Nhiều thắc mắc được giải đáp tại Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đối thoại với nông dân

Tuệ Linh - Phạm Hoài Thứ tư, ngày 29/11/2023 12:55 PM (GMT+7)
Sáng nay (29/11), UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân năm 2023. Tại Hội nghị, nhiều vấn đề đã được Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan giải đáp kịp thời.
Bình luận 0

Nhiều vấn đề nóng liên quan đến "tam nông" được gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La

Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chủ trì Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân năm 2023. Với chủ đề: "Phát huy nội lực, lợi thế quốc gia, thúc đẩy phong trào, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững", Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thành phố và điểm cầu các xã, phường, thị trấn.

Nhiều thắc mắc được giải đáp kịp thời tại Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đối thoại với nông dân - Ảnh 1.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chủ trì Hội nghị. Ảnh: Phạm Hoài.

Tham dự Hội nghị, tại điểm cầu tỉnh Sơn La có lãnh đạo HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Dân vận tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh; tại điểm cầu các huyện, thành phố có đại diện lãnh đạo Thường trực Huyện ủy, Thành ủy, UBND; đặc biệt có trên 3.500 đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu trung tâm và 216 điểm cầu trực tiếp là cán bộ, hội viên nông dân, các hợp tác xã, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đại diện cho trên 170.000 hội viên nông dân trên địa bàn.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Hội nghị là diễn đàn quan trọng, dân chủ thực sự để đại diện nông dân, các cấp hội nông dân trong tỉnh, các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trực tiếp phản ánh tâm tư, nguyện vọng với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về những thành tựu đã đạt được; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn.

Nhiều thắc mắc được giải đáp kịp thời tại Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đối thoại với nông dân - Ảnh 2.

Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân năm 2023. Ảnh: Phạm Hoài.

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh đề nghị, các đại biểu là nông dân, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đối thoại phát huy tinh thần hết sức thẳng thắn, cởi mở, tập trung thảo luận, trao đổi, nêu ý kiến ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể trên các lĩnh vực, trong đó, tập trung vào các vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang nhận được sự quan tâm của nông dân và toàn xã hội.

Nêu lên những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, trong thực hiện chương trình hỗ trợ nông dân khởi nghiệp... Đồng thời, mạnh dạn hiến kế, tham góp ý kiến, đề xuất giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới văn minh, bền vững; phát huy vai trò chủ thể của nông dân, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Nhiều thắc mắc được giải đáp kịp thời tại Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đối thoại với nông dân - Ảnh 3.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tuệ Linh.

Đối với các sở, ngành, cơ quan, Chủ tịch Khánh đề nghị nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến; trả lời đúng - trúng - thỏa đáng, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, ngắn gọn, dễ hiểu; không qua loa, né tránh; đảm bảo đúng quy định đối với các ý kiến, kiến nghị.

UBND tỉnh sẽ lắng nghe, tiếp thu, giải đáp những vấn đề mà bà con nông dân quan tâm, đề xuất, trao đổi, nhất là những đề xuất về tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện chính sách tam nông, xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh.

Báo cáo tổng hợp ý kiến của hội viên, nông dân tại Hội nghị, ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết: Qua chuẩn bị Hội nghị đối thoại, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã triển khai lấy ý kiến sâu rộng trong các cấp Hội, hội viên nông dân cả tỉnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã; đã có hơn 30 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tổng hợp, phân loại các câu hỏi và lựa chọn 13 câu hỏi có trọng tâm, trọng điểm liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu cho Chủ tịch UBND giao các ngành nghiên cứu và trả lời.

Nhiều thắc mắc được giải đáp kịp thời tại Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đối thoại với nông dân - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hoài.

Tính đến ngày 23/11/2023, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã nhận báo cáo của 05 sở trả lời với 12 nội dung: (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công thương; Tài nguyên và Môi trường; Lao động Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông).

Nhiều thắc mắc được giải đáp kịp thời tại Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La với nông dân

Đặt câu hỏi tại Hội nghị đối thoại, ông Đoàn Trung Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mai Sơn đã thay mặt cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn nêu: Hiện nay, mạng lưới tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đại gia súc tiêu thụ chậm, giá bán xuống thấp so với năm trước, giá thịt trâu giảm xuống 57.000 - 58.000/kg thịt hơi; giá thịt bò giảm xuống còn 60.000 - 65.000/kg thịt hơi, giá Bò 3B giảm từ 90.000 xuống còn 75.000 - 80.000/kg thịt hơi, vốn đầu tư lớn, chu kỳ tái đàn lâu nên không thu hút được các hộ nông dân quan tâm đầu tư vào chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò).

Nhiều thắc mắc được giải đáp kịp thời tại Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đối thoại với nông dân - Ảnh 5.

Đại diện Hội Nông dân huyện Yên Châu đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La. Ảnh: Phạm Hoài.

Do đó, trong những năm tới UBND tỉnh sẽ có cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ như thế nào để thu hút các tổ chức, hộ dân tiếp tục đẩy mạnh tái đàn, thu hút các nhà đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm các sản phẩm chăn nuôi đại gia súc từ thịt trâu, bò nhằm ổn định đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi đại gia súc cho người nông dân.

Trả lời nội dung này, ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La, cho biết: Đối với cơ chế chính sách, ngày 09/12/2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 156/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2025 tập trung vào các chính sách hỗ trợ như: Xây dựng dựng vùng trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; Phát triển các hình thức liên kết giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp với các hộ dân, để cải thiện giống bò cái nền tại các xã vùng III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; nâng cấp đường giao thông, điện hạ thế, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống cấp thoát nước hoặc trang thiết bị phục vụ chăn nuôi; xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; chính sách hỗ trợ tín dụng…

Nhiều thắc mắc được giải đáp kịp thời tại Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đối thoại với nông dân - Ảnh 6.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La trả lời câu hỏi tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hoài.

Theo ông Huệ, để triển khai, thực hiện Đề án, các chính sách hỗ trợ trên, thời gian tới Ủy ban nhân dân tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025; UBND tỉnh ban hành kế hoạch, chỉ đạo các sở, ban, ngành hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện khi Nghị quyết khi được ban hành.

Về giải pháp, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La cho rằng, trong thời gian tới tiếp tục thu hút các nhà máy, cơ sở sản xuất chế biến hoặc chế biến thức ăn chăn nuôi đại gia súc tại các huyện Mai Sơn, Sông Mã, Phù Yên, Mộc Châu, Quỳnh Nhai. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chăn nuôi đại gia súc; duy trì, hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP như thịt sấy khô, lạp sườn…

Đẩy mạnh chương trình khuyến nông chăn nuôi đại gia súc theo chuỗi giá khép kín, kinh tế tuần hoàn để các tổ chức, cá nhân chăn nuôi đại gia súc làm chủ được kỹ thuật sản xuất sản phẩm chăn nuôi đại gia súc an toàn, hiệu quả, bao tiêu sản phẩm. Xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm từ đại gia súc có quy mô phù hợp tiên tiến gắn với vùng sản xuất chăn nuôi đại gia súc hàng hóa và đa dạng hóa các mặt hàng thực phẩm chế biến đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Nhiều thắc mắc được giải đáp kịp thời tại Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đối thoại với nông dân - Ảnh 7.

Đại diện lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Sơn La trả lời nội dung liên quan đến ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi của Công ty Cổ phần Cao Đa Sơn La tại bản Cao Đa 1, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, Sơn La. Ảnh: Phạm Hoài.

Đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, trong 2 năm trở lại đây, giá quả sơn tra xuống thấp, trung bình chỉ còn từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, có lúc xuống còn 2.000 đồng/kg. Theo tính toán, tiền thuê nhân công thu hái, hiện mất 1.000 đồng/kg, chưa kể tiền xăng xe vận chuyển từ các đồi, nương về điểm thu mua. Để giúp các hộ nông dân có thu nhập ổn định từ cây sơn tra, trong những năm tới Chủ tịch UBND tỉnh sẽ có những chỉ đạo, nghiên cứu giải pháp cơ chế chính sách thu hút đầu tư như thế nào để chế biến quả sơn tra thành nước ép, ô mai nhằm giúp người dân có thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Với nội dung này, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La trả lời như sau: Cây sơn tra là cây đa mục tiêu (được trồng chủ yếu trên lâm nghiệp mọc tự nhiên) do đó chưa được người dân quan tâm, chăm sóc (bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh hại…) nên sản phẩm quả sơn tra vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên nên mẫu mã kém, chất lượng chưa cao nên giá bán không được cao.

Năm 2023, thị trường các mặt hàng nông sản nói chung và thị trường quả nói riêng bị ảnh hưởng rất lớn về sản lượng tiêu thụ do Trung Quốc (nước nhập khẩu sản phẩm quả lớn nhất của tỉnh Sơn La) đưa ra các yêu cầu, rào cản kỹ thuật cao, nhất là vấn đề truy xuất nguồn gốc khiến cho sản phẩm quả đủ tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu sang Trung Quốc dẫn tới giá cả bị ảnh hưởng.

Theo ông Huệ, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La, để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm quả sơn tra ổn định, trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo khuyến khích, kêu gọi, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư các nhà máy, các cơ sở chế biến sản phẩm quả sơn tra trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn người dân trồng chăm sóc cây Sơn tra theo đúng yêu cầu kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm quả Sơn tra, chủ động liên kết với nhau tạo thành vùng sản xuất để tiện cho việc thu gom, chăm sóc, vận chuyển, liên kết với các đơn vị thu mua, chế biến thông qua các hợp đồng liên kết; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm quả sơn tra.

Mặt khác, tỉnh Sơn La làm việc với DOVECO Sơn La lắp đặt thêm dây chuyền chế biến quả sơn tra để giúp người nông dân tiêu thụ quả sơn tra ổn định hơn.

Đại diện cho cán bộ, hội viên, nông dân huyện Bắc Yên, lãnh đạo Hội Nông dân huyện Bắc Yên nêu câu hỏi: Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chỉ đạo các sở, ban, ban, ngành và Công ty Cổ phần Cao Đa Sơn La giải quyết, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi của Công ty Cổ phần Cao Đa Sơn La tại bản Cao Đa 1, xã Phiêng Ban.

Trả lời nội dung trên, lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Sơn La cho biết: Trại lợn Cao Đa của Công ty Cổ phần Cao Đa Sơn La đã được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 2300/QĐ-UBND ngày 24/8/2017, trại lợn hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 9/2019; có quy mô công suất: Nuôi lợn nái 1.200 con; lợn đực giống 25 con; lợn hậu bị 200 con; lợn choai 9.600 con; lợn theo mẹ 9.600 con.

Từ khi trại lợn đi vào hoạt động đến nay, các sở, ban, ngành của tỉnh đã thực hiện 5 cuộc thanh tra, kiểm tra và xác minh về lĩnh vực môi trường với Công ty Cổ phần Cao Đa Sơn La; ban hành và tham mưu ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng tiền phạt 320 triệu đồng; đình chỉ hoạt động chăn nuôi trong 7 tháng. Đến nay, đơn vị đã nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính; chấp hành hình thức xử phạt bổ sung theo đúng nội dung các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Tại buổi kiểm tra thực địa trại lợn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Đặng Ngọc Hậu đã yêu cầu các sở, ngành, UBND huyện Bắc Yên, Công ty Cổ phần Cao Đa Sơn La triển khai thực hiện nghiêm nhóm giải pháp như sau:

Thứ nhất, giao Sở TNMT tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát nghiêm việc khắc phục tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra. Hỗ trợ, hướng dẫn đơn vị hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để sớm cấp Giấy phép môi trường theo quy định. Rà soát các thủ tục pháp lý, hoàn chỉnh theo quy định, phù hợp việc triển khai thực hiện Dự án. Hỗ trợ đơn vị kết nối camera giám sát đến Sở TNMT, UBND huyện.

Thứ hai, giao UBND huyện Bắc Yên thành lập tổ giám sát phối hợp Sở TNMT hỗ trợ đơn vị hoàn thành các nhiệm vụ được giao; tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Thứ ba, yêu cầu Công ty CP Cao Đa Sơn La khắc phục tồn tại, hạn chế đã được các cơ quan chức năng chỉ ra. Hoàn thiện hệ thống quan trắc, kết nối dữ liệu về huyện, tỉnh. Phối hợp với Tổ công tác của tỉnh, huyện hoàn chỉnh hồ sơ cấp Giấy phép môi trường. Làm tốt công tác tuyên truyền, an sinh xã hội, cam kết với người dân về thực hiện nghiêm các giải pháp bảo vệ môi trường, không làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Tăng cường trồng cây xanh để ngăn mùi, cải thiện chất lượng môi trường toàn khu vực.

Kết quả đến nay, chủ dự án đã hoàn thành khắc phục các nội dung như sau: Phủ lót bạt HDPE chống thấm tại hồ sinh học chứa nước sau xử lý, đảm bảo không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Lắp đặt hệ thống phun khử mùi khu vực chuồng trại, bể xử lý nước thải.

Phủ lưới chắn sau hệ thống quạt thông gió tại các dãy chuồng nuôi, bể xử lý nước thải, bể điều hòa sau biogas để giảm thiểu mùi phát sinh ảnh hưởng đến xung quanh. Lắp đặt 08 camera giám sát gồm 1 camera tại bể thu gom lắng tách phân, 6 camera tại hệ thống xử lý nước thải tập trung, 1 camera tại hồ sinh học...

Đến ngày 30/10/2023, Đoàn kiểm tra cấp Giấy phép môi trường của tỉnh cũng đã kiểm tra trại lợn và làm việc với một số hộ gia đình, Trưởng bản bản Cao Đa 1, xã Phiêng Ban. Với hàng loạt các giải pháp được triển khai, qua ghi nhận ý kiến nhân dân, đến nay, mùi hôi phát sinh từ trại lợn đã giảm thiểu đáng kể...

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La mong muốn xuất hiện nhiều hơn nữa những nông dân triệu phú

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đề nghị sau Hội nghị đối thoại, cấp ủy, chính quyền các cấp; các sở, ban, ngành; tổ chức Hội Nông dân phải có ngay phương án, hành động cụ thể để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Đồng thời chủ động xây dựng được những cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho nông dân, HTX, doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xã hội của tỉnh.

Cụ thể: Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại; nông dân văn minh".

Nghiên cứu, tổ chức các diễn đàn, các buổi gặp gỡ, hội nghị đối thoại, trong đó ưu tiên lựa chọn các chuyên đề (như nông dân khởi nghiệp; chuyển đổi số trong nông nghiệp; phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch...) để nông dân có cơ hội giao lưu, bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng và những đề xuất của mình; được định hướng, tạo điều kiện cho những ý tưởng khởi nghiệp, những cách làm sáng tạo, hiệu quả, tạo động lực có thêm ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng.

Đối với các sở, ban, ngành, nghiêm túc tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của nông dân; rà soát các quy định, chính sách của Trung ương, của tỉnh; từ đó nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, để các nghị quyết, cơ chế chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Tiếp tục tham mưu các giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị trên một diện tích, khuyến khích nông dân đầu tư, phát triển.

Đối với tổ chức Hội Nông dân, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đề nghị tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; nâng cao công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết hội viên, nông dân; đẩy mạnh các phong trào thi đua, nhất là "Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; phát huy vai trò là cầu nối giữa chính quyền với nông dân; kết nối doanh nghiệp, HTX với nông dân.

Thường xuyên nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nông dân đề xuất với các cấp chính quyền giải quyết; làm tốt giám sát và phản biện xã hội; chủ động đề xuất với sở, ngành trong việc đề xuất cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh những tấm gương nông dân tiêu biểu, nhất là những nông dân trẻ khởi nghiệp thành công, tạo động lực tinh thần tích cực, tính lan tỏa mạnh mẽ và nhân rộng những điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển nông nghiệp. Đồng thời, kiểm điểm những cá nhân nào làm chưa tốt.

"Hội Nông dân phải đổi mới thường xuyên để hấp dẫn và thu hút người dân. Một khi nông dân được kết nạp hội viên, người ta phải vinh dự. Phải làm sao để người nông dân có nguyện vọng muốn vào làm hội viên. Chứ người dân tham gia kết nạp hội viên mà không hấp dẫn, không có lợi thì nông dân vào hội viên làm gì.

Bên cạnh đó, cán bộ Hội Nông dân các cấp phải tăng cường đi cơ sở, gần dân; chứ không phải cứ suốt ngày ở thành phố, thị trấn. Từ đó mới hiểu người nông dân cần gì và có đề xuất như thế nào cho chính đáng. Mặt khác, cán bộ Hội Nông dân các cấp phải chịu khó nghiên cứu, nâng cao trình độ thì mới làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội", Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phân tích thêm.

Đối với nông dân, Chủ tịch Khánh mong muốn hãy chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp để khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới văn minh, bền vững.

"Lãnh đạo tỉnh Sơn La luôn đồng hành, khuyến khích, tạo điều kiện, hướng dẫn, định hướng, tư vấn về hướng đi, hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, tìm kiếm thị trường để nông dân phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM.

Tôi mong muốn trong thời gian tới, sẽ xuất hiện nhiều mô hình, tấm gương điển hình tiên tiến của hội viên, nông dân khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân triệu phú góp phần xây dựng quê hương Sơn La ngày càng phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc", Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem