Người chết vì bệnh lao cao gấp 2 lần so với tai nạn giao thông

Diệu Bình Thứ tư, ngày 30/03/2022 13:07 PM (GMT+7)
Ngày 30/3, tại TP Đà Nẵng, Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống lao tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống lao Hội Nông dân Việt Nam năm 2021.
Bình luận 0

Bệnh lao chưa được quan tâm đúng mức

Ông Lê Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Xã hội Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới với hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.040 người chết vì bệnh lao (theo WHO 2020) gấp 2 lần số người tử vong do tai nạn giao thông. Trong khi đó tỷ lệ phát hiện chỉ đạt 60%, trên 90% người bệnh ở nông thôn, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.

Người chết vì bệnh lao gấp hai lần người tử vong do tai nạn giao thông - Ảnh 1.

Hội nghị tổng kết công tác phòng chống lao Hội Nông dân Việt Nam năm 2021. Ảnh: D.B

Theo Trưởng ban Xã hội Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, kể từ khi công bố "đại dịch toàn cầu" bởi WHO vào cuối tháng 1/2020, virus SARS-CoV-2 đã có tác động tiêu cực lớn đến sự phát triển của toàn xã hội, nhiều địa phương đã chuyển công năng Bệnh viện chuyên khoa lao và Bệnh viện phổi sang điều trị Covid-19. Điều này đã làm gián đoạn mạng lưới chống lao các tuyến, người bệnh lao không biết đi về đâu để chẩn đoán, phát hiện, điều trị, làm gia tăng nguồn lây trong cộng đồng, tăng số người mắc tử vong.

"Covid-19 và lao đều là hai căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người. Khống chế bệnh lao là một thách thức của y tế thế giới cũng như tại Việt Nam", ông Dũng nói.

Ông Lê Anh Dũng cũng cho hay, trong năm 2021, năm đầu tiên của giai đoạn 2021-2023, Dự án Qũy toàn cầu phòng, chống lao – Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục duy trì và mở rộng địa bàn triển khai phòng chống lao tại 17 tỉnh, thành Hội; thành lập mới và đi vào hoạt động 51 mô hình "Nông dân phòng chống lao" cấp huyện, 330 mô hình "Quản lý lao tiềm ẩn"cấp xã, 5 mô hình "Ứng dụng M-Health trong hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân lao"... Thông qua đó đã tư vấn cho 81.000 người kiến thức về lao; vận động gần 17.000 người có dấu hiệu nghi mắc lao đi khám và sàng lọc lao tiềm ẩn; phát hiện hơn 1.000 người mắc lao mới và gần 2.500 người nhiễm lao tiềm ẩn...

Người chết vì bệnh lao gấp hai lần người tử vong do tai nạn giao thông - Ảnh 2.

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Xã hội Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lê Anh Dũng. Ảnh: D.B

Đồng thời, các cấp Hội cũng tích cực tham gia phòng chống lao ở cả 3 khâu chính: Thay đổi ý thức cá nhân, cộng đồng trong khám chữa bệnh, hỗ trợ sinh kế và phát hiện tối đa, hỗ trợ quản lý điều trị.

Thông qua các mô hình phòng chống lao của Hội Nông dân, các thành viên tuyên truyền đến gia đình, người thân và cộng đồng nâng cao nhận thức về phòng, chống la. Phát huy vai trò của Hội Nông dân các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động, huy động cộng đồng phát hiện sớm người nghi mắc lao; tương trợ, giúp đỡ người nghèo mắc lao điều trị khỏi lao...

"Mục tiêu của nước ta là đến năm 2030 chấm dứt bệnh lao. Đầu tư chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người/năm hiện nay", ông Dũng nhấn mạnh.

Áp dụng kinh nghiệm phòng, chống Covid-19 trong phòng, chống bệnh lao

Được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về công tác phòng chống lao, Đà Nẵng cũng là địa phương nằm trong số tỉnh thành có số lượng người mắc lao ở tỷ lệ khá cao. Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Thiết cho biết, qua thống kê 5 năm (2016-2021) bệnh nhân lao phát hiện mới tại địa phương đều trên 1.000 ca bệnh hằng năm.

Năm 2021, Hội Nông dân TP Đà Nẵng đã 2 mô hình của dự án phòng chống lao năm 2021 tại 4 quận, huyện.

Bên cạnh đó, các cấp Hội đã phối hợp với TTYT tổ chức 32 buổi tuyên truyền cho 2.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân nhằm tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức cơ bản về phòng, chống lao/HIV, vấn đề chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm lao, HIV. Vận động cán bộ giúp đỡ, chia sẻ với người nhiễm lao ở cộng đồng dân cư...

"Tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn cả nước, trong đó Đà Nẵng là một trong những thành phố chịu nhiều thiệt hại lớn  cả về sức khỏe và kinh tế giảm sút. Thành phố vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng chống lao bởi hằng năm vẫn còn hàng ngàn người mắc lao đang điều trị, số lượng người mắc lao kháng thuốc vẫn gia tăng. Công tác phòng chống lao vẫn luôn đòi hỏi sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố để đạt được mục tiêu thanh toán và chấm dứt bệnh lao năm 2030", Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Thiết nói.

Người chết vì bệnh lao gấp hai lần người tử vong do tai nạn giao thông - Ảnh 3.

Trong các đợt dịch Covid-19, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố. Ảnh: D.B

Bà Dương Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội cho rằng, đại dịch Covid-19 đã khiến cho công tác phòng, chống lao trở nên đầy khó khăn, trở ngại.

Dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý khám chữa bệnh lao của người dân, họ sợ bị nhiễm Covid trong các bệnh viện, trung tâm y tế, sợ phải khai báo y tế hàng ngày nên chần chừ không đi khám bệnh. Dịch Covid-19 ảnh hưởng tới các nguồn lực tham gia phòng, chống lao, nhiều y, bác sĩ, cộng tác viên phòng, chống lao cũng bị nhiễm bệnh. Nhiều hoạt động phòng, chống lao bị đình trệ, trì hoãn hoặc không được tổ chức do giãn cách xã hội, tránh tập trung động người như: hoạt động sàng lọc phát hiện lao, lao tiềm ẩn; hoạt động đến nhà thăm hỏi bệnh nhân lao và lao tiềm ẩn; hoạt động tuyên truyền, vận động người tiếp xúc hộ gia đình bị mắc lao...

"Công tác truyền thông phòng, chống lao cũng tạm thời lắng xuống khi chúng ta tập trung tuyên truyền cho công tác phòng, chống Covid-19... Các hoạt động cung ứng thuốc chống lao, sinh phẩm xét nghiệm cũng gặp khó khăn, nhất là các khu vực bị phong tỏa, giãn cách xã hội, bệnh nhân lao không thể đến nhận thuốc được, gây khó khăn cho công tác điều trị…", bà Hằng nêu.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội kiến nghị, Trung ương Hội và Quỹ Toàn cầu tiếp tục bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống lao; đặc biệt là nguồn kinh phí cho hoạt động truyền thông, tuyên truyền, hỗ trợ các công tác viên phòng, chống lao bởi trong công tác phòng, chống lao thì đây được coi là khâu có giá trị lan tỏa nhất, làm thay đổi thói quen, tư duy của người dân đối với bệnh lao.

Nghiên cứu rà soát, đề xuất sửa đổi và bổ sung các chính sách phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống lao, đồng thời khuyến khích được các tổ chức trong và ngoài nước tham gia vào công tác phòng, chống bệnh lao, tăng cường phát hiện lao sớm và điều trị có hiệu quả bệnh lao. Có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thêm cho bệnh nhân lao để họ yên tâm chữa bệnh…

"Tôi tin chắc rằng với sự vào cuộc đồng bộ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở; đồng thời với phương châm "Áp dụng những kinh nghiệm phòng, chống Covid-19 trong phòng, chống bệnh lao" thì trong thời gian tới, chúng ta hoàn toàn có thể chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam", Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Dương Thị  Hằng nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem