Người muôn năm cũ

Thiền Phong Thứ sáu, ngày 04/02/2022 06:00 AM (GMT+7)
Thư pháp đã ở trong đời sống văn hóa Hà Nội từ lâu lắm rồi. Trước thời kỳ đổi mới, các cụ đồ vẫn viết ở trong không gian phố phường như cụ Lê Xuân Hòa, Nguyễn Văn Bách, cụ Hồng Thanh, cụ Tú Sót, cụ Thế Anh…
Bình luận 0

Cho đến đầu những năm 2000, khi kinh tế văn hóa có nhiều khởi sắc, đời sống tinh thần của người Việt cũng nhiều đổi mới hơn và hình thành những lớp nhà thư pháp trẻ. Sau mấy năm rục rịch, cho đến đầu xuân năm 2006, triển lãm Nhị thập bát tú diễn ra ở Văn Miếu, là điểm nhấn sáng tỏ cho không gian và không khí du xuân mới ở đất kinh kỳ, cũng là mở ra thời kỳ mới cho nghệ thuật thư pháp ở Việt Nam.

Từ những ngày đầu cô đơn

Những nhà thư pháp qua những đêm đầu tiên của quá trình phát triển thư pháp từ vỉa hè Văn Miếu những năm 2006 sang 2007, có tôi, và một vài người nữa. Tết, chúng tôi không về quê nhà, ở lại chuẩn bị viết thư pháp đón xuân. Một phần để lan tỏa chữ nghĩa thư pháp trong đời sống tinh thần của người Hà Nội, lan tỏa việc đầu xuân du xuân không chỉ có hái lộc mà đem một vài chữ về treo, đem lại cái mới, nghệ thuật và cầu mong một năm tốt lành; một phần, tính tò mò, ở lại với không khí tết xem xuân qua thế nào. Đêm lạnh đến không tưởng và cô đơn cùng cực. Tuổi trẻ không ăn tết ở quê, khiến cho nỗi nhớ nhà như bị bào mòn qua từng hơi thở. Âm nhạc cũng phần nào được khơi dậy, khi vui khi buồn, và có khi làm cho lòng người não nề với bài Đêm Đông du dương "đêm đông ta nghe bước chân phong trần tha phương, có ai thấu tình cô lữ…". Lời ca thánh thót như những rượu nồng rót từng chén vào trong đêm lạnh.

xuan/Người muôn năm cũ - Ảnh 1.

Xin chữ đầu năm.

Hà Nội, đêm 30 Tết thật vắng lặng, lạnh lẽo và cô đơn của những người viết chữ. Họ là một phần lịch sử của thú chơi thư pháp, và họ đem đến tinh thần mới cho người Hà Nội trong giai kỳ đổi mới. Họ là họa sĩ, là nhà báo, là nhà nghiên cứu và âm thầm góp phần vào những giá trị văn hóa, lan tỏa những niềm vui và sự tươi mới ở những ngôi nhà. Nhưng, những nhà thư pháp cô đơn ở lại bên nhau, sưởi ấm trong những tấm áo dày và bàn tay run run viết chữ. Đêm lạnh lẽo, mỗi chữ vài chục nghìn tùy tâm cho đến tờ mờ sáng họ về Hoàng Hoa Tửu nơi phố Khâm Thiên sum vầy như một gia đình nhỏ.

Năm 2006 đầu 2007, là thời kỳ mở đầu của thư pháp vỉa hè Văn Miếu. Thời kỳ đó, manh nha, hồn nhiên và như bài thơ vắt lên tường gạch cũ kỹ của mấy trăm năm lịch sử bên đường phố Văn Miếu. Sang khoảng năm 2008, những chiếu thư pháp bên vỉa hè phố Văn Miếu tấp nập người qua lại. Nó gợi cái không khí hồn nhiên, chợ thuyền và manh mún của quán xá vỉa hè, thường quen mắt với người Hà Nội. Nhưng những chòi, khuôn viên nho nhỏ của các chiếu thư pháp, cụ già, cô gái trẻ, cùng trẻ con xúm xít xin chữ và đặc biệt giấy dán treo lên kín tường gạch cũ đủ sắc màu chữ nghĩa, như một triển lãm nghệ thuật cộng đồng, vui mắt, bình dị và đẹp đến nao lòng.

Đến những "sân chơi" đầy ánh sáng

xuan/Người muôn năm cũ - Ảnh 2.

Xin chữ đêm giao thừa - ký họa của Trường vẽ Gia Định.

Người viết chữ nhiều thêm, ngồi chen nhau, từ điển để bên cạnh, chữ nghĩa viết đúng viết sai, viết thiếu nét; chữ nghĩa giá đắt đỏ; chữ nghĩa tranh luận chê bôi… đủ muôn hình vạn trạng của màu sắc chợ búa. Tính chất lãng mạn, chất chân thực và cái đẹp của chữ nghĩa cũng phần nào mai một đi. Sự phát triển cũng gắn liền với những thị phi, từ ganh đua, tranh vị trí, tranh nơi gửi xe và dần dần đến những bảo kê từ phía này phía nọ. Tiền thu từ chiếu manh, giá bán các chữ được hình thành không còn "tùy tâm" như giai đoạn đầu. Tất cả, dẫn đến vỉa hè thư pháp Văn Miếu dần dần như chợ.

Nghề gì cũng có niềm vui và nỗi buồn. Thư pháp, không phải là một nghề, nhưng gắn liền với những ai đã có đam mê cũng đủ trọn một đời. Viết chữ đẹp, rèn nhân phẩm. Nhân phẩm người viết, lại tương thích với người tiếp nhận. Thư pháp, không phải là nghệ thuật bình dân, mà là nghệ thuật của tất cả mọi người. Những tác phẩm thư pháp Tiền vệ cũng dần lan tỏa sang châu Âu, châu Mỹ. Những tác phẩm hiện đại vẫn phát triển trong đời sống nghệ thuật hiện nay. Thư pháp vỉa hè, cũng được quy hoạch lại cho gọn gàng và quy củ hơn, tránh những thị phi phố thành chợ. Văn Miếu Quốc Tử Giám quy hoạch lại khu Hồ Văn mỗi độ xuân về, tạo nên sân chơi, vừa văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật, và đặc biệt là nơi để những nhà thư pháp viết tốt thể hiện mình. Đó vừa là nghệ thuật, vừa là nhu cầu xã hội!

Mỗi năm hoa đào nở

Năm nay cũng như nhiều năm vừa qua, thư pháp sẽ được các nhà thư pháp viết ở Hồ Văn. Họ sẽ viết cả trước tết cho đến sau tết. Cái không khí xuân vẫn như những năm qua, vẫn có những hồi hộp, những muộn phiền dừng lại trong năm cũ và chờ đợi đón năm mới tươi đẹp. Người ta lại ký gửi ước vọng vào chữ nghĩa thư pháp, học sinh lại cầu Đỗ đạt, đăng khoa, cập đệ… Khí xuân và dòng chữ như thấm vào thời tiết cuối năm, đầu năm làm cho Hà Nội như gợi lại những ký ức từ xa xưa, cho đến cách đây mấy chục năm và ngày nay. Hà Nội rất cũ và rất mới trong từng bước chuyển mình của đời sống thường nhật và thư pháp là điểm nhấn chưa bao giờ phai trong tâm thức những người ở đất Thăng Long! Lại nhớ câu thơ của Vũ Đình Liên, sao mà hợp với khí xuân đến thế:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua…

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem