Nhiều vấn đề nóng về cải cách hành chính, tách thửa đất nông nghiệp được cử tri Đồng Nai quan tâm

Quốc Hải Thứ ba, ngày 05/12/2023 13:57 PM (GMT+7)
Sáng 5/12, Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Đồng Nai tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin trước kỳ họp thứ 14, khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Hàng loạt vấn đề nóng đã được các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đặt ra.
Bình luận 0

Đại diện Báo Dân Việt đặt vấn đề về công tác cải cách hành chính để thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt được kết quả thế nào thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh tỉnh nhà đang đẩy mạnh thu hút đầu tư?

Nhiều vấn đề "nóng" về cải cách hành chính, tách thửa đất nông nghiệp được cử tri Đồng Nai quan tâm - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin trước kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X. Ảnh: Quốc Hải

Trả lời vấn đề này, đại diện văn phòng HĐND tỉnh Đồng Nai cho hay thời gian qua, công tác cải cách hành chính đã được tập trung thực hiện trên nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương, tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa cao. Một số địa phương trong tỉnh giải quyết hồ sơ trực tuyến tỷ lệ chưa đạt trên 30%; tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn cũng còn cao, kéo dài, còn tình trạng thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.

"Đặc biệt, có tình trạng cán bộ công chức chưa chấp hành nghiêm kỷ cương hành chính, giờ giấc làm việc và chưa đảm bảo việc sử dụng chữ ký số theo yêu cầu; trong khi công tác cải cách hành chính có liên quan mật thiết đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, là một nhiệm vụ được cả hệ thống chính trị và người dân đặc biệt quan tâm", đại diện văn phòng HĐND tỉnh Đồng Nai thông tin.

Nhiều vấn đề "nóng" về cải cách hành chính, tách thửa đất nông nghiệp được cử tri Đồng Nai quan tâm - Ảnh 2.

Đại diện Báo Dân Việt - ông Lưu Phan, Phó Tổng Biên tập đặt vấn đề về cải cách hành chính để thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Quốc Hải

Qua giám sát, HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, tuy nhiên đến nay UBND tỉnh vẫn chưa triển khai.

Một vấn đề nóng khác được báo chí quan tâm là quy định về tách thửa, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh. Đại diện một cơ quan báo khác đặt câu hỏi, nhiều cử tri cho rằng quy định tách thửa hiện nay trên địa bàn tỉnh có điểm chưa phù hợp với thực tế của địa phương, chưa quan tâm đến hộ nghèo có đất không đủ điều kiện tách thửa theo quy định.

Cụ thể, theo quy định, diện tích tối thiểu khi tách thửa đối với đất nông nghiệp tại nông thôn là 2.000 m2. Vì vậy, có nhiều trường hợp những hộ dân chỉ có từ 1.000 m2  đến dưới 2.000 m2 đất nông nghiệp, mà có nhiều con cái thì không thể tách thửa được.

Ngoài ra, tỉnh còn quy định vị trí tách thửa phải tiếp giáp đường giao thông, nhưng trên thực tế nhiều hộ dân có đất tiếp giáp sông ngoài, kênh rạch, và họ phải di chuyển bằng đường thủy nên cũng không được tách thửa.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, nói Quyết định số 35 (ngày 29/8/2022) do UBND tỉnh ban hành nhằm hạn chế tình trạng tách thửa tràn lan, không phù hợp quy hoạch, tạo nên các khu dân cư không đảm bảo cơ sở hạ tầng theo quy định.

"Tuy nhiên, từ khi thực hiện quyết định trên, Sở TN-MT tỉnh cũng tiến hành rà soát để kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc để xử lý, hỗ trợ người dân", ông Thường khẳng định.

Theo ông Thường, phản ánh của cử tri về trường hợp đất nông nghiệp ở nông thôn dưới 2.000 m2 để tách thửa vướng vì quy định, thì tại Điều 7 Quyết định số 35 có quy định cụ thể đối với những trường hợp cá biệt.

Nhiều vấn đề "nóng" về cải cách hành chính, tách thửa đất nông nghiệp được cử tri Đồng Nai quan tâm - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai trả lời báo chí về quy định tách thửa đất nông nghiệp tại buổi họp báo. Ảnh: Quốc Hải

Theo đó, trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tách thửa nhưng không đảm bảo điều kiện cụ thể về kích thước cạnh thửa đất, diện tích tối thiểu theo quy định, hoặc trong hộ có người bị bệnh hiểm nghèo và các trường hợp cá biệt khác, thì Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét cho phép tách thửa từng trường hợp cụ thể, và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cho phép tách thửa.

"Tỉnh đã lường trước những vướng mắc, khó khăn trên nên đưa vào quy định "các trường hợp cá biệt" để địa phương căn cứ giải quyết", ông Thường khẳng định.

Về chính sách chăm lo đời sống người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, bà Huỳnh Ngọc Kim Mai, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai, cho biết ngoài hỗ trợ 30.000 phần quà (mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng), tương ứng tổng giá trị 30 tỷ đồng để tặng đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, nếu sắp tới UBND tỉnh Đồng Nai có đề xuất thì HĐND tỉnh sẽ căn cứ nguồn ngân sách, cũng như xin ý kiến Tỉnh ủy để tiếp tục xem xét có thêm hỗ trợ cho người lao động.

Theo bà Mai, đầu năm nay, để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng, UBND tỉnh Đồng Nai đã có chính sách riêng (Quyết định số 122/QĐ-UBND ngày 19/1/2023) về việc chăm lo, hỗ trợ người lao động bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh, hiệu lực đến ngày 30/5/2023, với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem