Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Khác biệt bằng tư duy và sáng tạo - Ảnh 1.

Cây đa nổi tiếng ở sân Tòa soạn 71 Hàng Trống đã hơn 500 năm tuổi. Bóng mát và các cội rễ xù xì của nó tỏa mát cả một cái sân rộng, cũng như cái bóng của "anh cả" báo Nhân Dân trùm bóng xuống cả làng báo nước nhà.

Xin hỏi thật nhé, khi được Bộ Chính trị phân công về làm Tổng Biên tập báo Nhân Dân - tờ báo lớn và quan trọng nhất nước, anh có ngại không?

- Tôi không bao giờ có khái niệm ngại khi bắt tay vào một công việc gì đó. Tôi làm việc ở TTXVN chính xác là 30 năm, 6 tháng, 18 ngày. Nơi đây tôi tường tận mọi ngóc ngách, hiểu từng đơn vị, thuộc tên tuổi, tính cách từng người. Tôi đi từ biên tập viên, rồi dần dần phó phòng, trưởng phòng, tổng biên tập VietnamPlus ... rồi đến Phó Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy. Xét về tình cảm, chúng ta luôn gắn bó với một nơi mà mình có nhiều kinh nghiệm. Xét về mặt công việc, quản lý ở một nơi đã nắm rõ sẽ dễ dàng hơn. Mà khi mọi thứ dễ dàng thì phản xạ tự nhiên là muốn tiếp tục được duy trì ở đó.

Còn khi được phân công sang làm TBT báo Nhân Dân tôi không bất ngờ. Báo Nhân Dân có một vị trí, vai trò rất quan trọng, là đơn vị nghiêm ngắn, truyền thống, chính luận, yếu tố chính trị cao hơn. Tôi vốn là người thích khám phá những điều mới mẻ. Khám phá điều mới mẻ trong một cơ quan lớn, từ đơn vị này sang đơn vị khác của TTXVN thì quen rồi. Sang hẳn một cơ quan khác lại là chuyện khác. Nhưng một khi đã được phân công, tôi không ngại.

Khi tôi về đây, một số người lo ngại tôi sẽ thích nghi thế nào? Tôi nghĩ, khi đã bước qua cửa số 71 Hàng Trống, nghĩa là tôi đã là người của Nhân Dân, tôi sẽ cống hiến hết mọi sức lực.

Quan điểm của tôi cái gì đã làm ở báo cũ, những dự định nào dang dở không bao giờ mang sang cơ quan mới. Và điều quan trọng, mọi dự án, ý tưởng đều phải dựa trên thế mạnh của cơ quan mình đang làm việc, không phải bám theo một mô hình có sẵn trong đầu là "không làm được ở cơ quan này thì mang sang cơ quan khác". Vì vậy khi sang đây, tôi đã áp dụng ngay những dự án mới mẻ.

"Sáng tạo", "đột phá", "công phu", "ấn tượng"... là những nhận xét mà rất nhiều nhà báo đồng nghiệp đã nói về báo Nhân Dân trong thời gian gần đây. Là người "trong cuộc", anh nói gì về những nhận xét này?

- Khi tôi về làm TBT, có tham gia làm phim tài liệu về báo. Khi anh em đưa hình tôi bên cạnh các TBT khác, bản thân tôi thấy mình có một phong cách khác quá, không phù hợp với nhận thức chung của mọi người. Thậm chí tôi còn cảm thấy mình không đủ sự chính luận, hay đỉnh cao như các TBT trước.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Khác biệt bằng tư duy và sáng tạo - Ảnh 4.

Tuy nhiên thay vì phải đi theo, thay đổi mình, nắn mình theo hình ảnh mọi người vốn nghĩ về báo Nhân Dân thì tôi nghĩ rằng "làm thế là không đúng". Báo chí bây giờ cần hiện đại, cần những con người hiện đại là chuyện hết sức bình thường. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, báo chí thay đổi rất nhiều. Tôi nghĩ nếu lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tin tưởng, lựa chọn mình có nghĩa các đồng chí lãnh đạo đã mong muốn mình thay đổi, không phải muốn mình giống những gì người khác từng làm. Vì vậy tôi rất tự tin.

Ngày đầu tiên sau khi tiếp nhận trao quyết định làm TBT, tôi đã có bước đi thay đổi đầu tiên. Có người nói với tôi, về một đơn vị mới nếu chưa hiểu hết thì nên thay đổi từ từ, 6 tháng đến 1 năm. Lời khuyên này rất đúng. Khi chưa đủ sự hiểu biết về bộ máy, con người thì theo logic thông thường nên tìm hiểu. Nhưng tôi nghĩ, nếu mất thời gian tìm hiểu quá lâu như vậy, chắc gì nửa năm, hay 1 năm đã hiểu hết. Chẳng lẽ cứ duy trì như vậy?

Cho nên, một mặt tôi đến từng đơn vị, trao đổi để hiểu cách làm, xem cách làm có gì khác với cơ quan cũ, khác gì với những nguyên tắc mình từng làm, đồng thời tiến hành ngay sự thay đổi.

Mọi người cứ nghĩ tôi rất thành thạo điện tử chắc sẽ thay đổi từ mảng điện tử. Nhưng tôi thực hiện thay đổi ngay với báo in như: co chữ cho to lên, loại bỏ một số thành phần trong măng-set để logo báo nổi bật hơn; thay đổi cách thức phiên âm mà trước đây đã dẫn đến nhiều câu chuyện bàn tán một thời gian dài... Chúng tôi thay đổi uyển chuyển, không cực đoan.

Ngoài thay đổi về mặt hình thức gọn gàng, hấp dẫn hơn với độc giả, chúng tôi ưu tiên những bài viết mang tính chuyên sâu trên báo in. Những tờ cuối tuần, cuối tháng, thiết kế và cách thức tổ chức nội dung thay đổi, theo một phong cách thống nhất, rõ ràng.

Đặc biệt đối với điện tử, chúng tôi thay đổi chính hình thức. Năm qua đã triển khai hệ thống CMS rất hiện đại, trong thời gian rất ngắn sẽ công bố giao diện mới. Bằng việc đưa công cụ làm báo điện tử hiện đại đã thực sự thay đổi mạnh mẽ về chất của báo Nhân Dân. Anh, chị em từ việc làm đồ họa rất thủ công đến nay có thể tạo ra nội dung có những dữ liệu, tính tương tác rất phức tạp, tự tạo ra những bài Emagazine, longform công phu, chất lượng. Ban đầu, họ chưa quen, đích thân tôi phải hướng dẫn. Sau đó họ làm thành thạo, rất sáng tạo. Sau khi thay đổi về báo in và báo điện tử, chúng tôi đã chủ động giúp đỡ các báo đảng ở địa phương thay đổi, học hỏi và nhanh chóng nắm bắt công nghệ.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Khác biệt bằng tư duy và sáng tạo - Ảnh 5.

Thay đổi táo bạo, quyết liệt như vậy, anh có gặp phải những khó khăn, trở ngại?

- Khi làm gì mới, có gặp khó khăn, trở ngại là điều hết sức bình thường. Ngày trước khi tôi thuyết trình một ý tưởng sáng tạo mà có người không thích, tôi không vui và tự hỏi tại sao? Nhưng về sau tôi rút ra một điều, đó là do mình chưa có năng lực thuyết phục, thuyết trình kém.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Khác biệt bằng tư duy và sáng tạo - Ảnh 6.

Quan điểm của tôi, những ý tưởng sáng tạo cần có thời gian mới biết được giá trị, đừng đòi hỏi mọi người cùng hiểu, sẽ có người thích, người không. Người lãnh đạo phải nghĩ ra được những gì nhân viên không nghĩ được. Nếu nghĩ ra thứ có giá trị, mọi người chưa hiểu thì phải nỗ lực thuyết phục và trình bày bằng cách thức dễ hiểu nhất. Nhưng kể cả cách thức dễ hiểu nhất cũng đừng kỳ vọng 100% số người ủng hộ.

Bây giờ là thời buổi dám chấp nhận sai lầm để thử nghiệm, gọi là "sáng tạo phá huỷ". Sáng tạo có thể làm thay đổi mọi thứ chúng ta làm từ trước. Nhiều sáng tạo phá hủy như vậy sẽ giúp phát triển thay vì một kế hoạch dài hạn. Nhưng cần phải có sự đồng thuận trong ban lãnh đạo, cán bộ chủ chốt. Cách thức làm mỗi dự án sẽ giao cho một bộ phận riêng. Và có sản phẩm demo là cách thuyết phục dễ dàng nhất. Tất nhiên trước khi làm cũng nên thăm dò trước.

Người dân hiện nay quá thành thạo với việc lướt internet, theo dõi những thông tin điện tử phù hợp với thị hiếu của họ. Báo Nhân Dân "định vị" mình ra sao khi phát triển báo điện tử muộn hơn so với nhiều báo điện tử khác?

- Anh em trước đây chỉ quen với làm báo in. Truyền hình thì tương đối cách biệt nhưng khi xây dựng lên kênh radio, phát trên Podcast mọi người rất hưởng ứng. Thay vì làm tin, chúng tôi lại tìm được một hướng đi khác biệt, đó là chọn truyện để đọc trên Podcast. Làm tin không khó, nhưng phải làm những gì người khác không bắt chước được.

Khi về đây tôi phát hiện ra báo sở hữu khoảng 300-400 truyện ngắn độc quyền. Tôi bàn với anh em đọc lên thành radio. Vì nếu in sách, in báo thì qua một số, người ta cũng gác lại, không xem nữa. Và mỗi câu chuyện lại có thêm hình minh họa rất đẹp, do các họa sĩ nổi tiếng vẽ. Khi kết hợp hai thứ với nhau lại tạo ra một sản phẩm rất cao cấp.

Ban đầu, chúng tôi làm Podcast đọc truyện và phát trên các nền tảng Spotify, Google Podcast, Amazon Music, SoundCloud. Sau đó, chúng tôi bắt đầu ra bản tin âm thanh Podcast, mỗi ngày ra hai bản tin thời sự.

Rồi báo Nhân Dân lên TikTok - một thứ mà mọi người không bao giờ tưởng tượng. Mọi người nghĩ rằng TikTok là một nền tảng dành cho người trẻ, chỉ những thông tin mang tính chất giải trí mới được quan tâm, nhưng không phải vậy. Có những tin rất chính luận khi lên TikTok đạt tới 3-4 triệu lượt người xem. Chúng tôi tìm mọi cách thức tuyên truyền, làm sao đến được với mọi đối tượng.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Khác biệt bằng tư duy và sáng tạo - Ảnh 7.

Anh nói rằng "báo Nhân Dân cũng phải hướng đến Thế hệ Z". Làm thế nào để hấp dẫn được lượng độc giả này?

- Mình phải chui vào đầu người ta. Nếu như chỉ nghĩ như một người 40- 50 tuổi thì không thể tạo ra những sản phẩm dành cho con cháu mình. Cùng nội dung, cùng thông điệp muốn nói nhưng cách thức thể hiện, cách thức trình bày phải tìm hiểu xem thế hệ trẻ họ muốn gì, nói gì. Muốn tạo một sản phẩm cho thế hệ 50 tuổi nó khác, mà dành cho Thế hệ Z nó khác.

Báo Nhân Dân có nhiều bạn trẻ rất sáng tạo. Trước khi khuyến khích, thôi thúc họ làm thì chính tôi cũng phải là người hiểu về họ để hướng dẫn.

Đừng coi thường, đánh giá thấp, đừng bỏ quên Thế hệ Z bởi chỉ một thời gian ngắn nữa họ sẽ trở thành lực lượng chính trong xã hội. Nếu mình báo động được khi còn sớm thì nhận thức của họ sẽ dễ thay đổi.Thế hệ trẻ như một tờ giấy trắng, chưa va chạm nhiều nên định hướng sớm cho họ rất tốt.

Trước đó, báo Nhân Dân thường được cho là nhắm đến các đối tượng là đảng viên, chi bộ, người lớn tuổi, các cụ về hưu thì giờ, chúng tôi muốn thay đổi quan điểm đó. Slogan mới của chúng tôi là: "Ở đâu có nhân dân, ở đó có báo Nhân Dân".

Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Khác biệt bằng tư duy và sáng tạo - Ảnh 8.

Anh đã nghiên cứu rất nhiều về báo chí hiện đại. Anh cho rằng, báo chí thế giới nói chung, cũng như báo chí Việt Nam nói riêng gặp phải những khó khăn, thách thức gì. Làm thế nào để vượt qua?

- Trên thế giới đều quan niệm rằng, báo nào có nhiều người xem thì sẽ có nhiều tiền. Báo nào tiara càng lớn sẽ càng có nhiều quảng cáo và bán được với giá cao. Đấy là nguyên tắc của báo chí trong hàng trăm năm qua.

Báo chí nước ngoài là tự sản xuất, tự nuôi, khác với báo chí tuyên truyền. Trước đây khoảng 85-90% nguồn thu của các báo đến từ quảng cáo. Thế nhưng sự phát triển của internet và mạng xã hội khiến mọi thứ thay đổi. Một trong những sai lầm của các cơ quan báo chí là vào đầu những năm 2000 đưa tất cả các tin miễn phí lên internet, càng nhiều người xem càng tốt. Đến bây giờ, các chuyên gia báo chí nhận thấy rằng đấy là sai lầm không có cách nào sửa chữa, khắc phục nổi. Nguyên tắc của báo chí tư nhân là kinh doanh phải có lãi. Thế mà thời điểm đó, tất cả các thông tin đều "cho đi" một cách miễn phí.

Sự phát triển của công nghệ khiến cho các tập đoàn lớn đều muốn lấn sân vào lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, như Facebook, Google, Netflix.... Họ dần dần chiếm lĩnh người dùng, chiếm lĩnh thị trường nên nguồn thu của báo chí ngày càng bị thu hẹp.

Ngày trước số lượng tờ báo, các kênh truyền hình, phát thanh thì hữu hạn, hiện giờ các kênh trên các nền tảng internet có rất nhiều, nhiều cá nhân làm hay, thu hút được sự chú ý của độc giả, dễ lan truyền. Ví dụ như các clip ngắn trên TikTok, mọi người khi xem rất nghiện. Vậy làm sao báo chí thu hút được khi có hàng tỷ kênh như thế?...

Trên thế giới câu chuyện về nguồn thu của báo chí vô cùng nan giải. Một số cơ quan báo chí lớn xoay sang các nguồn thu khác, thu phí với nhiều hình thức khác nhau. Có thể thu phí cứng, thu phí và cho đọc một số lượng bài nhất định, như tờ New York Times; nguồn thu từ membership, tức là người dùng trở thành thành viên của tờ báo, có thể hưởng một số lợi ích nhất định, hay báo chí kết hợp với các cơ quan thương mại để làm thương mại điện tử... Có rất nhiều mô hình như vậy.

Ở Việt Nam vấn đề này càng nan giải. Một số cơ quan báo chí đã có sự chuyển đổi linh hoạt, họ tổ chức các sự kiện, tìm kiếm các nguồn thu khác. Nhưng không nhiều cơ quan báo chí làm được, hoặc nguồn thu chưa đủ cao để bù đắp vào các khoản thu đã mất đi.

Ở nước ngoài, báo chí thay đổi bằng cách làm rất sáng tạo để thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Họ đổi mới cảm xúc của người xem. Ví dụ khi quảng cáo dao cạo râu, tã, bỉm cho em bé hay quảng cáo các khu du lịch đẹp, người ta chú ý đến cảm xúc, làm thế nào quảng cáo để người xem có thể chạm vào, cảm nhận được, nghe được. Hay các tờ báo quảng cáo về xe hơi, mở ra có thể nghe thấy âm thanh của tiếng động cơ, tiếng nẹt pô thật hấp dẫn, họ đo được cảm xúc của người dùng... Báo chí nước ngoài đã áp dụng rất nhiều những hình thức đổi mới như vậy.

Ngay như chương trình Podcast, rất nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đã thu tiền độc giả, thính giả, còn Việt Nam vẫn đang loay hoay thu hút sự chú ý của độc giả. Đôi khi một nhóm nhỏ trung thành nhưng lại rất quan trọng nếu họ trả tiền để đọc báo. Khái niệm tờ báo cố gắng có càng nhiều người xem càng tốt, nhiều người xem khiến vị thế của báo tăng lên, mới đưa ra được giá quảng cáo cao hơn không còn phù hợp, nhiều cơ quan báo chí trên thế giới không đi theo hướng này nữa.

Cũng có những mô hình báo chí trên thế giới thành công nhưng chúng ta không thể nào sao chép được. Ví dụ như New York Times cực kỳ thành công về mô hình thu phí báo điện tử, nhưng các tờ báo khác không thể đua được, họ buộc phải có giải pháp khác. Vì vậy, không có giải pháp nào là phù hợp với tất cả các cơ quan báo chí.

Đối với các cơ quan báo chí Việt Nam, tìm ra được thế mạnh riêng của mình người khác mới không bắt chước được. Chuyện thu phí, đừng nghĩ bán được một gói thu phí là đã hoàn thành, phải làm thế nào người ta bỏ tiền ra rồi lại muốn bỏ tiền tiếp và thuyết phục người khác cũng bỏ tiền. Vậy nếu mỗi tờ báo không có gì độc quyền, không khác biệt thì làm sao thu phí được?

Hơn nữa, các phương thức thanh toán ở Việt Nam cũng gây trở ngại, không phải ai cũng có thẻ tín dụng. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không làm. Vì nếu không có người đi đầu, làm sao thành công được.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Khác biệt bằng tư duy và sáng tạo - Ảnh 9.

Làm thế nào để thay đổi thói quen của lượng độc giả Việt Nam vốn đã quen với việc đọc tin tức miễn phí sang cách thưởng thức thông tin theo hình thức thu phí?

- Trước khi thành công trong việc thu phí, tờ New York Times từng dựng rào thu phí rồi tự dỡ bỏ. Khi một tờ báo quyết định thu phí phải tính toán đến khả năng thu phí có bù đắp được những khoản mình bỏ ra hay không, đặc biệt với thói quen của người tiêu dùng hiện nay. Tỷ lệ người dùng sẵn sàng bỏ tiền ra mua rất ít. Như tôi đã nói sai lầm của báo chí là đã khiến người dùng mặc định cứ đọc trên mạng là không phải trả tiền. Nếu ngay từ đầu chúng ta đã xây dựng một cuộc chơi, có thu phí có lẽ bây giờ đã khác. Giờ khó có thể xây dựng được một thói quen muốn đọc tin tức thì phải trả tiền.

Có một số phân tích khác nhau, nói rằng người trẻ không quan tâm đến tin tức, không bỏ tiền ra mua tin tức. Nhưng cũng có phân tích nói rằng người trẻ họ rất quen với việc thanh toán online. Vì vậy nếu thu hút được đối tượng này thì rất dễ dàng, trong khi những người lớn tuổi chưa chắc đã thuyết phục được họ mua tin. Hơn nữa, trong thời gian qua người dân đã quen với thương mại điện tử.Vì vậy, để phát triển, các cơ quan báo chí không có cách nào khác là phải tiếp tục đặt công nghệ ở trung tâm của mọi chiến lược, sử dụng công nghệ để tạo ra những nội dung hấp dẫn và chinh phục được các nhóm độc giả mới này, phân phối nội dung hiệu quả hơn để kiếm tiền được nhiều hơn.

Xét cho cùng chúng ta muốn những sản phẩm báo chí chất lượng cao thì phải tự đầu tư về tiền bạc, vật chất, năng lực, con người... Vậy người dùng cũng phải trả tiền báo chí mới viết được. Độc giả muốn đọc phóng sự điều tra hấp dẫn, người làm báo phải đổ mồ hôi, đổ xương máu mà người đọc chẳng chịu trả đồng nào thì báo chí lấy đâu ra để tiếp tục sản xuất?

Có một xu hướng mới trên thế giới là kêu gọi mọi người đóng góp. Cũng là hình thức bắt mọi người trả tiền nhưng là tuỳ tâm. Vấn đề này chỉ phù hợp với một số quốc gia.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Khác biệt bằng tư duy và sáng tạo - Ảnh 10.

Trong thời đại công nghệ, các tờ báo đều không ngừng đổi mới và đang thay đổi cách thức làm báo hiện nay. Theo anh, để thành công, bí quyết nằm ở đâu?

- Ngày trước, khi tôi làm ở VietnamPlus đã có một sologan "Không ngừng sáng tạo". Từ lâu tôi xác định chỉ có sáng tạo mới giúp cho báo chí phát triển được. Trong thời gian dài, VietnamPlus là cơ quan đi đầu trong đổi mới sáng tạo về ý tưởng mới, dự án mới, cách thức làm báo hiện đại. Trước đây, tôi đã có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với nhiều cơ quan quốc tế, thấy yếu tố sáng tạo luôn luôn là yếu tố quyết định. Đừng nghĩ rằng chỉ những người lãnh đạo mới nên sáng tạo mà ngay cả nhân viên bình thường, nếu họ có ý tưởng sáng tạo, thực hiện được ở quy mô rộng khắp thì là điều rất đáng quý.

Về báo Nhân Dân, tôi xác định: Nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng, yếu tố thứ 3 rất quan trọng mà nhiều cơ quan báo chí không làm được, đó là sáng tạo. Nếu chúng ta thực hiện được 3 chân kiềng này nền báo chí sẽ rất vững chãi.

Anh nói sao về việc hiện nay một bộ phận nhà báo li dụng nghề nghiệp của mình để trục lợi cho cá nhân, tổ chức?

- Chúng ta không thể đổ lỗi cho việc khó khăn thì làm liều. Vi phạm pháp luật để nuôi dưỡng mình, những người trong đơn vị thì không có lý do gì có thể biện minh được.

Bên cạnh những cơ quan báo chí rất chuẩn chỉnh, làm rất tốt, có bề dày, truyền thống, cũng có cơ quan báo chí được lập nên với mục tiêu kiếm tiền không lành mạnh.

Tôi nghĩ thực sự các cơ quan chức năng cần phải ra tay mạnh mẽ hơn nữa. Không thể nào dung túng cho tình trạng này, họ đã làm vấy bẩn, hoen ố những người làm báo chân chính. Còn lãnh đạo ở cơ quan báo chí đã dung túng, theo tôi cần phải siết chặt và đề cao vai trò của người đứng đầu, người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm.

Trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội Nhà báo này, tôi đề ra một trong những mục tiêu của kỳ sẽ nhấn mạnh đến yếu tố đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, đổi mới, phát triển. Hội Nhà báo bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi của hội viên, đào tạo về kiến thức, về kỹ năng, về tư tưởng là hết sức quan trọng thì vấn đề đạo đức phải được nhấn mạnh, đối với từng cơ quan báo chí cũng như từng nhà báo. Họ phải hiểu với vai trò của nhà báo, không phải một công dân bình thường, họ đang gánh một trách nhiệm rất lớn.

Chúng tôi hay so sánh, một bác sĩ nếu không đủ năng lực, có thể dẫn đến sai lầm tai hại đối với một bệnh nhân; một thầy giáo không có tầm, sẽ ảnh hưởng đến một số học sinh. Còn một nhà báo viết sai có thể ảnh hưởng đến cả triệu người. Ví dụ một bài viết sai về thị trường chứng khoán có thể làm cho doanh nghiệp sập, rất nhiều nhà đầu tư ảnh hưởng.

Không thể kiếm tiền một cách phi đạo đức, không thể viết bài, ép doanh nghiệp phải hỗ trợ truyền thông. Mình phải làm hay để cho doanh nghiệp tự đến quảng cáo, không phải dọa nạt họ, tìm những sai lầm của họ để bắt họ bỏ tiền nuôi chúng ta.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Khác biệt bằng tư duy và sáng tạo - Ảnh 11.

Cũng từng là người làm báo hơn 30 năm qua, tôi thấy danh xưng nhà báo giờ nó mất giá, không được coi trọng như trước. Theo anh thì tại sao, trách nhiệm ca các cơ quan báo chí, trách nhiệm của Hội Nhà báo như thế nào?

- Theo một số khảo sát trên thế giới, nhà báo không còn được người dân tin tưởng như trước nữa. Kể cả chính trị gia cũng vậy. Trong thời gian Covid-19 vừa qua, người dân tin tưởng vào bác sĩ, nhà nghiên cứu hơn. Và kể cả trong các khảo sát ở Việt Nam thì vị trí, niềm tin của người dân vào báo chí cũng ngày càng suy giảm. Nó đến từ nhiều lý do.

Đầu tiên, người ta thấy rằng báo chí đã làm mất niềm tin trong công chúng. Có những nhà báo, tờ báo làm rất tốt, nhưng cũng có những nhà báo, tờ báo lạm dụng quá cách phát ngôn qua nền tảng xã hội, muốn thể hiện thế nọ thế kia...

Rồi khi internet phát triển, người dân có thể tiếp cận rất nhiều thông tin mà không nhất thiết phải đến từ nhà báo. Có khi thông tin bên ngoài đến nhanh hơn, và một số trường hợp đúng, trong khi có nhà báo đưa chưa chuẩn, nên hình thành suy nghĩ "chưa chắc nhà báo là người đáng tin tưởng".

Ngày xưa, nhà báo được coi là "người gác cổng". Trong một ngày, có trăm sự kiện, nhưng người dân tin tưởng những thông tin đã được "lọc" qua cái nhìn của nhà báo, và họ chọn tờ báo họ tin tưởng.

Nhưng bây giờ, người dân có thể tiếp cận với hàng vạn nội dung. Và họ cũng có tư duy cực đoan nữa là: khi thông tin đi qua lăng kính của nhà báo, là đã có định kiến. Có những người muốn tiếp cận với thông tin thô và họ không hiểu rằng những nội dung thô ấy mà được nhà báo có trình độ, có nghiệp vụ, có tâm đánh bóng lên nó sẽ là một sản phẩm có chất lượng cao.

Cùng một vấn đề nhưng chúng ta có 2 cách nhìn khác nhau. Một là chỉ muốn thấy nguyên liệu thô, tự tôi có quyền phán quyết. Thứ 2 là tôi không có đủ khả năng và các nhà báo giúp tôi phán quyết chính xác về sự kiện. Bởi không phải ai cũng có khả năng đưa ra phán quyết chính xác về sự kiện và cũng không phải tất cả nhà báo đều nói những gì công bằng hay đưa ý kiến xác đáng dẫn đến mất sự tin tưởng đối với những độc giả, thính giả.

Đã thế, trong cuộc cạnh tranh với công nghệ, với mạng xã hội, báo chí càng bị lấn lướt khi doanh thu không đủ bù chi dẫn đến một số cơ quan báo chí đóng cửa, thu hẹp và khiến cho các đầu ra về mặt tin tức càng hạn chế. Trên thế giới có thuật ngữ là "sa mạc tin tức", tức là có những vùng người dân không nắm được thông tin về địa phương của họ, vấn đề gần gũi với họ... Có những nguyên nhân khách quan và chủ quan như vậy dẫn đến vị thế của người làm báo không còn được như xưa.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Khác biệt bằng tư duy và sáng tạo - Ảnh 12.

Theo anh, những phẩm chất nổi trội, đặc biệt nào mà một nhà báo hiện đại cần phải có?

- Với một nhà báo, tố chất lúc nào cũng nên có là sự tò mò. Nhà báo không tò mò không thể tìm tòi những thứ hay ho. Nhà báo không chỉ muốn viết một số bài dùng ngôn từ hay ho, không chỉ chụp ảnh đẹp hay quay một đoạn video mà nhà báo hiện đại phải biết kết hợp tất cả những thứ đó. Và thậm chí phải có một sự am hiểu nhất định về công nghệ, sử dụng thành thạo công cụ mạng xã hội.

Nhà báo hiện nay còn phải biết làm thương hiệu cho chính cá nhân mình lẫn cơ quan báo chí của mình, những điều mà trước đây không ai đòi hỏi ở một nhà báo. Một nhà báo lên mạng viết một status rất tự nhiên chủ nghĩa là người không hiểu cách thức về làm báo hiện đại. Nhà báo phải hiểu, họ lên mạng nhưng không phải là cá nhân, mà là nhà báo. Cơ quan báo chí nước ngoài có một quy định, khi một nhà báo làm việc cho một tờ báo phải ký một thoả thuận về cách thức sử dụng mạng xã hội. Vì lúc đó không ai nghĩ rằng anh là một cá nhân bình thường, mà là một nhà báo phát ngôn thay cho cơ quan báo chí... Nói chung, có những đòi hỏi quy chuẩn một nhà báo hiện đại khác xưa rất nhiều.

Tôi nhớ, ngày trẻ anh toàn tự bỏ tiền túi tham gia các đại hội báo chí toàn thế giới, học các khoá học về báo chí ở nước ngoài?

- Tôi đi dự nhiều lắm, từ những năm 2000, tự bỏ toàn bộ chi phí. Lúc đầu cũng khổ lắm, sau đó mới trở thành speaker, được mời thuyết trình và "bao trọn gói". Dần dần tôi đi thuyết trình khắp nơi. Quan trọng là học hỏi được rất nhiều. Rất nhiều nhà báo không có cơ hội để đi học nước ngoài. Một trong những lý do là không có máu liều, không dám tự bỏ kinh phí. Bởi không phải cuộc nào cũng rẻ, có khi chỉ riêng đăng ký đã mất mấy trăm đến cả ngàn đô, chưa kể chi phí ăn uống, đi lại. Nhưng đến đó, gặp được những chuyên gia báo chí hàng đầu, nghe họ nói đã thích, thậm chí còn được trao đổi, đặt câu hỏi và được họ trả lời. Nói chung rất đa dạng, có cuộc không được nhiều thứ như mong muốn nhưng đem lại những giá trị rất cao, có thể không áp dụng được ngay lúc đó nhưng lại gợi mở cho mình những ý tưởng, ví dụ như Rap News. Lúc đó tôi đi dự hội nghị ở Marseille, Pháp. Có một nhóm của châu Phi giới thiệu một mô hình chính trị và âm nhạc. Từ mô hình của họ thì tôi cải biên, sáng tạo thành bản tin nhạc rap của mình.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Khác biệt bằng tư duy và sáng tạo - Ảnh 13.

Anh có cho rằng mình là một chính trị gia khác biệt?

- Nói chung không nên cố để mình trở nên khác biệt. Nhưng nếu không có sự khác biệt thì lại không còn tính cá nhân. Khác biệt không phải về cách hành xử, cách thức ăn vận, cư xử bề ngoài mà khác biệt ở đây là sự nỗ lực sáng tạo trong tư duy. Mình có thể tư duy giống mọi người nhưng sự sáng tạo của mình trong tư duy sẽ có yếu tố nhất định, nó mới là bản thân mình. Chúng ta sẽ không muốn là 100, 1.000 ông nhà báo, chính trị gia giống nhau, mà chúng ta phải có những suy nghĩ riêng, giải pháp riêng. Tất nhiên là phải dựa trên nghiên cứu, học hỏi một cách hợp lý. Quan điểm của tôi, không thể cố làm cho khác biệt, nếu bản chất không khác biệt được.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Khác biệt bằng tư duy và sáng tạo - Ảnh 14.

Từ một nhà báo chuyên nghiệp, trở thành Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, anh đã phải thay đổi thế nào?

- Tôi không thay đổi gì cả. Tính chuyên nghiệp là điều mà người ta đòi hỏi trong bất kỳ lĩnh vực nào. Một khi đã là người chuyên nghiệp, dù có thay đổi môi trường, thay đổi cơ quan, thay đổi công việc, thay đổi yêu cầu thì tôi luôn luôn có tiêu chuẩn chuyên nghiệp.

Với vai trò của một TBT, cũng có thể coi là một chính trị gia tôi thấy lĩnh vực nào cũng đòi hỏi sự chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp từ trong suy nghĩ, trong hành động, từ cách thức giao tiếp, gặp gỡ, đi họp phải đúng giờ, đó cũng là sự chuyên nghiệp. Trong các cuộc trả lời phỏng vấn, trả lời các vấn đề, viết các bài tham luận hay các bài phát biểu, đã là người chuyên nghiệp thì trong bối cảnh nào mình cũng chuyên nghiệp.

Có đồng nghiệp nói đùa rằng nếu Lê Quốc Minh có căn hộ 3 buồng thì 2 buồng anh ấy sẽ để quần áo?

- Mỗi người có một sở thích. Tôi chọn quần áo, giày dép là do nhu cầu cá nhân. Nếu người xấu thì mình phải đắp bằng thời trang thôi.

Ngoài làm báo, sở thích về thời trang, thời gian rảnh anh thường giải trí như thế nào?

- Xem phim, nghe nhạc, công nghệ là đương nhiên. Ngày xưa cũng võ vẽ chơi nhạc, giờ dù bận rộn như vậy nhưng ngày vẫn cày phim, ra serie phim nào mới là xem hết. Đọc sách thì ngày nào cũng 2 tiếng. Tôi đọc đủ thứ về báo chí, về công nghệ, về thương mạị... Còn chủ nhật nào cũng dành trọn thời gian chơi với con. Tất nhiên là các cuộc họp nào quan trọng vẫn phải đi nhưng cố gắng để thu xếp công việc trong 6 ngày còn lại, còn ngày cuối tuần thực sự dành cho gia đình.

Có nhiều người kêu bận chứ tôi chả bao giờ thấy bận cả. Nếu mình biết cách quản trị thời gian tốt thì vẫn có thời gian dành cho riêng mình.

Bác Lê Phức -  cha của anh có ảnh hưởng gì tới anh trong việc chọn nghề báo?

- Ngày xưa thấy ông cụ đi công tác khắp nơi, thấy làm nhà báo sướng quá nên hai anh em tôi đều mong muốn được làm báo, vì cả hai vốn thích đi nhiều. Thực tế sau này mình làm báo thì đi nhiều thật. Tôi cũng không thấy rằng mình chọn lựa sai, thấy rằng làm báo là mảng rất sáng tạo. Bài viết của ngày hôm nay không thể giống giọng của ngày hôm qua, vẫn giữ tông nhất định, nhưng phải có sự sáng tạo, có sự mới mẻ. Làm báo khá vất vả, khó khăn. Sắp tới còn những vấn đề khác nổi lên rất nhiều, khác rất nhiều.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Khác biệt bằng tư duy và sáng tạo - Ảnh 15.

Anh trai anh là Lê Quốc Vinh, một "ông trùm" về truyền thông, vậy hai anh em có giúp đỡ gì nhau không?

- Có chứ. Quảng cáo, truyền thông, báo chí là những mảng gần với nhau. Có những lúc PR và báo chí  giống như hai lực lượng đối lập, có lúc lại có nhiều nét tương đồng. Thực ra trong xã hội, nếu người làm truyền thông, PR mà hiểu được nguyên lý của báo chí thì đưa ra thông điệp về truyền thông cho tập đoàn, cho doanh nghiệp, cho chính phủ rất dễ. Hoặc là những người làm báo mà nắm rõ về truyền thông, về quan hệ công chúng thì khi mình đọc một nội dung về doanh nghiệp, về tổ chức thì lại dễ nhìn ra vấn đề mà họ muốn thúc đẩy hay che giấu. Ngày trước thì có kiểu, truyền thông thường "lừa nhau"để đăng, còn báo chí thì phát hiện ra nội dung còn ẩn giấu. Nếu chúng ta làm đàng hoàng vì mục tiêu tốt đẹp thì có thể hỗ trợ nhau phát triển.

Anh có hướng cho con mình đi theo ngành báo chí không?

- Đứa con gái lớn của tôi đã 23 tuổi. Tôi không định hướng gì cho con. Cả nhà làm báo rồi nên để cho con tự chọn, tuỳ sở thích.

Nếu một ngày không phải làm báo, "cởi bỏ" hết mọi chức danh, anh sẽ làm gì?

- Khi không bị tác động bởi tin tức đang diễn ra, không có những cuộc họp hành, nếu có thời gian rảnh rỗi thì việc có một buổi sáng thanh bình, nghe một album nhạc, xem một bộ phim, chơi với con cái hay thậm chí đi cà phê cùng bạn bè là những điều mà ai cũng muốn hướng tới. Bởi thật ra thời khắc đấy rất quan trọng, nó giúp cho mình cân bằng lại cuộc sống. Ai cũng phải có những riêng tư, ngoài công việc phải có gia đình, bạn bè, có những sở thích, đam mê riêng. Có thể có người thích sưu tập một cái gì đấy, có người thích chơi thể thao..., điều đó giúp cho họ có cuộc sống thi vị hơn. Tất cả những điều đó là sự mãn nguyện lắm rồi, không cần thiết phải có những đòi hỏi gì hơn.

Xin cảm ơn anh!

Cuộc trò chuyện của chúng tôi kết thúc lúc 13h. Chúng tôi lên xe ra khỏi trụ sở báo Nhân Dân, ngoái đầu nhìn lại thấy TBT Lê Quốc Minh và mấy đồng nghiệp gồm vài Phó TBT, thư ký toà soạn… lúc đó mới lững thững đi bộ ra một quán cơm nào đó gần cơ quan. Chúng tôi chợt thoáng ân hận vì "thả" TBT muộn quá, quên mất là 14h chiều nay, anh ấy phải đi họp Hội nghị TƯ bất thường…

Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Khác biệt bằng tư duy và sáng tạo - Ảnh 16.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Khác biệt bằng tư duy và sáng tạo - Ảnh 16.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem