Nôn trớ, đau bụng, trẻ 3 tuổi mắc u bạch huyết lớn

Diệu Linh Thứ hai, ngày 03/07/2023 06:05 AM (GMT+7)
Khi thấy con hay nôn trớ, đau bụng, gia đình đưa trẻ đi khám thì phát hiện có u bạch huyết vùng bụng lớn.
Bình luận 0

Thông tin từ Khoa Ngoại cho biết, các bác sỹ đã phẫu thuật nội soi thành công cắt khối u bạch huyết kích thước rất lớn trong ổ bụng bé T.A.K (3 tuổi, trú tại xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang). 

Gia đình cho biết, mỗi lần trẻ ăn no thường nôn trớ. Khoảng 2 tháng trở lại đây thỉnh thoảng trẻ lại có hiện tượng đau bụng nên gia đình đã đưa con đi kiểm tra sức khoẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Qua kết quả chụp cộng hưởng từ, các bác sỹ phát hiện con có u nang bạch huyết vùng bụng và thông báo cần phải phẫu thuật. 

Tuy nhiên, nếu điều trị ở Hà Nội thì cũng bất tiện cho gia đình nên vợ chồng tôi quyết định cho cháu nhập viện Sản Nhi Bắc Giang để phẫu thuật. 

Nôn trớ, đau bụng, trẻ 3 tuổi mắc u bạch huyết lớn - Ảnh 1.

Khối u nang bạch huyết với đường kính rất lớn khoảng 13-14cm quan sát trên màn hình nội soi. Ảnh BVCC

Qua thăm khám, siêu âm và tham khảo kết quả chụp cộng hưởng từ có tiêm thuốc cản quang của Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ thống nhất trẻ bị u bạch huyết trong ổ bụng và chỉ định phẫu thuật nội soi, cắt bỏ khối u. 

Khi tiến hành phẫu thuật nội soi, quan sát trong ổ bụng bệnh nhi, các bác sĩ nhận thấy khối u đường kính lớn khoảng 13 - 14cm bám phía bờ mạc treo đoạn hồi tràng, cách góc hồi manh tràng khoảng 60cm và làm hẹp khẩu kính đoạn ruột có khối u, lấn xung quanh mạch mạc treo. 

Do vậy kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt khối u và toàn bộ đoạn ruột có khối u (khoảng 18cm) đồng thời thực hiện kỹ thuật khâu nối ruột tận - tận. Sau khi nối kiểm tra ruột lưu thông tốt và không bị chảy máu, lấy bệnh phẩm ra ngoài, kiểm tra các quai ruột khác bình thường.

Sau 2 ngày sau phẫu thuật, bé trung tiện trở lại, không nôn, không sốt. Tới ngày thứ 5 sau phẫu thuật, bệnh nhi ăn uống bình thường và sau 10 ngày điều trị tại bệnh viện, bé được xuất viện về nhà với gia đình.

Theo bác sĩ Phạm Văn Đại, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, bệnh nhi là trường hợp thứ 2 bị u bạch huyết lớn trong ổ bụng được phẫu thuật tại bệnh viện trong thời gian gần đây. 

Do khối u quá lớn nên buộc phải cắt bỏ đoạn ruột có khối u. Hơn nữa, khối u phát triển ngày càng lớn cũng chính là nguyên nhân gây hẹp lòng ruột khiến trẻ dễ nôn trớ sau khi ăn. Với những trường hợp có u nang bạch huyết nếu được phát hiện từ sớm thì có thể không phải cắt đoạn ruột.

Nôn trớ, đau bụng, trẻ 3 tuổi mắc u bạch huyết lớn - Ảnh 2.

Khi thấy con hay nôn trớ, đau bụng, gia đình đưa trẻ đi khám thì phát hiện có u bạch huyết vùng bụng lớn (Bệnh nhi điều trị sau hậu phẫu. Ảnh BVCC)

Bác sĩ Đại cho biết, u bạch huyết là sự biến dạng của hệ bạch huyết được đặc trưng bởi các tổn thương u nang vách mỏng và có thể gặp ở mọi lứa tuổi, ở mọi vị trí của cơ thể; thường gặp ở trẻ em dưới 02 tuổi và hay gặp ở vùng đầu, cổ. 

Hầu hết u bạch huyết là tổn thương lành tính với tổn thương u mềm, phát triển chậm. U bạch huyết thường có 03 loại: u bạch huyết dạng mao mạch, dạng hang và dạng nang.

"Khi thấy trẻ có dấu hiệu đau bụng, nôn trớ cần đưa trẻ đi viện để được chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị kịp thời.

Đặc biệt khi phát hiện trẻ có khối u vùng bụng thì cần tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để có phương pháp điều trị phù hợp cho từng giai đoạn cụ thể. Nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ không gây ra những biến chứng nguy hiểm tới sức khoẻ của trẻ", bác sĩ Đại khuyến cáo.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem