ngụ ý trụ cột gia đình vững chắc, gương mẫu…

Đồng thời, người làm ra những bộ kiểng này không chỉ thể hiện sự tu thân, sửa mình, mà còn để răn dạy, nhắc nhở người thưởng thức kiểng phải biết sống theo đạo lý thánh hiền. Bởi theo ông, kiểng cổ là cây cảnh được tạo hình theo giáo huấn của người xưa.

Thật vậy, để có những gốc mai nu như ý muốn, người trồng phải mất 3 - 5 năm để trồng cây nguyên liệu. Khi gốc cây mai nu đạt kích cỡ, người trồng cho cây vô chậu. Sau đó, người trồng mới chỉnh sửa, tạo dáng cho cây mai nu. 

Trong quá trình tạo hình, chỉnh dáng, người trồng định kỳ uốn cong thân để tạo hình, như: "Siêu phong bán nguyệt", "Lá rụng về cội", "Vô nữ bất thành mai" hay "Tam cương, ngũ thường"… 

Dân chơi kiểng sành điệu sẵn sàng trả giá rất cao đối với những gốc mai nu được trồng lâu năm, được tạo hình đặc biệt và mang nhiều ý nghĩa triết lý. Một cặp kiểng cổ mai chiếu thủy nu có giá từ vài triệu đồng đến vài trăm triệu đồng.

Nhiều người trồng mai nu chiếu thủy cho biết trồng mai nu vừa tạo thú vui, vừa giúp phát triển kinh tế. Nhờ cây mai, nhiều gia đình xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con ăn học thành tài. 

Gần 50 năm trồng mai nu chiếu thủy, ông Huỳnh Văn Nghĩa, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây có hơn 1.000 gốc loại cây kiểng cổ mai nu chiếu thủy với giá trị tiền tỷ. 

Ông Nghĩa cho biết: Tôi trồng mai nu mặt khỉ lúc đầu vì say mê. Vì thế, tôi không bán tác phẩm của mình. 

Nhưng gần đây vì muốn tăng thu nhập cho gia đình nên giờ tôi đã bán tác phẩm mai nu của mình.

Ông Phạm Văn Ba, ấp Lợi An, xã Bình Tân cho biết: Trồng mai nu cũng khá công phu, từ cây nguyên liệu đến nuôi dưỡng, tạo hình, tạo dáng cho cây. 

Cây mai nu mặt khỉ khi đã tạo hình hoàn chỉnh, theo nguyên tắc chơi kiểng cổ có giá trị rất cao. 

Tuy nhiên để tạo dáng, tạo hình cho cây mai nu thành sản phẩm nghệ thuật, người trồng phải có nghề. "Mai chiếu thủy nu" có bông chiếu xuống đất, trên thân có nhiều u nần giống mặt khỉ nên còn gọi là nu mặt khỉ. Giá trị ở chỗ có nhiều u nần, lâu năm tạo thành dãy nu, da có màu xám đặc trưng.

Để thỏa niềm đam mê, cũng như nhu cầu của thị trường, nghệ nhân ngày nay còn sáng tạo tạo hình các thế cây phù hợp. 

Cụ thể, ngày nay, ngoài các loại bonsai trung, tiểu, mini từ mai chiếu thủy nu; các nghệ nhân đã sáng tạo những tác phẩm kiểng cổ theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để giáo dục mình và con cháu mai sau. 

Thay gì "tam cương ngũ thường", "tam tòng tứ đức", thì người nghệ nhân tạo hình cho cặp kiểng mai nu gồm 08 tàng (mỗi bên 4 tàng), trên cùng là ngôi sao 5 cánh và đặt tên cho mỗi 04 tàng lần lượt là: Cần, kiệm, liêm, chính; chí, công vô, tư. Còn trên đọt là hình ngôi sao hoặc búa liềm thể hiện Tổ quốc và Đảng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem