img

iữa bộn bề công việc, sau khi được HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2021-2026, ông Lê Trí Thanh đã dành cho Dân Việt một cuộc trò chuyện thật cởi mở, thân tình về những trăn trở, khát vọng để đưa Quảng Nam phát triển vượt bậc trong thời gian tới.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Làm hết mình, cống hiến hết mình và cố gắng giữ mình"  - Ảnh 3.

Ông nhậm chức Chủ tịch tỉnh vào cuối năm 2019 thì đầu năm 2020 xảy ra đại dịch Covid-19 mà Quảng Nam là tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp. Hẳn là một nhiệm kỳ đầy thách thức khi Việt Nam đóng cửa với khách du lịch nước ngoài, trong khi Hội An là một điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế vào loại bậc nhất cả nước, doanh thu từ du lịch chiếm một tỷ lệ không nhỏ? Vi cương vị là một Chủ tịch tỉnh, ông đã xử lý vấn đề đó ra sao?

- Tháng 3/2020, dịch Covid-19 ập đến với Quảng Nam. Chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn vì chủ yếu dựa vào nguồn khách quốc tế. Để xoay chuyển tình hình, chúng tôi hướng vào thị trường khách nội địa. Tôi đã gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch cùng bàn hướng đi mới, tập trung khai thác khách nội địa. Đây là thời gian để điều chỉnh, củng cố lại cơ sở vật chất, đào tạo lại nhân viên, xây dựng sản phẩm du lịch mới, chú trọng hơn vào thị hiếu của khách như du lịch nông thôn - miền núi… Những vấn đề này trước đây chưa được quan tâm đúng mức. 

Nếu dịch bệnh qua đi, du khách quốc tế hồi phục thì xu hướng đi du lịch cũng sẽ thay đổi, sẽ trải rộng ra khu vực nông thôn, miền núi. Khách du lịch về miền quê phải tận hưởng không gian trong lành, thưởng thức các món ăn, đặc sản của người dân, tìm hiểu phong tục tập quán... Đây cũng là cơ hội để phát triển. 

Chúng tôi đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp của thanh niên gắn với sản xuất các sản phẩm OCOP. Đặc biệt, Quảng Nam cũng là tỉnh đầu tiên ban hành quy định về cho thuê dịch vụ môi trường rừng từ năm 2017 để làm du lịch, hay tổ chức du lịch trải nghiệm tuần tra bảo vệ rừng. Năm 2020, tôi đã có sáng kiến liên kết phát triển du lịch giữa 5 địa phương trong vùng trọng điểm miền Trung với Hà Nội và TP.HCM, thay vì làm như từ xưa đến nay là chỉ liên kết trong nội vùng. 

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Làm hết mình, cống hiến hết mình và cố gắng giữ mình"  - Ảnh 4.

Khi dịch bệnh chưa qua, cuối năm 2020, Quảng Nam lại hứng chịu thêm một nỗi đau quá lớn. Một quả đồi lớn bị sạt lở vùi lấp ngôi làng tại huyện miền núi Nam Trà My, khiến nhiều người chết và đến nay vẫn còn nhiều người chưa tìm thấy. Chính quyền Quảng Nam đã nỗ lực ra sao để khắc phục sau thảm hoạ?

- Ngoài đợt dịch tháng 3/2020, Quảng Nam còn gánh chịu thêm đợt dịch thứ 2 vào tháng 7/2020, lúc đó tôi đang học lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn chiến lược tại Hà Nội nhưng phải xin tạm nghỉ đề về tham gia lãnh đạo chống dịch. Dịch vừa yên, đến tháng 10/2020 thiên tai dồn dập kéo đến, đặc biệt, sạt lở khu vực miền núi là lớn nhất trong lịch sử, đỉnh điểm là vụ lũ quét và sạt lở đất vùi lấp nhiều sinh mạng, nhà cửa, ruộng vườn tại huyện Nam Trà My và Phước Sơn. 

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Làm hết mình, cống hiến hết mình và cố gắng giữ mình"  - Ảnh 5.

Nếu có dịp lên huyện miền núi Phước Sơn sẽ thấy những khu vực sạt lở là những cánh rừng nguyên sinh, nhưng một lượng mưa cực lớn đổ xuống trong một thời gian rất ngắn đã làm trôi đi từng mảng lớn khủng khiếp, cơ sở hạ tầng bị phá sạch, xóm làng tan hoang. Tất cả các lực lượng đã khẩn trương cứu hộ, cứu nạn, tiếp tế không quản ngày đêm. Tất cả vì nhân dân, đó là mệnh lệnh. Chúng tôi đã làm những gì có thể làm được, đường sá được khôi phục, cuộc sống của nhân dân đã sớm được ổn định. 

Từ khi là Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách về phòng chống thiên tai, tôi đã ý thức rất cao về trách nhiệm đối với nhân dân ở khu vực miền núi, ven sông, ven biển, nơi có nguy cơ chịu tổn thương nhiều nhất. Tôi đã chỉ đạo tham mưu cho Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết 05 gắn với 5 nhóm dự án lớn để phát triển miền núi. Một trong những dự án quan trọng nhất phải triển khai ngay là sắp xếp lại dân cư theo hướng xen ghép. Chúng tôi nhận thức việc này từ sớm, bởi nếu người dân sống phân tán thì ngân sách nhà nước không thể nào đủ để làm đường, kéo điện cho họ được. 

Ngoài ra, việc sống trong rừng, nguy cơ họ xâm hại rừng và có thể tiếp tế cho kẻ phá rừng là rất dễ xảy ra, rồi khi bị lũ ống, lũ quét sẽ không biết chạy đi đâu. Bởi vậy, cần lựa chọn những nơi dân cư sống ổn định, ít rủi ro để di dời người dân ở vùng bị thiên tai đe dọa và người dân sống phân tán về sống quần cư với nhau, mỗi nơi tùy số lượng dân cư sẽ xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp tránh lũ...

Chúng tôi đề ra kế hoạch trong vòng 3 năm sẽ sắp xếp 5.000 hộ nhưng thực tế đến cuối năm 2020 đã sắp xếp được hơn 6.400 hộ. Đây thực sự là một phong trào ở miền núi, các địa phương vào cuộc rất tích cực và hiệu quả đem lại rõ rệt. Người dân sống ở khu mới, khang trang, đàng hoàng, hạ tầng đầy đủ. Trong 5 năm tới chúng tôi sẽ sắp xếp khoảng 6.000 hộ nữa. An cư mới lạc nghiệp được.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Làm hết mình, cống hiến hết mình và cố gắng giữ mình"  - Ảnh 6.

Ngay sau vụ sạt lở, người ta nhìn thấy hình ảnh một vị Chủ tịch tỉnh đi xe máy, lội bùn vượt cung đường đứt gãy do sạt lở để đến nơi xảy ra thảm hoạ. Hình ảnh tạo nhiều cảm xúc bởi sự dấn thân, tận tuỵ của người đứng đầu chính quyền. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, ông chỉ cần đưa những quyết sách đúng đắn để giúp dân tránh thảm hoạ, giảm thiệt hại, nếu không thì mọi nỗ lực cá nhân của ông cũng "đổ sông, đổ biển", thậm chí bị cho là diễn, đánh bóng hình ảnh. Ông nghĩ sao về nhận xét này?

- Ngay từ khi tôi lăn lộn vào cuộc chiến chống lại nạn phá rừng cũng rất nhiều ý kiến cho rằng việc gì mà ông lãnh đạo phải leo vào tận nơi? Nhưng bản tính tôi là vậy, ngồi nhìn, nghe báo cáo là tôi chịu không được. Muốn thấy tận gốc của vấn đề, muốn đánh giá đúng bản chất để có quyết sách đúng nhất, phù hợp nhất thì không có gì khác là phải lăn lộn vào thực tế, hiểm nguy chẳng thành vấn đề, dư luận có ý kiến này nọ cũng chẳng sao. Trách nhiệm với người dân, với quê hương thôi thúc tôi phải đi. 

Tôi hiểu thiên tai miền Trung phức tạp, khủng khiếp đến thế nào. Quan liêu, chủ quan, duy ý chí với thiên tai thì hậu quả sẽ khôn lường, cần xông vào thực tiễn để giải quyết được sớm chừng nào tốt chừng ấy, vì vậy khi xảy ra sạt lở ở Trà Leng (Nam Trà My) hay Phước Lộc, Phước Thành (Phước Sơn), tôi sắp xếp đi ngay. Đi xe máy hay lội bộ cũng không quan trọng, miễn sao đến và thăm hỏi động viên bà con là được. Biết bao chiến sĩ, biết bao lực lượng lăn lộn ngày đêm để cứu giúp đồng bào, khôi phục hạ tầng, rất gian khổ, nguy hiểm, có thể hy sinh tính mạng lúc nào không biết. 

Việc lãnh đạo xuất hiện đúng lúc, kịp thời để động viên, đồng thời cũng để đánh giá chính xác tình hình, nghe được ý kiến trực tiếp của bà con, của lực lượng tham gia công tác khắc phục thiên tai, từ đó đưa ra quyết định một cách chính xác nhất là vô cùng cần thiết và hiệu quả. Thiên tai vốn đã phức tạp, nếu chúng ta lại đơn giản hóa, chỉ ngồi ở nhà xem qua hình ảnh, nghe thông tin để đưa ra quyết định là cực kỳ sai lầm.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Làm hết mình, cống hiến hết mình và cố gắng giữ mình"  - Ảnh 7.

Quảng Nam, người dân nhắc đến ông là một lãnh đạo có tâm, sâu sát với rừng. Hễ nhận tin ở đâu có vụ phá rừng, dù bận công việc đến mấy, ông vẫn băng rừng, lội suối kiểm tra, yêu cu các ngành chức năng vào cuộc xử lý nghiêm. Đến nay Chính quyền tỉnh Quảng Nam đã hạn chế được tình trạng phá rừng như thế nào, thưa ông?

- Tôi học kinh tế nhưng lại rất yêu thiên nhiên và văn hóa bản địa. Ngay từ bé, dù sống ở thành thị nhưng tôi đã mê núi non, sông biển, làng quê. Càng ngày tình yêu đó càng lớn hơn, nhất là với rừng. Tôi hiểu mất rừng sẽ mất tất cả. Đồng bằng, đô thị rồi cũng chẳng còn. Trước anh em báo chí tại thực địa một vụ phá rừng, tôi đã thốt lên: "Mỗi lần nhìn thấy cây rừng đổ xuống tôi cảm thấy như máu mình cũng đổ theo". 

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Làm hết mình, cống hiến hết mình và cố gắng giữ mình"  - Ảnh 8.

Đã có lúc tôi nghĩ, sẽ có ngày người dân ở vùng đô thị, đồng bằng phải trả tiền cho người dân ở miền núi để giữ gìn và phát triển rừng đầu nguồn mới là lẽ công bằng. Từ khi lên nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch tỉnh, tôi quyết liệt vào cuộc ngay trong việc chống lâm tặc tàn phá rừng. Tôi luôn trăn trở làm sao phải giữ lại được không chỉ rừng mà cả hệ sinh thái rừng và quyết tâm đặt mục tiêu trong vòng 5 năm phải làm dứt điểm việc đó. 

Tôi rất quan tâm đến việc đi cơ sở, càng sát dân càng tốt, thậm chí nhiều lúc tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần tôi đóng vai người bình thường để đi tìm hiểu cho chân thực hơn, gặt hái được nhiều thông tin hữu ích hơn, bởi khi xuất hiện với tư cách là một lãnh đạo, người ta chia sẻ ý kiến với mình ở một góc độ khác. 

Từ thực tiễn, tôi tìm hiểu khá nhiều và quyết định một số vấn đề táo bạo. Thứ nhất, tôi chủ động đề xuất tổ chức lại lực lượng bảo vệ rừng, không thể duy trì mô hình quản lý bảo vệ rừng mà Giám đốc Ban quản lý rừng, đồng thời là Hạt trưởng Hạt kiểm lâm của khu rừng đó.

Như vậy nói là tiết kiệm nhân lực nhưng lại "vừa đá bóng, vừa thổi còi"; đã thế lại lại cùng chung một "cha" là Sở NNPTNT. Phải tách 2 cơ quan này ra thành 2 cơ quan độc lập; chuyển Ban quản lý rừng thuộc Sở NNPTNT về trực thuộc UBND huyện, quản lý rừng theo ranh giới hành chính huyện, không theo lưu vực liên huyện nữa. 

Hệ thống chính trị của huyện phải chịu trách nhiệm về quản lý và bảo vệ rừng ở địa phương mình. Còn Hạt trưởng kiểm lâm đóng vai trò là cảnh sát rừng, sẽ phát hiện xử lý hành vi vi phạm lâm luật trên lâm phận từng huyện.

Mỗi huyện miền núi chỉ có một Hạt kiểm lâm, quản lý chung các loại rừng, không còn một huyện có nhiều Hạt hoặc một Hạt lại quản nhiều huyện như trước đây, trừ khu vực đồng bằng ít rừng được tổ chức thành 3 Hạt kiểm lâm liên huyện. 

Thứ hai, về mô hình giao khoán bảo vệ rừng thực hiện theo nhóm hộ gia đình đã bộc lộ nhiều bất cập, nhiều biến tướng, lẫn lộn giữa nhiệm vụ phải thực hiện theo hợp đồng với chính sách xã hội, cả người già, trẻ em đều được ghi tên để hưởng số tiền giao khoán bảo vệ rừng trong khi thực tế đi tuần tra chỉ vài người, quản lý, theo dõi sơ sài. 

Tôi quyết định bỏ cơ chế giao khoán cho nhóm hộ để thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách là bộ đội, công an xuất ngũ, con em đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Họ được hợp đồng, đóng bảo hiểm, có lương cứng, trang bị đầy đủ công cụ, phương tiện cho tuần tra và được huấn luyện nghiệp vụ bài bản. 

Tại thời điểm thành lập, cả nước không nơi nào có một lực lượng hùng hậu lên đến hơn 600 quân như vậy. Đến nay công tác bảo vệ rừng đã dần đi vào nề nếp. 

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Làm hết mình, cống hiến hết mình và cố gắng giữ mình"  - Ảnh 9.

Thay đổi, sắp xếp lại như vậy, ông có vấp phải sự phản đối không?

- Mới đầu, không ít ý kiến phản đối, nghi ngờ vì cả nước đã ai làm đâu. Nhưng tôi vẫn đề xuất làm và khẳng định chịu trách nhiệm về đề xuất của mình. Điều đáng mừng là cuối cùng sự đồng thuận cũng cao và mô hình đó cũng cơ bản phù hợp với Luật Lâm nghiệp được ban hành mới đây.

Quảng Nam có nhiều thủy điện bậc thang, trong đó 10 thủy điện lớn đã xây dựng, đưa vào hoạt động. Ngoài ra còn có 36 thủy điện vừa và nhỏ, có một nửa đang trong quá trình triển khai. Tôi nghĩ phát triển kinh tế nhưng cũng cần phải bảo vệ rừng, tài nguyên. Vậy chính quyền có cách nào giám sát chặt chẽ các hoạt động đầu tư, triển khai xây dựng dự án? Việc bảo vệ quyền lợi của người dân ra sao, thưa ông? 

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Làm hết mình, cống hiến hết mình và cố gắng giữ mình"  - Ảnh 10.

- Nói về thủy điện, Quảng Nam có tiềm năng rất lớn. Chính vì vậy Bộ Công Thương đã chọn Quảng Nam là tỉnh có quy hoạch hệ thống thủy điện bậc thang, thủy điện vừa và nhỏ lớn nhất miền Trung. Tuy nhiên, mặt tích cực và hạn chế của thủy điện đều song song tồn tại. Thời gian đầu, cách đây hơn 10 – 15 năm, các quy định pháp luật về vận hành các nhà máy thủy điện còn bất cập, gây nhiều hệ lụy. Đến nay đã từng bước được khắc phục, mặt tích cực được phát huy. Mặt hạn chế vẫn tiếp tục được xem xét giải quyết, ví dụ phục hồi hệ sinh thái phía sau đập thủy điện hay quy trình vận hành liên hồ vào mùa lũ. 

Về diện tích rừng trồng thay thế của các dự án thủy điện, đến nay đã cơ bản trồng đủ 100%. Tôi đã chỉ đạo quyết liệt việc yêu cầu các chủ thủy điện phải thực hiện việc này, đồng thời đề nghị họ tạo điều kiện cho dân địa phương nuôi thủy sản, hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác du lịch lòng hồ. Tỉnh Quảng Nam cũng tiếp tục rà soát các thủy điện vừa và nhỏ, nếu có hiệu quả kinh tế mà hậu quả xã hội và môi trường lớn thì cũng dừng và không bổ sung thêm. Tôi cũng ấp ủ thí điểm thành lập Quỹ ổn định sinh kế cho người dân vùng thủy điện.

Nhậm chức chưa lâu, ông phải giải quyết rất nhiều tồn tại. Quyết định thu hồi một dự án hàng nghìn tỷ đồng hay chỉ đạo thu hồi quyết định cho một công ty thuê đất để xây dựng Thủy điện Đắk Di 2 tại "điểm nóng sạt lở núi" huyện Nam Trà My tôi nghĩ đó là những quyết định không dễ dàng. Mới đây nhất, ngày 23/6, ông cũng đã ký quyết định trong đó loại khỏi quy hoạch đối với 6 dự án thuỷ điện. Khó khăn sẽ xảy ra sau quyết định này của chính quyền và hệ lụy xấu cũng không hề nhỏ cho nhà đầu tư. Vậy xin hỏi, ông gặp khó khăn gì khi đưa ra quyết định như vậy?

- Thu hồi hay dừng, đình chỉ các dự án chúng tôi đều căn cứ trên quy định của pháp luật. Trong quá trình triển khai, nếu thấy có vấn đề nào chưa ổn thì cần cân nhắc để đưa ra quyết định phù hợp nhất, không có chuyện "đâm lao theo lao" và cũng không có chuyện tặc lưỡi cho qua vì đó là "chuyện của nhiệm kỳ trước". Đôi khi quyết định rất khó khăn, nhưng nếu vì sự nghiệp chung, vì lợi ích chung, trên cơ sở tôn trọng, thẳng thắn với nhà đầu tư thì sẽ tìm được sự đồng thuận. 

Trong quá trình làm, có thể nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính hoặc vì một lý do nào đó không thể triển khai như cam kết thì phải dừng để nhường cơ hội cho nhà đầu tư khác, điều đó cũng công bằng và cũng là văn hóa, đạo đức kinh doanh.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Làm hết mình, cống hiến hết mình và cố gắng giữ mình"  - Ảnh 11.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là người con Quảng Nam, từng là lãnh đạo Quảng Nam và khi còn làm Thủ tướng, ông thường nói mong có "những con sếu đầu đàn"đầu tư vào Chu Lai. Ông có thể kể câu chuyện làm thế nào để Quảng Nam kéo được "sếu đầu đàn" Thaco Trường Hải không?

- Khu kinh tế mở Chu Lai là Khu kinh tế ven biển đầu tiên của cả nước, với kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều "con sếu" lớn. Thời kỳ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, Chu Lai đã có hạ tầng gì ra hồn đâu, mà như vậy làm sao cho "sếu" bay về quả thật là rất khó. Xét cho cùng, thời kỳ đó, cho dù có cơ chế ưu đãi lớn vào nhưng cũng không thể bù đắp được những khó khăn trong kinh doanh tại đây.

Là người tham gia hoàn chỉnh Đề án Khu kinh tế mở Chu Lai từ sớm, tôi rất hiểu điều đó. Sau này khi được giao phụ trách công tác xúc tiến đầu tư của Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai tôi càng thấm hơn. Thời kỳ đó, anh em chúng tôi say sưa làm việc ghê lắm, tiếp đón, làm việc rất chân tình với các nhà đầu tư. Nhiều khi phải nhịn đói xanh mặt, dang nắng đến đen thui chỉ để đưa các nhà đầu tư đi khảo sát và kiên trì thuyết phục họ đến với Chu Lai. 

Đối với Trường Hải, năm 2001, thời đó ông Trần Bá Dương, một người rất mê ô tô và đang có một cơ sở tại Đồng Nai nghe nói Khu kinh tế mở Chu Lai nên đi cùng các doanh nhân đến xem thế nào. Nhận thấy lợi thế vị trí của nơi đây cùng với một số cơ chế chính sách có thuận lợi cho ngành công nghiệp ô tô còn mới manh nha ở Việt Nam, đặc biệt là thái độ chân tình của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, nhất là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND tỉnh, ông đã quay lại nhiều lần để rồi quyết định làm chuyện lớn, bắt đầu từ 38ha của nhà máy đầu tiên vào năm 2003. Đích thân ông Nguyễn Ngọc Quang - Bí thư huyện Núi Thành, sau này là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, trực tiếp chỉ đạo giải phóng mặt bằng sạch đúng tiến độ. 

Tất cả các cơ quan có liên quan đều hỗ trợ tích cực cho Trường Hải, bất kể ngày đêm. Quá trình đi lên của Trường Hải tại Quảng Nam là sự quyết tâm và gắn bó, đồng hành giữa chính quyền với nhà đầu tư, nhờ đó, Trường Hải đã vượt qua rất nhiều thăng trầm để bền bỉ lớn mạnh không ngừng, trở thành con "sếu đầu đàn" của Quảng Nam. Giấc mơ về một thành phố ô tô như nhiều nơi trên thế giới chắc sẽ không quá xa vời. 

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Làm hết mình, cống hiến hết mình và cố gắng giữ mình"  - Ảnh 12.

Để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh các năm tới, là lãnh đạo, điều hành tỉnh Quảng Nam, ông xác định những mục tiêu nào, thế mạnh nào nhằm tạo sự đột phá?

- Chúng tôi luôn xác định Quảng Nam là một địa phương rất giàu tiềm năng để phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 22 đã đặt mục tiêu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030 và lựa chọn con đường phát triển nhanh nhưng bền vững. Trong đó, giai đoạn 5 năm tới sẽ phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân 7,5-8%/năm, GRDP bình quân đầu người 110-113 triệu đồng/năm 2025. Chúng tôi cũng phấn đấu lấp đầy trên 3.000ha đất các khu, cụm công nghiệp vào năm 2025...

Ba đột phá chiến lược được đặt ra là: 1) xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; 2) chủ động tham gia cuộc cách mạng KHCN lần thứ 4 gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; 3) cải thiện môi trường đầu tư gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Là người đứng đầu UBND tỉnh, tôi nhận thấy trọng trách vô cùng lớn lao, nặng nề. Bây giờ trước vận hội mới, phải làm gì để không hổ thẹn với non sông, tiền bối, phải làm gì để xứng đáng với niềm tin của nhân dân trao gửi? Tôi suy nghĩ nhiều lắm, mọi lúc, mọi nơi. Và rồi tôi quyết định phải đi lên bằng sự khác biệt – hiểu theo nghĩa tích cực. 

Tất cả các nhóm dự án động lực và quan trọng cho hai vùng của tỉnh đã rõ rồi, các đột phá chiến lược cũng có rồi. Vấn đề bây giờ là phải cụ thể hóa trên thực tế bằng những tư duy và cách làm sáng tạo, khác biệt với những điểm nhấn rõ ràng, cụ thể cho từng năm. Tôi tin rằng, nếu Đảng và Nhà nước có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, dám nghĩ dám làm, thì chắc chắn tỉnh Quảng Nam sẽ nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn diện trên tất cả các mặt KT-XH trong 10 năm tới.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Làm hết mình, cống hiến hết mình và cố gắng giữ mình"  - Ảnh 13.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Làm hết mình, cống hiến hết mình và cố gắng giữ mình"  - Ảnh 14.

Ông là con trai của ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam từ năm 1997-2000. Ông có gặp sức ép hay thuận lợi thế nào khi cha mình làm một vị lãnh đạo đứng đầu một tỉnh?

- Thuận lợi cũng có mà sức ép cũng có, nhưng thuận lợi ít hơn, vì tôi không muốn núp dưới chiếc bóng của cha mình, lợi dụng quyền lực của ông. Tôi chưa bao giờ ngỏ lời với ai để được quan tâm, cất nhắc, đề bạt mình vào vị trí thuận lợi, thậm chí còn sẵn sàng làm những việc khó để thử thách bản thân. Như hồi thành lập Ban chuẩn bị Đề án xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, nhiều người ngại về đây làm vì chẳng biết sẽ đi đến đâu, từ Văn phòng UBND tỉnh tôi được điều qua đầu tiên và thấy rất vui; rồi sau này UBND tỉnh thành lập Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, tìm người đứng đầu mãi chẳng được vì cũng chưa ai hình dung cái đơn vị sự nghiệp này sẽ có vai trò gì. Từ Giám đốc Sở Ngoại vụ tôi lại được điều qua. Tôi tự nhủ, mình tệ thì người đời sẽ nói "đồ con ông cháu cha", mà mình tốt thì họ lại nói "thằng này đúng là hạt giống đỏ".

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Làm hết mình, cống hiến hết mình và cố gắng giữ mình"  - Ảnh 15.

Vì vậy, ngoài sức ép bên ngoài soi vào mình hàng ngày, cả trong công việc và cuộc sống, chính tôi còn tự tạo sức ép cho mình bằng cách nghiêm khắc hơn với bản thân, đề ra các mục tiêu để hoàn thiện bản thân ở mức cao hơn. Cũng cảm ơn sức ép đó mà tôi đã tự đi lên và trưởng thành bằng chính khả năng của mình, bắt đầu từ một nhân viên làm hợp đồng, có một quá trình công tác qua nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương cho đến Chủ tịch UBND tỉnh như hiện nay. Tất nhiên, tôi cũng có thuận lợi khi mình là con trai đầu của một cựu Chủ tịch tỉnh có uy tín trong cán bộ và nhân dân.

Và rồi ông cũng đã trở thành một Chủ tịch UBND tỉnh, rất hiếm có gia đình hai cha con cùng là Chủ tịch tỉnh. Vậy cha ông có ảnh hưởng, giúp đỡ, đưa ra lời khuyên với ông ra sao trong các quyết định lãnh đạo, điều hành công việc?

- Từ khi ông còn làm Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cho đến khi làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đầu tiên sau khi chia tách với Đà Nẵng, ông hay đem cả chồng tài liệu về nhà để giải quyết. Là sinh viên, tôi đã tò mò, lén đọc tài liệu của ông, tìm hiểu xem ông đang giải quyết những công việc gì, cách ông xử lý thế nào, sửa văn bản ra sao… để rồi tự mình ngẫm nghĩ. Cha con cũng thân tình nhưng ông luôn giữ khoảng cách trong công việc. 

Từ khi tôi làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho đến nay, thỉnh thoảng ông cũng có trao đổi với tôi, nhưng chủ yếu là cung cấp thông tin ông nghe dư luận nói về chuyện gì đó ở Quảng Nam và hỏi xem sự việc đó là thế nào. Hoặc khi tôi giải quyết một vấn đề nào đó "nóng" của tỉnh mà báo chí đăng nhiều thì ông cũng có hỏi chuyện. Chỉ đơn giản vậy thôi, chứ ông hiếm khi nào can thiệp vào công việc điều hành của tôi. Ông tin tưởng tôi. Khi tôi được bầu làm Chủ tịch, ông nhắn tin qua điện thoại: "Chúc mừng con. Ba mong con đã làm là làm hết mình và cũng cố gắng giữ mình". Ông nói với tôi mỗi câu đó thôi và tôi rất hiểu câu dặn dò của ông.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Làm hết mình, cống hiến hết mình và cố gắng giữ mình"  - Ảnh 16.

Người dân Quảng Nam vẫn còn nhắc đến câu chuyện về đập Phú Ninh. Cha ông có lúc nào kể với ông về câu chuyện đó không. Giả sử nếu lúc đó ở cương vị của cha, ông có dám làm như cha không? 

- Cha tôi không trực tiếp kể với tôi về câu chuyện này mà nhiều người khác kể lại. Tất nhiên cũng có những lúc hiếm hoi ông nói chuyện, hồi tưởng nhưng rất ít. Quay lại lịch sử vào lúc đó, ông đã đưa ra quyết định rất chính xác, rất kịp thời và đầy quyết đoán trong bối cảnh ngàn cân treo sợi tóc, tránh được thảm họa khôn lường. Quyết định đó mang tính thời khắc lịch sử nhưng là cả quá trình lăn lộn, va chạm trong thực tiễn để tích lũy kinh nghiệm.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Làm hết mình, cống hiến hết mình và cố gắng giữ mình"  - Ảnh 17.

Tôi không chắc, nếu mình ở vào cương vị của ông lúc đó thì có đủ tự tin để đưa ra quyết định như vậy không, nhưng tôi nghĩ, mỗi người lãnh đạo ở vào mỗi hoàn cảnh lịch sử khác nhau sẽ có thể đưa ra quyết định mang tính lịch sử khác nhau. Tôi học được ở ông từ quyết định này là bản lĩnh của người chỉ huy, biết phân tích, cân nhắc để rồi phải quyết định ngay, cho dù có trái ý với cấp trên, miễn là phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, không có thời gian để nghĩ đến tính mạng hay sinh mệnh chính trị của mình. Dám quyết và dám chịu. 

Với tư cách là một người con của xứ Quảng, điều gì ông muốn làm nhất, khao khát nhất cho quê hương khi trở thành người đứng đầu UBND tỉnh?

- Tôi khát khao cán bộ và nhân dân Quảng Nam đồng tâm hiệp lực, đoàn kết thống nhất để phấn đấu nỗ lực hết mình đưa Quảng Nam tiến nhanh trở thành một trong những địa phương trong nhóm đầu của cả nước về phát triển giàu mạnh, văn minh, có chất lượng cuộc sống tốt. Mọi người, bất kỳ ai, đều cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì có công sức đóng góp của mình cho quê hương.

Là người đứng đầu UBND tỉnh, bản thân tôi khát vọng làm nên sự khác biệt vì mục tiêu phát triển bền vững và hạnh phúc của nhân dân, những gì làm tổn hại đến mục tiêu đó tôi sẽ kiên quyết loại bỏ, cho dù phải trả giá. Tất nhiên trong quá trình làm sẽ có những mặt được, mặt chưa được; những tồn tại, hạn chế là không thể tránh khỏi, cũng như một cơn gió đi qua bao giờ cũng mang theo chút bụi, nhưng nếu đã xác định mục tiêu, động lực phấn đấu vì lợi ích của nhân dân thì tất cả khó khăn sẽ vượt qua. Tôi cũng hy vọng mỗi thế hệ lãnh đạo, mỗi thời kỳ lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam đều phải cống hiến hết mình, thực sự xả thân để không làm hổ thẹn với các bậc tiền nhân và hậu thế.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Làm hết mình, cống hiến hết mình và cố gắng giữ mình"  - Ảnh 18.

Ông vừa nói đến khát vọng xây dựng một Quảng Nam khác biệt. Tôi nghĩ muốn khác biệt, người lãnh đạo phải có một tư duy khác biệt. Vậy ông có thể chia sẻ gì về sự khác biệt đó? Làm cách nào để khác biệt? 

- Quảng Nam có nhiều yếu tố và cơ hội để tạo nên sự khác biệt. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Người Quảng Nam hay "cãi", đó là sự khác biệt. Người Quảng Nam trung dũng kiên cường, đi đầu đánh Mỹ để chứng minh cho mọi người xem Mỹ có thể bị đánh bại được không. Đó cũng là sự khác biệt. Cách đây ba, bốn thế kỷ, ông bà ta đã tạo dựng Hội An thành một cảng thị quốc tế rực rỡ, giao thương sầm uất, trong khi đến đầu Thế kỷ 21 chúng ta mới nói đến nền kinh tế mở. Đấy có phải là sự khác biệt của người Quảng Nam không? Nói thế để tự tin rằng nếu chúng ta quyết tâm thì chúng ta sẽ làm nên những điều khác biệt thành công trên chính vùng đất này.

Khác biệt khó lắm, không dễ chút nào. Nghĩ ra đã khó rồi, thuyết phục cho được để tạo sự đồng thuận còn khó hơn, chưa kể trong thực tiễn mà suôn sẻ thì không sao chứ bị vấp là "ăn đòn". Nó đòi hỏi sự nhìn nhận vấn đề một cách rất sáng tạo, toàn diện nhưng phải cầu thị để từ đó xác định rõ ràng những nội dung khác biệt mình hướng đến là gì? Kế hoạch hành động thế nào để tạo nên sự khác biệt đó?

Là người giữ trọng trách đứng đầu UBND tỉnh, tôi muốn tạo nên sự khác biệt trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về phát triển công nghiệp, xây dựng, du lịch và nông nghiệp, bảo tồn văn hóa, giữ gìn môi trường, bảo vệ rừng, sắp xếp dân cư, khai thác cảnh quan các dòng sông, tổ chức các hoạt động kinh tế ven biển, tạo lập các đô thị văn minh, hiện đại đồng thời với giữ gìn hợp lý bản sắc của làng quê. Tôi rất mê quy hoạch và kiến trúc, vì vậy tôi cũng rất muốn sẽ có những đột phá về quy hoạch không gian và những công trình kiến trúc ấn tượng.

Chúng ta đều thấy không phải ai cũng dễ chấp nhận sự khác biệt, những ý kiến khác biệt. Với riêng ông, trên cương vị là người lãnh đạo một tỉnh, ông phản ứng ra sao trước các ý kiến, quan điểm khác biệt với quan điểm của mình?

- Tôi từng vấp phải việc đó và đã có những bài học và kinh nghiệm nhất định. Hơn ai hết, người lãnh đạo, người đứng đầu phải dám chấp nhận và xem nó rất bình thường. Phản biện cũng chính là cơ hội để hoàn thiện ý tưởng. Điều quan trọng là mình phải vừa giữ được cốt lõi của vấn đề khác biệt định làm, vừa phải cầu thị để tiếp thu các ý kiến phản biện. 

Tôi luôn sẵn sàng chịu trách nhiệm với những gì tôi tham mưu hoặc tự mình quyết định.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Làm hết mình, cống hiến hết mình và cố gắng giữ mình"  - Ảnh 19.

Quyết liệt, thẳng thắn, chân tình - là những tính cách của con người Quảng Nam. Vậy ngoài những tố chất "sẵn có", bản địa như vậy, ông còn những tính cách nào khác?

- Tôi là một người Quảng Nam như mọi người, cũng bình thường thôi. Tôi nghĩ ba tính cách đó là chung của bất kỳ người Quảng Nam nào, dù ở mỗi lĩnh vực, môi trường khác nhau thì họ có sự thể hiện khác nhau. 

Hồi còn trẻ tôi bộc trực hơn nhiều, bây giờ, nhất là từ khi làm Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, tôi có điềm đạm hơn một chút. Tôi luôn đặt mình trong áp lực công việc, chủ động hơn bị động, tức là luôn nghĩ ra việc phải làm hơn là để người khác yêu cầu mình làm. Phần lớn thời gian tôi dành cho trăn trở về sự phát triển của quê hương, về hạnh phúc và bình an cho nhân dân. Tôi là người tận tâm với công việc, sống giản dị, không cầu kỳ, không thích lòng vòng.

Có những tỉnh, thành phố từng là đầu tàu kinh tế trong một thời gian dài, nhưng hiện đã chững lại hẳn. Nhưng lại có những địa phương mới nổi như Quảng Ninh, Hải Phòng với những bước phát triển đột phá về kinh tế rất ấn tượng. Xin hỏi, ông suy nghĩ gì về thực tế ấy. Ông có nghĩ mình sẽ áp dụng (trong chừng mực nhất định) cách làm, cũng như cơ chế đầu tư, ưu đãi nhà đầu tư như một số các địa phương?

- Nhiều địa phương thời mới mở cửa nhiều nhà đầu tư tìm về vì lúc đó họ có lợi thế nhất định, nhưng về sau nhiều địa phương khác nổi lên nên nhà đầu tư không còn mặn mà nữa. Hoặc có một số địa phương thu hút đầu tư bằng các cơ chế tự ban hành vượt trội, bỏ qua một số quy trình, thủ tục để thu hút đầu tư nhanh nhưng sau này lại bị vướng, phải điều chỉnh rất khó khăn, thậm chí không ít cán bộ rơi vào vòng lao lý làm chùn tay cả hệ thống. Cũng có địa phương dư địa phát triển không nhiều nên khi khai thác đã gần hết mức thì lúng túng mặc dù giai đoạn trước đã rất thành công...

Tôi nghĩ địa phương nào cũng có cơ hội để phát triển, vấn đề nằm ở đội ngũ cán bộ và thể chế. Bây giờ hội nhập quốc tế sâu rộng và mạnh mẽ, thể chế bất cập sẽ kìm hãm rất lớn sức sản xuất và năng lực sáng tạo của xã hội, dường như chúng ta vẫn chưa thoát ra được, mà tôi tin rằng khi đã thoát thì Việt Nam sẽ sớm vượt các nước Đông Nam Á và ngang ngửa các nước Đông Á trong tương lai gần. 

Thứ đến là năng lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống chính trị, nếu tạo được cơ chế sử dụng và trọng dụng nhân tài, phát huy tinh thần năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm của họ thì chúng ta sẽ có được bứt phá. Điều này đặc biệt cần trong giai đoạn hiện nay. 

Chỉ được chừng đó thôi tôi nghĩ sẽ có một Việt Nam rất khác. Với trọng trách là người đứng đầu chính quyền, tôi tự tin nếu có được thể chế thông thoáng và đội ngũ tâm huyết, chắc chắn sẽ biết cách để làm được những điều kỳ diệu cho quê hương.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Làm hết mình, cống hiến hết mình và cố gắng giữ mình"  - Ảnh 20.

Một ngày của một vị chủ tịch tỉnh thì khác biệt thế nào so với thời mà ông chưa nhậm chức, thưa ông?

- Tôi thường dậy lúc 4h30, vệ sinh cá nhân, sau đó dành một tiếng đi bộ. Không khí trong lành của buổi sáng là khoảng thời gian quý giá để tôi suy ngẫm về những việc mình đã, đang và sắp làm. Sau đó tôi có 45 phút ăn sáng, cà phê với đồng nghiệp của một cơ quan, địa phương nào đó để trao đổi công việc. 

Nếu trong ngày không có cuộc họp thì tôi sẽ đi thực tế, tới các địa phương. Buổi trưa chỉ ăn nhanh trong vòng 20 phút để có thời gian nghỉ ngơi. Buổi tối, đem tài liệu về nhà để xử lý công việc. Sống xa nhà một mình đã 20 năm, trong đó một nửa thời gian thuê nhà trọ như sinh viên, cơm bờ cơm bụi qua ngày, từ khi làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến nay thì thuê nhà riêng, gần nhà hàng, nhờ nấu ăn hàng ngày, tôi chỉ báo là có ăn còn họ nấu gì ăn nấy, không ý kiến gì cả. Đơn giản.

Ngoài công việc, ông có thú vui nào để giải toả sau những áp lực, bộn bề của công việc?

- Tôi mê thể thao lắm, hồi còn học sinh cấp 3 đã tập thể hình, bơi lội, bóng đá, bóng bàn, võ thuật..., bây giờ vẫn còn mê nhưng sau này bận quá không có thời gian. Tôi có sở thích là khi đang trăn trở một điều gì đó, suy nghĩ về điều gì đó, tôi thường lấy xe máy đi dạo, vừa đi vừa suy nghĩ, đặt các phương án khác nhau. Người ta có nhiều sở thích khác nhau nhưng tôi thì thích đi, đọc, học, hỏi để có những ý tưởng sáng tạo mới, lấy đó làm niềm phấn khích để giải tỏa những áp lực, bộn bề của công việc hiện tại.

Bận rộn như vậy, ông chia sẻ công việc gia đình, nuôi dy con cái như thế nào?

- Tôi cưới vợ khi bắt đầu học Cử nhân chính trị tại Học viện chính trị quốc gia khu vực 3 - Đà Nẵng. Sau 2 năm học, bà xã tôi sinh 1 cháu và có thai cháu thứ 2, cả hai đều là con trai. Từ đó đến giờ tôi xa nhà, thường cuối tuần mới về. Việc nhà một mình bà xã lo toan, vừa quay cuồng với công việc, vừa chăm sóc hai đứa nhỏ. Thời gian đầu khó khăn vô cùng, tưởng chừng tôi sẽ bị "đứt" với công việc nhà nước. Tôi còn nhớ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, lúc đấy là Chủ tịch UBND tỉnh, đã có lần đến thăm vợ chồng tôi ở cuối cùng trong một con hẻm rất nhỏ, 2 xe máy không tránh nhau được, ông động viên chúng tôi cố gắng rồi khó khăn sẽ qua.

Tôi rất may có người vợ thông minh, nhạy bén, quán xuyến công việc cơ quan và đảm đang, nuôi dạy con cái chu đáo để tôi yên tâm làm việc. Hai đứa con trai của tôi cũng rất ngoan, chăm chỉ học tập và ý thức trách nhiệm rất cao đối với truyền thống gia đình và xã hội. Tôi hay nói chuyện với các cháu, trả lời cặn kẽ những thắc mắc của các cháu, rồi đặt vấn đề, tình huống để các cháu cho ý kiến. Còn bà xã, tôi động viên "chịu khó, anh sẽ về hưu sớm để còn chút sức khỏe đưa em đi khắp thế gian". Cũng vui.

Câu hỏi cui cùng xin hỏi ông, nếu có một ngày rảnh rỗi, việc đầu tiên ông sẽ làm gì?

- Tôi chỉ mong có thời gian để được ở bên gia đình.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở này!

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Làm hết mình, cống hiến hết mình và cố gắng giữ mình"  - Ảnh 21.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem