Ninh Thuận lên kế hoạch phục hồi du lịch bằng hành trình "xuyên không gian" dành cho du khách

Bùi Phụ Thứ hai, ngày 27/12/2021 15:28 PM (GMT+7)
Ngày 27/12, Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận (Sở VHTTDL) cho biết, sắp tới sẽ đưa chương trình du lịch trải nghiệm độc đáo gắn với khôi phục tuyến đường sắt Phan Rang-Trại Mát (Đà Lạt, Lâm Đồng) phục vụ du khách. Ngoài ra, du khách sẽ tận hưởng âm thanh nhạc cát trên những sa mạc cát trắng ở Ninh Thuận.
Bình luận 0

Theo Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận, đây là sản phẩm du lịch cao cấp, hấp dẫn, gắn với nền tảng tuyến đường sắt Phan Rang-Trại Mát được nâng cấp sẽ trở thành điểm nhấn của Ninh Thuận trong cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Ninh Thuận: Sẽ đưa tuyến du dịch đường sắt Phan Rang-Đà Lạt và âm thanh nhạc cát phục vụ khách du lịch - Ảnh 1.

Ông Hà Văn Hồng, nguyên là nhân viên đường sắt chuyên tuần tra cung đường sắt răng cưa đoạn Sông Pha – Eo Gió. Giờ ông Hồng làm hướng dẫn viên, kể chuyện cho du khách bên khu vực ga Eo Gió đã hoang tàn. Ảnh: Bùi Phụ.

Du lịch trải nghiệm hành trình "xuyên không gian" dành cho khách du lịch 

Lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận nhận định: Việc phát triển tuyến du lịch đường sắt hay còn nói một cách bay bổng du lịch trải nghiệm hành trình "xuyên không gian" sẽ biến mỗi một nhà ga là một trung tâm trải nghiệm. 

Du khách sẽ được tận hưởng dịch vụ có sự kết nối với những đặc sắc từ miền biển qua miền núi, lên cao nguyên Lâm Đồng. Mỗi một chuyến tàu là một chuyến du hành xuyên không gian, khám phá tất cả những nét văn hóa đặc sắc của Ninh Thuận. Đây cũng là sản phẩm du lịch của Ninh Thuận thu hút các nhà đầu tư giai đoạn tới.

Có thể nói, tuyến đường sắt răng cưa từ TP Phan Rang - Tháp Chàm đi Đà Lạt (Lâm Đồng) có đầu máy chạy bằng hơi nước độc đáo trước đây chỉ có Việt Nam, hiện là tuyến du lịch mạo hiểm rất "hot" cho những ai thích khám phá khi đến Ninh Thuận.

Tuy nhiên, lâu nay du khách đi chủ yếu bằng tự phát và anh Khoa Danh là một chuyên gia chuyên tổ chức tour này cho du khách xuất phát từ Phan Rang- Tháp Chàm. "Dù đã đi nhiều lần, nhưng mỗi lần đi lại tuyến đường này tôi luôn có một cảm giác mới lạ trước những vẻ đẹp khác nhau. Nhất là những buổi chiều khi đi bộ, lang thang qua những đồi thông, những dòng thác vắng bóng người…", anh Khoa Danh nói.

Một ngày cuối tháng 12/2021, chúng tôi trở lại cung đường huyền thoại hơn 100 tuổi, xuyên đèo Ngoạn Mục và ghi nhận khung cảnh tuyệt đẹp khi đi qua ngọn đèo Ngoạn Mục uốn lượn nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ với cao nguyên Lâm Viên. Tất cả khung cảnh nơi này như hòa quyện vào nhau tạo thành bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, có đủ non, nước, mây, trời, cỏ, cây, hoa, lá...

Tuy nhiên, khi chứng kiến những công trình xây dựng theo tuyến đường sắt răng cưa vang bóng hàng trăm năm trước, nay đã hoang tàn giữa những cánh rừng thông hoang vu, chúng tôi không khỏi xót xa, chạnh lòng…

Ninh Thuận: Sẽ đưa tuyến du dịch đường sắt Phan Rang-Đà Lạt và âm thanh nhạc cát phục vụ khách du lịch - Ảnh 2.

Một đường hầm của tuyến đường sắt răng cưa xuyên qua đèo Ngoạn Mục. Chắc chắn Du lịch trải nghiệm hành trình "xuyên không gian" sẽ là một cảm giác đặc biệt dành cho du khách. Ảnh CTV

Theo tư liệu của ngành đường sắt, tuyến đường sắt răng cưa được khởi công vào năm 1908 theo lệnh của toàn quyền Paul Doumer từ Tháp Chàm đến Sông Pha (chân đèo Ngoạn Mục tỉnh Ninh Thuận). Năm 1922, thi công tiếp đoạn Sông Pha - Trạm Hành - Đà Lạt (Lâm Đồng). Năm 1928, thi công 10km khó khăn nhất xuyên núi, vượt đèo Ngoạn Mục- Eo Gió. Công trình hoàn thành với tổng kinh phí xây dựng 200 triệu Franc vào lúc bấy giờ. Năm 1932, tuyến đường sắt chính thức hoạt động.

Để đoàn tàu qua được đèo dốc, người ta phải thiết kế những bánh răng cưa lắp thêm vào trong đầu máy. Toàn tuyến có 16km đường sắt răng cưa, vượt độ cao 1.600m trên mực nước biển với độ dốc thường xuyên 12%. Tuyến đường đi qua 5 hầm, có hầm dài đến 600m, và nhiều cầu xe lửa khác. Đường sắt được vận hành bằng 11 đầu máy hơi nước hiệu Fuka của Thụy Sĩ.

Tuyến đường sắt đã bị ngưng từ năm 1972 do chiến sự ác liệt ở miền Nam khiến cho nhu cầu vận chuyển đường sắt gặp khó khăn.

Giữa năm 1975, khi đất nước thống nhất, đường sắt răng cưa được vận hành trở lại nhưng sau đó lại bị ngưng. Năm 1986, Liên hiệp Đường sắt Việt Nam đã cho công nhân tháo ray và tà vẹt để phục vụ sửa chữa đường sắt Thống Nhất. Phần còn lại bị sử dụng không đúng mục đích từ những năm 1980 - 2004 (đường sắt trên cầu Tân Mỹ và cầu Dran đã bị tháo dỡ năm 2003).  

Phía Thụy Sĩ cử người sang Việt Nam tìm hiểu, đàm phán và năm 1990, phía bạn đã mua được các đầu máy chạy bằng hơi nước, những bộ sườn, toa tàu và một số thiết bị... để vận chuyển về Thụy Sĩ và tiến hành tu sửa. Đến năm 1993, Thụy Sĩ đưa đầu máy chạy bằng hơi nước vào khai thác, đưa du khách rong chơi và vượt dãy Alpes dài 25km cho đến hôm nay.

Ninh Thuận: Sẽ đưa tuyến du dịch đường sắt Phan Rang-Đà Lạt và âm thanh nhạc cát phục vụ khách du lịch - Ảnh 4.

Bờ biển Ninh Thuận có những tảng đá có hình thù độc đáo, thu hút khách du lịch. Ảnh: Hoàng Nhân

Du lịch trải nghiệm hành trình "xuyên không gian" cùng với việc thưởng thức âm thanh nhạc cát trên sa mạc

Một chương trình mà Sở VHTTDL Ninh Thuận đánh giá độc đáo là nghỉ dưỡng kết hợp khám phá, trải nghiệm tại các khu lưu trú bằng kính trên những các sa mạc cát. Qua chương trình độc đáo này, du khách sẽ được thưởng thức âm thanh nhạc cát, bão cát nhân tạo từ các cồn cát tập trung từ Mũi Dinh tới Cà Ná (huyện Thuận Nam tỉnh Ninh Thuận).

Cũng theo Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận di sản văn hóa Chăm cũng là một trong những đặc trưng nổi bật của Ninh Thuận, bao gồm du lịch Lễ hội Katê, du lịch trải nghiệm và khám phá văn hóa làng nghề, du lịch tham quan và tìm hiểu Tháp Pô Klông Garai. Ngành du lịch sẽ đưa Tháp Hòa Lai trở thành điểm nhấn quảng bá của du lịch Ninh Thuận trên tuyến Quốc lộ 1 và các làng nghề, di tích,...

Ninh Thuận: Sẽ đưa tuyến du dịch đường sắt Phan Rang-Đà Lạt và âm thanh nhạc cát phục vụ khách du lịch - Ảnh 5.

Sa mạc cát ở Ninh Thuận cũng có những tảng đá hút hồn du khách. Ảnh Hoàng Nhân

Ngoài ra, du khách đến Ninh Thuận sẽ được trải nghiệm với sự kiện Lướt Ván diều quốc tế tại Ninh Chử, Bắc Thanh Hải. Du khách sẽ được tận hưởng và tắm biển với khí hậu ấm áp và quanh năm với nhiều nắng, khám phá hệ sinh thái san hô Vĩnh Hy, Hòn Đỏ, Hang Rái và đặc biệt là du lịch trải nghiệm ở Vườn Quốc gia Núi Chúa…

Theo lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận, làng nghề muối truyền thống cũng sẽ được đưa vào sản phẩm du lịch đặc trưng với lễ hội "tuyết nhiệt đới". Hạt muối sẽ là nguồn cảm hứng cho du khách với những tạo hình nghệ thuật như: vẽ tranh muối, ẩm thực chuyên đề muối,…

Trước đó, UBND Ninh Thuận phê duyệt Đề án phát triển du lịch Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đến năm 2030 sẽ đón 6 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt 2.900 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt 5.900 tỷ đồng. Định hướng sản phẩm du lịch được xác định có tính đặc thù như: Du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; Du lịch văn hóa(đặc biệt di sản văn hóa Chăm); Du lịch nông nghiệp công nghệ cao; Du lịch sinh thái,…




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem