Nuôi ba ba, cá lóc lời 2,5 tỷ/năm; một chủ trang trại ở Tây Ninh là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023

Nguyên Vỹ Chủ nhật, ngày 08/10/2023 05:51 AM (GMT+7)
Lợi thế nguồn nước thủy lợi hồ Dầu Tiếng đã giúp ông Phạm Văn Toại ở xã Phước Minh (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) thu lời hơn 2,5 tỷ đồng nhờ biết tận dụng nuôi ba ba và cá lóc bông. Ông Phạm Văn Toại được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.
Bình luận 0

Bí quyết thành công của ông Phạm Văn Toại – Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023, là không ngừng học hỏi, và không ngại ngần bước qua thất bại.

tin

CLIP: Nông dân Việt Nam xuất sắc Phạm Văn Toại ở xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh chia sẻ về mô hình nuôi cá lóc bông, nuôi ba ba mang lại doanh thu tiền tỷ/năm. Thực hiện: Nguyên Vỹ

Hành trình khởi nghiệp gian truân của Nông dân Việt Nam xuất sắc

Năm 1994, ông Toại đưa gia đình rời tỉnh Hậu Giang lên vùng đất mới bên bờ hồ Dầu Tiếng  (tỉnh Tây Ninh) lập nghiệp. 

Lúc mới về, nơi này hoang vu, thưa vắng bóng người. Quá trình lập nghiệp của ông gặp không ít khó khăn.

Ông Phạm Văn Toại đang sở hữu 50 hồ nuôi ba ba. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Phạm Văn Toại đang sở hữu 50 hồ nuôi ba ba. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ban đầu, làm ruộng rẫy nhưng không đủ ăn, ông chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Mô hình nuôi cá điêu hồng dưới kênh Tây được gần 10 năm thì gián đoạn.

Vì cách nuôi cá bằng lồng bè trên kênh Tây gây cản trở dòng chảy, ngành chức năng không cho phép hoạt động nữa.

Ông Toại chuyển lồng bè vào trong lòng hồ Dầu Tiếng. Được một thời gian, các bè cá có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Thế là chính quyền địa phương lại thông báo giải tán nghề nuôi cá trong hồ.

Chia tay nghề nuôi cá, ông rời bỏ lòng hồ, lên bờ nuôi gia súc. Chẳng được bao lâu, đàn bò giống 50 con bị lở mồm long móng. Lại thiếu kinh nghiệm chăm sóc, bò không sinh sản, ông thêm 1 phen lỗ nặng.

Năm 2007, ông tìm sang Ðồng Nai học nghề nuôi ba ba, rồi mua 2.000 con giống về nuôi. 

Ông Toại kể kỹ thuật chăm sóc ba ba không quá khó. Kết hợp nguồn nước gần hồ Dầu Tiềng rất dồi dào, việc nuôi trồng thủy sản của ông bắt đầu thuận lợi.

Tính cả ba ba thịt và ba ba giống, ông Toại đang nuôi số lượng hơn 100.000 con. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tính cả ba ba thịt và ba ba giống, ông Toại đang nuôi số lượng hơn 100.000 con. Ảnh: Nguyên Vỹ

Từ 5.000m2 đất đào ao ban đầu, ông tích cóp lợi nhuận, tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích lên 1,5ha. Đến nay, ông có 50 hồ nuôi ba ba với số lượng hơn 100.000 con (cả giống và thịt). Trừ các khoảng chi phí, bình quân mỗi năm ông lãi hơn 1,5 tỷ đồng từ các ao nuôi ba ba.

Tuy nhiên, mỗi vụ nuôi ba ba mất 15 tháng mới thu hoạch. Thấy thời gian xoay vòng vốn kéo dài, ông đầu tư mua đất, xây ao nuôi cả cá lóc bông.

Theo ông Toại, cá lóc bông có thời gian nuôi ngắn hơn, khoảng 9 tháng có thể thu hoạch. Còn nếu nuôi đủ đến 15 tháng, mỗi con cá lóc bông có thể nặng 4-5kg.

Khác với cá lóc đen thông thường, cá lóc bông chỉ ăn cá vụn, thức ăn tự nhiên chứ không ăn thức ăn công nghiệp. Cá lóc bông của ông Toại được nuôi bằng cá nục, vốn là loại cá biển được đặt mua từ các cảng cá đưa về.

Vì thế giá thành nuôi cá lóc bông khoảng 60.000 đồng/kg, cao hơn so với cá lóc đen, chỉ khoảng 40.000 đồng/kg. Cũng vì ăn thức ăn tự nhiên, nên thịt cá lóc bông rất ngon.

Mỗi năm, ông Toại cung cấp ra thị trường khoảng 400 tấn cá lóc bông. Ảnh: Nguyên Vỹ

Mỗi năm, ông Toại cung cấp ra thị trường khoảng 400 tấn cá lóc bông. Ảnh: Nguyên Vỹ

Mỗi năm, ông cung cấp khoảng 400 tấn cá lóc. Cá lóc bông của ông không chỉ bán khắp trong nước mà còn xuất qua Campuchia. 

"Trên tổng diện tích hơn 3ha, nghề nuôi ba ba và cá lóc bông đem về tiền lời trung bình hơn 2,5 tỷ đồng", ông Toại giải nói.

Nông dân Việt Nam xuất sắc còn sức thì còn học, còn làm

So với mô hình nuôi trồng thủy sản ở miền Tây, cách làm của ông có nhiều lợi thế. Thay vì nuôi thủy sản trong lồng bè, đặt trên sông hồ, ông làm ao nuôi trên đất liền để tiện bề xử lý, không sợ ảnh hưởng thời tiết. Nhưng bí quyết để thành công của ông là luôn nỗ lực học hỏi, không ngại ngần bước qua thất bại.

Mặc dù học vấn không cao, nhưng ông Phạm Văn Toại luôn cầu thị, phát huy tính sáng tạo và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Nhờ vậy, nghề nuôi ba ba và cá lóc bông của gia đình ông Toại luôn đạt hiệu quả cao.

Ông Toại kể, mình không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn - ông chỉ mới được học hết lớp 7. Việc khởi nghiệp cũng làm liều theo kinh nghiệm, nên hiệu quả không cao. 

Bẵng đi gần 10 năm đầu khởi nghiệp gian truân, ông quyết tâm học lại, làm lại. Và mọi thứ chỉ suôn sẻ hơn từ ngày ông học nghề nuôi ba ba một cách bài bản.

Đến nay, 63 tuổi, ông vẫn dành nhiều thời gian học hỏi cách làm hay từ mạng internet. Hiện tại, ông Toại đang sử dụng thành thạo kính hiển vi hiện đại để phân tích mẫu nước trong các ao nuôi ba ba và cá lóc bông.

Ông Toại theo dõi nhân viên thu hoạch cá. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Toại theo dõi nhân viên thu hoạch cá. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông giải thích, nếu thấy trong nước có vi khuẩn lạ, ông phải gửi ngay mẫu nước đến những kỹ thuật viên của công ty cung cấp cá giống, ba ba giống để nhờ tư vấn xử lý nước trong ao.

Theo bà Nguyễn Ngọc Ánh- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh, không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Toại còn luôn quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng cho bà con chung quanh. Hiện nay, ông đang tạo công ăn việc làm cho 16 lao động địa phương, lương trung bình 9 triệu đồng/người/tháng.

Ở địa phương, ông Toại thường xuyên giúp đỡ cho cho các hộ dân khó khăn về kinh nghiệm, giống, nguồn vốn, thức ăn để giúp họ nuôi trồng thủy sản, ổn định cuộc sống.

Với những kết quả đạt được thời gian qua, năm 2020, ông Phạm Văn Toại được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen với thành tích sản xuất giỏi. Năm 2023, ông Toại vinh dự được Trung ương Hội Nông dân vinh danh là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem