Người nuôi lợn lại lâm cảnh thua lỗ tiền tỷ, phải trốn nợ lên thành phố mưu sinh

Trần Quang Thứ sáu, ngày 24/03/2023 18:47 PM (GMT+7)
Khảo sát tại một số vùng chăn nuôi ở miền Bắc, phóng viên Báo NTNN ghi nhận thấy nhiều nông dân đang khốn đốn, nợ nần đầm đìa vì nuôi lợn. Có trường hợp nông dân phải bỏ nghề, trốn nợ lên thành phố mưu sinh.
Bình luận 0

Giá lợn hơi xuống đáy mới, nhiều nông dân nợ tiền tỷ vì thua lỗ

Từng là hộ nông dân chăn nuôi lợn số lượng lớn, lên đến hàng nghìn con ở huyện Lý Nhân (Hà Nam) nhưng bây giờ anh Phạm Văn Nam phải "ngậm đắng" bỏ nghề lên Hà Nội làm điện.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nam tỏ ra rất ngao ngán với nghề nuôi lợn. "Tôi đầu tư chuồng trại chăn nuôi không thua kém gì so với các trang trại lớn, từ chuồng lạnh đến việc áp dụng các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học... nhưng nuôi càng lớn thua lỗ càng nhiều. Nhiều anh em cùng nghề ở quê giờ đều nợ nần nhiều quá, phải bỏ nhà đi làm ăn xa để trốn nợ" - anh Nam ngậm ngùi nói.

Theo anh Nam, mấy năm trở lại đây chăn nuôi lợn rất khó khăn, nhiều rủi ro. Từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi đến giờ, giá thức ăn chăn nuôi lại liên tục tăng phi mã khiến người nuôi thiệt đơn, thiệt kép.

Người nuôi lợn lại lâm cảnh thua lỗ, nợ nần - Ảnh 1.

Ông Phan Văn Miền (trái) kiểm tra sức khỏe lợn giống tại trang trại của gia đình ở Yên Mô (Ninh Bình). Ảnh; H.Đ

Giá xuống thấp không phải lượng cung thừa

"Giá lợn hơi xuống thấp không phải do lượng cung thừa mà nguyên nhân chính là do suy thoái kinh tế, người dân tiết giảm chi tiêu khiến nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm mạnh, việc này đã tác động tiêu cực tới tình hình giá lợn.

Với giá lợn hơi từ 47.000 – 49.000 đồng/kg như hiện nay thì người chăn nuôi nhỏ lẻ chắc chắn thua lỗ, còn các trang trại khép kín thì có lãi nhưng không đáng kể. Nhưng do đây là ngành kinh tế nên phải chấp nhận việc phụ thuộc vào giá cả, vào quy luật thị trường".

Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NNPTNT)

Hệ lụy khó lường!

Hiện đối tượng chăn nuôi lợn là các trang trại, HTX, nông hộ trong nước gặp rất nhiều rủi ro, áp lực, thiệt thòi khiến bà con chán nản, bỏ nghề dần. Nếu Chính phủ và các bộ ngành không có giải pháp hiệu quả, lâu dài thì bà con sẽ phá sản hết, ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam sẽ rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Khi đó hệ lụy sẽ rất khó lường.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội)

Thiên Ngân (ghi)

"Giờ chăn nuôi kiểu gì cũng chết. Dù các trại có chủ động mua nguyên liệu về làm thức ăn chăn nuôi cũng không lại vì giá nguyên liệu đầu vào vẫn rất cao. Trước đây, lượng cám đầu vào cho 1 đầu lợn 1 tạ chỉ khoảng 2,5 - 3 triệu đồng nhưng nay đã tăng lên 4 - 4,6 triệu đồng. Trong khi giá lợn hơi trên thị trường vẫn duy trì ở mức thấp, chỉ khoảng 47.000 - 48.000 đồng/kg, dù người nuôi có chủ động được giống thì vẫn thua lỗ bình thường" - anh Nam phân tích.

Cùng cảnh với anh Nam, anh Trương Văn Dương (35 tuổi) từng là tỷ phú chăn nuôi lợn ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa) nhưng nay cũng phải nghỉ nuôi, bỏ hoang chuồng trại ra Tam Điệp (Ninh Bình) làm công nhân cho một doanh nghiệp nước ngoài.

Anh Dương cho biết, hiện giờ chăn nuôi lợn không đơn giản như trước. Muốn chăn nuôi an toàn phải đầu tư chuồng trại kiến cố, hiện đại mới hạn chế được rủi ro dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi.

Khoảng năm 2014, để xây dựng trại nuôi lợn, vợ chồng anh Dương đã phải bán mấy suất đất mới đủ tiền làm chuồng lạnh, hệ thống xử lý nước thải... "Quãng năm 2015-2016, gia đình tôi nuôi vài nghìn con/lứa, mỗi năm thu lãi được tiền tỷ nhưng từ đó đến nay làm ăn khó khăn, nuôi lợn toàn lỗ chồng lỗ. Lứa ít thì vài trăm, lứa nhiều thì cả tỷ đồng" - anh Dương bộc bạch.

Theo anh Dương, đến giờ tính ra số nợ của vợ chồng anh đã lên đến 5-6 tỷ đồng, gồm tiền thức ăn và tiền vay lãi ngoài. Hiện, "sổ đỏ" nhà ở, đất đai nông nghiệp của gia đình anh cũng giao hết cho người ta nhưng cũng không đủ trả nợ.

"Làng tôi giờ nói đến nuôi lợn ai cũng sợ như sợ hủi, vợ chồng tôi cũng đành phải bỏ quê đi làm công nhân lấy tiền nuôi con và trả nợ dần" - anh Dương chia sẻ.

Giảm nái để cầm cự

Người nuôi lợn lại lâm cảnh thua lỗ, nợ nần - Ảnh 3.

Cách đây mấy ngày, ông Phan Văn Miền, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô (Ninh Bình) mới xuất bán mấy tấn lợn thịt với giá 48.000 đồng/kg. Dù gia đình ông chủ động được con giống nhưng vẫn khó hòa vốn.

Ông Miền tính toán: Hiện tại, nuôi 1 con lợn thịt tiêu tốn ít nhất từ 10 - 11 bao cám với giá bán khoảng từ 350.000 đồng đến trên dưới 480.000 đồng/bao, tùy độ tuổi của vật nuôi, cộng với tiền thuốc thú y, điện, nước... khoảng trên dưới 400.000 đồng, tổng giá thành đã ngót 50.000 đồng/kg, tính cả công chăm sóc nữa là lỗ vốn.

So với cuối năm 2022, đến giờ trang trại của ông Miền còn duy trì khoảng 400 lợn thịt và 50 lợn nái, tức đã giảm vài trăm con lợn thịt và 20 đầu nái. "Trước đây sắp xếp được thời gian chúng tôi còn chủ động mua nguyên liệu về phối trộn thức ăn tại chỗ, nhưng giờ phải mua cám công ty giá cao hơn nên phải giảm đàn để cầm cự"-ông Miền nói.

Để hạn chế rủi ro, vợ chồng ông Miền còn chủ động thịt lợn bán cho nhà hàng, doanh nghiệp và chuyển một số diện tích chuồng trại sang nuôi vịt trời để cải thiện thu nhập.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Miền mong muốn thông qua báo, đài truyền tải thông tin kiến nghị của bà con chăn nuôi tới Chính phủ và các bộ ngành liên quan sớm tháo gỡ, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi bằng cách giảm hoặc bỏ thuế nhập khẩu các nguyên liệu, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất. 

Đồng thời đề nghị Bộ NNPTNT sớm thương mại hóa diện rộng vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi để bà con chủ động tiêm phòng, hạn chế thiệt hại.

Trong khi đó, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 Lê Văn Cần (xã Yên Thọ, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) cũng đang chịu thiệt hại "kép" vì giá thành nuôi lợn tăng cao, trong khi giá bán ra không ngừng giảm. Hằng năm, trang trại của gia đình ông thường nuôi hơn 600 con lợn, trong đó 100 con lợn bố mẹ, còn lại là lợn thương phẩm và lợn con theo mẹ. 

Trước đây ông vẫn bán lợn giống cho bà con trong vùng, nhưng từ khi giá lợn hơi xuống thấp, người dân chán nản, không muốn nuôi nữa nên trang trại phải cắt giảm 50% đàn bố mẹ, hạn chế sản xuất con giống. Ngoài ra, ông cũng giảm cả đàn lợn thương phẩm.

"Chăn nuôi lợn bây giờ chán lắm, nếu không cẩn thận nhiều người sẽ mất định hướng. Chúng tôi rất mong Nhà nước, các bộ, ngành… sớm có giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, giảm giá thành nguyên liệu sản xuất thức ăn để người chăn nuôi sớm vực dậy sau chuỗi ngày đen tối" - ông Cần nói.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Nam Định, tháng 2/2023, đàn lợn của tỉnh ước đạt 640.490 con, giảm khoảng 0,4%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 15.028 tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 86kg/con.

Ông Nguyễn Văn Trọng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) nhận định: "Trong giai đoạn gần đây, giá lợn hơi xuống rất sâu, chăn nuôi lỗ nhiều. Với doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi thì đỡ lỗ hơn vì giá thành là 50.000 - 52.000 đồng/kg lợn hơi, còn nông hộ giá thành khoảng 54.000 - 60.000 đồng/kg, trong khi giá bán chỉ 45.000 - 48.000 đồng/kg".

Cũng theo ông Trọng, hiện đàn lợn cả nước đang duy trì trên 28 triệu con, đàn nái duy trì 2,9 triệu con. Tết Nguyên đán vừa qua, đáng lẽ nhu cầu tiêu thụ phải tăng nhưng thực tế lại không tăng. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 khiến thu nhập người dân bị giảm, sức mua giảm. Như Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam mỗi ngày bán ra 15.000 - 17.000 con, nhưng vẫn bị tồn.

Ông Vũ Hoàng Lân - Trưởng Phòng chăn nuôi - thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc) cho biết, hiện đàn lợn trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 500.000 con. Thời gian qua, giá thức ăn chóng mặt khiến người chăn nuôi thiệt hại nặng nề.

Theo ông Lân, trước đây, giá thức ăn chăn nuôi chiếm 70% trong cơ cấu giá thành, nhưng hiện chiếm tới 85-87%. 

"Với giá thức ăn như thế, nhiều người dân đang mất trắng. Nhiều hộ giờ không còn vốn nữa để duy trì, lỗ 1 lứa còn được chứ lỗ 3 - 4 lứa liên tục, không ai chịu được. Giải pháp cấp bách lúc này là giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đậu tương để giúp hạ giá thức ăn chăn nuôi; hạn chế nhập khẩu thịt lợn, bởi giá thịt nhập rất rẻ khiến thịt trong nước không thể cạnh tranh được. Đồng thời, ngành chăn nuôi cần xây dựng các vùng nuôi đảm bảo tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh, hướng đến xuất khẩu, tháo gỡ đầu ra cho lợn"- ông Lân khuyến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem