Nuôi con vật ham ăn chuối chín, bán giống, bán thịt, anh nông dân Cà Mau thu tiền lời nhiều hơn nuôi tôm, cua

Hùng Phước (Cổng TTĐT tỉnh Cà Mau) Thứ bảy, ngày 10/12/2022 05:09 AM (GMT+7)
Mô hình gây nuôi chồn hương đã được nhiều nông dân huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) lựa chọn và không chỉ thoát được nghèo, mà từng bước vươn lên khá giàu
Bình luận 0

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) đã mạnh dạn đầu tư thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. 

Trong đó, mô hình gây nuôi chồn hương đã được nhiều nông dân lựa chọn và không chỉ thoát được nghèo, mà từng bước vươn lên khá giàu. Anh Nguyễn Văn Trung, ở ấp 12, xã Khánh Thuận là một hộ nuôi chồn hương thành công điển hình.

Nuôi con vật ham ăn chuối chín, bán giống, bán thịt, anh nông dân Cà Mau thu tiền lời nhiều hơn nuôi tôm, cua - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Trung, ở ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) giới thiệu con chồn hương giống có trọng lượng gần 4 kg trong khu chuồng nuôi chồn hương của gia đình.

Gia đình anh Trung có 4 nhân khẩu, không có đất trồng lúa và chỉ có 6 ha đất rừng trồng tràm. Mỗi vụ tràm (từ lúc trồng đến thu hoạch phải kéo dài từ 5 đến 6 năm), và chỉ có thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng. 

Trong thời gian chờ thu hoạch tràm, anh Trung trồng thêm chuối sứ theo các bờ bao để bán kiếm tiền cải thiện cuộc sống gia đình. 

Ngoài trồng chuối, hàng ngày anh Trung còn vào rừng giăng lưới, cắm câu bắt cá để bán lấy tiền mua gạo ăn, chi tiêu trong gia đình. Mặc dù, việc làm không có thời gian rảnh tay nhưng anh Trung vẫn rất siêng năng, cần cù trong lao động sản xuất.

Ngoài các mô hình sản xuất sẵn có, anh Trung còn chịu khó đi tìm hiểu, học tập các mô hình sản xuất có hiệu quả của bà con nông dân trong vùng để về áp dụng vào sản xuất cho gia đình mình. Trong một lần đi tham quan một số mô hình nuôi chồn hương của bà con nông dân trên địa bàn huyện U Minh, anh Trung nhận thấy nhờ nuôi chồn hương mà nhiều hộ nông dân thoát được nghèo, kinh tế gia đình ngày một khấm khá hơn. 

Thấy vậy, đầu năm 2021, anh Trung quyết định đầu tư hơn 30 triệu đồng cất nhà, mua lưới kẽm, tol, sắt về làm 10 cái chuồng, mỗi cái rộng 3 mét, dài hơn 10 mét để thực hiện mô hình nuôi chồn hương. Sau khi làm xong chuồng trại, anh Trung đi xuống huyện Ngọc Hiển mua 3 con chồn đực và 7 con chồn cái, với giá từ 3 đến 3,5 triệu đồng/con về để gây nuôi. 

Do con giống có giá tương đối cao và bản thân chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi chồn hương nên lứa đầu, anh Trung chỉ thả nuôi với số lượng ít. Nếu nuôi thấy hiệu quả và thu nhập cao, sau đó anh Trung mới đầu tư thêm vốn để mở rộng mô hình sản xuất để hạn chế rủi ro.

Nuôi con vật ham ăn chuối chín, bán giống, bán thịt, anh nông dân Cà Mau thu tiền lời nhiều hơn nuôi tôm, cua - Ảnh 3.

Những con chồn hương giống của gia đình anh Trung đang trong thời kỳ sinh sản.

Sau khi nuôi được gần 1 năm, anh Trung tiến hành cho chồn đực giao phối chồn cái để nhân giống. Mỗi con chồn cái sinh sản 1 lần được từ 3 đến 4 con và 1 năm sinh sản được 2 lần. 

Chồn con sinh sản nuôi được 1 đến 1,5 tháng thì bắt đầu xuất bán. Mỗi con chồn hương giống trên thị trường hiện nay có giá 4,5 đến 5 triệu đồng. Vừa qua, gia đình anh xuất bán được 10 con chồn hương giống cho thu nhập  được 50 triệu đồng. 

Hiện nay, các chuồng nuôi chồn hương của gia đình anh có tổng cộng lớn nhỏ 30 con. Trong đó, có 15 con chồn giống, mỗi con có trọng lượng từ 3,5 đến 5 kg và đang trong thời kỳ sinh sản. 

Anh Trung cho biết, chồn thịt, hiện nay trên thị trường có giá bán từ 2,5 đến 3 triệu đồng/kg. Có lúc, người nuôi nhiều, chồn hương giống hút hàng, 1 con chồn hương giống anh bán được 5,5 triệu đồng. Với mức thu nhập này, so với nuôi tôm, nuôi cua trên diện tích 1 ha thì nuôi 12 con chồn hương cái sinh sản bán chồn giống lãi cao gấp 2 đến 3 lần, mà chồn hương nuôi ít rủi ro hơn so với nuôi tôm, nuôi cua. 

"Tôi thấy, chồn hương là động vật rất dễ nuôi, ai nuôi cũng được, công chăm sóc ít, thức ăn dễ kiếm như chuối chín, cá phi và một số loại cá tạp khác. Khi nuôi chồn, ngày cho ăn 2 lần, 3 ngày vệ sinh chuồng nuôi 1 lần. Chuồng nuôi, tôi thường làm cao 6 tấc, rộng 5 tấc, dài 8 tấc. Vật liệu làm chuồng nuôi cũng đơn giản, chỉ bằng cây gỗ địa phương. Mặt trên, làm bằng ván, mặt dưới chuồng, xung quanh chuồng nuôi làm bằng sắt 12...", anh Trung cho hay.

Theo anh Trung làm chuồng, cần chọn vị trí có ánh nắng, thông thoáng, sạch sẽ. Nhưng, để nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngoài con giống tốt, khỏe mạnh, cho ăn đầy đủ, người nuôi nên cho chồn ăn thêm men tiêu hóa để đường ruột chồn không bị viêm, bị bệnh. 

Trong quá trình nuôi, người nuôi phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Đồng thời, chịu khó tìm hiểu, học hỏi về quy trình, kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi chồn hương để áp dụng vào mô hình nhằm đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn...

Nuôi con vật ham ăn chuối chín, bán giống, bán thịt, anh nông dân Cà Mau thu tiền lời nhiều hơn nuôi tôm, cua - Ảnh 5.

Anh Trung đang cho chồn ăn tại khu trại nuôi chồn hương của gia đình ở ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau).

Có được thành công như ngày hôm nay, anh Trung phải bỏ ra biết bao công sức. Lúc mới nuôi, anh gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, chưa hiểu được đặc tính của chồn nên dẫn đến chồn hương nuôi chậm lớn, chậm sinh sản. 

Mặc dù vậy, anh Trung không nản chí mà quyết tâm hơn để thực hiện thành công mô hình nuôi chồn hương của mình. Thế là anh tự mày mò, tích lũy kinh nghiệm từ báo, đài, mạng xã hội nhằm áp dụng cách nuôi cho phù hợp. Để chồn hương sinh trưởng tốt, anh Trung chủ yếu cho ăn chuối chín, cá phi tươi sống. 

Đây là 2 loại thức ăn chồn rất ưa thích và đảm bảo dinh dưỡng, không ảnh hưởng đến đường tiêu hóa. Nhằm giảm bớt chi phí trong chăn nuôi, hàng ngày anh Trung đi giăng lưới, bắt cá phi và tận dụng những nải chuối ngọn sẵn có của gia đình để làm thức ăn cho chồn.

Gần 2 năm gắn bó với mô hình nuôi chồn hương, anh Trung nhận thấy đây là con vật rất dễ nuôi, chỉ cần người nuôi biết cách làm chuồng, chăm sóc và phối giống kỹ lưỡng thì sẽ đạt được thành công. 

Hiện nay, anh Trung cung ứng con giống chồn hương cho nhiều bà con nông dân trong và ngoài huyện U Minh. Trưởng ấp 12, xã Khánh Thuận Nguyễn Việt Thắng nhận xét: “Hiện nay, mô hình nuôi chồn hương của anh Nguyễn Văn Trung thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua theo dõi, đây là mô hình dễ làm, phù hợp với điều kiện sản xuất của nhiều hộ nông dân, thức ăn của chồn hương dễ tìm và có rất nhiều ở địa phương. 

Việc nuôi chồn hương cũng rất nhàn rỗi, công chăm sóc ít, có thể lấy công để làm lời. Nhờ nuôi chồn hương mà kinh tế gia đình anh Trung ngày một khấm khá, vươn lên. Mô hình nuôi chồn hương của anh Trung cần được nhân rộng cho nhiều hộ nông dân khác học tập, làm theo để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, từng bước giảm nghèo theo hướng bền vững ở địa phương”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem