Vì sao kỹ sư xây dựng ở Đồng Nai lại đắm đuối với mô hình nuôi 2 loài cá đặc sản trong bể lót bạt?

Thứ tư, ngày 09/11/2022 18:39 PM (GMT+7)
Vốn là kỹ sư xây dựng nhưng ông Ngô Thìn (khu phố 5, thị trấn Trảng Bom, huyệnTrảng Bom, tỉnh Đồng Nai) có niềm đam mê đặc biệt với nghề nông, sản xuất nông sản sạch. Hiện tại, kỹ sư Thìn là người tiên phong ở huyện Trảng Bom nuôi thành công trong bể chứa 2 loại cá đặc sản là cá chình và cá chạch lấu.
Bình luận 0

Sau nhiều lần tìm hiểu trên mạng về mô hình nuôi cá chình và cá chạch lấu, hơn 1 năm trước, ông Ngô Thìn đã tận dụng các khung sắt phế liệu để xây dưng khu nhà xưởng và đầu tư 10 bể chứa nuôi thử nghiệm cá chình và cá chạch lấu. 

Mô hình nuôi cá chạch lấu, nuôi cá chình trong bể lót bạt trên cạn của ông Ngô Thìn-một kỹ sư xây dựng ở khu phố 5, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Mỗi bể nuôi được thiết kế hình tròn, đường kính 2,5-3,5 mét, cao 1,2 m được lót bạt rất chắc chắn, bên ngoài là các giá đỡ bằng sắt. 

Đặc biệt, ông Thìn đã đầu tư hệ thống lọc nước với các thiết bị đạt chuẩn để đảm bảo nguồn nước luôn tuần hoàn và đạt chất lượng tốt nhất cho cá nuôi.

“Chân ướt chân ráo” bước vào nghề nuôi cá nên ông Thìn cũng không tránh khỏi thất bại. Cách nay hơn 1 năm, khi công trình “khởi nghiệp” của ông vừa đưa vào hoạt động được ít ngày thì đợt dịch Covid bùng phát.

Trong 1 lần bị cúp điện khiến hơn 2/3 các loại cá đặc sản trong bể nuôi đã chết vì thiếu ô-xy. Không nản chí, ông Thìn mua thêm cá giống mới để bổ sung.  Hiện trong các bể nuôi có hơn 1,5 ngàn con cá chình và gần 1 ngàn con chạch lấu.

Vì sao kỹ sư xây dựng ở Đồng Nai lại đắm đuối với mô hình nuôi 2 loài cá đặc sản trong bể lót bạt? - Ảnh 2.

Qua quá trình nuôi, ông Thìn cho rằng nuôi cá chình, cá chạch lấu trong bể nổi có rất nhiều ưu điểm. Người nuôi có thể chủ động được môi trường nước, lượng thức ăn cho cá và quan trọng là quản lý dịch bệnh tốt hơn. 

Theo ông Thìn, môi trường nước phải sạch, đây là yếu tố quan trọng nhất. Nước trong các bể nuôi phải liên tục được sục khí và chảy tuần hoàn qua hệ thống lọc. Thức ăn thừa, cặn bã cũng phải thường xuyên được hút sạch để tránh gây bệnh cho cá.

Riêng với nguồn nước thải từ các bể nuôi, ông Thìn đầu tư xây 4 bể chứa. Và tận dụng diện tích mặt nước này, ông Thìn cũng thử nghiệm áp dụng mô hình trồng rau thủy canh và không cần dùng bất kỳ loại phân bón nào. 

Dù không phải là nông dân thuần túy và chưa đặt nặng hiệu quả kinh tế nhưng ông Thìn được xem là người tiên phong của huyện Trảng Bom đưa về địa phương nuôi trong bể 2 loài cá đặc sản có giá trị cao.

Mô hình nuôi cá chình và cá chạch lấu trong bể lót bạt đặt trên cạn của gia đình ông Thìn còn khá mới mẻ trên địa bàn huyện Trảng Bom, là mô hình được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với những hộ dân có ít diện tích thả nuôi. 

Tuy nhiên, đây là mô hình đòi hỏi vốn đầu tư lớn và kỹ thuật nuôi, chăm sóc tương đối khó và bài bản nên người nuôi mới cần tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư.

Trung Nguyên (Trung tâm VHTT-TT Trảng Bom/Đài PTTH Đồng Nai) (Cổng TTĐT Đài PTTH Đồng Nai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem