Những lớp học online thời dịch thú vị, cán bộ khuyến nông cũng thành Youtuber

Minh Huệ Thứ năm, ngày 27/01/2022 18:38 PM (GMT+7)
Bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vẫn sát cánh cùng bà con nông dân, kể cả ở vùng sâu vùng xa.
Bình luận 0

Những lớp học online thời dịch

Nắm bắt xu thế chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Quảng Ninh đã có những tiếp cận phù hợp. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, các hoạt động như kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn, hội thảo không thể triển khai thực hiện trực tiếp thì việc áp dụng ứng dụng số (Zoom, Zalo, Google Meet…) đã giúp trung tâm thực hiện tốt các nội dung trên, đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả…

Theo đó, TTKN Quảng Ninh đã xây dựng nhiều nhóm Zalo theo lĩnh vực, nhiệm vụ như các nhóm: "Khuyến nông Quảng Ninh", "Khuyến ngư", "Câu lạc bộ nuôi tôm an toàn", "CLB Na QND1"… Nhờ vậy, đơn vị đã kết nối, trao đổi với các thành viên trong các nhóm, đặc biệt là việc gửi hình ảnh, video rất thuận tiện, giúp công việc trôi chảy.

Cũng chính trong bối cảnh dịch Covid-19, các cán bộ TTKN Quảng Ninh đã có sáng kiến lập kênh "Thú vị nghề nông", theo đó các cán bộ khuyến nông cũng trở thành những "Youtuber", chia sẻ các clip ngắn hướng dẫn kỹ thuật trên YouTube. 

Đây chính là nền tảng ban đầu lưu trữ dữ liệu trên internet để người dân khai thác, tìm hiểu, học tập và tương tác trên không gian mạng. Người dân có thể tìm hiểu bất cứ lúc nào, và đặc biệt là hoàn toàn miễn phí.

tat/ Khuyến nông chuyển đổi số: Nhưng lớp học online thú vị và hiệu  quả - Ảnh 1.

Điểm cầu tại Trung tâm Khuyến nông quốc gia trong buổi tập huấn phương pháp và kỹ năng đào tạo trực tuyến khuyến nông. Ảnh: T.L

Để thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản đến tay người tiêu dùng, mới đây TTKN Quốc gia đã ra mắt trang tin "Phiên chợ khuyến nông" tại địa chỉ http://phiencho.khuyennongvn.gov.vn. Theo đó, hệ thống khuyến nông Việt Nam chủ động giới thiệu các sản phẩm có dấu ấn của khuyến nông, các sản phẩm OCOP, sản vật địa phương. Sau hơn 1 tháng ra mắt, đã có trên 100 sản phẩm được giới thiệu.

Đánh giá những tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động khuyến nông, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc TTKN Quốc gia cho biết, trước đây hoạt động khuyến nông chủ yếu triển khai trực tiếp với sự có mặt của bà con nông dân, thông qua các hình thức diễn đàn, toạ đàm, lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị đầu bờ… 

Nhưng khi dịch Covid-19 phức tạp, TTKN Quốc gia đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin để mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường trong điều kiện mới. Điển hình là các lớp tập huấn đã được chuyển sang hình thức tập huấn trực tuyến (online), bà con không cần có mặt tại hiện trường song vẫn lĩnh hội được nhiều kiến thức. 

Nhờ các ứng dụng trực tuyến, cán bộ khuyến nông vẫn có thể tương tác được với bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa…

Trước đó, để triển khai các lớp tập huấn online cho nông dân, TTKN Quốc gia đã tổ chức tập huấn kỹ năng đào tạo trực tuyến cho cán bộ khuyến nông trên cả nước trên nền tảng Zoom, với sự tham gia cùng lúc của hơn 300 điểm cầu. 

Cán bộ khuyến nông được tập huấn kỹ năng sử dụng, thảo luận, thuyết trình từ xa bằng các phần mềm hiện đại; đồng thời giới thiệu phần mềm Mobile App trong khuyến nông để triển khai trên toàn hệ thống.

Theo giám đốc TTKN Quốc gia, các lớp tập huấn online đã thể hiện quyết tâm làm chủ công nghệ và thích nghi với tình hình của các cán bộ khuyến nông trên toàn quốc. 

"Trong điều kiện hiện nay, hoạt động của khuyến nông bị tác động rất nhiều vì theo phương pháp truyền thống là tổ chức chức đào tạo trực tiếp, tập trung đông người. Do đó, lực lượng khuyến nông phải tìm ra những giải pháp khác, ứng dụng tiến bộ công nghệ để thay thế" -ông Thanh chia sẻ thêm.

Giúp nông dân bán nông sản trên nền tảng số

tat/ Khuyến nông chuyển đổi số: Nhưng lớp học online thú vị và hiệu  quả - Ảnh 3.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc TTKN Quốc gia phát biểu tại một buổi tập huấn về kỹ năng đào tạo trực tuyến cho cán bộ khuyến nông.

"TTKN Quốc gia đang phối hợp với một số đơn vị công nghệ để triển khai xây dựng Đề án chuyển đổi số trong hệ thống khuyến nông. Hoạt động khuyến nông phải được ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ thông tin, phải có cơ sở dữ liệu đầy đủ".

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc TTKN Quốc gia

Chia sẻ về những tiện lợi, hiệu quả khi ứng dụng chuyển đổi số, ông Nguyễn Văn Trí - Giám đốc TTKN tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Bưởi Phúc Trạch Hà Tĩnh là sản phẩm được thực hiện chuyển đổi số đầu tiên của tỉnh. Giữa năm 2021, TTKN tỉnh đã thành lập tổ công tác chuyển đổi số ngay tại đơn vị. Tổ công tác đã nhanh chóng tiếp nhận công nghệ từ đơn vị tư vấn. Trong thời gian chưa đầy 1 tháng, tổ công tác đã số hóa trên diện tích 990ha.

Cũng trong thời gian đó, TTKN Hà Tĩnh đã phối hợp Công ty CP iCheck hoàn thiện Cổng thông tin buoiphuctrach.gov.vn và app bưởi Phúc Trạch. Điều đáng mừng là sau gần 1 tháng triển khai, huyện Hương Khê đã tiêu thụ được 70% sản lượng Phúc Trạch với 14.000 tấn.

Sau bưởi Phúc Trạch, ông Trí cho biết TTKN Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân thực hiện chuyển đổi số trên các sản phẩm nông nghiệp khác như cam chanh, cam bù.

Để giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19, thậm chí nhiều cán bộ khuyến nông còn chủ động tham gia các khoá học bán hàng online, livestream trực tuyến (chương trình do Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội tổ chức). 

Là người tham dự khai giảng khóa học này, bà Hạ Thuý Hạnh - Phó Giám đốc TTKN quốc gia cho biết, nội dung của khoá tập huấn rất bổ ích, dễ hiểu. Phải học thì mới biết được rằng muốn bán hàng online, phải biết cách xây dựng câu chuyện về sản phẩm, xây dựng thương hiệu cá nhân, cũng như có "chiến lược" xây dựng kịch bản livestream…

"Các buổi học này nên được tổ chức thường xuyên, để đông đảo bà con nông dân, các hộ, chủ thể sản phẩm OCOP có cơ hội tham gia, từ đó thúc đẩy tiêu thụ nông sản hiệu quả hơn" - bà Hạnh nói.

Theo ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc TTKN Quốc gia, ứng dụng công nghệ số sẽ giúp người nông dân, người sản xuất bán giá trị của sản phẩm chứ không chỉ đơn thuần là bán hàng như trước. Muốn bán được sản phẩm ấy thì phải thực hiện số hóa được sản phẩm ấy. Tức là chúng ta sẽ bán quy trình sản xuất những sản phẩm ấy và tích lũy được giá trị. Điều này sẽ góp phần xây dựng nền nông nghiệp hoàn toàn minh bạch, từ quy trình sản xuất, yếu tố công nghệ đến truy xuất nguồn gốc.

Để làm tốt vấn đề này, TTKN Quốc gia đã triển khai nhiều kế hoạch, mô hình ở tất cả các vùng miền, từ trồng trọt, chăn nuôi đến nuôi trồng thủy sản, yêu cầu các sản phẩm của mô hình khuyến nông phải có truy xuất nguồn gốc, có mã vùng sản xuất... 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem