Người Mông ở đây làm lễ cúng thần rừng, nhúng lông gà vào bát tiết dán lên gốc cây để làm gì?

Tráng Xuân Cường Thứ năm, ngày 23/02/2023 18:51 PM (GMT+7)
Đến hẹn lại lên, vào ngày cuối tháng Giêng Âm lịch, người Mông ở xã Tả Văn Chư, huyện Bắc Hà (Lào Cai) tổ chức lễ cúng thần rừng để cầu an lành cho con người, súc vật và cỏ cây.
Bình luận 0

Người Mông góp tiền mua gà, lợn, rượu làm lễ cúng rừng

Theo lịch, vào ngày 29 tháng Giêng, tại 7/7 thôn của xã Tả Văn Chư, đồng bào Mông lại long trọng tổ chức lễ cúng rừng. Bà con người Mông ở Tả Van Chư quan niệm, thần rừng, thần cây, thần suối là những vị thần giúp người Mông xua đuổi thú dữ, cho gỗ làm nhà, cho nguồn nước uống. Đặc biệt, lễ cúng rừng được xem như một cuộc họp tổng kết của thôn về công tác bảo vệ rừng, có sự tham gia của tất cả các chủ hộ trong thôn, cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã.

Việc thực hiện các quy ước, hương ước về bảo vệ rừng, phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh trật tự thôn bản,… đều được đem ra bàn bạc công khai...

Người Mông ở đây làm lễ cúng thần rừng, nhúng lông gà vào bát tiết dán lên gốc cây để làm gì? - Ảnh 1.

Bà con người Mông thôn Lả Gì Thàng, xã Tả Văn Chư tổ chức lễ cúng rừng gắn với chương trình Sắc mận cao nguyên trắng Bắc Hà năm 2023.

Ông Giàng Seo Sáng - Phó Chủ tịch UBND xã Tả Văn Chư (Bắc Hà) cho biết thêm: Để làm lễ cúng rừng, trước đó dân làng đã họp và tổ chức quyên góp tiền mua lợn, gà, rượu, hương thơm, vàng mã và bầu ra người chủ lễ, chủ rừng. Người chủ lễ còn gọi là thầy cúng phải là người có uy tín, hiểu biết về phong tục tập quán, giữ trong mình những văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc mình.

Chủ rừng phải là người nhiệt tình, được dân làng quý mến, tin tưởng và đại diện cho dân làng chuẩn bị lễ cúng, thực phẩm cho buổi lễ. Khi chọn được ngày tốt để cúng thần rừng, ngay từ sáng sớm, bà con tập trung tại khu vực rừng cấm của thôn để chuẩn bị các lễ vật dâng lên thần rừng.

Buổi lễ với những nghi thức độc đáo, trang nghiêm được diễn ra ở cửa rừng, bàn thờ cúng bằng tre được đặt dưới gốc cây cổ thụ. Lễ vật dâng tế thần rừng gồm một con gà trống lông màu trắng, 4 chén rượu, hương và giấy bản.

Người Mông ở đây làm lễ cúng thần rừng, nhúng lông gà vào bát tiết dán lên gốc cây để làm gì? - Ảnh 2.

Thầy mo Thào Seo Phừ, người cao tuổi có uy tín trong cộng đồng người Mông thôn Sừ Mừn Khang - Xà Ván xã Tả Văn Chư tiến hành nghi thức cúng rừng.

Các lễ vật này được cúng dâng thần rừng 2 lần, cúng khi con vật còn sống và sau khi đã chế biến chín. Mỗi lần cúng đều có bài cúng riêng và tương ứng với một thời gian nhất định trong buổi lễ.

Trước khi con vật được đem đi nấu chín để cúng lần thứ hai thì thầy cúng cắt tiết gà rồi lấy lông gà nhúng vào bát tiết dán lên gốc cây cổ thụ. Việc này nhằm báo với thần rừng là dân làng đã dâng lễ vật, có như vậy mới linh nghiệm và thần rừng mới chấp nhận.

Người Mông ở đây làm lễ cúng thần rừng, nhúng lông gà vào bát tiết dán lên gốc cây để làm gì? - Ảnh 3.

Người Mông ở đây làm lễ cúng thần rừng, nhúng lông gà vào bát tiết dán lên gốc cây để làm gì? - Ảnh 4.

Lễ cúng rừng là nghi lễ quan trọng nhất của người Mông, cầu mong thần rừng phù hộ sức khỏe, gia đình hạnh phúc, cầu mong thần rừng trong năm không nổi giận.

Trong không khí linh thiêng của trời đất, người chủ lễ kính cẩn thay mặt bà con dân bản dâng lễ vật, quỳ lạy bốn phương trời, tám phương đất, khấn mời thần rừng về hưởng lễ và chứng kiến cho lòng thành kính của dân làng, phù hộ cho làng bản trừ hết những xấu xa, vận hạn, con người vật nuôi được khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa.

Thầy mo Thào Seo Phừ, người cao tuổi có uy tín trong cộng đồng người Mông thôn Sừ Mừn Khang- Xà Ván xã Tả Văn Chư cho biết: "Lễ cúng rừng là nghi lễ quan trọng nhất của người Mông, cầu mong thần rừng phù hộ sức khỏe, gia đình hạnh phúc, cầu mong thần rừng trong năm không nổi giận để những cánh rừng sinh sôi nảy nở, nuôi sống con người". 

Bên cạnh đó, theo thầy mo Thào Seo Phừ, lễ cúng rừng còn mang thông điệp để người dân luôn yêu quý rừng, không chặt phá rừng hoặc gây ra những vụ cháy rừng khi đốt lương, làm rẫy. 

Sau phần lễ, bà con dân bản ngồi tập trung ở khu đất trống để trưởng thôn, cán bộ xã triển khai các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, vận động nhân dân đoàn kết giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn khó khăn.

Người Mông ở đây làm lễ cúng thần rừng, nhúng lông gà vào bát tiết dán lên gốc cây để làm gì? - Ảnh 5.

Bà con người Mông thôn Lả Gì Thàng, xã Tả Văn Chư tập trung nghe tuyên truyền, phổ biến luật bảo vệ rừng, quy ước, hương ước thôn về bảo vệ rừng.

Lễ hội cúng rừng là một trong những nghi lễ truyền thống đẹp của người Mông, ngoài ý nghĩa tâm linh, nghi lễ cúng thần rừng còn có vai trò to lớn trong việc gắn kết cộng đồng dân tộc, gắn con người với thiên nhiên vì vậy đã trải qua nhiều thế hệ song lễ hội cúng thần rừng của người Mông vẫn còn nguyên giá trị và còn được lưu truyền từ đời này sang đời khác. 

Sau các nghi lễ một bản hương ước về bảo vệ rừng sẽ được người dân trong thôn thống nhất và mọi người đều phải có trách nhiệm thực hiện.

Anh Sùng Seo Lờ, thôn Sà Ván - Sừ Mừn Khang, xã Tả Văn Chư cho biết, khi tham dự lễ cúng rừng với anh em, họ hàng và bà con trong thôn, mình và mọi người được nghe phổ biến nội quy, quy định bảo vệ rừng và quy ước thôn. Qua đó mình nhận thức được vai trò của việc gìn giữ, bảo vệ rừng. Mình và mọi người cam kết sẽ không phá rừng bừa bãi, tham gia các chương trình trồng rừng, trồng cây xanh; tham gia dự án trồng rừng kinh tế, trồng cây thông và trồng cây mận Tả Van, cây lê nhằm phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

"Đặc biệt, việc trồng thông, mận và lê còn đem lại nguồn thu khá lớn, vì thế gia đình mình cũng như các hộ khác rất hào hứng tham gia" - anh Lờ chia sẻ.

Ông Giàng Seo Sáng - Phó Chủ tịch UBND xã Tả Văn Chư cho biết: Tả Văn Chư cách trung tâm huyện lỵ Bắc Hà khoảng 12 km, giao thông thuận lợi, đi lại nhanh chóng, dễ dàng. Nơi đây nổi tiếng có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, nên thơ, với danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia động Thiên Long, rừng nguyên sinh Tả Văn Chư. Đặc biệt, đây cũng là vùng chuyên canh cây ăn quả ôn đới số 1 của huyện Bắc Hà, nổi tiếng khắp nơi với mùa xuân đẹp rực rỡ khi hoa mận tả van, hoa lê xanh cổ thụ trăm năm tuổi nở trắng tinh khôi.

"Hàng năm, bà con đồng bào Mông trong xã đều cùng nhau làm lễ cúng rừng, nhằm nhấn mạnh việc bảo vệ rừng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thông qua lễ cúng rừng, cấp ủy chính quyền cũng phổ biến, quán triệt luật, quy ước, hương ước bảo vệ rừng, vừa tạo nguồn thu cho đồng bào, vừa thu hút khách du lịch đến địa phương trải nghiệm" - ông Sáng cho biết. 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem