Nông dân Mai Châu nuôi cá ngon, trồng tía tô Hàn Quốc mà giàu

Hà Hoàng Thứ sáu, ngày 25/10/2019 13:13 PM (GMT+7)
Hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của Hội Nông dân huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), thời gian qua nhiều hội viên nông dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong trồng trọt, chăn nuôi, đoàn kết giúp nhau xóa nghèo, vươn lên làm giàu.
Bình luận 0

Hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của Hội Nông dân huyện Mai Châu, nhiều hội viên nông dân đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Việc hưởng ứng phong trào thi đua đã góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân từng bước được nâng lên.

img

Nhiều hội viên, nông dân đã mạnh dạn vay vốn nuôi trâu, bò phát triển kinh tế.

Là 1 tấm gương tiêu biểu trong trồng trọt chăn nuôi, nhiều năm được nhận bằng khen của Hội nông dân huyện, chị Vì Thị Hoa, xóm Tòng, xã Tòng Đậu, cho biết:  Để thực hiện mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt trên 1 ha, tôi đã vay vốn của Qũy hỗ trợ nông dân kết hợp với vốn tự có của gia đình đầu tư cây giống và vật nuôi. Với sự quan tâm hỗ trợ của Hội, tôi đã được tham gia vào các lớp tập huấn kỹ thuật, từ đó áp dụng vào chính mô hình kinh tế của mình.

Hiện tại, khu vườn và đàn gia súc của gia đình tôi đang mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Bênh cạnh đó, tôi tận dụng quỹ đất của gia đình xây dựng homstay 10 phòng nghỉ phục vụ khách du lịch. Bình quân 1 năm, tôi có thu nhập trên 500 triệu đồng từ việc chăn nuôi, trồng trọt và làm du lịch, đời sống của gia đình ngày càng dư giả và có của ăn của để.

img

Ông Hà Văn Khương, xóm Cha (xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu), cho biết: Gia đình tôi đào ao thả cá, trồng rau sạch, nuôi 6 con bò, mỗi năm cho thu nhập hơn 150 triệu đồng, đời sống ngày càng sung túc hơn.

Xác định phong trào sản xuất kinh doanh giỏi là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, Hội Nông dân huyện Mai Châu đã tăng cường công tác tuyên truyền, giúp hội viên hiểu rõ nội dung; mục đích, ý nghĩa phong trào, quy định tiêu chuẩn hộ sản xuất kinh doanh giỏi để đăng ký và phấn đấu. Hội tập trung triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn. Xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả, tổ chức cho hội viên tham quan, học tập, từ đó vận dụng vào thực tế tại gia đình.

img

Nhiều hội viên nông dân sinh sống ở bản Lác, xã Chiềng Châu phát triển kinh doanh dịch vụ và làm homstay đón khách du lịch.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Sùng A Chênh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mai Châu, thông tin: Từ đầu năm 2019 đến nay, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn và dạy nghề cho hàng trăm lượt hội viên. Cụ thể như mở 2 lớp sửa chữa máy nông nghiệp cho 25 học viên tại xã Vạn Mai, 2 lớp dạy nghề nấu ăn và mây tre đan cho 60 học viên; 1 lớp dạy nghề trồng rau su su, cà chua cho hơn 30 học viên là con em dân tộc Mông.

Qua đó, nhận thức về áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi của các hội viên nông dân ngày càng được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, chúng tôi còn làm tốt vai trò là cầu nối giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn xóa đói, giảm nghèo, đầu tư vào sản xuất, nâng cao thu nhập.

img

Ông Hà Công Trường, Hội viên nông dân xóm Báo, xã Bao La trồng rau tía tô Hàn Quốc phát triển kinh tế, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Từ phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, toàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao và đem lại thu nhập từ 250 - 500 triệu đồng/năm, như: Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt của hộ ông Lò Văn Sồng (xóm Vãng, thị trấn Mai Châu), ông Hà Công Nhàn (xóm Pạnh, xã Piềng Vế) với mô hình nuôi hươu; mô hình trồng chanh leo ở xã Tân Sơn, Pà Cò...

img

 Ngoài phát triển các mô hình kinh tế nâng cao thu nhập, các hội viên nông dân còn trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực.

Ông Lò Văn Sồng, xóm Vãng, thị trấn Mai Châu, cho biết: Trước đây gia đình chủ yếu làm ruộng và buôn bán rau ngoài chợ trung tâm huyện. Tôi thấy cá Dầm Xanh bán ở chợ với giá khá cao, được rất nhiều người tiêu dùng mua nên tìm hiểu và mua giống ở Thanh Hóa về nuôi. Sau đó, tôi tiếp tục cải tạo lại đất nương rẫy trồng cam và bưởi phát triển kinh tế. Đến nay, đã cho thu hoạch quả bán. Bình quân mỗi năm tôi có thu nhập hơn 200 triệu đồng, cuộc sống của gia đình đã khấm khá, con cái đều được ăn học và trưởng thành.

img

Hưởng ứng phòng trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều hội viên nông dân huyện Mai Châu đã phát triển các mô hình kinh tế khác nhau để tăng cao nguồn thu nhập.

Theo ông Sùng A Chênh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mai Châu: “Để phong trào sản xuất kinh doanh giỏi phát triển cả về số lượng và chất lượng, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời hỗ trợ, khuyến khích hội viên, nông dân xây dựng những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả làm điểm, giúp hội viên nông dân toàn huyện học tập và làm theo.

"Chúng tôi sẽ chú trọng nhân rộng các mô hình điển hình, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện tốt phong trào. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho các hội viên, góp phần thực hiện tốt chương trình giảm nghèo tại các cơ sở của huyện....", ông Sùng A Chênh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mai Châu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem