Nuôi loài thú chỉ ăn đồ rẻ tiền, bán làm đặc sản, một nông dân Quảng Trị lãi 150 triệu/năm

Ngọc Vũ Thứ ba, ngày 26/12/2023 12:51 PM (GMT+7)
Từng đi nhiều nơi, làm nhiều nghề, anh Bảo nhận ra quê hương thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, (tỉnh Quảng Trị) có nhiều cơ hội để làm giàu từ nông nghiệp. Vì vậy, anh nông dân này về quê trồng trọt, nuôi dúi, lãi 150 triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Nuôi dúi-nuôi con đặc sản làm giàu

Thời gian qua, trại nuôi dúi của anh Nguyễn Đình Bảo (31 tuổi, trú khóm 1, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) có nhiều người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Nuôi dúi, thanh niên Quảng Trị lãi 150 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Đình Bảo trong trại nuôi dúi má đào của mình tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, (tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Ngọc Vũ.

Anh Bảo cho biết, quê hương ở huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Năm 6 tuổi, anh theo cha mẹ vào phố núi Khe Sanh sinh sống, lập nghiệp.

Học xong lớp 12, anh Bảo rong ruổi ở nhiều tỉnh thành phía Nam và Tây Nguyên như TP.Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bình Phước, Đắk Nông làm công nhân, hái tiêu, hái điều thuê cho các nông trại.

Khi làm việc ở Đắk Nông, anh Bảo thấy khí hậu, thổ nhưỡng khá tương đồng với Khe Sanh. Nơi đây, người dân trồng nhiều loại cây hoa màu cho thu nhập cao. 

Vì vậy, năm 2014 anh Bảo quyết định trở về quê trồng các loại hoa màu, cây ngắn ngày như gừng, khoai lang ruột vàng, khoai tía… trên diện tích 3ha. Thế nhưng, giá cả các loại cây này không ổn định, thu nhập bấp bênh.

Không thể phụ thuộc vào các loại cây ngắn ngày, anh Bảo bắt đầu tìm kiếm con nuôi phù hợp để tăng thu nhập cho gia đình.

Nuôi dúi, thanh niên Quảng Trị lãi 150 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 2.

Anh Bảo làm từng ô nuôi dúi bằng gạch hoa. Ảnh: Ngọc Vũ.

Năm 2019, trong một lần đến tỉnh Bắc Giang, anh Bảo thấy người dân nuôi dúi hiệu quả, thu nhập cao nên quyết định làm theo. Thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Hướng Hoá 200 triệu đồng, anh Bảo xây dựng chuồng trại 60m2 rồi mua 30 cặp dúi móc từ Bắc Giang về nuôi.

Thế nhưng, chỉ một thời gian nuôi, 6 cặp dúi của anh Bảo bị chết, thiệt hại gần 20 triệu đồng. Sau khi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi dúi, anh Bảo biết nguyên nhân do chuồng nuôi chỉ lợp mái tôn thường nên khi nắng nóng, dúi không chịu nhiệt độ cao dẫn đến chết. 

Từ đó, anh Bảo thay mái tôn chống nóng, lợp la phông để đảm bảo nhiệt độ chuồng nuôi.

Một thời gian nuôi, anh Bảo nhận thấy giống dúi sóc tăng trưởng chậm, trọng lượng tối đa chỉ khoảng 2kg, lợi nhuận thấp. Vì vậy, anh Bảo tìm hiểu và quyết định xây thêm chuồng 100m2, mua thêm 30 cặp dúi má đào để nuôi.

Anh Bảo cho biết, dúi má đào dễ nuôi, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, trọng lượng trung bình mỗi con từ 3 đến 5kg, có con nặng 6 đến 8kg.

Kỹ thuật nuôi dúi

Chuồng nuôi dúi phải đảm bảo thoáng mát, nhiệt độ không được dưới 10 độ C, và cũng không vượt 38 độ C. Nhiệt độ nuôi dúi tốt nhất từ 26 đến 28 độ C.

Muốn vậy, anh Bảo lắp nhiệt kế trong chuồng nuôi, khi nóng sẽ bật quạt, điều hoà, khi lạnh thì bật đèn sưởi ấm…

Anh Bảo dùng gạch hoa ngăn ra nhiều ô nuôi dúi với diện tích 60cm x 60cm, phía trên có nắp đậy, tạo bóng tối cho dúi có cảm giác an toàn. Bởi lẽ, con dúi thích bóng tối và yên tĩnh.

Nuôi dúi, thanh niên Quảng Trị lãi 150 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 3.

Anh Bảo lắp nhiệt kế trong chuồng nuôi dúi để kiểm soát nhiệt độ ổn định. Ảnh: Ngọc Vũ.

Thức ăn của dúi gồm tre, thân và củ sắn mì, hạt bắp, mía, lau lách, thân cỏ voi… nên khá dễ kiếm. Tuy nhiên, thức ăn nuôi dúi phải khô ráo, tươi sạch. 

Nếu thức ăn không khô ráo, tươi sạch, con dúi dễ bị đau bụng. Cho dúi ăn thức ăn tươi, sạch là cách phòng bệnh tốt nhất.

Anh Bảo cho biết, dúi là loại vật thích sạch sẽ, có thể tự dọn phân cho nơi ở của mình. Đặc biệt, người nuôi không cần cho dúi uống nước nên phân của con dúi khô ráo, dễ dọn vệ sinh.

Dúi 8 tháng tuổi có thể ghép đôi để giao phối, sinh sản. Khi dúi cái muốn giao phối sẽ cào chuồng nuôi và phát ra tiếng kêu. Khi dúi giao phối thành công, cần tách ra, nếu không chúng có thể cắn nhau đến chết.

Sau 1,5 tháng kể từ ngày dúi giao phối thành công thì dúi mẹ có thể sinh sản trung bình từ 4 đến 6 con. 2 tháng sau có thể tách dúi con khỏi dúi mẹ. 

Mỗi năm, dúi mẹ sinh sản từ 2 đến 3 lứa. Dúi 1 năm tuổi có thể nặng 3kg, giá trị cao.

Nuôi dúi, thanh niên Quảng Trị lãi 150 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 4.

Anh Bảo cắt tre cho dúi ăn. Ảnh: Ngọc Vũ.

Anh Bảo cho biết, dúi là loại vật ngủ ngày, ăn đêm. Vì vậy, người nuôi dúi không mất nhiều thời gian chăm sóc, có thể làm thêm nhiều việc khác để có thu nhập.

Dúi ăn thức ăn tự nhiên nên thịt có chất lượng cao, thơm ngon, thực khách ưa chuộng các món tiết canh dúi, dúi hong…

Sau hơn 3 năm, anh Bảo bán khoảng 500 con dúi giống, lãi 150 triệu đồng mỗi năm.

"Thịt dúi được thực khách ưa chuộng, người nuôi có thể yên tâm về đầu ra" – Bảo chia sẻ.

Ông Đinh Trường Hưng – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cho biết, không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Bảo còn tận tình hướng dẫn, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi dúi cho những người khác để cùng nhau xoá đói giảm nghèo, làm giàu. Anh Bảo xứng đáng là tấm gương để mọi người noi theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem