Nuôi loài cá toàn thân màu hồng, cá đặc sản trên hồ nước ngọt lớn nhất miền Bắc, nhiều người khấm khá

Thiên Ngân Thứ năm, ngày 17/02/2022 19:00 PM (GMT+7)
Nhờ nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà - hồ nước ngọt lớn nhất miền Bắc, nhiều hộ dân tại một số địa phương ở tỉnh Yên Bái có thu nhập thường xuyên, đời sống khấm khá. Trong đó, loài cá được bà con nuôi phổ biến là cá diêu hồng, cá lăng, trắm, chép, rô phi...
Bình luận 0

Nuôi cá diêu hồng dày đặc trên hồ nước ngọt lớn nhất miền Bắc

Hồ Thác Bà là 1 trong 3 hồ nhân tạo lớn nhất cả nước, diện tích mặt nước hơn 19.000ha, với 1.300 đảo lớn nhỏ, độ sâu hơn 40 m, có các đảo cây xanh, nước sạch và ổn định nên rất thuận lợi để nuôi cá lồng. Với chiều dài gần 100km, những năm gần đây nhiều hộ dân thuộc các huyện Yên Bình, Lục Yên (Yên Bái) đã đầu tư nuôi cá, đem lại hiệu quả cao. 

Có hai hình thức nuôi cá ở hồ Thác Bà. Đó là nuôi cá trong lồng và nuôi cá trong eo ngách (dùng lưới chắn các eo ngách của hồ để nuôi cá) với 10 loại cá chính, trong đó cá trắm cỏ, rô phi vằn, nheo Mỹ, trắm đen, diêu hồng là những loài cá có sản lượng lớn, được nuôi phổ biến nhất.

Đặc biệt, cá diêu hồng là đối tượng nuôi dày đặc, cho sản lượng lớn nhất, bình quân 2.000 tấn/năm.

Nuôi loài cá toàn thân màu hồng, cá đặc sản trên hồ nước ngọt lớn nhất miền Bắc, nhiều nông dân khấm khá - Ảnh 1.

Cá diêu hồng được nuôi dày đặc tại một trang trại trên hồ Thác Bà. Ảnh: Thiên Ngân

Trên "vựa cá khổng lồ" của Tây Bắc này, Công ty Thủy sản Hoàng Kim hiện đang có khoảng 300 lồng cá, thả nuôi trên diện tích 5ha. Trong đó, cá lăng chấm chiếm khoảng 60% số lồng, còn lại là nuôi cá diêu hồng và rô phi đơn tính. Mỗi ngày Công ty Hoàng Kim xuất bán từ 7 - 8 tấn cho Công ty Cá sạch Việt Nam và một số khách hàng, sản lượng cá mỗi năm từ 1.500 - 1.800 tấn.

Thời điểm năm 2021, Công ty CP nghiên cứu, ứng dụng dịch vụ khoa học công nghệ T&T nuôi 110 lồng cá với thể tích trung bình 500 m3/lồng. Chủng loại cá nuôi phổ biến là cá trắm đen, chép, diêu hồng, ngạnh, nheo, koi... Sản lượng nuôi cá bình quân đạt khoảng 1.000 tấn/năm với doanh thu 35 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt trên 3 tỷ đồng/năm.

Theo công nhân ở đây, cá diêu hồng (còn gọi là cá rô phi đỏ) là một trong những loài dễ nuôi nhất. Cá diêu hồng được nuôi trong môi trường tự nhiên hồ Thác Bà, sử dụng nguồn thức ăn chủ yếu là cá biển, tép, hạt đậu, cám… nên thịt cá thơm và chắc.

Bên cạnh đó, môi trường nước tại hồ Thác Bà rất trong lành nên phù hợp để nuôi cá đặc sản.

Gia đình anh Nguyễn Kim Lến ở thôn 2 xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình khởi nghiệp với nghề nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà từ năm 2016. 

Ban đầu, tự nhận thấy mình còn thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên anh nuôi 2 lồng, mỗi lồng hơn 100 m3 và chọn những loài cá dễ nuôi, dễ bán như cá trắm, cá rô phi, điêu hồng… 

Năm 2018, anh Lến tiếp tục đầu tư đóng mới 4 lồng để nuôi thêm cá đặc sản cho giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá nheo… 

Đến nay, với 8 lồng cá các loại, ước tính mỗi năm gia đình anh Lến cung ứng cho thị trường hơn 2 tấn cá, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng.

Nhận thấy việc nuôi cá đặc sản có nhiều tiềm năng và hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ nuôi thủy sản trên lòng hồ Thác Bà đã kết hợp nuôi cá truyền thống với cá đặc sản, phổ biến là cá ngạnh và cá nheo. Đây là những loài cá bản địa, ít bị nhiễm bệnh, cho chất lượng thịt thơm ngon, thường được khách hàng đặt mua trước nên giá bán cao gấp từ 5-10 lần so với giá cá bình thường.

Nuôi loài cá toàn thân màu hồng, cá đặc sản trên hồ nước ngọt lớn nhất miền Bắc, nhiều nông dân khấm khá - Ảnh 3.

Nuôi cá điêu hồng trên hồ Thác Bà. Ảnh: yenbaigov

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Yên Bình, trên hồ Thác Bà hiện có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 13 tổ hợp tác và trên 300 hộ nuôi cá lồng bè, nuôi cá quây lưới với 1.850 lồng nuôi cá trên diện tích 230 ha mặt nước. Sản lượng thủy sản hàng năm đạt trên 11.000 tấn. 

Trong đó cá nuôi khoảng 8.500 - 9.000 tấn, với các loại cá: rô phi 300 tấn, điêu hồng 2.000 tấn, lăng 1.500 tấn, trắm đen 600 tấn, ngạnh 500 tấn, nheo 500 tấn, chép 200 tấn, các loại cá khác 200 tấn. Nhờ nuôi cá, người dân trong vùng có doanh thu khoảng trên 600 tỷ đồng/năm.

Năm 2019, sản phẩm cá hồ Thác Bà đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và công nghệ cấp nhãn hiệu tập thể “Cá hồ Thác Bà đặc sản Yên Bái”, với 7 loài cá chủ lực gồm: Cá rô phi vằn, cá diêu hồng, cá trắm cỏ, cá trắm đen, cá chép, cá ngạnh, cá nheo Mỹ.

Để thúc đẩy kinh tế vùng hồ Thác Bà phát triển, tăng thu nhập cho bà con nông dân, tỉnh Yên Bái đã có chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nuôi cá lồng có thể tích trên 100m3/lồng với định mức kinh phí hỗ trợ: 10 triệu đồng/lồng cho cá nhân; 5 triệu đồng/lồng cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi cá lồng với quy mô từ 30 lồng trở lên. 

Ngoài ra, tỉnh Yên Bái còn hỗ trợ 20.000 đồng/m2 lưới để quây lưới nuôi cá ở các eo ngách trên hồ Thác Bà.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem