Nguyên Tổng thư ký VFF, chuyên gia bóng đá Phạm Ngọc Viễn: Đó là một quyết định đau xót! - Ảnh 1.

Nhìn lại "Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030", theo ông, bóng đá Việt Nam đã thực hiện được bao nhiêu phần trăm các mục tiêu?

- Đề án có rất nhiều vấn đề, khía cạnh. Khi viết đề án đó, cách đây 20 – 30 năm, tôi bị đánh giá là "Con người hoang tưởng" với những ý tưởng quá phiêu lưu. Nhưng đến lúc này, một số mục tiêu bóng đá Việt Nam đã hoàn thành, thậm chí vượt mức. Ví dụ như ĐT bóng đá nữ và U23 nam giành HCV SEA Games, vô địch AFF Cup 2-3 lần; đứng trong tốp 15 châu Á với nam và 6-7 châu Á đối với nữ trong giai đoạn 2012-2020. Tới giai đoạn 2021-2030, mục tiêu là bóng đá nam đứng trong tốp 10 châu Á, còn bóng đá nữ xếp trong tốp 5 châu Á, giành vé dự World Cup.

Nguyên Tổng thư ký VFF, chuyên gia bóng đá Phạm Ngọc Viễn: Đó là một quyết định đau xót! - Ảnh 2.

Về tốc độ phát triển nguồn nhân lực, đào tạo VĐV, chúng ta đã làm tương đối tốt. Nhưng về điều kiện cơ sở vật chất, môi trường đảm bảo cho VĐV phát triển, tạo sự phát triển bền vững cho cả nền thể thao thì chỉ được khoảng 30-40%, đặc biệt là vấn đề đầu tư của nhà nước về cơ sở vật chất, tạo cơ chế cho thể thao phát triển còn quá nhiều bất cập...

Những năm qua, nhà nước mới chỉ đầu tư trên đỉnh, phần ngọn. Khi có giải đấu như SEA Games, ASIAD, Olympic VĐV mới có thêm đãi ngộ về tiền ăn, tiền thưởng huy chương...

Ông có thể nói rõ hơn về những vướng mắc về cơ chế mà nhà nước cần hỗ trợ, tạo điều kiện để bóng đá Việt Nam phát triển đúng như kỳ vọng?

- Cần nhìn nhận rõ là các doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá lúc này đa phần là do đam mê của các ông bầu và không có lợi nhuận. Họ làm bóng đá không chỉ cho riêng họ mà còn quảng bá cho hình ảnh, truyền thống địa phương, sự phát triển thể thao nói chung của địa phương. Vì vậy, lẽ ra họ cũng cần nhận được sự đầu tư của nhà nước, ít nhất về mặt cơ chế, ví dụ cơ chế về đất đai.

Từ năm 1993, khi anh Lê Bửu – Giám đốc Sở TDTT TP.HCM ra Hà Nội làm Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đã xây dựng chi tiết quy hoạch về đất đai với địa phương. Chúng tôi (Tổng cục TDTT) đã có đoàn công tác tới các địa phương, làm việc với các Sở Nông nghiệp, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở TDTT... Tất cả đều có quy hoạch đất đai dành cho thể thao và đã được nhà nước thông qua.

Nhưng đến giờ, đất đai trên bản quy hoạch đó gần như đều mất đi. Nếu không tổ chức SEA Games, Hà Nội làm sao có Trung tâm HLTT, Khu LHTTQG Mỹ Đình?

Ngay cả TP.HCM, quy hoạch cả vùng Rạch Chiếc (Thủ Đức, TP.HCM) thành Khu LHTTQG, 30 năm qua, đến nay, dù huyện Thủ Đức đã được nâng lên thành phố, nhưng quy hoạch đó không hề được thực hiện.

Bên cạnh đó, câu chuyện về thuế cũng cần được nhà nước nhìn nhận cởi mở hơn. Các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn nhưng khi đầu tư cho thể thao vẫn phải đóng thuế.

Đơn cử, VFF làm bất cứ điều gì cũng phải tự đóng thuế. Trả lương cho HLV nước ngoài 50.000  USD/tháng thì phải nộp thuế 5.000 USD.

Tôi nghĩ cần có cơ chế đặc thù, nới lỏng để khuyến khích thể thao phát triển, đặc biệt là giai đoạn đầu. Đến một lúc nào đó khi mọi thứ đã đáp ứng tốt, hòa nhập tốt vào nền kinh tế thị trường, thể thao có thể dần tự nuôi sống mình, ta mới thu hẹp các hỗ trợ lại.

Liên quan tới vấn đề cơ chế, trung tuần tháng 2 vừa qua đã có quyết định chuyển Tổng cục TDTT thành Cục TDTT. Là một chuyên gia lâu năm trong ngành, ông có suy nghĩ gì về quyết định này?

- Với một người đã gắn bó với Thể thao Việt Nam được 58 năm, tính từ năm 1965 khi tôi được triệu tập vào đội bóng đá hệ Văn hóa – Thể thao Trường Cán bộ TDTT Trung ương Từ Sơn – Hà Bắc (lúc đó gọi là Trường Huấn luyện, nay là Đại học TDTT Từ Sơn) sau đó được đi học ở Liên Xô, trải qua nhiều cương vị công tác trong ngành, thì đây là một quyết định gây đau xót.

Khi xã hội càng phát triển, vai trò của TDTT đối với sự phát triển nguồn nhân lực của xã hội là cực kỳ quan trọng. Và đáng ra, cần xác định vị thế của TDTT thông qua tư cách của cơ quan quản lý nhà nước về thể thao phải mạnh lên.

Mục đích chính của quyết định này là gì nếu không nằm ngoài việc giảm biên chế? Nhưng giảm có được bao nhiêu đâu? Tổng cục TDTT  hay Cục TDTT thì những con người đó vẫn ở đấy. Tuy nhiên, vai trò quản lý nhà nước sẽ bị giảm sút, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển TDTT.

Không chỉ có TDTT mà du lịch cũng vậy. Khuyến khích phát triển du lịch, coi du lịch là chiến lược phát triển quốc gia, mà cơ quan quản lý nhà nước về du lịch bị hạ cấp từ Tổng cục xuống thành Cục Du lịch, như một Cục văn hóa cơ sở, Cục biểu diễn nghệ thuật là không ổn, tôi và nhiều anh em cùng thế hệ, làm việc lâu năm trong ngành đều chung suy nghĩ đó.

Nguyên Tổng thư ký VFF, chuyên gia bóng đá Phạm Ngọc Viễn: Đó là một quyết định đau xót! - Ảnh 4.

Càng nói, giọng của Tổng thư ký VFF Phạm Ngọc Viễn càng chắc nịch khi nhấn mạnh về tầm quan trọng của cơ chế trong việc phát huy hết tiềm năng của Thể thao Việt Nam: "Nếu làm đúng và chính xác như đề án, chiến lược mà chúng tôi đã thiết lập 20-30 năm trước thì lúc này Thể thao Việt Nam, bóng đá Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc hơn nữa chứ không chỉ như những gì đã đạt được thời gian qua.

Nhà khoa học Hy Lạp cổ đại Archimedes có câu nói nổi tiếng: "Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên". Sự đầu tư đúng mức, hiệu quả, tạo cơ chế thoáng của nhà nước sẽ chính là điểm tựa giúp ĐT Việt Nam hiện thực hóa giấc mơ World Cup 2026!

Nguyên Tổng thư ký VFF, chuyên gia bóng đá Phạm Ngọc Viễn: Đó là một quyết định đau xót! - Ảnh 5.

Nghĩa là những thành tích của ĐT Việt Nam mà đỉnh cao là vào tới vòng loại cuối World Cup 2022 dưới thời HLV Park Hang-seo vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng của bóng đá Việt Nam, thưa ông?

- Đầu tiên phải khẳng định muốn có một ĐTQG mạnh, chúng ta phải có một giải vô địch quốc gia mạnh. Muốn V.League mạnh thì từng CLB phải mạnh, phải đáp ứng các tiêu chí chuyên nghiệp của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC).

Tôi đang là Ủy viên Ban cấp phép Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), Trưởng Ban cấp phép VFF và nhận thấy thực tế các CLB Việt Nam còn vô vàn khó khăn để đáp ứng được 5 hệ tiêu chí của AFC: Tiêu chí thể thao, tiêu chí cơ sở vật chất, tiêu chí nhân lực và hành chính, tiêu chí pháp lý, tiêu chí tài chính.

Nguyên Tổng thư ký VFF, chuyên gia bóng đá Phạm Ngọc Viễn: Đó là một quyết định đau xót! - Ảnh 6.

Trong tiêu chí về thể thao, AFC yêu cầu các CLB phải có Chương trình đào tạo trẻ, tham gia thi đấu các giải "U" quốc gia, từ U9 cho tới U11, 13, 15, 17, 19, 21. Điều này đặt ra yêu cầu bắt buộc các CLB phải có hệ thống đào tạo mà muốn làm được điều đó phải có Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ. Tuy nhiên, như tôi đã đề cập ở trên, cơ sở vật chất chúng ta chưa đáp ứng được vì vấn đề đất đai.

Tiêu chí tài chính cũng vô cùng nan giải. Sự đầu tư của các doanh nghiệp vào bóng đá không bền vững. Bóng đá Việt Nam mới có một số trường hợp như Viettel đầu tư bài bản, lâu dài nhờ "bầu sữa" từ Tập đoàn viễn thông Quân đội; CLB Hà Nội là tâm huyết của bầu Hiển, họ muốn xây dựng, định hướng vươn tầm châu lục, thế giới nên tổ chức, đào tạo rất tốt, đã xây dựng Trung tâm đào tạo trẻ ở Bắc Giang; Hoặc SLNA đã có truyền thống, liên tục đóng góp cầu thủ ở các ĐTQG; HAGL của bầu  Đức từ năm 2007 thành lập Học viện cũng liên tục cho ra "lò" các "hạt ngọc", hay PVF...

Nhưng như thế vẫn là quá ít so với cả nền bóng đá. Nhìn chung, các VĐV đội tuyển vẫn chỉ xuất phát từ các trung tâm kể trên, trong khi ở nước ngoài, gần nhất là Thái Lan họ có một số lượng lớn hơn rất nhiều các trung tâm như vậy, chưa kể tới những nền bóng đá hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Bóng đá Việt Nam còn bỏ phí nhiều tiềm năng, đặc biệt ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long mà tâm điểm là Đồng Tháp. Nếu không khai thác, nhiều tài năng sẽ bị thui chột, lãng phí. Tôi lấy ví dụ Công Phượng nếu không có điều kiện cơ sở vật chất, sự đầu tư như của HAGL thì có lẽ lúc này Công Phượng cũng chỉ ở góc núi nào đó ở Nghệ An, chứ không thể trở thành một cầu thủ tài năng, có cơ hội sang châu Âu, Nhật Bản khẳng định mình như những năm qua.

Nguyên Tổng thư ký VFF, chuyên gia bóng đá Phạm Ngọc Viễn: Đó là một quyết định đau xót! - Ảnh 7.

Ông có thể so sánh sự đầu tư của nhà nước cho thể thao nói chung và bóng đá nói riêng tại một số nước châu Á so với Việt Nam?

- Về tổng thể, đầu tư của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc mà gần Việt Nam nhất là Thái Lan, Singapore, Malaysia cho thể thao là rất lớn. Sự khác biệt không chỉ nằm ở những "con số" mà ở cơ chế tạo điều kiện cho các CLB phát triển bền vững.

Thực tế, hầu hết các CLB không đủ sức sở hữu riêng một Khu liên hợp thể thao, hay một sân bóng đá. Cơ sở vật chất đó là do nhà nước đầu tư, sau đó giao cho các đơn vị, các đội bóng sử dụng, khai thác, tạo nguồn tiền phát triển TDTT nói chung tại địa phương.

Một yếu tố rất quan trọng nữa, ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, người ta sử dụng lợi nhuận từ việc tổ chức Cá cược hợp pháp, trong đó có bóng đá, lấy tiền đầu tư lại cho chính bóng đá và thể thao nói chung. Đơn cử, Công ty cá cược Singapore Pools hàng năm đầu tư vài chục triệu USD riêng cho bóng đá.

Với Nhật Bản, ngoài việc nhận được đầu tư từ các Công ty xổ số bóng đá, cá cược bóng đá, chính quyền tạo mọi điều kiện hình thành "Cộng đồng doanh nghiệp" tài trợ cho các CLB ở địa phương. Mỗi CLB đều có nhà tài trợ chính và rất nhiều nhà tài trợ phụ đồng hành.

Năm 2014, VPF đã có đoàn công tác sang Nhật Bản học tập mô hình làm bóng đá chuyên nghiệp của họ và nhận thấy mối quan hệ tương tác đa chiều giữa doanh nghiệp – CLB và người dân địa phương rất mạnh mẽ, đa dạng.

Nguồn tài trợ từ "Cộng đồng doanh nghiệp" sau khi chi cho mọi hoạt động bóng đá của CLB, sẽ còn dùng để phát triển bóng đá học đường, bóng đá phong trào ở các cụm dân cư. Cùng với đó là các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội. Mọi hoạt động đó đều thông qua CLB chứ doanh nghiệp không đứng tên làm. Điều đó giúp nâng cao hình ảnh CLB, và người dân địa phương với nhiều thế hệ trong một gia đình chính là những CĐV trung thành của đội bóng.

Xuất phát từ tư duy, cách làm bóng đá bài bản, khoa học như vậy, bóng đá Nhật Bản đã phát triển vượt bậc trong mấy chục năm qua. Cách đây hơn 60 năm, khi sang Việt Nam (miền Nam) giao hữu, họ khiêm tốn tự ví mình là "đôi giày nhỏ" so với bóng đá Việt Nam. Nhưng lúc này, như chúng ta thấy, bóng đá Nhật Bản đã vươn lên đứng đầu châu Á, thường xuyên dự World Cup và có những chiến thắng oanh liệt trước Đức, Tây Ban Nha tại World Cup 2022 vừa qua.

Thông qua bóng đá, Nhật Bản đã quảng bá được văn hóa, truyền thống, ý chí, tinh thần của người Nhật Bản. Tôi nghĩ, Nhật Bản ngày nay đã là "đôi giày lớn" mà bóng đá Việt Nam nên học hỏi.

Nguyên Tổng thư ký VFF, chuyên gia bóng đá Phạm Ngọc Viễn: Đó là một quyết định đau xót! - Ảnh 8.

Vâng, thưa ông, nhân nói đến Nhật Bản, xin chuyển sang một câu hỏi khác: J.League 1 là một giải đấu hàng đầu châu Á và các ngôi sao Thái Lan như Theerathon Bunmathan, Chanathip Songkrasin... đều đã khẳng định được tài năng ở Nhật. Nhưng cầu thủ Việt Nam như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn, Văn Hậu, Quang Hải đều thất bại khi xuất ngoại. Theo ông, vì sao vậy?

- Nguyên nhân đầu tiên, quan trọng nhất vẫn nằm ở trình độ. Thứ 2 là cách cầu thủ lựa chọn điểm đến. Quang Hải là một hiện tượng, thần tượng của bóng đá Việt Nam. Nhưng khi Quang Hải chọn tới Pháp thi đấu cho Pau FC ở Ligue 2 thì sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản như tầm vóc, thể lực. Bóng đá châu Âu yêu cầu cường độ hoạt động rất lớn, di chuyển liên tục, tham gia cả phòng ngự và tấn công.

Nguyên Tổng thư ký VFF, chuyên gia bóng đá Phạm Ngọc Viễn: Đó là một quyết định đau xót! - Ảnh 9.

Nhiều cầu thủ Việt Nam hiện nay có thể lựa chọn thi đấu ở Hàn Quốc, Nhật Bản, như vậy sẽ phù hợp hơn. Riêng cá biệt có trường hợp của Hoàng Đức. Tôi nhận thấy cậu ta có đầy đủ các yếu tố từ tầm vóc, thể lực, phong cách chơi... có thể thi đấu được ở châu Âu. Trong tương lai, tôi hy vọng Hoàng Đức sẽ có cơ hội bắt đầu hành trình khẳng định mình với những chuyến xuất ngoại.

Với nhiều hạn chế kể trên từ cơ sở vật chất, công tác đào tạo trẻ, trình độ V.League... ông có nghĩ mục tiêu dự World Cup 2026 của bóng đá Việt Nam là viển vông?

- Trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, chúng ta đã gần như đã hoàn thành mục tiêu trong giai đoạn 1 khi nằm trong tốp 15 châu Á.

Nhưng mỗi bước tiến lại có độ khó sự cạnh tranh cao hơn. Từ tốp 15 tới tốp 10 châu Á lại hoàn toàn khác, đẳng cấp hoàn toàn khác. Mà từ tốp 10 lọt vào tốp 8 châu Á để giành vé dự World Cup 2026 lại càng gian nan hơn nữa.

Sự cạnh tranh quyết liệt đến từ chính các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia khi họ cũng có đầy tiềm năng, đầu tư rất mạnh hướng tới mục tiêu dự World Cup như chúng ta. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ả Rập Xê-út thì luôn có vị thế chắc chắn trong cuộc đua giành vé dự World Cup. Các nước Tây Á như Iran, Iraq, Qatar, Oman... cũng đều rất mạnh.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh lại là con người Việt Nam có tố chất tốt để chơi bóng đá: thông minh, nhanh nhẹn, khéo léo; chứ không như Trung Quốc thường chỉ giỏi các môn về tay như bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông... Sự đầu tư của nhà nước cho bóng đá Việt Nam so với Trung Quốc hay nhiều nước khác chúng ta cũng thua kém xa nhưng vẫn gặt hái được những thành quả nằm ngoài mong đợi. Điều đó nói lên nỗ lực, ý chí hiếm có của chính các VĐV Việt Nam.

Theo tôi, mục tiêu giành vé dự World Cup vẫn có thể đạt được nhưng với điều kiện phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa của nhà nước, từ tạo cơ chế đến tham gia về chỉ đạo, đối ngoại.

Nguyên Tổng thư ký VFF, chuyên gia bóng đá Phạm Ngọc Viễn: Đó là một quyết định đau xót! - Ảnh 10.

n HLV ĐT Việt Nam, ông Philippe Troussier đã nói về 2 yếu tố quan trọng nhất trên hành trình đưa ĐT Việt Nam dự World Cup là các cầu thủ cần được đá 40-50 trận/mùa. ĐT Việt Nam phải được thi đấu giao hữu với các đội nằm trong tốp 50-60 thế giới…

- Về điều kiện tài chính, VFF, VPF lúc này đã tốt lên nhiều khi thương hiệu các ĐTQG được nâng lên trong những năm qua, thu hút tài trợ. V.League cũng bán được bản quyền truyền hình dù giá chưa cao. Đó là những điều kiện cần thiết nhưng vẫn chưa đủ.

Để làm được yêu cầu của HLV Troussier cần có sự vận hành của cả hệ thống. Nơi quan trọng nhất để nâng tầm cầu thủ chính là V.League. V.League phải diễn ra liên tục chứ không nên có những đợt nghỉ dài như hiện nay. Điều này tôi đã nói cách đây hơn chục năm từ khi Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) mới thành lập và tôi là Tổng Giám đốc.

Các cầu thủ phải được thi đấu thường xuyên, liên tục ở CLB. Qua đó, HLV đội tuyển có thêm cơ hội quan sát, chọn lựa và tập trung đội tuyển trong những đợt ngắn ngày để giải quyết các vấn đề chiến thuật, vận hành đội tuyển chứ không phải đi chỉnh sửa kỹ thuật!

Về việc thi đấu với các đội bóng nằm trong tốp 50-60 thế giới, không phải cứ có tiền là có thể mời được các đội bóng lớn đến giao hữu mà còn quan hệ giữa các Liên đoàn, cao hơn là quan hệ hữu nghị giữa 2 quốc gia.

Chúng ta cũng cần nhận rõ lứa cầu thủ đóng vai trò trụ cột hướng tới World Cup 2026, hoặc World Cup 2030 chính là lứa U17, U19 hiện nay. Muốn các cầu thủ trẻ được thi đấu nhiều thì phải thi đấu giải trẻ theo hệ thống League, vòng tròn lượt đi, lượt về. Điều đó cũng đòi hỏi nhiều tới nguồn tiền.

Các đội tuyển trẻ cũng cần phải liên tục được đi tập huấn, thi đấu tích lũy kinh nghiệm, bản lĩnh, khẳng định mình ở các giải khu vực, châu lục và cả giải trẻ World Cup như U19 Việt Nam với thế hệ Quang Hải, Tiến Linh, Hoàng Đức... đã làm được dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn năm 2017. Tất cả đều cần tới kinh phí.

Tôi cho rằng VFF đã đúng khi chọn một HLV từng nhiều lần dự World Cup như ông Troussier (từng dẫn dắt Nam Phi dự World Cup 1998, đưa Nhật Bản lần đầu tiên trong lịch sử lọt tới vòng 1/8 World Cup 2002 – PV). Quan điểm của HLV Troussier là quan điểm hiện đại của bóng đá thế giới và bóng đá Việt Nam cần thay đổi để vận hành cho phù hợp.

Nguyên Tổng thư ký VFF, chuyên gia bóng đá Phạm Ngọc Viễn: Đó là một quyết định đau xót! - Ảnh 11.

Trăn trở với sự phát triển của V.League bởi "chỉ có ĐTQG mạnh khi V.League mạnh", ông Phạm Ngọc Viễn bảo đáng ra lúc này V.League đã tiến xa, không thua kém gì Thai League nếu từ năm 2000, Công ty VPF được thành lập theo đúng những gì đã đề cập tới trong Đề án phát triển bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam mà ông chắp bút từ năm 1998; cải tổ hệ thống thi đấu trong nước, chuyển từ giai đoạn bao cấp sang chuyên nghiệp…

Nguyên Tổng thư ký VFF, chuyên gia bóng đá Phạm Ngọc Viễn: Đó là một quyết định đau xót! - Ảnh 12.

Ông là "gch nối" giữa giai đoạn bóng đá bao cấp và bóng đá chuyên nghiệp. Chắc hẳn, ông có nhiều kỷ niệm trong 30 năm làm công tác quản lý bóng đá, tính từ khi tham gia Ban chấp hành VFF  năm 1993

- Tôi tham gia làm công tác tổ chức thi đấu bóng đá Việt Nam từ những năm 1984-1985 nhưng tới năm 1993 mới vào Ban chấp hành VFF nhiệm kỳ II (1993-1997) và từ tháng 10/1997 thì trở thành Tổng thư ký VFF nhiệm kỳ III (1997-2001) và nhiệm kỳ IV (2001-2005).

Ngay từ khi bắt đầu là Tổng thư ký VFF, tôi đã thực hiện theo đúng chủ trương của Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu với 3 vấn đề: Một là thể thao thành tích cao, hai là thể thao quần chúng, ba là đối ngoại.

Trước khi làm Tổng thư ký VFF, tôi là Phó Vụ trưởng Vụ quan hệ quốc tế Ủy ban TDTT nên có lợi thế mở rộng các mối quan hệ đối ngoại, đặt nền móng cho việc hội nhập quốc tế của VFF vào bóng đá khu vực, châu lục và thế giới.

Khi tham gia vào Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF), tôi nhận thấy các nước đi trước họ cứ thay nhau giữ các vị trí chủ chốt. Như đại diện Malaysia liên tục làm Tổng thư ký VFF. Vậy nên, trong cuộc họp AFF, tôi đề nghị để khuyến khích sự phát triển bóng đá khu vực, nhất thiết phải thực hiện "Quay vòng - Rotacion". Mỗi đại diện các nước được tham gia ở các vị trí lãnh đạo khác nhau trong tổ chức AFF.

Điều đó dẫn tới việc năm 2005, lúc anh Dương Vũ Lâm vừa trúng Phó Chủ tịch VFF thay anh Lê Thế Thọ sau "vụ Bacolod"(vụ các cầu thủ U23 Việt Nam bán độ - PV), đã được bầu làm Phó Chủ tịch AFF luôn. Sau này, anh Trần Quốc Tuấn thường xuyên tham gia vào các vị trí chủ chốt của AFF, AFC.

Việc có "chân" trong AFF, AFC giúp nâng vị thế bóng đá Việt Nam. Chúng ta có tiếng nói, có giá trị trong lá phiếu bầu hay những quyết định quan trọng của AFF, AFC.

Một dấu ấn nữa, tôi cũng cảm thấy vui khi là người viết Đề án phát bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Ngay từ thời điểm năm 2000, trong đề án tôi đã đề cập tới việc thành lập Công ty tổ chức giải, độc lập với VFF, chủ động trong việc tìm kiếm tài trợ, bán bản quyền truyền hình… theo đúng kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tiếc là phải sau hơn 10 năm, đến năm 2011, VPF mới có thể ra đời. Nếu đi theo đúng lộ trình chuyên nghiệp, V.League lúc này đã tiến xa rồi.

Bên cạnh những đóng góp kể trên, tôi cũng phải nhận những bài học trong quá trình bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp, mà cụ thể là vụ VFF thua kiện HLV Christian Letard.

Nguyên Tổng thư ký VFF, chuyên gia bóng đá Phạm Ngọc Viễn: Đó là một quyết định đau xót! - Ảnh 13.

Vâng, việc VFF thua kiện HLV Letard là một trong những lý do khiến ông phải chịu sức ép từ chức Tổng thư ký VFF hồi tháng 1/2005?

- Đó là một bài học đối với cả nền bóng đá Việt Nam trong thời điểm nhận thức xã hội còn chưa cặn kẽ. Tôi không buồn, không trách bản thân hay bất kỳ ai vì mình không sai.

Trong quá trình tuyển chọn HLV, từ nhiều hồ sơ đưa về xin ứng cử thì dưới góc độ chuyên môn, hồ sơ của ông Letard là kém nhất. Nhưng do có các mối quan hệ, lời giới thiệu, đảm bảo từ HLV Aime Jacquet – người đã dẫn dắt ĐT Pháp vô địch World Cup 1998 nên lãnh đạo VFF đã đồng ý ngay.

Tháng 3/2002, VFF ký hợp đồng 2 năm với HLV Letard. Nhưng tới tháng 8/2002, HLV người Pháp đã bị VFF cho nghỉ việc. Sa thải HLV trước thời hạn thì đương nhiên phải đền bù tiền (197.800 USD tương đương khoảng 3 tỷ đồng thời điểm đó – PV). Tôi đã khuyên là không nên sa thải HLV bởi ông Letard mới cầm đội bóng, mới áp dụng tư tưởng bóng đá tiến bộ của Pháp vào Việt Nam, cần phải cho ông ấy thêm thời gian. Nhưng triết lý của ông Letard và quan điểm của các cấp quản lý phía trên không tìm được tiếng nói chung, không thống nhất được với nhau nên xảy ra chuyện.

Cũng phải thấy vai trò của truyền thông lúc ấy rất quan trọng. Sở dĩ báo chí không đồng tình với ông Letard vì ông đã loại Văn Quyến – một ngôi sao đang rất nổi lúc ấy. Quan điểm của ông Letard rất rõ ràng, Văn Quyến phải đáp ứng được sức bền thể lực mà khi kiểm tra, Văn Quyến không đáp ứng được nên bị loại. Nhưng dư luận thì không hiểu chuyện đó (?!).

Nhìn lại cả một hành trình hơn 20 năm qua, rõ ràng bóng đá Việt Nam đã phát triển, tiến bộ rất nhiều. Thay đổi lớn nhất là thay đổi về nhận thức làm bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng để đáp ứng yêu cầu của bóng đá chuyên nghiệp chúng ta vẫn chưa đáp ứng nổi, cần nỗ lực nhiều hơn nữa từ bản thân những người làm bóng đá, ông bầu, HLV, cầu thủ, CĐV... Song song đó cần thay đổi nhận thức từ nhà nước về bóng đá.

Không phải chỉ dùng câu "xã hội hóa" là xong. Bóng đá Việt Nam lúc đó, và thậm chí ngay cả bây giờ, vẫn như một đứa trẻ chưa được đào tạo đầy đủ về kỹ năng sống, dễ mắc thiếu sót và rất cần bàn tay chăm sóc từ nhà nước.

Nguyên Tổng thư ký VFF, chuyên gia bóng đá Phạm Ngọc Viễn: Đó là một quyết định đau xót! - Ảnh 14.

Ở tuổi 74 và chuẩn bị nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, ông Phạm Ngọc Viễn vẫn mải miết với những đề án, chiến lược phát triển bóng đá nước nhà. Cùng với công tác đào tạo trẻ ở cấp CLB, ông cũng dành nhiều tâm huyết cho Đề án phát triển bóng đá phong trào: "BGiáo dục và Đào tạo đã mời tôi giúp về việc phát triển bóng đá cộng đồng, bóng đá học đường. Đó là điều rất cần thiết để tạo chân đế vững chắc cho sự phát triển bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam", ông Viễn bộc bạch.

Nguyên Tổng thư ký VFF, chuyên gia bóng đá Phạm Ngọc Viễn: Đó là một quyết định đau xót! - Ảnh 15.

Cùng với kỳ tích của các đội tuyển Việt Nam những năm qua, bóng đá phong trào Việt Nam cũng đã có những bước phát triển vượt bậc?

- Có thể khẳng định, không có gì gắn kết cộng đồng, gắn kết toàn dân tộc như bóng đá. Bạn đã thấy bầu không khí tuyệt vời, lòng tự hào dân tộc lan tỏa trên khắp cả nước khi đội U23 Việt Nam giành HCB U23 châu Á 2018 (Thường Châu, Trung Quốc), giành HCV SEA Games 30, 31; ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2018, lọt tới vòng loại cuối World Cup 2022, có những trận đấu đáng nhớ với các đối thủ hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Ả Rập Xê-út, Australia, Oman, Trung Quốc...

Nguyên Tổng thư ký VFF, chuyên gia bóng đá Phạm Ngọc Viễn: Đó là một quyết định đau xót! - Ảnh 16.

Câu chuyện về bóng đá đã đi vào từng quán trà đá vỉa hè, từng góc chợ, từng gia đình và rất nhiều em nhỏ đã thể hiện được tài năng bóng đá khi muốn noi theo các thần tượng của mình. Tôi mong sao có thể phổ biến, đưa bóng đá cho toàn dân chơi, bất kể giới tính nam nữ, các em thiếu niên, nhi đồng.

Ở Việt Nam, không có môn thể thao nào phát triển kỹ năng sống tốt hơn bóng đá. Thông qua bóng đá, các em nhỏ bộc lộ năng khiếu, tính cách, giáo dục… Các cháu sẽ học hỏi được rất nhiều trong quan hệ xã hội với đồng đội, đối phương, học được cách cư xử, làm việc tập thể. Qua bóng đá, phát triển ý chí, sự nỗ lực vượt qua khó khăn. Khi đi bóng qua được đối phương, chiến thắng đối phương cũng giúp các cháu tự tin hơn để khẳng định mình. Đó là những điều rất quan trọng đối với sự phát triển nhân cách một con người.

Ngay trong những năm tháng học tập ở Liên Xô, tôi đã có cơ hội huấn luyện một đội bóng "nhí" của Dinamo Kiev và cảm nhận được sự phát triển mạnh mẽ từ "chân đế" của bóng đá châu Âu.

Vâng, ông đã được đào tạo bài bản về bóng đá ở Liên xô (cũ). Đâu là những điểm mới mẻ, tiên tiến trong phương pháp đào tạo VĐV ở Liên Xô so với ta thời điểm cách đây 40 năm?

- Thời chúng tôi được tuyển chọn, đối tượng là các em học sinh từ lớp 5 đến lớp  7 có năng khiếu được các trường giới thiệu. Công việc được tiến hành khá đơn giản: kiểm tra thể hình (chiều cao, cân nặng, không bị cong vẹo cột sống, độ cong bàn chân…), kiểm tra chuyên môn (chạy tốc độ 30m, 100m), sức bền (chạy 800m), khả năng phối hợp vận động, tiếp thu động tác nhanh cũng như khả năng hoạt động phù hợp với các môn bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, thể dục, bơi…

Còn ở Liên Xô những năm 60-70 họ đã là cường quốc thể thao thế giới, cạnh tranh với Mỹ ở vị trí nhất toàn đoàn Olympic. Hệ thống huấn luyện của họ rất chặt chẽ, khoa học, tuyển chọn các VĐV từ 6-7 tuổi hoặc 8-9 tuổi tùy vào đòi hỏi ở từng môn, quyết tâm thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa so với các nước tư bản chủ nghĩa.

Giai đoạn 1979-1983 khi tôi làm nghiên cứu sinh, tôi có cơ hội thực tập tại CLB Spartak Moscow. Thời điểm đó, Spartak Moscow, Dinamo Kiev và Lokomotiv Moscow cạnh tranh nhau rất quyết liệt tại giải vô địch quốc gia. Họ có nhiều trung tâm đào tạo vệ tinh, tìm kiếm, đào tạo cầu thủ trẻ cung cấp cho đội 1.

Tính riêng thành phố Moscow có khoảng 20 trung tâm đào tạo trẻ của 20 CLB khác nhau. Mỗi trung tâm có đầy đủ các tuyến U từ U9 đến U18. Mùa hè, bắt đầu từ tháng 6, họ tổ chức giải đấu theo mô hình League vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. League chia làm 2 hạng A và B. Các đội từ U9 đến U18 của 2 CLB sẽ thi đấu với nhau trong trọn vẹn một ngày từ khoảng 9 giờ sáng  đến 17 giờ chiều là kết thúc. Ví dụ sau trận U9 Spartak đấu với U9 Lokomotiv sẽ là trận đấu lứa U11 và kết thúc với trận đấu giữa U18 Spartak và U18 Lokomotiv.

Kết thúc giải, CLB đứng đội sổ hạng A sẽ phải xuống hạng B. Đội vô địch hạng B được thăng hạng A. Việc áp dụng lên-xuống hạng đối với toàn bộ hệ thống từ U9 đến U18. Điều đó giúp tăng sức cạnh tranh vì đó là danh dự của cả một Trung tâm đào tạo trẻ, cả CLB chứ không chỉ 1 lứa cầu thủ.

Tất nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng. Thời điểm đó, Việt Nam ta vừa giải phóng, thống nhất đất nước; trong khi Liên Xô là một cường quốc. Sau này, khi làm Tổng thư ký VFF tôi cũng đã đề xuất cách thi đấu như vậy đối với các CLB tại Việt Nam. Chúng ta cũng đã thử làm năm 2002 nhưng sau đó phải dừng vì kinh phí không kham nổi.

Phải đến bây giờ và đặc biệt những năm gần đây khi AFC ngày càng thắt chặt, áp dụng các hệ tiêu chí cấp phép cho các CLB; công tác đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo trẻ của Việt Nam mới bước đầu làm được như Liên Xô 40 năm trước.

Nguyên Tổng thư ký VFF, chuyên gia bóng đá Phạm Ngọc Viễn: Đó là một quyết định đau xót! - Ảnh 17.

Ngược dòng ký ức, ông từng được tuyển chọn vào đội U17 Việt Nam, nhưng sau đó "rẽ ngang" sang Liên Xô đi học. Khi trở về nước lại định danh trong công tác quản lý bóng đá, xây dựng các đề án, chiến lược... Vì sao có những bước ngoặt như vậy?

- Thời điểm những năm 1965, Mỹ bắn phá miền Bắc rất ác liệt. Nhưng Đảng, nhà nước luôn tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng và quyết tâm xây dựng lực lượng VĐV, để khi giải phóng, thống nhất đất nước sẽ tham gia thi đấu, đối ngoại.

Ngày đó, tất cả các giáo viên đang giảng dạy tại Trường Cán bộ TDTT Trung Ương Từ Sơn (Hà Bắc) đã tỏa đi khắp mọi miền Tổ quốc, từ Sông Bến Hải trở ra vùng núi phía bắc, chọn được mấy trăm người về tập trung tại Trường Huấn luyện ở Từ Sơn, sau đó phân ra các môn bơi lội, bóng đá, điền kinh, thể dục dụng cụ, bóng chuyền. Tôi may mắn là một trong số đó...

Song song tập luyện, khi học văn hóa, tôi đạt học sinh giỏi và là 1 trong khoảng 10 học sinh Trường Từ Sơn được tuyển chọn đi học ở Liên Xô. Tại Đại học TDTT Kiev – "cái nôi"đào tạo ra rất nhiều cán bộ TDTT cho Việt Nam, tôi học bóng đá, tham gia nghiên cứu các vấn đề đào tạo VĐV trẻ, thực tập ở CLB Dinamo Kiev – đội bóng nổi tiếng từng đoạt Cúp C2 1974-1975 có các danh thủ như Muntian, Blokhine, Onyshchenko, Buriak...

Tôi đã được báo Liên Xô Ngày Nay phỏng vấn. Họ quay lại hình ảnh tôi đang làm công tác huấn luyện đội trẻ Kiev. Khi tôi về nước, mọi người đều biết đến và đã có một số CLB mời tôi về.

Ông Mai Xuân Phán lúc đó là Trưởng ty TDTT Quảng Ninh đã xin tôi về huấn luyện đội Than Quảng Ninh nhưng tôi xin khất với lý do mới ra trường,kinh nghiệm còn thiếu. Trung Tướng Bằng Giang - Tư lệnh Quân khu Việt Bắc cũng xin tôi lên đó. Tôi cũng trả lời với Vụ tổ chức UB TDTT là chưa thể làm được. Lý do là lúc đó, tôi biết 2 anh bạn cùng đội với tôi, tốt nghiệp đại học trong nước đang làm ở đó rồi.

Cuối cùng, tôi được phân công theo nguyện vọng, về làm giáo viên dạy bóng đá ở Đại học TDTT Từ Sơn, sau đó gắn bó với công tác quản lý thể thao, bóng đá Việt Nam từ đó đến nay.

Nguyên Tổng thư ký VFF, chuyên gia bóng đá Phạm Ngọc Viễn: Đó là một quyết định đau xót! - Ảnh 18.

Ông có thể kể về các đồng đội cùng lứa được tuyển chọn đi Liên Xô những năm 60-70. Sau này về nước, họ đóng góp như thế nào trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển của Thể thao Việt Nam?

- Lứa chúng tôi được đi học ở Liên Xô năm 1967 và về nước năm 1972-1973 gồm có tôi, anh Lưu Quang Hiệp, Mai Đức Chung (bóng đá), anh Lê Thanh Sang (bóng chuyền)… cùng với một số VĐV ưu tú của Trường Huấn luyện như anh Trần Duy Long (bóng đá), Nguyễn Văn Trọng, Đoàn Thế Kiên (bơi lội), Vũ Đức Thượng, Hoàng Văn Bản (điền kinh)…

Trước đó, những năm đầu 60, các anh sinh viên thế hệ trước như anh Lê Bửu, Phạm Trọng Thanh (Vụ trưởng Ban Khoa giáo Trung ương)… cũng đã sang Liên Xô học tập tại Đại học TDTT Kiev, về nước năm 1964-1965 và đều trưởng thành, là những nhà quản lý, lãnh đạo nòng cốt của TDTT Việt Nam.

Anh Lưu Quang Hiệp, người bạn thân của tôi sau này trở thành GS.TS, Hiệu trưởng Đại học TDTT Từ Sơn. Anh Lê Thanh Sang làm Tổng thư ký Liên đoàn cầu lông. Anh Nguyễn Văn Trọng làm Tổng thư ký Hiệp hội thể thao dưới nước. Anh Đoàn Thế Kiên làm Giám đốc Sở TDTT Hải Phòng. Anh Trần Duy Long về nước trở thành tiền vệ, rồi HLV đội Tổng cục Đường Sắt vô địch quốc gia lần đầu tiên năm 1980 và có thời gian dẫn dắt ĐTQG Việt Nam.

Trong lứa chúng tôi, anh Mai Đức Chung có thể coi là người nổi tiếng nhất khi là cầu thủ tài năng của đội Tổng cục Đường sắt. Sau khi giã từ sự nghiệp, anh Chung trở thành HLV ĐT nữ Việt Nam nhiều lần vô địch SEA Games và đã giành vé dự World Cup 2023.

Nguyên Tổng thư ký VFF, chuyên gia bóng đá Phạm Ngọc Viễn: Đó là một quyết định đau xót! - Ảnh 19.

Có khi nào ông cảm thấy tiếc vì mình không trở thành cầu thủ hay HLV chuyên nghiệp?

- Làm bất cứ cái gì cũng phải tùy thuộc vào năng lực của mình. Tôi không bao giờ mơ ước những điều tôi không thể làm được.

Thứ nhất, trở thành cầu thủ chuyên nghiệp tôi không thể, vì tầm vóc hạn chế. Mình có kỹ thuật nhưng cũng chỉ "đá phủi" trên đường phố, vườn hoa, công viên... 15 tuổi mới bắt đầu được tập trung, đào tạo chuyên nghiệp thì rất khó phát triển. Thế hệ chúng tôi chỉ có "đột biến" như trường hợp anh Mai Đức Chung, từ đội phong trào Xe Ca vào được Tổng cục Đường Sắt và thành danh nơi đây.

Thứ hai, trở thành HLV thì như tôi đề cập ở trên, mình vẫn còn thiếu nhiều kinh nghiệm, khả năng thị phạm và có lẽ cũng không có "duyên". Với góc độ là nhà quản lý, với tâm huyết, kinh nghiệm của mình, tôi cảm thấy hài lòng vì đã có đóng góp một chút vào sự phát triển của bóng đá nước nhà.

Nguyên Tổng thư ký VFF, chuyên gia bóng đá Phạm Ngọc Viễn: Đó là một quyết định đau xót! - Ảnh 20.

Để có thể dốc hết tâm huyết đóng góp cho Thể thao Việt Nam, chắc hẳn ông luôn nhận được hậu thuẫn rất lớn từ gia đình?

- Tôi may mắn khingười bạn đời của tôi cũng là VĐV thể dục dụng cụ quốc gia những năm 1965-1975. Năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, bà xã tôi cùng các đồng đội đã đi dọc suốt từ Quảng Trị trở vào miền Nam, tới tận Cần Thơ biểu diễn suốt 2 tháng, giới thiệu về nền thể thao miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Sau đó, vợ tôi làm giáo viên ở Đại học TDTT Từ Sơn, tiếp đến quyết định chuyển về Trường Cao Đẳng Sư phạm Hà Nội từ năm 1986, qua đó có điều kiện tập trung chăm sóc gia đình, giúp tôi yên tâm công tác, phát triển sự nghiệp trong vai trò nhà khoa học đồng thời tham gia quản lý bóng đá vốn phải hy sinh rất nhiều thời gian.

Còn hai con trai tôi chỉ chơi thể thao phong trào, tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin và Đại học Ngoại thương. Giờ các con tôi cũng đã trưởng thành trong nghề nghiệp, có gia đình riêng hạnh phúc!

Xin cảm ơn ông! Chúc ông luôn mạnh khỏe để tiếp tục đóng góp vào sự phát phát triển của Thể thao Việt Nam nói chung, bóng đá nói riêng.

Nguyên Tổng thư ký VFF, chuyên gia bóng đá Phạm Ngọc Viễn: Đó là một quyết định đau xót! - Ảnh 21.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem