Nuôi loài cá nổi hoa cườm trên thân, nông dân miền núi Quảng Ngãi bắt lên bán giá 110.000 đồng/kg

Mạnh Hùng (TTKN Quảng Ngãi) Thứ hai, ngày 08/01/2024 18:48 PM (GMT+7)
Từ nguồn kinh phí khuyến nông, khuyến ngư tỉnh năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện mô hình nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong ao tại huyện Sơn Tây. Sau 7 tháng thực hiện, cá thát lát đạt trọng lượng bình quân 0,45kg/con, tổng thu từ mô hình đạt gần 180 triệu đồng.
Bình luận 0

Lâu nay, người dân huyện Sơn Tây đã quen nuôi các loài cá nước ngọt truyền thống như cá trắm cỏ, cá trôi, cá chép, cá mè, cá rô phi... cho hiệu quả kinh tế không cao. Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế diện tích mặt nước ao, hồ của huyện Sơn Tây để phát triển nghề nuôi thuỷ sản nước ngọt, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện mô hình nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong ao tại huyện Sơn Tây.

Mô hình được triển khai trên quy mô 450 m2, thả nuôi 4.050 con giống cá thát lát cườm với 02 hộ tham gia. Sau 7 tháng thả nuôi, cá thát lát cườm đạt trọng lượng bình quân 0,45kg/con, với giá bán 110 nghìn đồng/kg, tổng thu từ mô hình đạt gần 180 triệu đồng.

Nuôi loài cá nổi hoa cườm trên thân, nông dân miền núi Quảng Ngãi bắt lên bán giá 110.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Tham quan mô hình nuôi cá thát Lát thương phẩm trong ao của gia đình anh Đinh Văn Mười.

Đầu tháng 05/2023, gia đình Anh Đinh Xuân Trẻo ở thôn Tan Via, xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ 2.025 con giống cá thát lát cườm thả nuôi trong ao có diện tích 225 m2.

Anh Trẻo cho biết, cá thát lát cườm có khả năng chống chịu tốt với các biến động của môi trường nước, dễ nuôi, nhanh thích nghi với điều kiện nguồn nước, khí hậu của miền núi nên lớn rất nhanh. Sau 7 tháng nuôi, trọng lượng trung bình mỗi con đạt từ 0,45 kg/con trở lên.

"Với vụ nuôi này, gia đình tôi sẽ xuất bán được hơn 800 kg cá thát lát cườm thương phẩm, với giá bán 110.000 đ/kg, gia đình tôi thu được hơn 88 triệu đồng", anh Trẻo cho biết thêm.

Cùng tham gia mô hình nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong ao, anh Đinh Văn Mười ở thôn Tan Via, xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây cho biết, để nuôi thành công con cá thát lát cườm thì khâu phòng bệnh là quan trọng nhất. Vì vậy, trong suốt quá trình nuôi, định kỳ 10 ngày dùng 3 – 5 kg vôi bột hòa nước rồi tạt đều xuống ao nuôi cá, vôi bột ngoài tác dụng khử khuẩn còn có tác dụng điều chỉnh độ pH nước ao nuôi. 

Anh Mười chia sẻ: "Ao nuôi cá của gia đình tôi có diện tích 225 m2, được nhà nước hỗ trợ 2.025 con giống cá thát lát cườm. Khi tham gia mô hình, gia đình tôi được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm DVNN huyện Sơn Tây và Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi thường xuyên đến nhà hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng cá. Sau 7 tháng nuôi, cá thát lát cườm đạt trọng lượng bình quân 0,45kg/con, với giá bán hiện tại 110 nghìn đồng/kg, gia đình tôi thu được khoảng gần 90 triệu đồng".

Thạc sỹ Nguyễn Thượng Ánh, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi cho biết, trước khi cấp cá giống cho người dân thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã tiến hành tập huấn và hướng dân người dân kỹ thuật cải tạo ao nuôi, tu sửa và gia cố lại bờ ao, nạo vét đáy ao, dùng vôi bột diệt tạp và khử mầm bệnh rồi phơi đáy ao khoảng 1 tuần. 

Tiếp đó, lấy nước vào ao nuôi và tiến hành gây màu nước, khi nước ao nuôi có màu xanh đọt chuối hoặc màu của vỏ trái đậu xanh thì tiến hành thả cá giống, vì màu nước như vậy thích hợp để nuôi thủy sản. Cá giống có màu sắc tươi sáng, khỏe mạnh, đồng đều về kích cỡ từ 2 cm/com, không bị dị tật và phải được kiểm dịch trước khi cấp cho người dân.

Nuôi loài cá nổi hoa cườm trên thân, nông dân miền núi Quảng Ngãi bắt lên bán giá 110.000 đồng/kg - Ảnh 2.

Sau 7 tháng nuôi, cá thát lát đạt trọng lượng bình quân 0,45kg/con.

Nhằm đánh giá khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, môi trường nước, tốc độ sinh trưởng, phát triển của cá thát lát cườm và khả năng nhân rộng mô hình. Đầu tháng 12/2023, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong ao ở huyện Sơn Tây. 

Ông Nguyễn Ngọc Tài, Phó Giám đốc Trung tâm chủ trì Hội nghị cho biết, để nuôi cá thát lát đạt hiệu quả, đạt lợi nhuận cao trước hết người nuôi không mua cá giống trôi nổi, cần phải lựa chọn cá giống khỏe mạnh, đồng đều về kích thước từ các các cơ sở bán cá giống có uy tín, cá giống phải được kiểm dịch. Khi nuôi với quy mô lớn cần thường xuyên kiểm tra, chăm sóc tốt ao nuôi. Đặc biệt phải định kỳ phòng ngừa các loại bệnh cá hay mắc phải như: bệnh ký sinh trùng (trùng bánh xe, trùng quả dưa…), bệnh xuất huyết, bệnh đốm đỏ, trương bụng…

Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt công tác vệ sinh ao nuôi, cần phải duy trì các yếu tố môi trường nước ao nuôi ở khoảng thích hợp như: nhiệt độ nước từ 27 – 330C, pH nước từ 7,5 – 8,2. Hàng ngày khi cho cá ăn phải kiểm tra lượng thức ăn thừa hay thiếu để điều chỉnh cho phù hợp, tránh trường hợp cho cá ăn quá nhiều, thừa thức ăn làm nước ao nuôi bị bẩn, ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem