"Phần mềm" không khiếm khuyết

Hoan Nguyễn Chủ nhật, ngày 24/07/2022 08:15 AM (GMT+7)
Không một ngày đến trường, nhưng chỉ với hai ngón tay còn cử động và chiếc cằm để nhấn Enter, anh Nguyễn Quốc Toàn (xã Phú Hộ, TX. Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) trở thành Giám đốc công ty thiết bị máy tính, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
Bình luận 0

Anh Nguyễn Quốc Toàn (xã Phú Hộ, TX.Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ). Clip: Hoan Nguyễn

Khi sinh ra, anh Toàn cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Thế nhưng, khi được 11 tháng tuổi, một cơn sốt ác tính đã khiến anh bị liệt toàn thân. Mặc dù gia đình đã cố gắng chạy chữa, anh vẫn không thể đi lại, không thể cầm nắm vật gì. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc vào người khác.

Hằng ngày, bố mẹ đi làm, các anh chị đi học, còn anh thì nửa nằm, nửa ngồi. Bên ô cửa sổ, anh nhìn cuộc sống bên ngoài với những ước mơ cháy bỏng...

Giám đốc chỉ cử động được 2 ngón tay

Anh Toàn chia sẻ, mặc cảm với bản thân, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, đôi lúc anh nghĩ đến cái chết.

Song, nhờ tình yêu thương, quan tâm, động viên của người thân, bạn bè, anh dần vượt qua nỗi mặc cảm của bản thân, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

"Phần mềm" không khiếm khuyết - Ảnh 2.

Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX (năm 2015), anh Nguyễn Quốc Toàn vinh dự là đại biểu điển hình trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011 – 2015. Ảnh tư liệu NVCC

"Tôi kém may mắn, chưa một ngày được đến trường học. Nhưng tôi tự nhận thấy mình có một trí nhớ tốt. Bố là người dạy tôi biết chữ, biết đọc. Năm lên 7 tuổi, tôi đã đọc Tam quốc chí, Đông Chu liệt quốc... và kể vanh vách cho hàng xóm nghe.

Bước ngoặt trong cuộc đời tôi đó là bén duyên với máy tính. Chính máy tính đã thổi bùng lên đam mê, khát vọng vượt lên số phận, giúp tôi kiếm tiền, khẳng định giá trị bản thân, sống có ích cho gia đình, xã hội", anh Toàn kể.

Theo anh Toàn, số tiền đầu tiên anh kiếm được là nhờ mua lại sách, truyện tranh, đồ chơi cũ, sau đó bán lại cho những đứa trẻ có nhu cầu. Dù chỉ là những món tiền vặt vãnh, nhưng tích lũy trong nhiều năm, anh Toàn đã có lưng vốn để có thể bước vào sự nghiệp kinh doanh nghiêm túc hơn.

"Dấu mốc năm 1997, người anh trai đi lao động ở nước ngoài gửi về cho tôi một chiếc máy tính xách tay. Được bạn bè tặng thêm sách tin học, chỉ với một bàn tay trái gõ phím và dùng cằm để ấn enter, tôi là người đầu tiên sành sỏi tin học ở xã Phú Hộ và cũng là người đầu tiên đưa Internet về xã", anh Toàn cho hay.

"Phần mềm" không khiếm khuyết - Ảnh 3.

Gia đình anh Nguyễn Quốc Toàn trong một chuyến du lịch đầu năm 2022. Ảnh: NVCC

Năm 1998, anh Toàn dồn toàn bộ vốn đầu tư mở quán điện tử máy tính đầu tiên ở TX. Phú Thọ. Quyết định đúng đắn của anh đã tạo một bước chuyển lớn trong sự nghiệp kinh doanh. Thời điểm ấy, mỗi ngày anh thu lãi từ 800.000 đồng - 1.000.000 đồng (tương đương 2 chỉ vàng vào thời điểm đó - PV).

Tuy số phận không cho anh một hình thể lành lặn, nhưng đổi lại, anh có một trí tuệ mẫn tiệp, nhanh nhạy và thay đổi để đi trước thời cuộc. 

Con người giống như chiếc máy vi tính, thiếu một vài chi tiết phần cứng, máy vẫn hoạt động, thiếu chỉ một chi tiết phần mềm, máy không hoạt động. Thân xác tôi là phần cứng, hồn tôi là phần mềm. Tôi phải sống có ích để chứng tỏ 'phần mềm' của tôi hoàn chỉnh".

Anh Nguyễn Quốc Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại NQT (Phú Thọ)

4 năm sau, khi các cửa hàng trò chơi điện tử đã tràn ngập TX. Phú Thọ, anh Toàn lại chuyển hướng, mở trung tâm đào tạo tin học văn phòng.

Ít ai biết rằng, với chiếc xe lăn, anh Toàn từng lăn lộn nhiều năm ở Hà Nội để học hỏi, kết giao bạn bè, học tập kinh nghiệm quản lý. Năm 2006, Công ty TNHH Thương mại NQT ra đời gồm 4 thành viên với mục tiêu cung cấp, lắp đặt thiết bị máy vi tính khu vực TX. Phú Thọ.

Đến năm 2011, anh Toàn một lần nữa bắt tay vào lĩnh vực mới khi đó, kinh doanh camera, thiết bị giám sát.

Căn nhà của anh đang ở cũng chính là trụ sở công ty, được xây dựng khang trang - là một trong những "trung tâm tin học" lớn nhất vùng. Bà con đặt cho anh Nguyễn Quốc Toàn một biệt danh trìu mến, "phần mềm không khiếm khuyết".

Còn sống là còn hi vọng

Cuộc đời không như mơ, ngày 23/6/2018, anh Toàn bất ngờ bị một cơn đau ngực và phải vào bệnh viện cấp cứu. Sau đó, tình trạng của anh diễn biến nặng hơn khi bị suy hô hấp và buộc phải thở máy.

"Phần mềm" không khiếm khuyết - Ảnh 5.

Hiện nay, anh Toàn vẫn trực tiếp hướng dẫn, chỉ bảo nhân viên của công ty xử lý công việc. Ảnh: Hoan Nguyễn

Anh Toàn nhớ lại: "Trải qua 4 tháng, gia đình đi khắp các viện để chạy chữa cho tôi, nhưng các bác sĩ đều kết luận tôi phải thở máy cả đời. Cả đời ở đây là có thể vài năm, thậm chí là vài tháng. Trong cơn đau đớn và tuyệt vọng, tôi cố vùng lên để thoát ra thảm cảnh, nhưng như con cá đã mắc lưới càng vùng vẫy, càng chìm sâu trong đau khổ.

Hình ảnh cha mẹ già chưa kịp báo hiếu, 2 đứa con nhỏ thơ dại và biết bao hoài bão sự nghiệp, công việc còn đang dang dở, cứ luôn hiện ra trong mắt tôi như những thước phim quay chậm, khiến tôi rơi vào tận cùng của sự tuyệt vọng.

Rất lạ là khi ở trạng thái tuyệt vọng nhất, tôi vẫn cảm thấy trong sâu thẳm tâm hồn mình là khát vọng vươn lên. Tôi bắt đầu bình tĩnh, định hình lại mọi thứ và cố gắng tìm giải pháp tốt nhất cho mình.

Tình cờ khi điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, tôi gặp, quen với một bác sĩ. Tuy không trực tiếp điều trị, nhưng bác sĩ này vẫn thỉnh thoảng ghé qua giường bệnh động viên rồi lắng nghe những tâm sự của tôi. Sau này, khi tôi ra viện, chính vị bác sĩ này đến tận nhà thăm khám, động viên, hứa giúp tôi cai máy thở.

"Phần mềm" không khiếm khuyết - Ảnh 6.

Anh Nguyễn Quốc Toàn, "phần mềm" không khiếm khuyết. Ảnh: Hoan Nguyễn

Như người sắp chết đuối vớ được cọc, tôi cứ bám vào niềm tin tưởng như vô vọng đấy, vì trên lý thuyết, người thở máy quá 6 tháng thì không thể bỏ được máy nữa. Rồi bắt đầu từ đó, hằng ngày, qua zalo, bác sĩ hướng dẫn tôi cách cai máy thở. Tôi trải qua không biết bao nhiêu cơn khó thở vật vã, đau đớn của cơ thể với 3 lần bỏ máy thất bại ê chề.

Nhưng chưa bao giờ tôi tuyệt vọng. Đến tháng 1/2020, sau 19 tháng thở máy, tôi đã cai được máy thở 100%. Và sau 23 tháng, tôi đã rút được ống nội khí quản và tập nói trở lại. Đây thực sự là điều vi diệu nhất đối với cuộc đời tôi.

Từ biến cố này, tôi càng thấm thía sâu sắc hơn, niềm tin, hi vọng cực kì quan trọng trong cuộc sống. Đôi khi, hi vọng chỉ như đốm lửa nhỏ nhoi, nhưng không được để nó tắt, giống như tôi không bao giờ để tuyệt vọng giết chết hi vọng".

Đến nay, thi thoảng anh Toàn vẫn cần đến sự trợ giúp máy thở. Dù vậy, anh vẫn vừa ngồi trên xe lăn, vừa thở máy và hướng dẫn mọi người học việc, nhằm tạo công ăn việc làm cho mọi người.

Không những khách hàng quanh vùng, mà công ty của anh Toàn đã liên kết, phân phối sản phẩm điện tử thường xuyên cho cả khách hàng ở TP.Việt Trì (Phú Thọ), huyện Sóc Sơn (Hà Nội), Thái Nguyên...

Bên cạnh đó, công ty máy tính của anh còn tạo điều kiện dạy nghề, tạo môi trường làm việc cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, tạo công ăn việc làm cho thanh niên chưa có việc, yêu thích nghề...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem