Nỗi cơ cực của công nhân quét rác giữa đêm giá lạnh “cắt da, cắt thịt” ở Thủ đô

Lan Anh – Vân Anh - Mai Dung Thứ năm, ngày 24/02/2022 09:46 AM (GMT+7)
Trong cái lạnh "cắt da, cắt thịt" về đêm, khi nhà nhà đã say giấc ngủ thì những người lao công vẫn miệt mài quét rác trên từng cung đường, ngõ ngách của Thủ đô.
Bình luận 0

Công nhân quét rác chia sẻ về nỗi cơ cực khi làm việc giữa đêm giá lạnh. Clip: Lan Anh

Đợt không khí lạnh tràn xuống miền Bắc gần 1 tuần nay, khiến nhiệt độ ban đêm ở Thủ đô Hà Nội chỉ từ 8-12 độ C. Lạnh giá, mọi người dân đều hạn chế ra đường.

Thâu đêm dọn rác giữa thời tiết buốt giá

22h tối 22/2, các con phố của Hà Nội vắng người qua lại. Thi thoảng mới thấy một vài chiếc xe máy lao vun vút. Họ nhanh chóng trở về nhà để tránh cái lạnh như "cắt da, cắt thịt". Trên đường phố chỉ còn lại tiếng loẹt quẹt của những người lao công quét rác.

Như mọi ngày, bà Nguyễn Thị Chiến (40 tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) bắt đầu công việc thu gom rác trên trên tuyến phố Lạc Long Quân, quận Tây Hồ từ lúc 22h đêm.

Nỗi cơ cực của công nhân quét rác giữa đêm giá lạnh “cắt da cắt thịt” ở Thủ đô Hà Nội  - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Chiến dọn rác trên phố Lạc Long Quân giữa đêm giá lạnh. Ảnh: Lan Anh

Vì là quận thuộc trung tâm Thủ đô, nơi tập trung nhiều hàng quán, dịch vụ du lịch phát triển nên lượng rác tại quận Tây Hồ có lẽ cũng nhiều hơn những khu vực khác. Nỗi vất vả của công nhân vệ sinh môi trường như nhân đôi khi làm việc trong thời tiết buốt lạnh.

Thấy chúng tôi cất lời, bà Chiến bước chậm, dần hãm chiếc xe gom rác lại tấp vào lề đường. Với khuôn mặt gầy guộc, ánh mắt đỏ hoe vì những cơn gió lạnh nhưng khi chúng tôi hỏi về nghề, bà Chiến vẫn luôn niềm nở, lạc quan. 

Bà kể, bản thân bà đã gắn bó với nghề này được 11 năm nay. Mỗi tối, khi đường phố dần thưa bóng người, bà và nhiều công nhân khác kéo xe gom rác trên các tuyến phố rồi đưa về nơi tập kết. Công việc của bà chỉ kết thúc vào lúc gần rạng sáng.

"Việc chính của chúng tôi là quét dọn rác thải, phân loại rác và vận chuyển tới nơi tập kết, mỗi tháng thu nhập được khoảng 6-7 triệu đồng. Trong những ngày đông, công việc này vất vả, nhọc nhằn thêm gấp bội phần. Mấy ngày trước, khi nhiệt độ ban đêm xuống dưới 8 độ C, tay của tôi lạnh cứng gần như tê dại đi, không còn cảm giác gì", bà Chiến chia sẻ.

Công việc dọn rác về đêm khuya nên bà Chiến cũng như nhiều công nhân khác hay gặp phải một số bệnh về da, bệnh thoái hóa cột sống, đau nhức xương khớp. Mỗi khi về nhà, bà thường phải ngâm tay đỏ rộp vào nước muối loãng để vệ sinh.

Đặc biệt là trong dịp lễ Tết, khoảng thời gian mà gia đình sum vầy, đôi lứa bên nhau đón chờ thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thì những công nhân dọn rác như bà Chiến vẫn phải miệt mài với công việc được giao. Họ gác lại gia đình, gánh trên vai trọng trách lớn hơn, cao cả hơn đó là giữ gìn môi trường đô thị.

Nỗi cơ cực của công nhân quét rác giữa đêm giá lạnh “cắt da cắt thịt” ở Thủ đô Hà Nội  - Ảnh 4.

Bà Lê Thị Nga tranh thủ nghỉ giải lao gọi điện về cho gia đình yên tâm. Ảnh: Lan Anh

"11 năm làm việc cũng là 11 cái Tết chúng tôi không được đón giao thừa cùng với gia đình của mình. Nhìn người dân đi đường vui vẻ bên nhau ở thời điểm ấy tôi thấy chạnh lòng lắm. Nhưng rồi nghĩ đi, nghĩ lại và vì môi trường xanh – sạch – đẹp nên tôi càng quyết tâm hơn", người phụ nữ ở tuổi tứ tuần bộc bạch.

Cách địa điểm thu gom rác của bà Chiến khoảng 500m, bà Lê Thị Nga (50 tuổi) ngồi nép vào hiên một nhà dân. Bà Nga tranh thủ thời gian nghỉ ngơi gọi điện về cho gia đình.

Bà Nga tâm sự: "Mỗi tối, khi gọi về gia đình tôi luôn phải vui vẻ, lạc quan và không để cho người nhà biết được sự vất vả khi đi làm buổi đêm vì sợ mọi người lo lắng. Cũng có nhiều thời điểm, con trai tôi khuyên nên nghỉ ngơi nhưng tôi không nghe, vẫn muốn làm vì mình còn sức".

Nguy hiểm rình rập thời điểm dịch Covid-19 bùng phát

Gắn bó với công việc đã 6 năm, cũng nhiều lần bà Nga từng đối mặt với hiểm nguy hiểm rình rập trên đường, nhất là vào thời điểm Hà Nội đang gồng mình chống dịch bệnh Covid-19, mỗi ngày ghi nhận vài nghìn ca nhiễm bệnh.

Nỗi cơ cực của công nhân quét rác giữa đêm giá lạnh “cắt da cắt thịt” ở Thủ đô Hà Nội  - Ảnh 5.

Ông Đỗ Thế Thanh tỉ mẩn quét sạch từng cọng rác dính bết ở đường. Ảnh: Lan Anh

"Thời gian gần đây, có thời điểm đi gom rác tôi giật mình bởi những loại rác, vật dụng y tế còn dính máu vứt ra đường. Thậm chí, có một số loại rác để riêng ra túi bóng ghi là "rác cách ly". Nếu không cẩn thận chúng tôi có nguy cơ nhiễm bệnh Covid-19 rất cao", bà Nga chia sẻ thêm.

Ông Đỗ Thế Thanh (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), người gắn bó hơn 7 năm với công việc này cũng kể thêm rằng, làm nghề này ông đã thấm đủ cung bậc cảm xúc, vui buồn.

Lúc đường phố xanh sạch đẹp, mọi người khen ông cảm thấy được an ủi. Nhưng cũng có lúc ông đẩy xe rác lên dốc, nặng quá phải nhờ người đi đường đẩy giúp nhưng mọi người đều khước từ.

"Lúc ấy tôi đành phải cố gắng, gồng sức lên đẩy xe vượt được qua dốc mới thôi. Rồi sau đó tôi lại an ủi mình ngân nga câu hát, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…", ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, thu nhập từ nghề này không cao, lương chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng nên gia đình ông cũng phải chi tiêu hết sức dè dặt. Hàng tháng, ông cũng phải làm tăng ca, giờ làm để có thêm thu nhập lo cho các con ăn học, sinh hoạt gia đình.

"Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, gia đình chúng tôi phải cắt giảm chi tiêu nhiều thứ, đặc biệt mỗi ngày tôi đều về nhà ăn cơm để tiết kiệm chi tiêu, tránh ăn ở ngoài vì giá đắt đỏ và phát sinh thêm nhiều khoản khác", ông Thanh tâm sự thêm.

Dẫu biết rằng nghề nào cũng phải đánh đổi, hy sinh, nhưng có lẽ nghề lao công được coi là nghề đặc thù, thầm lặng nhất. Dù cho công việc dọn rác vất vả, đi sớm về khuya, có khi đồng lương ít ỏi nhưng đối với họ, việc có thể góp sức khiến cho thủ đô xanh – sạch – đẹp dường như cũng là một niềm hạnh phúc của riêng mình.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem