Thứ hai, 20/05/2024

Nhớ cơm cháy

21/03/2022 6:00 PM (GMT+7)

Đã qua cái thời ăn sao cũng được, miễn là no. Bây giờ đất nước phát triển, món ngon vật lạ ê hề thì nhiều người lại có xu hướng quay về với những món ăn đạm bạc, ngày xưa chỉ những người nghèo khó mới quen dùng như: cá hủn hỉn kho sả ớt, bầu luộc chấm chao, hột vịt dầm tương…

Trong ký ức một thời "gạo châu củi quế" của nhiều người vẫn còn nguyên vẹn tiếng cạo đáy nồi cơm rồn rột để lấy cơm cháy - lớp cơm vàng rụm nằm sát đít nồi. Đối với gia đình khá giả khi ấy, cơm cháy là phần phụ phẩm của nồi cơm, thường chỉ dùng để nuôi heo. Nhưng với nhà nghèo, phải chắt chiu từng hạt gạo cho lũ con háu đói no lòng thì giề cơm cháy vàng ruộm, giòn khấu rất hấp dẫn kia lại khiến lũ trẻ tranh giành chí chóe.

Nhớ cơm cháy  - Ảnh 1.

Theo một số người sành ăn, cơm nấu bằng than đước (than đá tỏa nhiệt lượng cao nên dễ làm khét lớp cơm cháy dưới đít nồi) là ngon nhất. Tuy nhiên, giá than đước không hề rẻ nên chất đốt thông dụng trong những gia đình bình dân thời bao cấp vẫn là các loại củi: đước, vẹt, tràm, sú, mắm…

Khi cơm sôi đều, người ta chắt nước cơm màu trắng đục bổ dưỡng ra tô, rút bớt củi trong bếp ra, sau đó đậy nắp nồi thật kín. Rút bớt củi sao cho vừa để số than còn lại trong bếp đủ nhiệt lượng cho cơm trong nồi chín đều, không sống, không khét là cả một nghệ thuật. Bởi thế trong dân gian mới mượn câu chuyện này để khuyên răn về cách ứng xử trong đời sống vợ chồng:

“Chồng nóng thì vợ bớt lời

Cơm sôi lửa nhỏ cả đời không khê”.

Theo tập quán người Nam Bộ, trước khi ăn nồi cơm phải được xới đều. Sao cho trong mỗi chén cơm của từng người phải có cả lớp cơm mặt, lớp cơm giữa, lớp cơm cuối cùng sát giề cơm cháy. Ai ăn “cơm hớt” là vô duyên, là thiếu giáo dục. Bởi vậy, những kẻ mách lẻo, hay hóng chuyện của người khác thường bị mắng là “đồ cái thứ ăn cơm hớt”.

Trong mái tranh nghèo, vợ chồng con cái xúm xít nhau bên nồi cơm gạo mới bốc khói thơm lừng với những món ăn đạm bạc: ơ cá lòng tong nước mắm đồng kho quẹt, dĩa rau tập tàng  luộc hái trong vườn nhà, tô nước cơm thay canh… Tuy nó không cao sang nhưng ung dung tự tại, đơn sơ mà hạnh phúc.

Riêng cái lớp cơm cháy buồn thiu nằm sát dưới đáy nồi thường bị nhà giàu hắt hủi lại trở thành niềm vui háo hức của bọn trẻ nhà nghèo. Do nằm dưới đáy nên giề cơm cháy là nơi tích tụ vị ngọt, chất dinh dưỡng của nguyên cả nồi cơm. Trong ánh mắt chờ đợi, thèm thuồng đang trong tuổi ăn tuổi lớn, người mẹ trẻ vừa khéo léo dùng đũa bếp cạy giề cơm cháy dưới đít nồi, vừa mắng yêu: “Mấy con đừng có chộn rộn rồi mỗi đứa sẽ có một phần cơm cháy bằng nhau. Chờ mẹ chút xíu, thằng Hai đừng có đánh em chớ!”.

Nhớ cơm cháy  - Ảnh 2.

Ăn cơm cháy đúng điệu thì phải ăn bốc bằng tay. Cầm giề cơm cháy thơm lừng (sang hơn thì phết thêm chút mỡ hành vì thời đó ai cũng thiếu chất béo), bẻ một miếng quẹt vào ơ cá kho khô bằng nước mắm đồng nguyên chất rồi đưa vào miệng nhai giòn rụm. Cái ngọt ngào của cơm lúa mới hòa quyện với vị mằm mặn, beo béo của nước mắm đồng kho quẹt thành một tổng thể hương và vị tuyệt vời khiến người khó tính nhất cũng phải thầm cảm ơn đất trời vì đã cho mình sinh ra vào nền văn minh lúa nước”.

Lần nọ, một cô bạn học cũ đang sinh sống ở nước ngoài gửi tin nhắn cho tôi hình ảnh chai nước mắm nhãn hiệu Việt nhưng lại có chữ Thái, chữ Tàu tùm lum, than: “Bình thường chai nước mắm này trong các siêu thị ở Mỹ chỉ có giá 5 USD. Gặp mùa dịch Covid 19, giá nó tăng gấp 3 lần, 15 USD một chai. Nhưng thèm cơm cháy quá nên phải mua về làm kho quẹt”.

Không có gì đảm bảo chai nước mắm trong hình cô bạn Việt kiều gửi cho tôi được cất từ đạm cá nguyên chất. Cũng như giữa xứ cờ hoa làm sao cô ấy kiếm được cà ràng, bếp củi để thưởng thức giề cơm cháy đúng điệu? Nhưng thôi, chút hoài niệm về quê nhà sẽ làm ấm lòng hơn những người con tha phương giữa thời dịch bệnh.

Gần đây, nhu cầu thưởng thức món cơm cháy xuất hiện như một trào lưu trong tầng lớp thị dân ngày càng khá giả. Từ vỉa hè đến nhà hàng sang trọng đều có mặt món cơm cháy với đủ các biến thể: cơm cháy kho quẹt, cơm cháy chà bông, cơm cháy phô mai, cơm cháy trứng cá caviar…

Tuy nhiên, cái gọi là “cơm cháy” này được chế biến theo kiểu: lấy cơm nạc tán đều, áp chặt vào mặt chảo kim loại rồi đốt bằng bếp gas cho đến lúc hạt cơm trở màu vàng, trong khi cái “hồn” của cơm cháy nằm ở những hạt cơm đã tích tụ vị ngọt của cả nồi cơm. Hay là tại tôi khó tính quá chăng?


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Món ăn được làm từ sen - đặc sản Đồng Tháp

Món ăn được làm từ sen - đặc sản Đồng Tháp

Đặt chân đến Đất Sen hồng Đồng Tháp tại miền Tây sông nước, du khách không chỉ thích thú với những cánh đồng sen tỏa sắc mà còn bị hút hồn bởi các món ăn đặc sản được chế biến từ sen.

“Đã thèm” với lễ hội Bánh mì tại TP.HCM

“Đã thèm” với lễ hội Bánh mì tại TP.HCM

Lễ hội Bánh mì đang diễn ra tại TP.HCM thu hút rất đông người dân và du khách. Lễ hội năm nay thay đổi địa điểm tổ chức, kỳ vọng mang lại nhiều trải nghiệm thú vị về ẩm thực cho khách tham quan.

Vì sao Việt Nam nên "hãm phanh" trong phân khúc khách sạn, resort hạng sang?

Vì sao Việt Nam nên "hãm phanh" trong phân khúc khách sạn, resort hạng sang?

Mỗi năm tại Việt Nam có đến gần 20 triệu phòng trống ở các khách sạn bốn và năm sao, theo công ty tư vấn bất động sản Knight Frank. Vì vậy, các chủ đầu tư cần đi chậm lại trong phân khúc này.

Lễ hội Bánh mì, nhớ đi bằng được!

Lễ hội Bánh mì, nhớ đi bằng được!

Chưa nước nào thống kê được, có bao nhiêu loại bánh mì, nói chi cả thế giới và số lượng không ngừng gia tăng. Điều chắc chắn, bánh mì phổ biến nhất, lâu đời nhất, được làm từ bột mì, trộn nước và nướng.

Cháo đậu cà, món ăn giải nhiệt hoài niệm của người Hà Nội

Cháo đậu cà, món ăn giải nhiệt hoài niệm của người Hà Nội

Hà Nội có rất nhiều món ăn ngon, làm xiêu lòng biết bao thực khách. Trong đó, món cháo đậu cà bình dân ít người biết tới nhưng luôn là thức quà đặc biệt với người Hà Nội.

Giới trẻ TP.HCM chi gần chục triệu cho thú chơi matcha

Giới trẻ TP.HCM chi gần chục triệu cho thú chơi matcha

Không chỉ sẵn sàng chi 200.000 đồng cho ly matcha cao cấp 100 ml, nhiều người trẻ đầu tư gần chục triệu đồng để sở hữu dụng cụ tự pha chế tại nhà.