NSND Thanh Hoa: “Người ta gọi tôi là “nữ hoàng nhạc đồng quê” tôi cấm ngay vì thấy xấu hổ”

Hà Tùng Long Thứ năm, ngày 30/03/2023 13:30 PM (GMT+7)
"Có dạo người ta gọi tôi là “nữ hoàng nhạc đồng quê”, tôi bảo “Thôi tha cho tôi, tôi chẳng phải nữ hoàng nữ hiếc gì đâu, vừa xấu, vừa đen, vừa lùn thì nữ hoàng cái gì. Đừng có giới thiệu tôi như thế mà tôi xấu hổ!”, NSND Thanh Hoa kể với Dân Việt.
Bình luận 0

Thưa NSND Thanh Hoa, với tư cách là một nghệ sĩ đi trước, bà nhìn nhận như thế nào về câu chuyện ngày càng có nhiều sao Việt tự vỗ ngực xưng tên phong mình là "ông hoàng", "bà hoàng", "nữ hoàng"…?

Với tôi, các danh xưng "ông hoàng", "bà hoàng", "nữ hoàng"… chỉ là sự loạn ngôn. Các danh xưng đó không hề có giá trị thực. Tự do ngôn luận thái quá khiến người ta phát ngôn bừa bãi và làm trò hề cho thiên hạ bỉ bôi.

Mà không chỉ danh xưng đó đâu, nhiều danh hiệu cũng rất buồn cười. Một cái làng nhạc bé nhỏ mà có tới hàng chục thần đồng, ai cũng có thể được phong là thần đồng hết. Tự nhiên, một cô bé, cậu bé đạt được một giải gì đó trong gameshow truyền hình cũng được xem là thần đồng. Bé mà hát một bài tròn vành, rõ chữ, đúng nhạc chưa biết hay không cũng được xem là thần đồng.. Tôi nghĩ đó là biểu hiện của sự ngộ nhận, sự loạn ngôn.

NSND Thanh Hoa: “Người ta gọi tôi là “nữ hoàng nhạc đồng quê” tôi cấm ngay vì thấy nhục” - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Thanh Hoa cho rằng, mỗi khi đi hát, bà chỉ cần giới thiệu bà là danh ca là đủ. Ảnh: FBNV.

Tôi phản đối những chuyện như thế này. Nó cho thấy ý thức xã hội bây giờ đang có vấn đề, nhiều người đang rất háo danh và loạn ngôn. Tôi cho rằng, những đứa trẻ không biết gì cả, chỉ là người lớn đang khoác lên chúng những cái danh rất hão là có vấn đề. Và như thế là vô hình chung làm khổ cho một đứa trẻ.

Theo NSND Thanh Hoa, vì sao lại hiện tượng này lại ngày một phổ biến và trầm trọng như thế?

Chính vì chúng ta có vấn đề trong việc nhận thức ngôn ngữ nên mới có câu chuyện ngộ nhận trong đời sống ngày càng nhiều lên. Việc tự nhận "vua", "ông hoàng", "bà hoàng", "nữ hoàng"… thực ra là một sự ngộ nhận, nói đúng hơn là "ngáo" quyền lực ảo. Kể cả cái danh hiệu diva, divo cũng thế. Cái đó có cơ quan quản lý nhà nước nào công nhận, số đông công chúng công nhận (hay chỉ một bộ phận) hay chỉ là chúng ta gọi cho sướng miệng?

Trong 4 diva của Việt Nam, chúng ta có thấy ai hát đậm đặc màu sắc Việt Nam không? Diva của Việt Nam ít nhất cũng mang màu sắc của Việt Nam một cách rất rõ nét. Chẳng hạn, trong làng chèo, nhắc tới giọng hát đỉnh cao người ta nhắc ngay tên của nghệ sĩ Như Hoa. Tôi nói ra thế này, có người sẽ nói tôi không được công nhận là diva nên "cay cú" nhưng tôi không ngại điều đó. Thực ra bây giờ có phong cho tôi, tôi cũng chả nhận.

Có một dạo người ta bảo tôi là "nữ hoàng nhạc đồng quê", tôi bảo "Thôi tha cho tôi, tôi chẳng phải nữ hoàng nữ hiếc gì đâu, vừa xấu, vừa đen, vừa lùn thì nữ hoàng cái gì. Đừng có giới thiệu tôi như thế mà tôi xấu hổ vì tôi làm gì có quyền lực, tôi chỉ là người phục vụ, hát để mang niềm vui đến cho mọi người". Nói đúng ra, tôi chẳng cần danh hiệu nào cả, tôi chỉ là danh ca Thanh Hoa tức là người hát có danh tiếng, thế là được. 

Bất kỳ một chương trình nào mà MC Chiến Thắng làm người dẫn chương trình tôi đều dặn em ấy như thế, chỉ cần giới thiệu là danh ca Thanh Hoa, không cần Nghệ sĩ Nhân dân gì hết. Còn danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân là danh hiệu cao quý Nhà nước phong tặng thì dùng khi đi họp, khi đại hội, khi tham dự các sự kiện mang tính chính trị - xã hội.

NSND Thanh Hoa: “Người ta gọi tôi là “nữ hoàng nhạc đồng quê” tôi cấm ngay vì thấy nhục” - Ảnh 2.

NSND Thanh Hoa cho rằng, nhiều người phản đối phát ngôn của Trấn Thành về "hào quang rực rỡ" là đúng. Ảnh: TL.

Sao Việt vỗ ngực xưng tên như vậy, phát ngôn hết lần này đến lần khác như hiện nay một phần vì có người ủng hộ. Nên phải tuyên truyền, giáo dục làm sao đó để những người ủng hộ kia họ biết nhận thức rõ vấn đề. Mấy ngày qua, tôi xem một số người phản đối những phát ngôn của Trấn Thành thì tôi thấy là quá đúng. 

Tại sao lại kể khổ rồi bắt công chúng phải hiểu cho công việc của mình trong khi chính mình đang ăn sung mặc sướng, nhà này, xe kia, tài sản tiền tỷ trong tay nhờ tiền của công chúng. Công việc của mình chắc gì đã khổ bằng người ta. Công việc nào để có được thành quả, được vinh quang chẳng phải phấn đấu, chẳng phải đối diện với khó khăn. Mình đòi người ta phải hiểu cho mình nhưng liệu mình có bao giờ chia sẻ với người ta chưa.

Nếu câu chuyện này kéo dài sẽ dẫn tới những hệ lụy gì thưa NSND Thanh Hoa?

Nếu câu chuyện này cứ tràn lan, kéo dài thì sẽ thành một vấn nạn ngộ nhận và "ngáo" quyền lực ảo. Sẽ ra sao khi một showbiz Việt rất bé nhỏ nhưng không có ai là "thường dân" cả, chỉ toàn "ông hoàng", "bà hoàng", "nữ hoàng"… Nếu không cảnh tỉnh và ngăn chặn kịp thời thì sẽ lại đẻ ra tiếp hàng tỷ ông vua, bà hoàng khác. Bởi vì bây giờ vỗ ngực xưng tên dễ quá, cứ mỗi lần xưng lại chẳng thấy ai phản đối, cứ mỗi lần xưng lại có đôi ba người ra mặt vào hùa… thế là người này "ngáo" được, người kia cũng phải "ngáo" theo cho bằng chị bằng em. Cho nên tôi mới nói, có một bộ phận đang bị mất nhận thức về khái niệm, về ngữ nghĩa của câu từ. Từ đó mới xuất hiện hiện tượng loạn ngôn như vừa qua.

NSND Thanh Hoa: “Người ta gọi tôi là “nữ hoàng nhạc đồng quê” tôi cấm ngay vì thấy nhục” - Ảnh 3.

Đã ngoài 70 tuổi, nghệ sĩ Thanh Hoa vẫn lên sân khấu, vẫn tham gia biểu diễn. Ảnh: FBNV.

Tôi nói thật, trong giới showbiz không mấy người phục nhau đâu. Kể cả trong suy nghĩ thì cũng đã có sự không phục nhau rồi. Trong hàng tá "ông hoàng", "bà hoàng" kia… chắc gì đã phục nhau. Cho nên việc nghệ sĩ phải biết mình là ai và đang ở đâu quan trọng lắm. 

Bây giờ, sao Việt nào cũng thích người ta tôn mình là "ông hoàng", "bà hoàng"… mà chưa có cống hiến gì nổi trội cho nghệ thuật, chưa mang lại những giá trị gì cho cộng đồng… thế thì có phải chăng là đang có vấn đề về nhận thức.

Mới có mấy năm vào nghề, mới có vất vả một tí đã kêu toáng lên là tôi hy sinh thế này, tôi hy sinh thế kia. Vậy có hiểu khái niệm hy sinh là gì không? Hy sinh là khi người ta thầm lặng cống hiến, chịu nhiều thiệt thòi mà không bao giờ tính toán, kể lể, so đo thiệt hơn. Các thế hệ nghệ sĩ đi trước, biết bao người đã dốc cạn tâm lực, trí lực, sức lực cho nghệ thuật mà khi về già vẫn sống một đời đạm bạc, nghèo khổ… đó mới là hy sinh. Chứ bây giờ đi diễn vẫn ngửa tay lấy cát-sê rất cao, ngồi cả ngày trong máy lạnh diễn đôi ba trò dưới máy quay nhận hàng trăm triệu thì hy sinh chỗ nào?

Cống hiến phải là như cố NSND Lê Dung - nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên đoạt giải tại cuộc thi opera tầm quốc tế ở Bulgaria; NSND Tường Vy, NSND Thu Hiền để đời với hàng loạt ca khúc cách mạng, đến lúc về già tiếng hát vẫn còn giá trị. Rồi NSND Đặng Thái Sơn - nghệ sĩ dương cầm Châu Á đầu tiên đạt giải Nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ X năm 1980 ở Warszawa (Ba Lan); NSƯT Bùi Công Duy - nghệ sĩ vĩ cầm tài năng đầu tiên của Việt Nam được vinh dự trở thành thành viên của dàn nhạc dây danh tiếng trên thế giới Viourse Moscow. Những nghệ sĩ này họ sở hữu biết bao nhiêu thành tích, cống hiến biết bao tài năng và tâm huyết cho nghệ thuật nhưng họ có bao giờ vỗ ngực xưng mình là ông natf, bà nọ bao giờ đâu.

Đó mới là giá trị đích thực của cống hiến – cống hiến trọn cuộc đời cho âm nhạc, cho nghệ thuật. Tất nhiên, không phải tôi có ý moi móc mà tôi đang muốn mọi người phải hiểu được cái gì là chân giá trị, cái gì là sự loạn ngôn và không nên cổ súy cho những hành vi như thế.

Cảm ơn NSND Thanh Hoa đã chia sẻ thông tin!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem