Người Khmer trồng lúa ST5: Càng nhiều ruộng, càng giàu

Chúc Ly Thứ năm, ngày 07/08/2014 06:56 AM (GMT+7)
Từ những hộ khó khăn, hộ nghèo, khi chuyển sang sản xuất giống lúa thơm Sóc Trăng (ST5) những nhà nông người Khmer ở Viên Bình (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Bình luận 0

Đầu ra, giá cả ổn định

Ông Trần Nhênh ngụ ấp Trà Ông, xã Viên Bình (Trần Đề) là hộ nằm trong cánh đồng mẫu của xã cho biết: Từ khi chuyển hẳn sang sản xuất giống ST5 này, không chỉ gia đình ông mà tất cả những hộ trong cánh đồng mẫu rất phấn khởi vì hiệu quả cao.

So với những giống lúa trước đây như Jasmine thì ST5 hơn hẳn về tính ổn định và chất lượng gạo. Mỗi vụ sản xuất đều có thương lái và các doanh nghiệp hợp đồng mua hết, với giá cả cao hơn giống bình thường, có vụ cao hơn gần 2.000 đồng/kg nên nông dân ở đây rất yên tâm.

“Gia đình tôi có 5ha sản xuất lúa, mỗi vụ trừ chi phí thì còn lãi khoảng 20 triệu đồng/ha, mỗi vụ lãi ít nhất là 100 triệu đồng. Giống này sản xuất được cả 3 vụ với năng suất không biến động nhiều, chỉ cần xuống giống đúng khuyến cáo của huyện. Hơn nữa, khi áp dụng đúng kỹ thuật canh tác và cân đối phân, thuốc thì sẽ giảm được tình trạng ngã đổ khi có mưa nhiều ở vụ hè thu này” - ông Nhênh bộc bạch.

Còn ông Sơn Sang ngụ cùng ấp thì phấn khởi nói: “Bây giờ ở đây ai nhiều ruộng thì càng giàu, tất cả nhờ sản xuất giống lúa ST5. Nhớ lại thời gian trước những người nông dân người Khmer như chúng tôi phải lo lắng nhiều vì giá lúa mỗi vụ lên xuống thất thường. Đa số nông dân trong xã này đều là người dân tộc, cuộc sống nhiều khó khăn, từ khi chọn được giống lúa chất lượng cao này thì đỡ hơn rất nhiều, nhà cửa cũng khang trang hơn, cuộc sống ổn định”.

Nhân rộng ra toàn huyện

Ông Dương Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Viên Bình cho biết: “Hiện đây là giống lúa chủ lực của xã, với tỷ lệ xuống giống 3 vụ là gần 80% diện tích toàn xã. Hiện xã đã sản xuất tập trung giống lúa này ở cánh đồng mẫu với diện tích là 1.800ha/716 hộ tham gia. Nhờ sản xuất giống lúa ST5 mà cuộc sống của nông dân xã, nhất là nông dân người dân tộc Khmer được cải thiện đáng kể”.



Ông Sơn Sang
 
 
Bây giờ ở đây ai nhiều ruộng thì càng giàu. Tất cả nhờ sản xuất giống lúa ST5”.

 
Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Trần Đề, ông Trần Hoàng Dũng thông tin:

 

“Những năm trước khi mới đưa giống lúa ST vào sản xuất tại địa phương, tỷ lệ khoảng 13% trên toàn diện tích xuống giống mỗi vụ.

Tuy nhiên, sau một thời gian, nông dân đã thấy được hiệu quả của giống lúa ST, dần đưa vào sản xuất đại trà, tập trung nhiều nhất ở xã Viên Bình và Thạnh Thới An, nâng tỷ lệ lên khoảng 30% diện tích xuống giống, chủ yếu là giống ST5. Vụ hè thu năm nay, toàn huyện đã xuống giống ST5 được 22.624 ha, hiện đang phát triển rất tốt”.

Cũng theo ông Dũng: “Huyện luôn khuyến khích nông dân sản xuất những giống lúa chất lượng cao như giống ST5, sắp tới sẽ tiếp tục nhân rộng sản xuất giống này cho toàn huyện. Đây là giống lúa được nông dân đánh giá cao về hiệu quả, phù hợp với đất đai ở địa phương. Giá lúa của giống ST5 luôn cao hơn các giống lúa thường từ 700 – 1.000 đồng/kg; các thương lái rất ưa chuộng vì chất lượng gạo tốt, dễ tiêu thụ”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem