img

ón chúng tôi vào trang trại gà bằng chiếc xe máy CD 67 cũ kỹ, trông ông Hoàng Mạnh Ngọc thật "ngầu". Ở tuổi ngũ thập nhưng ông Ngọc khá trẻ trung, nhiệt tình và tràn đầy năng lượng. Ông bảo, đây là chiếc xe máy đầu tiên mua được từ năm 1994, chiếc xe gắn bó với cuộc đời ông từ những ngày còn thanh niên chưa lấy vợ nên bây giờ dù có xe hơi xịn nhưng ông Ngọc vẫn thích đi xe máy mỗi sáng ra thăm trại gà.

Trang trại gà của ông Ngọc nằm giữa cánh đồng lúa xanh ngắt. Câu chuyện của tôi và người nông dân hiện đại 4.0 Hoàng Mạnh Ngọc cứ miên man trôi đi trong cơn gió cuối thu dịu mát, giữa bốn bề hương lúa, giữa tiếng gà cục tác.

Trước khi đến với nghiệp chăn nuôi, ông Ngọc từng là giáo viên một trường cao đẳng chuyên ngành cơ khí, rồi đi xuất khẩu lao động ở Libya. Những nghề chẳng liên quan gì đến nông nghiệp, ấy vậy mà ông Ngọc lại thành công ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gà giống.

Nông dân Việt Nam xuất sắc Hoàng Mạnh Ngọc: Từ sa mạc Libya đến trại gà hàng chục tỷ đồng - Ảnh 3.

Đang là giảng viên một trường cao đẳng, tại sao ông lại quyết định đi xuất khẩu lao động? Ở Libya, ông có kỷ niệm gì đáng nhớ không?

- Tôi vốn là giảng viên Trường Cao đẳng Công trình đô thị, chuyên ngành cơ khí. Nói chung với đồng lương giáo viên ba cọc ba đồng, cuộc sống đủ ăn là đã may chứ khó mà bứt lên được.

Năm 1994, thấy có thông báo tuyển dụng lao động đi Libya, tôi nghĩ quyết tâm đi một chuyến để lấy vốn làm ăn. Lúc đó, vợ tôi mới sinh con trai đầu lòng được 7 tháng. Thương vợ, thương con lắm nhưng biết sao được. Hôm đi, tôi bảo vợ: "Em không phải tiễn anh ra sân bay, cứ ở nhà ôm con, để anh đi cho dũng mãnh, đỡ yếu mềm".

Còn kỷ niệm ở Libya hả?

"Sa mạc cát cháy

Bão cát ập xuống rất mau

Nào mờ mịt mù thấy nhau thế nào

Đứa mang kính thì không sao, đứa không mang kính như bào mắt ra"

Nói chung ở đâu cũng thế, muốn có tiền thì anh cũng đều phải lao động mới có. Thời gian đầu mới sang, nỗi nhớ gia đình, vợ con khôn nguôi.

Sau hai năm đi nước ngoài, đến năm 1996 tôi về nước, tiền mang về cũng mua được đất, xây được nhà, mở được cửa hàng kinh doanh thuốc thú y. Có vốn liếng làm ăn cuộc sống cũng nhẹ nhàng, tốt đẹp hơn.

Nông dân Việt Nam xuất sắc Hoàng Mạnh Ngọc: Từ sa mạc Libya đến trại gà hàng chục tỷ đồng - Ảnh 4.

Từ nghề cơ khí ông lại chuyển sang kinh doanh thuốc thú y, hai nghề này không liên quan đến nhau, vậy ông có gặp khó khăn nào không?

- À không! Vợ tôi là bác sĩ thú y Đại học Nông nghiệp 1 (nay là Học viện nông nghiệp Việt Nam). Thời điểm bấy giờ phong trào chăn nuôi nông hộ rất phát triển nên mảng kinh doanh thuốc thú y cũng làm ăn được.

Nông dân Việt Nam xuất sắc Hoàng Mạnh Ngọc: Từ sa mạc Libya đến trại gà hàng chục tỷ đồng - Ảnh 5.

Đến năm 2004, tôi làm thêm mảng sản xuất con giống gia cầm. Lúc đầu kinh doanh con giống chỉ có 3 máy ấp trứng với quy mô vài nghìn gà sinh sản, mỗi mẻ sản xuất vài nghìn con giống, tiêu thụ cho nhân dân quanh địa phương. Lúc bấy giờ, ở huyện Đông Anh này chưa có ai làm con giống nên bán rất chạy.

Tôi thấy mình rất có duyên với con gà, làm rất thành công, còn chuyển sang làm cái khác là trắng tay luôn.

Tức là ngoài chăn nuôi gà, ông còn kinh doanh thêm mảng khác?

- Tôi là người luôn thích tìm hướng đi khác so với số đông. Khi nhiều người chăn nuôi gà thịt thì tôi đi làm gà giống. Năm 2008, rất ít người kinh doanh ô tô thì tôi mở công ty nhập khẩu ô tô. Tôi nhập khẩu ô tô từ Hàn Quốc, mỗi lần nhập 40 chiếc mang về Việt Nam bán.

Thời đó, tôi đi nước ngoài như đi chợ, oách lắm. Tuy nhiên, kinh doanh ô tô vốn bỏ ra rất nhiều mà lãi thì ít. Nếu bán lẻ lãi được có nghìn đô/chiếc, bán buôn cả lô được có mấy trăm đô/chiếc, còn nếu bán chậm để đọng vốn lại là lỗ chết luôn. Tôi bán ô tô lãi thì không thấy đâu, còn lỗ thì đến trắng cả tay, bạc cả mặt.

Sau 3 năm kinh doanh ô tô tôi nghỉ, tập trung chăn nuôi gà. Thời điểm đó, thu nhập từ việc bán gà giống rất được nhưng ngặt cái không có diện tích đất lớn để mở rộng trang trại. Trại gà ở trong làng rộng chỉ 360m2, để được vài cái máy ấp là hết diện tích.

Rất may mắn, từ năm 2015, thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa của Nhà nước, rồi Chương trình 02 của Thành uỷ Hà Nội định hướng phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi theo quy mô lớn ngoài khu dân cư, chăn nuôi sinh học công nghệ cao… tôi mới có đất dụng võ. Sau khi làm việc và đàm phán với khoảng 40 hộ dân, tôi dồn điền được 17.000m2 về đây mở trang trại chăn nuôi, sản xuất giống gia cầm. 

Thực sự mà nói, nếu có quyết tâm mà không có cơ hội từ chủ trương và định hướng của thành phố thì chắc chắn người nông dân như chúng tôi khó mà mạnh dạn đầu tư lớn như vậy. Lúc đấy, ở huyện Đông Anh tôi được Hội Nông dân giới thiệu là điển hình thực hiện Chương trình 02 của Thành uỷ Hà Nội nên được khuyến khích, tạo điều kiện rất nhiều.

Tôi có lợi thế hơn nhiều nông dân khác khi thường xuyên được giới thiệu đi dự các buổi toạ đàm, tập huấn, hội thảo. Qua đó, mình nắm bắt được những tiến bộ mới trong chăn nuôi cũng như chính sách hỗ trợ nông dân phát triển. Đầu năm 2018, Nghị định 57 của Chính phủ được ban hành, với những cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tôi thành lập ngay Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng.

Nông dân Việt Nam xuất sắc Hoàng Mạnh Ngọc: Từ sa mạc Libya đến trại gà hàng chục tỷ đồng - Ảnh 6.

Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp, nông hộ sản xuất gà giống. Vậy bí quyết của ông là gì để chiếm lĩnh được thị trường tốt?

- Thị trường con giống gia cầm cạnh tranh rất khốc liệt, có rất nhiều người làm. Muốn có chỗ đứng, có thị trường chỉ có bằng chất lượng tốt thôi. Riêng công ty tôi hiện nay không có nhân viên thị trường tại các tỉnh, thành nhưng lại có thị trường tiêu thụ rộng lớn khắp cả nước.

Bước ngoặt đáng nhớ nhất trong cuộc đời chăn nuôi gà của tôi có lẽ là khoảng năm 2012. Thời điểm đó trên một số phương tiện thông tin báo chí xuất hiện phóng sự "Tẩy trứng trắng", phản ánh về việc trứng gà công nghiệp bị tẩy trắng. Nhiều người tiêu dùng hoang mang, tẩy chay trứng trắng; cứ thấy quả trứng gà nào màu trắng thì đều cho là bị tẩy, khiến dân chăn nuôi như chúng tôi lao đao.

Thời điểm đó, chúng tôi đang rất mạnh về giống gà đẻ trứng màu trắng. Con giống sản xuất ra không bán được, trang trại bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng nhưng chúng tôi vẫn phải cố nén đau thương và biến nó thành cơ hội mới để làm giàu.

Theo đó, chúng tôi thay đổi phương thức chăn nuôi và nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng. Sau khi có kết quả, trang trại thực hiện đề tài khoa học và tiến hành thử nghiệm lai tạo giống gà Ai Cập với gà Pháp và đã thành công ngay cho ra sản phẩm trứng hồng rất đẹp và có chất lượng vượt trội.

Gà giống của chúng tôi làm ra không bao giờ bị ế. Bình quân, mỗi ngày công ty xuất ra thị trường 20.000  gà giống nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Để đặt mua gà giống, khách hàng phải đặt mua trước 15 ngày đến 1 tháng.

Nông dân Việt Nam xuất sắc Hoàng Mạnh Ngọc: Từ sa mạc Libya đến trại gà hàng chục tỷ đồng - Ảnh 7.

Xin hỏi thu nhập hiện nay tại trang trại gà của ông là bao nhiêu?

- Hiện tại khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, hoạt động kinh doanh đã khôi phục trở lại bình thường. Thời điểm này, giá con giống gà đang được giá, giống gà đẻ đang bán 21.000 đồng/con, gà thịt 15.000 đồng/con. Với xưởng ấp rộng 2.000m2 cùng khu vực chăn nuôi gà sinh sản rộng 15.000m2 có 35.000 gà bố mẹ kết hợp cùng 7 trang trại nuôi gia công vệ tinh có 170.000 gà bố mẹ nên doanh thu trang trại đạt 9 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên lợi nhuận vẫn còn bấp bênh, do đặc thù nông nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Tôi lấy ví dụ như giá trứng thương phẩm rẻ quá cũng ảnh hưởng đến giá con giống gia cầm. Hay như 2 năm vừa qua, dịch Covid-19 bùng phát, người chăn nuôi nói chung hay sản xuất con giống gia cầm nói riêng đều lao đao. Đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội, vận chuyển khó, nhu cầu thấp... dẫn đến doanh thu giảm mạnh còn lại 20-30%. Chỗ trứng ấp rồi không để ấp con giống nữa mà phải tìm cách bán trứng lộn. Còn số trứng chưa vào ấp thì bán trứng tươi thành trứng ăn, lỗ đến hàng chục tỷ.

Tuy nhiên khó khăn đến đâu, tôi cũng luôn cố gắng đảm bảo lợi nhuận tốt nhất cho các trang trại gia công vệ tinh. Dù giá trứng có xuống tận đáy, mình chấp nhận thua lỗ nhưng vẫn đảm bảo cho họ lãi thấp nhất từ 500 đồng/quả trứng, hay khi thời điểm giá trứng cao họ lãi hơn 1.000 đồng/quả trứng, cho nên họ chả bao giờ bỏ tôi cả.

Nông dân Việt Nam xuất sắc Hoàng Mạnh Ngọc: Từ sa mạc Libya đến trại gà hàng chục tỷ đồng - Ảnh 8.

Nông dân Việt Nam xuất sắc Hoàng Mạnh Ngọc: Từ sa mạc Libya đến trại gà hàng chục tỷ đồng - Ảnh 9.

Gọi ông Ngọc là nông dân 4.0 là bởi dù ở tuổi ngũ thập nhưng ông vẫn lướt điện thoại thông minh nhoay nhoáy và nhận định xu thế tiến bộ của thế giới một cách rất chuyên nghiệp. Thế nên xuyên suốt cuộc trò chuyện, ông đặc biệt nhấn mạnh, muốn phát triển được phải chăn nuôi theo hướng sinh học gắn với bảo vệ môi trường, đưa công nghệ cao vào sản xuất. Năm 2015, ông Ngọc cũng là một trong những nông dân đầu tiên ở Hà Nội thực hiện công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà, biệt danh "ông Ngọc bắn tinh gà" cũng từ đây mà ra.

Nông dân Việt Nam xuất sắc Hoàng Mạnh Ngọc: Từ sa mạc Libya đến trại gà hàng chục tỷ đồng - Ảnh 10.

Hiện giờ ở Việt Nam đa phần vẫn là chăn nuôi nông hộ, bà con nuôi gia cầm sợ nhất là dịch bệnh đe dọa, gây thiệt hại, vậy ông làm cách nào để bảo vệ đàn gà của mình an toàn và hiệu qu?

- Ở đây không được phép bị dịch. Nuôi gà với quy mô lớn mà bị dịch thì coi như là lại hai bàn tay trắng. Đều đặn mỗi tháng, chúng tôi đều xét nghiệm máu cho gà một lần. Người có khi mấy năm nay chưa xét nghiệm (cười lớn). Việc xét nghiệm máu cho gà mỗi tháng để giám sát kháng thể, nếu kháng thể thấp thì tiêm bù vaccine.

Nông dân Việt Nam xuất sắc Hoàng Mạnh Ngọc: Từ sa mạc Libya đến trại gà hàng chục tỷ đồng - Ảnh 11.

Với phương châm không được để gà mắc bệnh nên tôi cũng là một trong những người đầu tiên ở Đông Anh xây dựng trại lạnh, trại lồng nuôi gà sinh sản và dây chuyền sản xuất gà giống đều áp dụng công nghệ khép kín. Tôi đã áp dụng công nghệ thông tin 4.0 vào các khâu kiểm soát nhiệt độ, thức ăn nước uống trong chuồng nuôi, nhiệt độ trạm ấp.

Hệ thống cho gà ăn, uống được tự động hoá. Cần nhập số lượng cám cho gà ăn bao nhiêu, chỉ cần nhập trên máy điều khiển rồi bấm nút cái là xong. Ứng dụng 4.0, vừa tiết kiệm chi phí mà người nuôi rất nhàn. Đi đâu tôi cũng vẫn quản lý và điều hành công việc được.

Chúng tôi đang thắc mắc, vì sao nuôi gà đẻ trứng đem ấp nở mà ông lại nhốt gà trống ở một dãy riêng, còn gà mái lại ở dãy trại lồng khác?

- Từ năm 2015 khi bắt đầu mới mở trại, tôi đã sang Trung Quốc học kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà. So với các nước tiên tiến trên thế giới, công nghệ này không còn mới, song với người chăn nuôi như tôi lúc bấy giờ thì đây là cái mới và hiệu quả.

Bình thường trong nuôi gà sinh sản phải ghép 8 – 10 gà mái với 1 gà trống, tỷ lệ trứng có phôi chỉ đạt khoảng 75 – 85%. Việc nuôi gà theo kiểu này rất tốn diện tích, công việc vệ sinh chuồng trại khó khăn và việc phòng dịch cũng mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, với việc thụ tinh nhân tạo, 1 gà trống có thể "phục vụ"được từ 30-40 gà mái, tỷ lệ trứng có phôi đạt 90-95%, tỷ lệ gà nở 85-90%, cao hơn hẳn so với cách gà tự phối giống tự nhiên.

Hơn nữa, khi áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà mình được quyền chọn lựa con trống. Con trống nào khoẻ mạnh, đẹp mã thì mới lựa chọn lấy tinh nên sẽ cho ra gà con đảm bảo chất lượng tốt cho bà con chăn nuôi.

Ngoài ra, khi áp dụng thụ tinh nhân tạo sẽ tạo được sự đồng loạt cho đàn gà mái cũng phối tinh một lúc tạo phản xạ cho đàn gà mái đẻ trứng đồng loạt vừa đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm vừa đỡ nhân công khi đi thu trứng trong chuồng nuôi. Hàng ngày, cứ từ 13-17 giờ chiều, khoảng 4-5 lao động đi thụ tinh cho gà.

Nông dân Việt Nam xuất sắc Hoàng Mạnh Ngọc: Từ sa mạc Libya đến trại gà hàng chục tỷ đồng - Ảnh 12.

Một điều rất ấn tượng với chúng tôi là vào trang trại của ông không thấy có mùi hôi từ chất thải của gà. Đâu là bí quyết làm nên điều này?

- Tôi đã luôn trăn trở đến vấn đề môi trường, vệ sinh chuồng trại. Nếu môi trường không tốt thì ảnh hưởng đủ thứ từ sức khỏe người trong gia đình, người chăn nuôi đến người tiêu dùng, an toàn thực phẩm, vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Từ trăn trở đó, tôi đã ngày đêm mày mò, ngày đêm dùng nhiều sản phẩm ứng dụng và không biết bao thời gian "ăn, ngủ" tại chuồng nuôi để tìm ra chế phẩm men sinh học đặc biệt để xử lý môi trường cũng như chất thải đàn gà. Lượng phân gà thải ra đến đâu, trang trại xử lý triệt để đến đó. Nguồn phân khô này cũng được các đầu mối trang trại trồng trọt ở các địa phương đến tận trại mua hết nên môi trường chăn nuôi của chúng tôi rất đảm bảo.

Hai công nghệ thụ tinh nhân tạo và xử lý môi trường tôi luôn sẵn sàng tư vấn và chia sẻ với người chăn nuôi. Trong chăn nuôi phải tạo sự liên kết và tương trợ với nhau; cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức mới; cùng nhau xây dựng những người nông dân chuyên nghiệp, làm chủ công nghệ thì nông nghiệp mới phát triển bền vững.

Nông dân Việt Nam xuất sắc Hoàng Mạnh Ngọc: Từ sa mạc Libya đến trại gà hàng chục tỷ đồng - Ảnh 13.

Nông dân Việt Nam xuất sắc Hoàng Mạnh Ngọc: Từ sa mạc Libya đến trại gà hàng chục tỷ đồng - Ảnh 14.

Chúng tôi rời trang trại nhưng hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp, dám đầu tư công nghệ, dám bỏ tiền trước mắt để có thành quả lâu dài ấy vẫn để lại dấu ấn khó quên. Đó thực sự là điểm sáng để hứa hẹn về một bước tiến trong sự hội nhập, sự bắt nhịp với thời cuộc của người nông dân Việt Nam. Một ngành chăn nuôi phát triển xứng tầm hẳn nhiên cũng bắt đầu từ những con người đầy khát vọng làm giàu như thế.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem