Nuôi con ăn bẩn thải ra thứ phân sạch, có bao nhiêu thiên hạ mua bằng hết, cô giáo Vĩnh Phúc rủng rỉnh tiền tiêu

Trương Bích Ngọc (Cổng TTĐT Sở NNPTNT Vĩnh Phúc) Chủ nhật, ngày 12/06/2022 19:00 PM (GMT+7)
Đó là mô hình nuôi giun quế (trùn quế) của chị Nguyễn Thu Hằng, chủ Trang trại TH Green ở thôn Tam Lộng, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc)
Bình luận 0

Đến thăm trang trại nuôi giun quế (trùn quế) của chị Hằng, chúng tôi ấn tượng ngay từ cái tên TH Green nghe rất đỗi thân thiện với môi trường và mang lại một niềm tin, hi vọng vào tương lai của nông nghiệp xanh, sạch. 

Với các sản phẩm phân giun quế hữu cơ được tạo từ mô hình nuôi giun quế vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa hướng tới một nền nông nghiệp sạch, an toàn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Nuôi con ăn bẩn thải ra thứ phân sạch, có bao nhiêu thiên hạ mua bằng hết, cô giáo Vĩnh Phúc rủng rỉnh tiền tiêu - Ảnh 1.

Chị Hằng đang chuẩn bị lồng nuôi giun quế tại trang trại của gia đình ở thôn Tam Lộng, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc).

Từng tốt nghiệp đại học Sư Phạm và đi giảng dạy nhiều năm, nhưng chị Hằng có niềm đam mê phát triển kinh tế nông nghiệp, cùng nỗi lo về nguồn thực phẩm không an toàn, sự ô nhiễm của môi trường sinh thái. 

Chị Hằng nhận thấy giun là loài thức ăn giàu đạm, chất lượng cao để nuôi gia súc, gia cầm và thủy hải sản, đồng thời nuôi giun quế làm giảm chi phí thức ăn chăn nuôi. Phân giun quế thường được sử dụng cho các mục đích như: Kích thích sự nẩy mầm và phát triển của cây trồng; điều hòa dinh dưỡng cải tạo đất, làm cho đất màu mỡ và tơi xốp; dùng làm phân bón lót cho cây rau quả, tạo ra sản phẩm có chất lượng và năng suất cao. 

Phân giun quế là loại phân sạch để bón cho hoa, cây cảnh, rau quả trong nông nghiệp sạch, được thị trường rất ưa chuộng. Vì vậy, chị Hằng đã bỏ thời gian và công sức ra tìm hiểu về mô hình nuôi trùn quế để vừa phát triển kinh tế cho gia đình vừa thỏa niềm đam mê theo đuổi sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Sau hơn một năm tìm tòi, học hỏi, đến đầu năm 2020, chị đã xây dựng mô hình nuôi trùn quế với diện tích khoảng 500m2 trong trang trại TH Green rộng 2 ha của gia đình. Ban đầu chị gom góp tiền mua giun giống và xây chuồng trại chỉ vỏn vẹn hơn 100 triệu. Quá trình nuôi giun quế chị chịu khó học hỏi và tự nhân giống nên tiết kiệm đáng kể chi phí con giống sau này.

Nói về lợi ích của nuôi giun quế, chị Hằng cho biết: Thứ nhất, nuôi trùn quế sau 1,5 đến khoảng 2 tháng là có thể thu hoạch, mỗi con trùn có hàm lượng đạm 80%, rất thích hợp làm thức ăn chăn nuôi, ép thành cám để đa dạng thức ăn cho vật nuôi, gia cầm. 

Thứ hai, nuôi giun quế có thể làm phân bón cho cây trồng nhất là hoa, cây cảnh, rau và cây ăn quả. Điểm thứ ba cực kỳ giá trị mà chưa nhiều người biết đến đó là phòng dịch, không chỉ phòng dịch cho cây, cho vật nuôi, mà còn cho cả con người.

Vì trước khi cho giun quế ăn, thức ăn đã được xử lý sạch; giun quế cũng phân hủy chất hữu cơ rất nhanh, để lại chất kháng khuẩn nên gần như không còn vi khuẩn có hại nữa. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản bằng trùn quế mang đến nguồn thực phẩm sạch.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản bằng trùn quế cũng hạn chế được dịch bệnh cho con người, đặc biệt.

Dinh dưỡng từ giun cũng rất cao nên giúp tăng đề kháng, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản.

Chị Hằng cho biết thêm: Với nguồn nguyên liệu đầu vào để nuôi giun quế là các phế thải hữu cơ và các loại phế phụ phẩm nông nghiệp, nhưng chủ yếu vẫn là phân bò.

Vì vậy, gia đình chị đã thu gom phân bò tại các cơ sở chăn nuôi bò ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường về ngâm ủ bằng chế phẩm vi sinh để nuôi giun quế. Sản phẩm mang lại sau quá trình nuôi gồm: giun quế tinh để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản, phân trùn quế tươi và phân trùn ép viên để bón cho cây trồng. 

Giun quế tinh chị Hằng bán với giá 80.000 - 100.000 đồng/kg; phân trùn quế  tươi bán với giá là 4.000 - 6.000đồng/kg và phân trùn quế ép viên bán với giá 25.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết các chi phí nuôi cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi trùn quế.

Mô hình nuôi trùn quế đã giúp cải thiện đáng kể đời sống của gia đình chị Hằng. Ngoài ra, trang trại nuôi trùn quế của chị còn tạo việc làm cho 2 - 3 nhân công nhàn rỗi tại địa phương với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Nuôi con ăn bẩn thải ra thứ phân sạch, có bao nhiêu thiên hạ mua bằng hết, cô giáo Vĩnh Phúc rủng rỉnh tiền tiêu - Ảnh 4.

Sản phẩm phân trùn quế ép viên của trang trại TH Green hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi trùn quế, chị Hằng cho biết: Khi bắt đầu nuôi giun quế thì nhiều giun quế chết do chưa có kỹ thuật chăn nuôi, hoặc do nguồn phân đầu vào chưa chất lượng. Chuồng trại ban đầu không có mái che nên trời mưa thì giun quế bò ra ngoài nên bị cóc và chuột ăn...

Mỗi lần gặp khó khăn như vậy, chị lại rút ra được nhiều kinh nghiệm, tránh sai lầm cho lần sau và tiếp tục học hỏi thêm kỹ thuật nuôi trùn quế từ các trang trại khác. 

Hiện, chị đã nhân giống trùn quế và phát triển được hơn 20 lồng trùn quế, sản phẩm trùn quế tươi và phân trùn quế bước đầu sản xuất tại trang trại của chị đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của người dân trong vùng về lợi ích mang lại.

Nhận thấy việc nuôi trùn quế phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay, ông Phạm Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết:Thời gian tới, địa phương sẽ đưa mô hình nuôi trùn quế của chị Hằng giới thiệu cho một số thôn để bà con được học hỏi và thử nghiệm vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái ở địa phương.

Hiệu quả từ mô hình nuôi giun quế trong trang trại TH Green của chị Nguyễn Thu Hằng đã mang lại lợi ích kép: vừa tăng hiệu quả kinh tế vừa đóng góp đáng kể trong bảo vệ môi trường.

Chị Hằng xứng đáng là tấm gương phụ nữ tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp tiêu biểu để các chị em phụ nữ ở địa phương tìm đến học tập, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem