Nhà hát Múa rối Thăng Long: Nơi nuôi dưỡng cổ tích thời hiện đại

Vi Thùy Linh Thứ bảy, ngày 19/10/2019 08:05 AM (GMT+7)
Thật tuyệt vời khi vở "Tấm Cám" của tác giả Lưu Quang Thuận (1921 - 1981) đã được diễn trên sân khấu kịch nói, chèo lại được xuất hiện trên sân khấu múa rối một cách đặc biệt như một truyện cổ tích hiển hiện trong thời hiện đại.
Bình luận 0

img

Hình ảnh vở Tấm Cám của nhiếp ảnh gia Lê Bích.

Tôi không chỉ kể chuyện cổ tích cho con, mà còn chú tâm đưa các bé đi xem những vở kịch, chương trình dựng từ truyện cổ tích, hoặc có yếu tố thần thoại, kỳ diệu, phi thường, bên cạnh việc thường xuyên đưa các con thiên nhiên giới thiệu và giáo dục còn tình yêu, nhân ái với cỏ cây, loài vật.

Hễ nhắc đến "ngân hàng", "vốn", "tài sản", "tài khoản", hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến tiền bạc, của cải, đất đai. Với đại gia đình tôi, mấy thế hệ trao truyền nhau di sản tâm hồn nghệ thuật. Tôi đã được trở về ấu thơ khi cùng các con hòa vào truyện cổ tích Tấm Cám được diễn tả bằng nghê thuật rối que độc đáo. Một vở diễn giàu chất thơ làm tôi rất nhớ cha con thi sĩ Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ.

Tác giả - thi sĩ Lưu Quang Thuận đã qua đời đột ngột tối 21/2/1981 khi đang xem kịch nói tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đấy là vở "Vụ án Erốtxtát", do đạo diễn Bulgaria dàn dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam. Từ tích Herostratus đốt đền Artemis, đền thờ nữ thần mặt trăng tráng lệ của Hy Lạp, nhà hát anh cả đỏ của sân khấu Việt Nam thế kỷ XX đã có vở kịch kinh điển hội tụ những diễn viên cự phách, lứa đầu của nhà hát này: NSND Đoàn Dũng - Trọng Khôi (vai kẻ đốt đền), NSND Trần Tiến, NSND Doãn Châu, NSƯT Phạm Bằng, NS Nguyệt Ánh, Quang Thái, Cao Khương, Tuyết Mai là vở làm mưa làm gió, thể hiện đẳng cấp của nhà hát. Nhắc tới ký ức này NSND đạo diễn Doãn Hoàng Giang vẫn nói: "Được chết tại nhà hát hoặc trên sân khấu là rất sang trọng và đấy là ước mơ của tôi!"

Lưu Quang Thuận đã viết vở chèo Tấm Cám từ năm 1958 thật bất ngờ khi 61 năm sau, vở diễn của ông lại xuất hiện đẹp đẽ bằng hình thức nghệ thuật múa rối. Có cảm giác, cả ông, cả người con trai trưởng tài hoa xuất chúng của ông - Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) cũng đang hòa nhịp cùng niềm hân hoan của nhiều lớp nghệ sĩ, báo giới trong khán phòng rạp diễn của Nhà hát Múa rối Thăng Long sáng 10/10/2019. Hôm đó, sân khấu thủy đình chỉ còn là hậu cảnh, vì phải sử dụng sân khấu để xuất hiện các phần của lễ kỷ niệm nên sân khấu nước được lợp kín trải thảm đỏ thành sân khấu gỗ.

Chính ở lõi trung tâm địa linh Thủ đô 1.009 tuổi, ngự một Nhà hát mang tên kinh đô thuở đầu tiên. Nhà hát Múa rối Thăng Long (NHMRTL) vừa sinh nhật tuổi 50, nửa thế kỷ liên tục truyền tỏa được thông điệp của nghệ thuật rối nước hơn 1.000 năm của Việt Nam tới khắp toàn cầu. Tôi đặc biết ấn tượng về những chấm son khắp năm châu trên bản đồ thế giới đánh dấu những nơi NH đã đến biểu diễn. Buổi sinh nhật là ngày hội vui của các thế hệ nghệ sĩ đúng kỷ niệm Hà Nội 65 năm giải phóng. Sân khấu nước lợp kín lại, tiệc chiêu đãi quan khách và nghệ sĩ các nhà hát đến chung vui là các trích đoạn rối cạn, thể hiện khả năng đa dạng của diễn viên nơi này.

Bên cạnh vở Tấm Cám truyền thống, lại có sự cập nhật mới lạ, tiết tấu sôi động trẻ trung của Vũ điệu đường phố. Tấm Cám, kịch bản: Lưu Quang Thuận; Ý tưởng dàn dựng: NSƯT Đức Hùng; Biên đạo múa: NSƯT Quỳnh Lan;Chỉ đạo nghệ thuật: NSƯT Chu Lượng. Tấm Cám được dựng là tác phẩm nhiều ý nghĩa nhân dịp Nhà hát tròn nửa thế kỷ vì hội tụ các nghệ sĩ về hưu lẫn các diễn viên sung sức. Họ vừa điều khiển rối bằng que qua các sợi dây (rối que) vừa thoại,vừa tham gia diễn xuất, mỗi nhân vật cần 2 người tham gia: NSƯT Đỗ Mùi,  Kim Thoa (Vai Tấm); NS Kim Xuân, Ngô Hiên (Cám); NSND Hoàng Tuấn (nguyên giám đốc Nhà hát), NSƯT Minh Khánh (Hoàng tử); NSƯT Thanh Hiền, Thúy Ánh (Mẹ Cám); NSƯT Thùy Dương (chim Vàng anh), cùng sự tham gia của tập thể diễn viên đoàn 1.

Vũ điệu đường phố, tác giả - đạo diễn: NSƯT Lê Chí Kiên; Họa sĩ tạo hình con rối: Đạt Phú; Biên đạo hình thể: Lê Văn, Minh Anh.

Tập thể diễn viên Đoàn 2 không chỉ điều khiển con rối mà họ nhún nhảy luôn. Lúc chỉ có 1 con rối là "Hot girl", lúc là "đội hình thanh niên 5 con rối". Các con rối mặc thời thượng nhảy hip hop, tốp diễn viên điều khiển con rối cũng nhảy rất ăn khớp nhịp nhàng, gây ngỡ ngàng.

img

Từ một đoàn múa rối ra đời trong giai đoạn chống Mỹ ác liệt, thiếu thốn mọi bề, có những năm long đong không trụ sở làm việc, biểu diễn; đến nay NHMRTL là địa chỉ nghệ thuật sáng giá của thủ đô. Được sửa chữa, kiến tạo từ rạp chiếu bóng Hòa Bình, NHMRTL từ năm 1993 hoạt động tại số nhà 57B Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm đã miệt mài, say đắm, thăng hoa truyền hàng vạn thông điệp qua mấy chục nghìn suất diễn về sự cao thượng, giản dị, chan hòa, quan điểm nhân sinh, tình người, lòng thiết tha yêu sự sống của những người làm ra rối, gửi vào nhân vật rối. Đó không chỉ là mô phỏng của đời sống hiện thực. Đó là khát vọng từ tâm hồn khoáng hoạt, hồn nhiên, lạc quan, nhân ái cất lên từ những cánh đồng của những nông dân tảo tần và mơ mộng. Những Tễu, Tiên mang một cảnh giới triết lý vũ trụ, vượt thoát khỏi mọi tầm thường, khỏi những oán giận, hận thù, sân si. Rối nước là tinh hoa của văn hóa sông Hồng, văn minh lúa nước đồng bằng Bắc Bộ.

Với tôi, lâu đài thôn dã, bảo tàng đồng quê ngay giữa chốn phồn hoa đô hội là Nhà hát Múa rối Thăng Long. Dừng bước vào sảnh nhỏ, lên cầu thang bộ, là như được bước vào một "miền cổ tích". Trong đời sống công nghiệp hiện đại, những kỷ niệm phải được thiết kế, những ký ức phải kỳ công kiến tạo, quy hoạch. Nhà hát chính là nơi gìn giữ, sưu tầm, truyền bá, sáng tạo những vở diễn chưng cất vẻ đẹp của rối nước truyền thống kết hợp với khám phá, thể nghiệm mang tính thời đại. Chiều kích và tư tưởng của sân khấu dân gian duy dưỡng hơn 1.000 năm được bồi đắp, nhuận sắc thanh xuân của vẻ đẹp mới đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của con người đương đại, thời đại 4.0. Không loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam hiện nay thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả quốc tế hơn múa rối nước.

img

Di sản văn hóa dân tộc đặc sắc, sống động chất chứa những thông điệp về yên vui, hạnh phúc đang ở thời kỳ thịnh vượng nhất của sức diễn, bùng nổ "thiên thời địa lợi nhân hòa" hết mình dâng tặng cho người xem và thành quả thu được là sự mến mộ của công chúng trong và ngoài nước, được báo chí quốc tế khen ngợi. Người say nghề, nghề nuôi người, đời sống diễn viên sung túc, như nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc ví nhà hát là "Một cây vàng, cây bạc thu ngân sách cho thành phố".

Từ chuyến du diễn lần đầu tại Brno (Cộng hòa Séc năm 1981) đến nay, NHMRTL giành nhiều kỷ lục trong nước và thế giới: Nhà hát biểu diễn nhiều nơi trên thế giới nhất, Nhà hát có loại hình nghệ thuật lâu đời nhất ở Việt Nam, Nhà hát có số lượng khán giả đông nhất (trên 40 triệu lượt khách, từ 1992 đến nay), Nhà hát đón tiếp các nguyên thủ và chính khách nhiều nhất, Nhà hát duy nhất châu Á đạt kỷ lúc biểu diễn 365 ngày/năm, Nhà hát có buổi biểu diễn rối nước dài nhất. Nghệ thuật múa rối nước với những con rối gỗ đã được NHMRTL, tuy không rộng lớn nhưng là một không gian nghệ thuật đặc biệt có sức lan tỏa diệu kỳ. Hồ thủy đình ở nhà hát chỉ khoảng 48m2, chứa 95m3 nước, mỗi kíp diễn có 22 người, 2 đoàn (tổng số 50 người) thay nhau diễn, 292 ghế hầu như luôn kín chỗ. Từ mùa Thu đến cuối năm, Nhà hát diễn 5-6 suất/ngày. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Nhà hát ngày 23.8.2013.

Thế - giới - khác ấy, từ các tủ kính bày các sản phẩm rối mà khán giả có thể mua làm quà, vật lưu niệm cho mình và bạn bè, là những con cá treo bơi khoáng hoạt trong không gian, là tập postcard in 2 thứ tiếng Việt - Anh với hình ảnh đời sống hiện thực, tâm linh, lễ hội, đám rước ở làng và các trò: Đánh bắt cá, Vinh quy bái tổ, Múa tiên. Các trò tích này thuộc danh sách 16 trò rối diễn trong mỗi suất 50 phút. Cùng với: Tễu giáo trò, Bật cờ hội, Chăn trâu thổi sáo, Cấy cày, Câu ếch, Đánh cáo bắt vịt, Múa rồng, Múa phượng, Múa lân, Múa tứ linh và tích "Lê Lợi du thuyền" càng nhấn mạnh truyền thuyết hồ Gươm trong khao khát thanh bình. Những ký ức trực tiếp, trải nghiệm, gián tiếp (nghe kể hoặc chỉ xem qua phim ảnh) được hiển hiện bằng các trò rối ngộ nghĩnh, sinh động, hấp dẫn.

img

NSƯT Chu Lượng gửi thông điệp từ số nhà 57B Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cũng là tự tình của anh:" Từ năm 1993, ngôi nhà này ngày nào cũng tiếp đón trên ngàn người từ sáng đến khuya. Họ đến đây để đến một sân khấu kỳ lạ nhất trên thế giới. Để được sống 50 phút với con người và thiên nhiên Bắc Bộ Việt Nam. Tất cả tràn ngập niềm vui sống, không toan tính, không hận thù, không tranh giành chiếm đoạt. Mọi cung bậc tình cảm đều trong sự hồn nhiên yêu đời, tất cả được sinh ra từ nước, sáng trong như nước và bất tử như nước.

Họ đến để trở về như chưa nhuốm vào trần thế của đời người, bởi lẽ họ được nghệ thuật múa rối truyền thống Việt Nam thanh tẩy gọt rửa tâm hồn. 50 năm ta không ngồi đếm tuổi, âm vang của trầm tích và truyền thống cùng những giá trị thiêng liêng của văn hóa văn hiến...thành động lực cho NHMRTL trước chân trời mới xứng danh là địa chỉ nghệ thuật của Thành phố vì hòa bình. Tôi vẫn sẽ tiếp tục con đường gắn bó máu thịt với rối, mượn câu "giáo trò" của chú Tễu, mở lòng hân hoan trước khi hững trò diễn đầy ảo diệu xuất hiện: "Tễu tôi vốn dòng trên thiên thượng/ Bởi hái đào bị trích xuống trần gian/ Thấy sự đời bối rối đa đoan/ Nên tôi phải lặn lội lo toan sự "Rối" đấy bà con ạ !"

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dành suy cảm sâu sắc về rối nước như lời tri kỷ dành cho bạn thân Chu Lượng, họ đã cùng nhau giới thiệu múa rối tại Mỹ, trong trường đại học, tiểu học. Những người bạn ấy- Nguyễn Quang Thiều, Lương Tử Đức hội tụ trong cuốn sách kỷ yếu đồ sộ, sang trọng không khác một áng tài hoa, như hiển hiện ký ức tươi đẹp khi các nhà thơ và con trai thi sỹ Thiều được đào tạo cấp tốc và huy động biểu diễn rối nước tại vườn nhà của thi sỹ Kevin Bowen tháng 4.2007.

img

Khi rời Mỹ, Chu Lượng đã tặng gia đình nhà thơ và hàng xóm Mỹ của ông những con rối và sân khấu thủy đình di động, để lại Dedham, Boston: "Kevin nói với tôi, thi thoảng vào buổi tối ông thường đứng trước con rối nước, điều lạ lùng hiện ra: nước chảy, cá quẫy, tiếng cười vui, tiên nữ giáng trần và Kevin hiều ra vì sao người Việt vượt khỏi đau khổ mất mát để chỉ có tiếng cười vang lên cùng tiếng nước mọi chốn mọi nơi. Nếu không phải địa lý, văn hóa Việt Nam thì không thể sinh ra nghệ thuật rối nước, tất cả đều sinh ra từ nước. Trên cánh đồng lúa nước, người Việt Nam từ đời này qua đời khác cày cuốc gieo hạt, dựng nhà, sinh con, tôn thờ thần thánh, tổ tiên, yêu thương ngập tràn và tha thứ vô tận. Không bao giờ tìm thấy nét buồn trên gương mặt của Tễu, của Tiên, muông thú. Trong mọi hoàn cảnh người Việt Nam đều tìm thấy niềm vui và hóa giải nỗi buồn.

Lạ kỳ thay, hơn 10 thế kỷ qua, những con cá vẫn từ dưới làn nước xanh banh lên vẫy đuôi, xòe vây, quẫy đuôi và biến mất vẫn làm mê mệt người xem mọi thời đại và mọi quốc gia, chúng dẫn ta vào sự mê dụ của huyền ảo. Những con cá đã đi bằng con đường nào từ hồ nước đời sống để đến được hồ nước nghệ thuật kia ? Câu trả lời duy nhất: con đường sáng tạo kỳ diệu của người nghệ sỹ. Hàng ngàn năm nay, vẫn là con cá ấy hiện ra, bơi một vòng và quẫy đuôi biến mất mà vẫn quyến rũ người xem, vẫn mang theo bí ẩn đến tận bây giờ. Con cá ấy và những con rối nước khác hầu như chẳng nói gì, chẳng tuyên bố gì, chẳng xỏ xiên gì, chẳng hận thù gì, chằng hứa hẹn gì mà quyến rũ con người đến thế. Phải có một bí mật gì trong đó". Nhân gian của Chu Lượng với mấy ngàn con rối mấy ngàn gương mặt khác nhau đều chung: Sự thuần khiết và trong sáng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem