Như đã hẹn, một ngày đầu tháng 4 Tây Nguyên, PV Dân Việt đến thăm nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Luyện Niê Kđăm. Căn nhà của nguyên lãnh đạo tỉnh nằm giữa buôn Kram, một buôn của người dân tộc Ê Đê thuộc xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, giáp thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Ngôi nhà có không gian thoáng rộng, cùng khu vườn xanh mướt, phía sau có cánh đồng lúa và dãy núi khá yên bình.

Lúc tôi đến, ông Y Luyện Niê Kđăm đang cào đống rơm khô – nguyên liệu làm thức ăn cho đàn bò của gia đình. Dáng người mảnh khảnh, nước da cháy nắng cùng mái tóc bạc phơ như một lão nông tri điền cả cuộc đời dãi dầu mưa nắng, ít ai có thể tưởng tượng được người đang đứng trước mặt từng là một Bí thư Tỉnh ủy nổi tiếng cả nước một thời, nhất là trong lòng bà con người dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk.

Tôi nói: "Bác Bí thư mà làm nông chuyên nghiệp quá!", ông chỉ cười: "Hết phụng sự bà con tôi về làm bạn với trâu, bò, nương rẫy cũng vui…".

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Luyện Niê Kđăm: "Hết phụng sự nhân dân tôi về chăn bò, làm nương rẫy…" - Ảnh 1.

Tại sao sau khi về hưu, ông lại chọn công việc trồng trọt, chăn nuôi vất vả như vậy?

- Khi tôi về hưu, thời gian đó Đắk Lắk vẫn là một tỉnh còn tương đối khó khăn, địa phương tôi sinh sống cũng vậy. Nói thật là thời điểm đó gia đình tôi không khá giả gì, vợ tôi cũng chỉ là một nông dân. Nếu chỉ dựa vào đồng lương hưu của một Bí thư Tỉnh ủy là tôi thì không thể trang trải được cuộc sống gia đình. Chính vì vậy, tôi quyết định làm thêm nông nghiệp để có thu nhập và phát triển kinh tế gia đình. Lúc đầu làm kinh tế, gia đình tôi được bà con trong buôn giúp đỡ nhiều lắm. Nói ông Bí thư về làm nông dân họ cũng thấy kỳ nhưng họ quý.

Ban đầu chỉ làm 1ha rẫy trồng bắp, trồng lúa… nhưng vụ được vụ không, sau này chuyển sang trồng cà phê mới ổn định được đến hôm nay. Gia đình tôi cũng nuôi thêm gia súc, gia cầm để có thêm nguồn thu và phục vụ đời sống. Nói chung không khác gì một nông dân thực thụ. (cười)

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Luyện Niê Kđăm: "Hết phụng sự nhân dân tôi về chăn bò, làm nương rẫy…" - Ảnh 2.

Được biết, trước khi trở thành một chính khách, ông đã có quãng thời gian dài hoạt động cách mạng và làm công tác dân vận? Điều gì làm ông nhớ nhất trong quãng thời gian đó, thưa ông?

- Có rất nhiều điều tôi không thể quên, nhưng điều mà tôi nhớ nhất có lẽ là những năm tháng được tham gia cách mạng, được tôi luyện bản thân và rèn luyện tư tưởng.

Tôi là anh cả trong gia đình có 5 người con ở buôn Tay, xã Krông Jing, huyện M'đrắk, Đắk Lắk. Gia đình, anh em, buôn làng tôi đều có truyền thống yêu nước, tham gia cách mạng. Năm 1961, khi tròn 18 tuổi, tôi đi bộ đội tập trung và được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Với tôi đó là niềm tự hào, là động lực để bản thân trọn đời đi theo cách mạng. Về sau, tôi được chuyển về công tác ở quân bưu với nhiệm vụ chính là đưa đón bộ đội miền Bắc vào.

Năm 1971, đơn vị tôi có chủ trương cử người dân tộc tại chỗ về từng xã, buôn làng làm công tác vận động quần chúng, ổn định tư tưởng cho bà con đồng bào. Thừa lệnh cấp trên, tôi về huyện H4 (thị xã Buôn Hồ ngày nay) làm đội trưởng đội công tác, nhiệm vụ là lãnh đạo 10 tổ (mỗi tổ 4- 6 người) đi vận động quần chúng.

Khác với đồng bằng, Tây Nguyên toàn rừng núi nên bộ đội làm cách mạng ít khi đào hầm, chủ yếu ẩn nấp trong hang đá, rừng rậm để hoạt động. Đoàn của tôi có gần 100 người chia nhau đi khắp các buôn làng làm công tác tuyên truyền, vận động, giác ngộ cách mạng cho nhân dân. Ban ngày, các tổ chia nhau đi vào nương rẫy để gặp bà con vận động; tối đến thì vào buôn làng, đến từng nhà dân vận động tiếp. Tất cả mọi việc đều được triển khai một cách âm thầm, bí mật nhằm tránh sự phát hiện của kẻ địch.

Rồi đến những năm 1972, tôi được lệnh vận động thanh niên xung phong đi bộ đội để tập trung quân về huyện Ea Súp, nơi xa trung tâm tỉnh Đắk Lắk và có nhiều rừng núi, sẵn sàng mọi thứ, tạo mũi giáp công, chờ thời cơ tấn công vào giải phóng Buôn Ma Thuột. Thời điểm chuẩn bị giải phóng (những năm 1974), địch liên tục tổ chức các cuộc càn quét. Chúng rải bom vào khu vực H9 (huyện Krông Bông ngày nay). Những lúc như thế, chúng tôi tạm thời phải lùi vào hang đá trú ẩn.

Khi Buôn Ma Thuột được giải phóng, tôi không được trực tiếp xung trận nhưng được giao nhiệm vụ ở hậu phương tiếp tục vận động quần chúng góp lương thực, nhân lực cho cuộc đấu tranh. Khi được thông báo Buôn Ma Thuột được giải phóng, tôi mừng lắm, không biết diễn tả như thế nào…

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Luyện Niê Kđăm: "Hết phụng sự nhân dân tôi về chăn bò, làm nương rẫy…" - Ảnh 3.

Dưới thời mưa bom bão đạn, ông nghĩ gì về sự sống và cái chết?

- Thời đó không ai nghĩ nhiều đến cái chết. Tôi chỉ nghĩ, mình là người của cách mạng, thì trọn đời đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Khi nào buôn làng sạch bóng quân thù, đất nước thống nhất, mình mới trọn niềm vui.

Tôi nhớ có thời điểm quân địch tiến hành càn quét, tôi tận mắt chứng kiến đồng đội mình ngã xuống. Vì thời chiến, không có điều kiện, chúng tôi chỉ có thể lập mộ ngay nơi đồng đội hy sinh. Có lúc, cả đoàn trên 10 người hy sinh hết. Đau xót lắm, tôi chỉ biết kìm nén nỗi đau, chôn cất đồng đội rồi ghi chép cẩn thận danh tính những người hy sinh để báo cáo cấp trên.

Người này ngã xuống, chúng tôi tiếp tục tuyển quân để đảm bảo nhân lực cho cách mạng. Một điều tôi rất mừng và tự hào lúc đó chính là bà con buôn làng rất ủng hộ cách mạng, một lòng theo cách mạng bất chấp bị quân thù mua chuộc hay tra tấn dã man.

Tôi cũng nhớ quãng thời gian đi vận động bà con quyên góp lương thực, thực phẩm cho bộ đội, người dân buôn tôi khi đó còn rất nghèo, thậm chí trong mùa giáp hạt thiếu đói nhưng bà con vẫn chắt chiu góp cho bộ đội từng lon gạo. Có gia đình góp đến 40 lon gạo, có thể nói đó là tất cả số gạo họ có trong nhà. Chúng tôi cầm gạo của bà con mà mắt rưng rưng nghẹn ngào không nói lên lời…

Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột và rồi đất nước được giải phóng, ông tiếp tục được giao làm công tác dân vận ở địa phương. Làm cách nào để có thể "nói dân nghe" trong thời buổi khó khăn chồng chất những ngày đầu mới thống nhất đất nước, thưa ông?

- Đất nước giành được độc lập nhưng tàn dư của kẻ thù vẫn còn, chúng vẫn tìm đủ mọi cách chống phá chính quyền non trẻ, phá hoại cuộc sống bình yên quý giá mà nhân dân ta vừa giành lại được.

Khi đó, vào năm 1977 tôi được chuyển về xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) với nhiệm vụ dân vận, cùng đồng bào xây dựng cuộc sống mới. Nhiệm vụ được đặt ra lúc đó là nhanh chóng củng cố và xây dựng lực lượng dân quân tự vệ để đối phó với thế lực Fulro rất tàn độc.

Fulro là một tổ chức phản động hoạt động dai dẳng, kéo dài do những thế lực thù địch giật dây, với mưu đồ chống phá chính quyền cách mạng Việt Nam. Sau năm 1975 đến 1991 là thời kỳ Fulro hoạt động vũ trang tàn bạo, phức tạp nhất, kéo dài hàng chục năm trời. Chúng tấn công vũ trang, bắn phá, đốt nhà, cướp bóc, bắt cóc và giết hại dân lành, gây căm phẫn trong nhân dân, tội ác trải dài khắp các tỉnh Tây Nguyên. Chúng còn dùng nhiều thủ đoạn để lừa bịp đồng bào dân tộc thiểu số nhẹ dạ cả tin, gây bất ổn chính trị với âm mưu lật đổ chính quyền.

Đỉnh điểm là vào những năm 2001, 2004 do thế lực này giật dây kích động, không ít đồng bào ta đã bị dụ dỗ đi biểu tình, gây bạo loạn, mất an ninh trật tự, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại thành quả của cách mạng. Lúc đó bọn chúng đã rải người cài cắm vào hàng trăm buôn làng của các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk (năm 2004 là cả Đắk Nông) để kích động hàng nghìn đồng bào đi biểu tình, bạo loạn.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Luyện Niê Kđăm: "Hết phụng sự nhân dân tôi về chăn bò, làm nương rẫy…" - Ảnh 4.

Xét về nguyên nhân thì một phần là do các thế lực thù địch xúi giục đồng bào, nhưng về chủ quan là do một số chính sách của chúng ta đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên chưa phù hợp nên hiệu quả không cao. 

Tôi còn nhớ vụ bạo loạn năm 2001 ở Tây Nguyên xảy ra vào đúng dịp Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, đại hội chưa xong nên chưa có Chủ tịch UBND tỉnh, anh Nguyễn Văn Lạng lúc đó là Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chờ bầu chủ tịch. Lúc vụ việc xảy ra, tôi là Bí thư Tỉnh uỷ trực tiếp chỉ đạo xử lý. Có nhiều biện pháp được triển khai đồng bộ, trong đó có việc chỉ đạo chặn đứng những dòng người biểu tình trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ (họ chủ yếu đi xe công nông, máy cày). Khi họ bị chặn lại do ách tắc giao thông, các lượng lực chức năng đã liên tục phát thức ăn, nước uống cho đồng bào đỡ đói, đỡ khát. Đồng thời tuyên truyền, vận động bà con trở về buôn làng. Nhờ vậy mà có đến một nửa số người không liên quan, tham gia chỉ do bị xúi giục lừa phỉnh nhanh chóng quay về nhà. Những xe máy cày, xe công nông bị hư hỏng do va chạm lúc ùn tắc cũng được chính quyền sửa chữa, đồng bào chỉ việc lấy về sử dụng tiếp.

Phải nói thêm là không chỉ khi xảy ra bạo loạn mình mới đi dân vận. Mà trước, trong và cả sau các vụ bạo loạn tôi đều cùng những người đồng đội của mình ngày đêm tuyên truyền giải thích, vạch rõ âm mưu xấu xa của bọn phản động và các thế lực thù địch. Đồng thời thực hiện những chính sách bám dân, hướng về cơ sở, giúp đỡ người dân về mọi mặt. Mưa dầm thấm lâu, nhờ sự cố gắng của chúng tôi mà bà con các buôn làng đã hiểu rõ, tự giác trở về buôn làng, tham gia sản xuất, ổn định cuộc sống…

Nhờ những nỗ lực bền bỉ đó, sau năm 2004 cuộc sống tại các buôn làng ở Tây Nguyên đã trở lại bình yên. Đồng bào Bahnar, Jrai ở Gia Lai, Ê Đê ở Đắk Lắk hay M'Nông ở Đắk Lắk và Đắk Nông đã yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, không còn nghe theo thủ đoạn lừa phỉnh của các thế lực thù địch nữa.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Luyện Niê Kđăm: "Hết phụng sự nhân dân tôi về chăn bò, làm nương rẫy…" - Ảnh 5.

Sự kiện trên cho chúng ta thấy một điều rằng, dù trong thời chiến hay thời bình, vẫn luôn có các thế lực thù địch âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ đất nước. Đặc biệt, Tây Nguyên là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng trong mọi thời đại. Từ xưa đến nay, khi nghiên cứu về Việt Nam, người ta thường đánh giá Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, có giá trị rất lớn về mặt quân sự, kinh tế. Sau này, người Pháp, người Mỹ và thế giới cũng nhìn nhận được vị trí yết hầu của khu vực này với câu nói nổi tiếng: Đây là "nóc nhà của Đông Dương". Vùng đất này liền kề ngã ba Đông Dương, cho nên khi chiếm lĩnh được khu vực này thì cũng dễ dàng chiếm lĩnh được toàn bộ Đông Dương.

Do đó, theo tôi, công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng rất quan trọng, phải được duy trì, phát huy thường xuyên, liên tục trong mọi thời đại. Đồng thời, chúng ta phải nêu cao tinh thần cảnh giác hơn nữa với các thế lực thù địch, bởi thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi hơn, đáng sợ hơn.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Luyện Niê Kđăm: "Hết phụng sự nhân dân tôi về chăn bò, làm nương rẫy…" - Ảnh 6.

Trước đây, bây giờ và sau này cũng vậy, công tác dân vận chưa bao giờ là dễ dàng, vậy theo ông chúng ta cần làm gì để "nói dân tin, làm dân theo" cùng nhau đoàn kết, ổn định chính trị ở những vùng trọng điểm như Tây Nguyên?

- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng gửi bức thư và căn dặn đồng bào các dân tộc: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt". Đây là lời dạy của Bác cần được khắc ghi và truyền đạt cho các thế hệ sau.

Chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số. Họ chính là người đi sâu đi sát, am hiểu văn hóa, tập quán, và cả ngôn ngữ để giao tiếp, truyền tải thông điệp, chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chính nhờ sự am hiểu ấy, chúng ta mới kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của bà con, từ đó giải quyết vấn đề một cách dứt điểm, tránh để kẻ xấu lợi dụng, xúi giục bà con làm điều xấu.

Nhiều bà con dân tộc thiểu số Đắk Lắk còn khó khăn, do đó theo tôi, chúng ta cần có thêm nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho con em cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số đi học, học cao hơn nữa. Khi con em có nhiều cái chữ sẽ biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ổn định cuộc sống; đặc biệt đó còn là nguồn cán bộ dân tộc thiểu số chất lượng để Đảng lựa chọn, bồi dưỡng, đưa vào hàng ngũ của Đảng, xây dựng được đội ngũ lãnh đạo kế tục.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Luyện Niê Kđăm: "Hết phụng sự nhân dân tôi về chăn bò, làm nương rẫy…" - Ảnh 7.

Kinh qua nhiều vị trí công tác quan trọng, vậy khi về hưu ông có thấy hụt hẫng không?

- Hết phụng sự nhân dân tôi về làm nông dân, làm bạn với trâu bò, lợn gà, nương rẫy, tìm niềm vui với con cháu khi tuổi già. Thỉnh thoảng, tôi cũng tham gia các cuộc chia sẻ với bà con buôn làng, để bà con hiểu hơn về khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người Kinh, Ê Đê, Tày, Mông, Khơ-me… đều là anh em ruột thịt, phải đoàn kết, hỗ trợ cùng nhau xây dựng buôn làng, quê hương giàu mạnh.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Luyện Niê Kđăm: "Hết phụng sự nhân dân tôi về chăn bò, làm nương rẫy…" - Ảnh 8.

Gần gũi với bà con, tôi cũng nhận được rất nhiều tình cảm của mọi người trong buôn, thôn. Họ quý mến, thường xuyên qua nhà "lão nông tri điền" thăm chơi, chia sẻ những câu chuyện ruộng vườn, thế sự. Tài sản lớn nhất của tôi sau khi về hưu có lẽ là những tình cảm này.

Ông có trăn trở, luyến tiếc điều gì không thưa ông?

- Luyến tiếc thì không, nhớ nhung thì có. Những ngày tháng 4 lịch sử tôi thường nhớ nhiều về đồng đội và quãng thời gian làm công tác dân vận, binh vận cùng đồng chí của mình.

Lúc còn đương chức, những ngày này, tôi thường tham gia các sự kiện chính trị của địa phương như đến nghĩa trang liệt sĩ dâng hương hoa để tưởng nhớ những hy sinh lớn lao, quên mình vì Tổ quốc của các anh hùng liệt sĩ; đến thăm các Mẹ Việt Nam anh hùng… Sau nay về hưu, tôi cũng thường đến thăm nghĩa trang liệt sĩ, nhất là ở thị xã Buôn Hồ, nơi nhiều đồng đội tôi đã nằm xuống. Hương khói nghi ngút, tôi vẫn nặng lòng với những đồng đội vẫn còn nằm đâu đó trong rừng sâu hoang vắng.

Giờ tôi đã tuổi cao, đôi chân, đôi tay không còn nhanh nhẹn như trước; trí nhớ cũng đã ít nhiều bị mờ phai. Song những ngày gian khổ nhưng đầy hào hùng của dân tộc, của nhân dân Đắk Lắk, tôi vẫn không quên.

Thời gian gần đây, báo chí nói nhiều đến những sự vụ tham ô, tham nhũng, những vị quan chức về hưu nhưng vẫn bị xử lý hình sự, không còn được "hạ cánh an toàn". Từng là lãnh đạo cao nhất của một tỉnh, ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi nghỉ hưu lâu rồi và như anh thấy đấy, "của chìm của nổi" chỉ còn ngô, khoai và đàn gia súc. Nhưng tôi thấy vui và thanh nhàn. Tôi cũng nghe thời sự thấy vụ nọ vụ kia, rất tin tưởng vào đường lối lãnh đạo quyết liệt của Đảng và Chính phủ, đặc biệt trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Đúng là không có vùng cấm, không còn khái niệm "hạ cánh an toàn". Làm sai thì phải chịu, điều đó là vô cùng cần thiết cho sự phát triển của đất nước.

Còn đối với tôi, ở thời của chúng tôi thì gần dân, được dân thương, dân tin yêu là tài sản lớn nhất rồi. Không có gì quý hơn nữa!

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Luyện Niê Kđăm: "Hết phụng sự nhân dân tôi về chăn bò, làm nương rẫy…" - Ảnh 9.

Ông có thể chia sẻ một chút về "hậu phương" của mình?

- Như tôi đã nói, sau giải phóng, năm 1977 tôi được chuyển về xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) với nhiệm vụ dân vận, cùng đồng bào xây dựng cuộc sống mới. Nhiệm vụ được đặt ra lúc đó là nhanh chóng củng cố và xây dựng lực lượng dân quân tự vệ để đối phó với thế lực phản động Fulro.

Trong một đợt dân vận, tình cờ tôi được phân công về buôn và gặp vợ tôi bây giờ. Khi ấy, bà nhà tôi mới tuổi mười tám đôi mươi...

Tôi cũng thường kể những câu chuyện về nhiệm vụ của mình, về những khó khăn, vất vả mà mình từng phải trải qua... Sau thời gian làm công tác dân vận ở buôn làng, tôi và vợ thường liên lạc, tranh thủ lúc rảnh rỗi đến nhà thăm hỏi, thời gian gặp nhau ngày càng nhiều…

Chúng tôi càng hiểu và gắn bó với nhau hơn. Tôi luôn nhận được sự động viên của vợ để quên đi những khó khăn vất vả, nguy hiểm trong công việc. Sau một thời gian, chúng tôi đã chính thức yêu và lấy nhau, về chung một nhà. Đúng là cơ duyên, khi đi làm dân vận mà lại lấy được vợ (cười).

Gần 50 năm chung sống, vượt qua bao khó khăn thử thách, tài sản mà chúng tôi có được là 5 người con. Sự tần tảo chăm lo, nuôi dạy các con và quan tâm tới gia đình hai bên của vợ đã khiến tôi rất cảm động. Vợ tôi là hậu phương vững chắc giúp tôi yên tâm công tác và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho. Và đối với tôi, điều quan trọng nhất là vợ chồng đã gắn bó với nhau cho đến tận bây giờ, các con khôn lớn, trưởng thành.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Luyện Niê Kđăm: "Hết phụng sự nhân dân tôi về chăn bò, làm nương rẫy…" - Ảnh 10.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem