Ngôi chợ tự phát với những tiếng "mô tê răng rứa" nằm ở vùng ven Sài Gòn

Hoàng Ba Đình Chủ nhật, ngày 27/03/2022 14:26 PM (GMT+7)
Sài Gòn vốn là cái chợ lớn. Theo đó có những chợ chuyên dụng như chợ Tân Thành (chuyên phụ tùng xe máy), chợ Kim Biên (chuyên hóa chất), chợ Hồ Thị Kỷ (chuyên bán hoa), chợ Soái Kình Lâm (bán vải)...
Bình luận 0

Có những chợ dành cho giới nhà giàu như Chợ Cũ (quận 1), chợ Tân Mỹ (quận 7). Đến cả vào bệnh viện cũng gặp chợ: bệnh viện Chợ Rẫy, nhà thương Chợ Quán.

Có một ngôi chợ nằm tại huyện vùng ven, chừng 40 sạp, khá lặng lẽ, không ồn ào; khách mua không đông, người bán cũng không nhiều... Đấy là chợ Huế.


Ngôi chợ tự phát với những tiếng "mô tê răng rứa" nằm ở vùng ven Sài Gòn - Ảnh 1.

Một cửa hàng đặc sản Huế. Ảnh: Hoàng Ba Đình

Sở dĩ có cái tên gọi như trên là vì ngôi chợ này có hầu hết chủ sạp là người Huế, và người mua cũng đa số đến từ đất Thừa Thiên và vùng lân cận. Thành thử cái chợ cũng nhiễm luôn cái đặc điểm của cảnh vật – văn hóa – con người đất Huế: nhẹ nhàng – lặng lẽ. Và cái tên chợ Huế là do mọi người tự đặt, chứ thực tế ngôi chợ chẳng hề có tên tuổi cụ thể.

Theo chân anh Khánh Trình, một người Huế rặt, chúng tôi tìm đến ngôi chợ này nằm trên con đường Bà Điểm 6 (Hóc Môn). Nói thật, nhìn qua thì chợ khá chán: chỉ chừng 300 mét theo kiểu chợ tự phát, những điểm bán hàng lại không có sạp hay ki-ốt hoàn chỉnh. Nếu nhắm mắt mà dẫn vào đây, cứ ngỡ đây là một ngôi chợ ở một vùng quê hẻo lánh nào đó chứ không phải ở tại TP.HCM.


Ngôi chợ tự phát với những tiếng "mô tê răng rứa" nằm ở vùng ven Sài Gòn - Ảnh 2.

Người mua kẻ bán

Nhưng về phần nghe thì cực kỳ thu hút, bởi đây là khu chợ hiếm hoi tại TP.HCM mà đa số người mua lẫn người bán đều là dân Bình – Trị - Thiên. Người mua kẻ bán, ríu rít nói giọng quê hương với những thổ ngữ đặc trưng như "mô tê răng rứa  ri tề"... khiến cho những người địa phương muốn điếc đặc. Cách xưng hô của người mua kẻ bán cũng rất Huế: gọi "o" nghĩa là "cô", mệ nghĩa là "bà".

Anh Vui, một người đi chợ cười vui chia sẻ: "Tôi sống ở đây. Dù là dân Nam Bộ, nhưng rất thích đi chợ này. Được nghe giọng miền ngoài thấy cũng vui vui. Chưa kể, vào đây tự nhiên thấy mình trở thành thiểu số trên chính quê hương mình, kể cũng thú vị".

Cũng như bao ngôi chợ khác, chợ Huế có bán các món ăn sẵn và bán luôn các món mua về. Ăn sẵn thì quá nhiều sự lựa chọn: bún bò, bánh canh, cơm hến, bánh bèo, bánh ít trần, các loại chè... Bán mang về chế biến thì có các loại quà quê nổi tiếng như mắm nêm, mắm ruốc, dưa cải đu đủ... Ngoài ra còn phải kể đến hàng loạt loại kẹo bánh đặc thù đất Thần Kinh như mè xửng, kẹo đậu phộng.


Ngôi chợ tự phát với những tiếng "mô tê răng rứa" nằm ở vùng ven Sài Gòn - Ảnh 3.

O ni bảo “chả Huế là ngon nhất Việt Nam”.

Về nguồn gốc của ngôi chợ, anh Khánh Trình giải thích: Hồi những năm 2000, có nhiều người gốc Thừa Thiên – Huế vào TP.HCM sinh sống. Những năm trước, nơi đây giá thuê phòng trọ rẻ hơn những nơi khác, xung quanh lại có nhiều công ty, xí nghiệp, khu công nghiệp nên thu hút nhiều người Huế đến làm việc và thuê trọ.

Người này làm được, lại về quê rủ anh em bạn bè họ hàng cùng vào làm chung. Thành thử, người gốc Huế tăng dần, trở thành một quần thể đông đúc nên nhu cầu cần có một ngôi chợ là điều dĩ nhiên.

Ban đầu, có vài người thuê một góc nhỏ trên thửa đất trống để buôn bán những món hàng cần thiết mang tính địa phương. Những món hàng Huế ấy nhanh chóng được bà con Huế tại đây ủng hộ. Rồi cứ thế, nơi đây tăng dần cả người bán lẫn người mua và trở thành ngôi chợ mang hồn Huế. Và ngôi chợ cho đến ngày nay vẫn là chợ tự phát. Tên chợ Huế là do mọi người tự đặt cả.


Ngôi chợ tự phát với những tiếng "mô tê răng rứa" nằm ở vùng ven Sài Gòn - Ảnh 4.

Nơi gửi xe cũng bắt gặp biển số xe của Bình – Trị - Thiên: Quảng Trị (74) và Thừa Thiên – Huế (75)

Anh Khánh Trình tiếp lời: "Anh để ý xem, ở đây người ta mời mọc mua bán nhưng có cảnh chèo kéo gì không? Không hề. Bởi vì sao? Vì người Huế ở đây đều biết nhau đều là người đồng hương xa xứ, nên mua bán đều thật thà để giúp nhau".

Nhưng có người lại cho rằng: "Chợ này là chợ tự phát, nếu mua bán mà còn chèo kéo xô bồ... khác nào khiến cho địa phương chú ý, rồi lại dẹp chợ thì sao? Dân Huế có mấy trăm năm sống với vua chúa, nên họ biết cách cư xử thế nào để tránh chuyện "quan trên ngó xuống, người ta dòm vào". Nghe cũng có lý.

Về hàng hóa tại chợ, anh Khánh Trình bảo rằng thịt cá, rau củ... đều được nhập từ Huế vào. Thấy một loại quả lạ lạ, chẳng cần hỏi, anh Khánh Trình giải thích ngay: "Đó là trái vả đó anh. Dù chẳng cao sang gì nhưng người dân Huế rất thích trái vả này. Có thể dùng để làm gỏi, nấu canh, hoặc ăn sống... đều được".

Ghé một sạp hàng bán cá nước lợ, được cho là nhập về từ phá Tam Giang. Cô bán hàng sẵn đó hỏi tôi rằng "anh có biết phá Tam Giang ở đâu không?". Dù biết rõ phá Tam Giang ở Huế, tôi vẫn vờ giả giọng xứ Nghệ để trêu cô: "Nỏ biết".

Cô bán hàng nhanh nhảu ngâm luôn một câu lục bát: "Thương em anh cũng muốn vô. Sợ Truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang"; rồi bồi thêm rằng "ở Huế chứ đâu anh".

Tôi chỉ biết cười xòa rồi hát một đoạn trong bài "Chiều trên phá Tam Giang" như đáp lời cô bán hàng duyên dáng:

Chiều trên phá Tam Giang,

Anh chợt nhớ đến em.

Nhớ ôi niềm nhớ ôi niềm nhớ

Đến bất tận... em ơi, em ơi.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem