Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam: Hạnh phúc được gieo mầm sự sống

Diệu Linh Thứ ba, ngày 27/02/2024 06:21 AM (GMT+7)
Cho dù phải đón Tết bên bàn mổ, thay vì nhìn pháo hoa lại chăm chú nhìn vào máy đo chỉ số sự sống của bệnh nhân, cho dù phải hy sinh nhiều niềm vui bên gia đình, những y bác sĩ, điều dưỡng vẫn cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi cứu được một cuộc đời.
Bình luận 0

Giao thừa ý nghĩa trong cuộc đời

Chia sẻ về ca ghép phổi đặc biệt, điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Anh, khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Phổi Trung ương kể lại, chiều 29 Tết, khi cô đã được nghỉ Tết, cùng gia đình nhỏ về nhà ngoại ở Gia Lâm (Hà Nội) thì nhận được điện thoại của lãnh đạo yêu cầu quay trở lại bệnh viện gấp để chuẩn bị cho ca ghép phổi. 

"Tôi chỉ kịp nói lời áy náy với bố mẹ: "Con đi làm chưa biết đến bao giờ về", xin lỗi chồng con rồi đến bệnh viện ngay để nhận nhiệm vụ cho ca mổ chiều 30 Tết.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam: Hạnh phúc được gieo mầm sự sống- Ảnh 1.

Ca ghép phổi chiều 30 Tết tại Bệnh viện Phổi Trung ương đã huy động hơn 100 chuyên gia, nhân viên y tế. Ảnh BVCC

Tôi đã làm việc ở Bệnh viện Phổi Trung ương được 10 năm nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tham gia vào một ca ghép phổi. Tôi vừa háo hức, vừa hồi hộp. Tôi cũng khá căng thẳng, có một chút lo lắng vì sợ mình không thể làm tốt nhất những gì bản thân mình mong muốn cho người bệnh", Kim Anh chia sẻ. 

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam: Hạnh phúc được gieo mầm sự sống- Ảnh 2.

Kim Anh hớn hở khi biết bệnh nhân ghép phổi đã phục hồi tốt. Ảnh Diệu Linh

Theo Kim Anh, đối với ghép tạng sẽ có 2 ca mổ: lấy tạng cũ ra và ghép tạng mới vào nên khối lượng vật tư y tế tiêu hao gấp 2-3 lần, lại là ca mổ đầu tiên, sống còn nên các điều dưỡng như Kim Anh đã phải chuẩn bị tỉ mỉ, cẩn thận, tuyệt đối không được để xảy ra bất cứ thiếu thốn, sai sót nào.

Kim Anh tâm sự, cô chỉ là mắt xích nhỏ trong tập thể hơn 100 người tham gia ghép phổi, tuy nhiên, cô cảm thấy rất tự hào và vui sướng khi vào giờ năm mới đến, cô và các đồng nghiệp đã làm được 1 việc vô cùng ý nghĩa, đem lại sự sống cho một người, một cô gái trẻ đang tràn đầy hoài bão và ước vọng.

Kim Anh cho biết, trong quá trình thực hiện ca ghép phổi, mỗi giây, mỗi phút đều rất căng thẳng. Nhưng cảm động và hồi hộp nhất là khi cô và đồng nghiệp nhìn lá phổi bắt đầu được bơm máu trở lại để xem 2 lá phổi có "sống" không.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam: Hạnh phúc được gieo mầm sự sống- Ảnh 3.

Ca mổ kéo dài từ 10h trưa ngày 30 Tết đến 22h tối, trước khoảnh khắc Giao thừa. Ảnh BVCC

"Khi ấy, tôi cảm thấy lá phổi của tôi cũng muốn "ngừng hoạt động", nín thở để chờ giây phút kỳ tích. Và khi nhìn thấy 2 lá phổi sau khi ghép được thông khí trở nên hồng hào, nở căng trong lồng ngực của bệnh nhân, tôi mới thở hắt ra nhẹ nhõm. Tôi và đồng nghiệp đã siết chặt lấy tay nhau, chia sẻ niềm hạnh phúc".

Trong ngày 30 Tết, Kim Anh đã đến viện từ 4h sáng, bắt đầu chuẩn bị phòng mổ, dụng cụ để phục vụ hai ca mổ lớn và rời phòng mổ lúc 23h40 phút, chỉ còn vài phút nữa là bước sang năm mới.

"Cho dù vào giờ phút đáng nhẽ phải sum họp với gia đình nhưng tôi lại vắng mặt, song tôi không buồn. Bởi vì tôi còn có nhiều cái Tết để đón với gia đình nhưng bệnh nhân chỉ có 1 cơ hội duy nhất. Họ cần sống hơn là mình cần Tết. 

Đó là sứ mệnh thiêng liêng của những người bác sĩ, điều dưỡng. Và tôi hạnh phúc vì mình đã góp phần mang lại sự sống cho 1 cô gái trẻ", gieo một mầm sống cho cuộc đời này. Đây là một trong những Giao thừa vắng nhà nhưng lại có ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi", Kim Anh tâm sự.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam: Hạnh phúc được gieo mầm sự sống- Ảnh 4.

Nụ cười rạng rỡ của bệnh nhân ngay sau khi ghép tạng được 3 ngày. Ảnh BVCC

Biến điều không thể thành có thể

TS, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng nhóm điều phối phẫu thuật ghép phổi cũng cho biết, thành công của ca ghép phổi là sự phối hợp chặt chẽ của hơn 100 y bác sĩ, điều dưỡng tham gia.

Theo TS Ngọc, ghép phổi là một kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng, đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả các bộ phận, các bác sĩ, chuyên gia. Phổi ngoài chức năng hô hấp thì chức năng chuyển hóa và miễn dịch cũng rất mạnh, do vậy phản ứng thải ghép rất mạnh mẽ, nguy cơ nhiễm trùng lớn. 

Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Phổi Trung ương thực hiện 1 ca ghép phổi toàn diện. Ca ghép đã thành công tốt đẹp ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn của UCSF.

Bệnh viện Phổi Trung ương đã huy động gần 100 thầy thuốc trực tiếp tham gia ca ghép cùng hàng chục thầy thuốc khác sẵn sàng điều động, và làm việc trực tuyến, với sự phối hợp từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, các BV Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội …

Điểm quyết định là cơ hội có tạng để ghép từ người cho chết não vô cùng ít, chỉ 20% số người chết não có thể hiến phổi đủ tiêu chuẩn để ghép.

Mặt khác, phổi là một tạng lớn chiếm hầu hết khoang ngực nên phẫu thuật ghép sẽ phải thực hiện đường mổ rất lớn gây đau đớn nhiều, cản trở cho quá trình phục hồi và dẫn đến các biến chứng nếu bệnh nhân không thể vận động sớm sau mổ… Hơn nữa, quá trình chăm sóc hậu phẫu cũng là yếu tố quyết định sự sống của người bệnh.

"100 người này đều có vai trò quan trọng như nhau, mỗi người đều gánh vác 1 trọng trách. Mỗi người trong số họ phải làm tốt nhất nhiệm vụ của mình bởi vì bất cứ ai làm hỏng sẽ hỏng cả dây chuyền. Đây là dây chuyền mà mỗi mắt xích không được mắt nào yếu hơn mắt nào.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam: Hạnh phúc được gieo mầm sự sống- Ảnh 5.

Mọi người dõi theo từng bước đi, lắng nghe từng nhịp thở của bệnh nhân (Bệnh nhân tập đi sau ghép tạng 3 ngày. Ảnh BVCC

Tất cả các khâu, các quá trình đều phải vô cùng cẩn thận. Bất cứ sai sót nào đều có thể phá hủy nỗ lực của cả 100 người và khiến cho tính mạng của cô gái bị nguy hiểm. Do đó, chúng tôi đã phải "lên dây cót" cho toàn bộ ekip. Mỗi người đều gánh vác trên vai trách nhiệm nặng nề.

Chúng tôi nín thở theo dõi từng chỉ số sức khỏe của bệnh nhân, trái tim vỡ òa hạnh phúc khi nhìn thấy hai lá phổi được ghép vào hồng rực và bắt đầu phập phồng. 

Mỗi hơi thở, bước đi của bệnh nhân đều là một minh chứng khẳng định rằng chúng tôi đã thành công, chúng tôi đã làm được điều tưởng chừng như không thể trước khi ca ghép diễn ra", TS Ngọc chia sẻ.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam: Hạnh phúc được gieo mầm sự sống- Ảnh 6.

Hiện sức khỏe của bệnh nhân phục hồi rất tốt, các máy móc hỗ trợ đều được rút bỏ. (Ảnh chụp ngày 23/2, sau 14 ngày ghép phổi. Ảnh Minh Quyết)

TS Ngọc cho biết, sau ca ghép phổi, chị đã thức trắng suốt từ "năm trước" qua "qua năm sau", không dám ngủ vì cứ 15 phút lại phải xem chỉ số sự sống của cô gái một lần, lo lắng có gì đó bất ổn.

"Khi Giao thừa đến, mọi người vẫn "căng mắt" nhìn bệnh nhân và những chiếc máy đo chỉ số sự sống xung quanh bệnh nhân. Chỉ đến khi một người sực tỉnh nói 'Đã bắn pháo hoa rồi đấy' thì chúng tôi mới biết năm mới đã đến. Mọi người đều thực sự xúc động, đều nhớ đến người thân của mình", TS Ngọc chia sẻ.

TS Ngọc kể, ngày mùng 1 Tết, theo kỹ thuật, sau 24h ghép mới được rút ống nội khí quản, vào khoảng 22h đêm. 

Nhưng chị lo nếu rút vào 22h đêm, nếu có bất trắc gì sẽ khó xoay xỏa được nên sau ghép 12h, khi thấy các chỉ số sức khỏe của bệnh nhân tốt, bệnh nhân tỉnh táo, chị đã cho bệnh nhân "cai máy thở" dần dần. Cuối cùng chỉ sau 14h ghép tạng, lá phổi của bệnh nhân đã tự hoạt động mà không cần có máy móc.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam: Hạnh phúc được gieo mầm sự sống- Ảnh 7.

TS Nguyễn Thị Bích Ngọc (bên phải), hỏi thăm sức khỏe của bệnh nhân. Ảnh MInh Quyết

"Rút xong, bệnh nhân khóc, bác sĩ cũng nghẹn ngào vì biết lại tiến thêm một bước thành công nữa", TS Ngọc không giấu nổi những giọt nước mắt khi nhớ lại.

Chị cũng ở lại Bệnh viện suốt từ 29 Tết đến ngày mùng 3 để lắng theo từng tiếng thở, theo dõi từng bước tập đi của bệnh nhân. Sau khi về nhà để chớp nhoáng ngủ một giấc, chị Ngọc lại quay lại bệnh viện.

Theo TS Ngọc, ghép phổi thành công chỉ là bước đầu. Việc chăm sóc sau ghép tạng sẽ quyết định lá phổi đó có "sống" tốt trong cơ thể bệnh nhân hay không. Để chăm sóc bệnh nhân ghép phổi, mỗi ca trực phải có tới 20 y bác sĩ, điều dưỡng.

Dù nằm trong phòng áp lực dương phòng nhiễm khuẩn, được theo dõi liên tục 24/24 nhưng cứ 15 phút các nhóm phải cập nhật, báo cáo tình trạng bệnh nhân một lần. Hàng ngày, các y bác sĩ luôn phải tập trung cao độ, báo cáo theo phút, họp liên tục để cập nhật tình hình điều trị cho người bệnh. 

Theo TS Ngọc, đến giờ, sau 15 ngày ghép phổi, sức khỏe của bệnh nhân hiện đã tiến triển tốt, vài ngày nữa bệnh nhân sẽ được chuyển sang phòng bệnh thường đề chăm sóc và sớm được xuất viện. 

Khi các bác sĩ chỉ có sở thích "ngủ"

Nói về nghề y, Kim Anh tâm sự: "Công việc của một điều dưỡng có thể nói là rất nặng nhọc, cần sự cẩn trọng tỉ mỉ đến từng chi tiết bởi điều dưỡng chúng tôi là những người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân, trao đổi tâm tư tình cảm, thực hiện y lệnh thuốc, chăm sóc người bệnh.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam: Hạnh phúc được gieo mầm sự sống- Ảnh 8.

TS Ngọc cho biết, bệnh nhân sẽ sớm được đưa xuống phòng bệnh thường đề chăm sóc. Ảnh Minh Quyết.

Chỉ 1 sai sót nhỏ cũng ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh và quá trình điều trị của người bệnh. Do đó, chúng tôi luôn phải cẩn trọng, tỉ mỉ từng lời nói, việc làm. Nhưng tôi không coi đó là áp lực vì tôi nhìn thấy được sự quan trọng của công việc tôi đang làm, ý nghĩa của công việc tôi làm nó gắn liền với kết quả điều trị bệnh như thế nào.

Để từ đó, chúng tôi dùng tất cả trái tim yêu thương con người để hoàn thành tốt công việc của mình, để những sai sót không đáng có không xảy ra", Kim Anh cho biết.

TS Ngọc cũng tâm sự: "Làm bác sĩ, nhất là bác sĩ nữ phải hy sinh rất nhiều. Chuyện con đứng ở ngoài đường mà mẹ mải trực quên không đón thì cũng xảy ra khá nhiều. Việc các sự kiện quan trọng của con mẹ không có mặt vì đang bận cấp cứu không thiếu.

Bạn tôi thường bảo con tôi còi vì tôi không biết nấu ăn cho con đúng cách. Con còi thì có nhiều nguyên nhân nhưng việc tôi không có thời gian để thường xuyên nấu cho con những bữa ăn đủ dinh dưỡng cũng là một phần.

Điều này không tránh được khi có một bà mẹ bác sĩ, làm bác sĩ là phải chấp nhận, phải hy sinh".

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam: Hạnh phúc được gieo mầm sự sống- Ảnh 9.

TS Ngọc cho biết, dù vất vả, bận rộn, phải hy sinh rất nhiều điều trong cuộc sống nhưng chưa bao giờ chị hối hận vì đã chọn ngành y. (TS Nguyễn Thị Bích Ngọc (bên phải, ở giữa) chia sẻ với bệnh nhân ghép phổi. Ảnh Minh Quyết)

Theo TS Ngọc, học – làm trong ngành y đã vất vả nhưng phụ nữ làm ngành y còn vất vả gấp đôi, gấp 3 nam giới. Văn hóa của Việt Nam vẫn đòi hỏi người phụ nữ vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa đảm đương tốt vai trò chăm sóc, nuôi dạy con cái, cáng đáng chuyện gia đình… 

Do đó, quỹ thời gian mà nữ y bác sĩ vô cùng hạn hẹp. Họ hầu như quên đi những thú vui, sở thích cá nhân, chỉ vùi đầu vào công việc và cáng đáng những gánh nặng.

"Có nhiều chuyên gia nước ngoài sang đây. Khi họ hỏi tôi "Sở thích của bạn là gì thì tôi chỉ thú thực: "Tôi chỉ thích ngủ". Điều đó có vẻ hơi xấu hổ nhưng đúng với tình hình thực tế. Quỹ thời gian của mỗi người như nhau và có hạnh. Khi bạn chăm lo cho công việc và gia đình nhiều thì bạn không chỉ hy sinh mọi thú vui mà cả thời gian ngủ cũng bị "cấu véo" triệt để.

Y bác sĩ Việt Nam còn chưa được nhận sự đãi ngộ xứng đáng với những gì họ bỏ ra. Áp lực công việc khiến họ không còn thời gian dành cho bản thân, hưởng thụ cuộc sống, họ phải hy sinh quá nhiều thứ để có thể làm tốt được chuyên môn.

Tôi thường làm việc 11-12 giờ mỗi ngày. Sáng 7h đến cơ quan, tất bất làm việc đến 19-20h mới xong. Hôm nào 19h30 tôi có mặt ở nhà, con gái tôi lại trêu: "Hôm nay mẹ ngoan thế? Hôm nay về sớm thế", TS Ngọc tâm sự. 

Chị Ngọc cho biết, dù vất vả, bận rộn, phải hy sinh rất nhiều điều trong cuộc sống nhưng chưa bao giờ chị hối hận vì đã chọn ngành y. Áp lực, sự bận rộn và việc cứu được những cuộc đời cho chị ý nghĩa sống thực sự mãnh liệt, là nguồn năng lượng để chị tiếp tục nỗ lực cứu người. 

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam: Hạnh phúc được gieo mầm sự sống- Ảnh 10.

Ngày 27/2, bệnh nhân Phạm Ánh Tuyết, sau 18 ngày được ghép phổi, lần đầu tiên được ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt đã đến chúc mừng tập thể các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Phổi Trung ương Nhân ngày thày thuốc Việt Nam. Cùng đến chúc mừng có ông Nguyễn Xuân Toại, ca ghép phổi đầu tiên tại Bệnh viện Phổi Trung ương 4 năm trước, hiện đang sống khỏe mạnh. (Ảnh từ trái qua phải): TS Nguyễn Thị Bích Trưởng khoa Hô hấp, Trưởng nhóm điều phối phẫu thuật ghép phổi; PGS.TS. Vũ Xuân Phú – Phó Giám đốc BV; Bệnh nhân Phạm Ánh Tuyết; TS Đinh Văn Lượng Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương - Tổng chỉ huy toàn bộ ca ghép phổi; ông Đinh Văn Toại và mẹ bệnh nhân Tuyết. Ảnh BVCC)

Hình ảnh cuộc ghép tạng huy động hơn 100 nhân viên y tế. 

Các bác sĩ tiến hành ca ghép tạng chiều 30 Tết. Clip BVCC

"Hiện tại sức khỏe của em rất ổn định. Em có thể tự thở bằng chính cơ thể và sức lực của mình. Trước khi được ghép phổi, em thường xuyên phải thở oxy, giờ em đã tự lấy oxy bằng hai lá phổi mới.

Trước Tết, em đã biết rằng thời gian của em không còn nhiều vì lá phổi gần như đã không hoạt động. Chiều 28 Tết, gia đình đưa em ra viện về nhà ăn Tết vì biết rằng có ở lại cũng không giúp gì cho sức khỏe của mình.

Nhưng ngày 29 Tết, khi nghe các bác sĩ điện thoại, gọi em cấp tốc quay trở lại viện vì có cơ hội ghép phổi, em thực sự vui sướng nhưng cũng lo lắng.

Em ngủ một giấc vào chiều 30 Tết và tỉnh dậy vào mùng 1 Tết với một lá phổi khỏe mạnh trong người. Em rất hạnh phúc vì lại đón thêm được 1 năm mới và hứa hẹn được đón thêm nhiều cái Tết, nhiều mùa xuân mới nữa.

Em sẽ cố gắng sống khỏe, sống hữu ích với hai lá phổi mới, xứng đáng với sự sống mà người hiến tặng đã trao lại cho em.

Em cũng rất biết ơn các bác sĩ đã đồng hành, động viên, chữa trị và chăm sóc em trong suốt thời gian vừa qua. Rất cảm ơn những người đã cho cuộc đời em sang trang mới tràn đầy hy vọng"

A.T - bệnh nhân được ghép phổi chiều 30 Tết

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem