Thứ gì cả làng trước toàn vứt vạ vật ngoài vườn, nay bỗng bán có tiền ở Phú Yên?

Hội LHPN huyện Tuy An (Cổng TTĐT tỉnh Phú Yên) Thứ sáu, ngày 24/06/2022 18:50 PM (GMT+7)
Mô hình “Thu mua bẹ chuối” ra đời vào đầu năm 2019 tại chi Hội Phụ nữ thôn Phong Lãnh, xã An Lĩnh. huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) đã phát huy hiệu quả.
Bình luận 0

An Lĩnh là một xã miền núi thuộc huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên), với đặc thù vùng nông thôn, ngành nghề phụ kém phát triển, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên phần lớn chị em lo làm ăn kinh tế, ít có thời gian tham gia sinh hoạt Hội. 

Trước thực tế này, Ban Thường vụ Hội LHPN xã An Lĩnh đã xác định muốn xây dựng được phong trào thực sự vững mạnh, trước hết phải tổ chức nhiều hoạt động thu hút hội viên. 

Từ đó, mô hình “Thu mua bẹ chuối” ra đời vào đầu năm 2019 tại chi Hội thôn Phong Lãnh, xã An Lĩnh với mục đích đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng và bổ ích cho các chị em hội viên, phụ nữ.

Thứ gì cả làng trước toàn vứt vạ vật ngoài vườn, nay bỗng bán có tiền ở Phú Yên? - Ảnh 1.

Chị em phụ nữ xã An Lĩnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên với mô hình thu mua bẹ chuối để làm kinh tế, góp phần đẩy mạnh hoạt động xã hội, từ thiện...

Với phương châm “Tích tiểu thành đại” gắn với tinh thần tương thân tương ái, gắn kết yêu thương, mô hình “Thu mua bẹ chuối”  đã phát huy hiệu quả và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo hội viên, mô hình nhanh chóng được triển khai tới 3 chi hội. 

Từ mô hình thu mua bẹ chuối này, hàng năm đã giúp đỡ hỗ trợ được cho nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật, phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, người già không nơi nương tựa.

Đã thành thông lệ vào đầu mỗi tháng, 12 chị trong mô hình, đầu tiên mỗi chị đóng góp số tiền mỗi chị 2 triệu đồng (12 chị là 24 triệu đồng), các chị dùng số tiền này đi thu mua bẹ chuối trong thôn, khi mua được số lượng lớn, các chị tập hợp lại một điểm (nhà chị Nguyễn Thị Chín: chủ nhiệm CLB, đồng thời là người đứng đầu trong mô hình này) và thuê xe vận chuyển đi bán tận gốc, sau khi trừ các khoảng chi phí, còn lại tiền lời sẽ hỗ trợ các hội viên khó khăn, đau ốm, khuyết tật. 

Trong 9 tháng đầu năm 2019, mô hình đã trao tận tay 10 triệu đồng cho 12 người có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật, người già cả không nơi nương tựa trên địa bàn xã. 

Ngoài ra, mô hình cũng dành một phần tiền mua tập vở, bút mực, quần áo hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn trên địa bàn, để tiếp sức cho các em tới trường. Riêng những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mô hình sẽ hỗ trợ thường xuyên mỗi tháng 5 kg gạo.

Có thể thấy, mô hình “Thu mua bẹ chuối” là một mô hình hiệu quả, giàu ý nghĩa và mang đậm tính nhân văn. Mặc dù số tiền hỗ trợ hàng tháng có giá trị không lớn, nhưng là động lực tinh thần mang lại niềm vui cho những hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, cùng góp phần chung tay thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn xã An Lĩnh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem