Ngỡ ngàng những chiếc lồng đèn trung thu khủng ở miền Tây

Chúc Ly - Mai Anh Thứ sáu, ngày 09/09/2022 09:40 AM (GMT+7)
31 năm gắn bó và giữ nghề làm lồng đèn truyền thống, bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân (59 tuổi, ngụ TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) không chỉ làm ra những mẫu lồng đèn xinh xắn, không kém phần độc lạ, mà còn có những chiếc lồng đèn trung thu khủng với kích thước lên đến vài mét.
Bình luận 0

Cái duyên với nghề làm lồng đèn trung thu

Trong những năm gần đây, nghề làm đèn lồng truyền thống bằng tre, trúc ở miền Tây gần như bị mai một, chỉ có rất ít những người yêu nghề cố gắng duy trì.

Bởi thực tế là nghề này mỗi năm chỉ có một mùa, thị trường lại bấp bênh, không đem lại thu nhập ổn định cho những người theo nghề. Thế nhưng tại thủ phủ sen hồng Đồng Tháp lại có một người phụ nữ với thâm niên hơn 31 năm gắn bó với nghề. Cứ mỗi độ trăng rằm tháng 8, bà lại chế tác nhiều mẫu lồng đèn truyền thống độc lạ phục vụ khách hàng.

Ngỡ ngàng những chiếc lồng đèn trung thu khủng ở miền Tây - Ảnh 1.

Bà Ngân với chiếc lồng đèn trung thu khủng vừa mới hoàn thành. Ảnh: MA.

Người mà chúng tôi nhắc đến là bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân (59 tuổi, ngụ TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

Thời điểm này, tại nhà của bà Ngân nằm trên con đường Đốc Binh kiều treo đầy những chiếc lồng đèn sặc sỡ, từ những chiếc lồng đèn cầm tay như ông sao, cá chép, bươm bướm, hoa sen; cho đến những chiếc lồng đèn cỡ lớn cao từ 1-2m, tất cả điều tề tựu ở đây, cầu kỳ, sặc sỡ nhưng lại đậm chất truyền thống.

Trên tay đang tạo hình chiếc lồng đèn hình chiếc thuyền, bà Ngân vui vẻ kể: "Nghề này chẳng phải gia truyền gì hết, ban đầu làm chỉ để trưng bày tại cửa hàng bán bánh trung thu, nơi mà tôi nhận giữ xe thuê. Thấy đẹp, nhiều người hỏi mua, nên tôi làm luôn tới giờ; nay cũng đã 31 năm".

Ngỡ ngàng những chiếc lồng đèn trung thu khủng ở miền Tây - Ảnh 2.

Bà Ngân gắn bó với nghề làm lồng đèn trung thu truyền thống hơn 31 năm. Ảnh: MA.

Từ 5 đến 7 chiếc lồng đèn bán được những năm đầu, rồi tăng lên hàng trăm chiếc vào các năm sau, cứ thế, hằng năm mỗi độ tháng 3 âm lịch ngôi nhà nhỏ này lại nhộn nhịp và tất bật hẳn lên.

"Năm nào cũng vậy, tháng 3 mình bắt đầu chọn mua trúc về trẻ và chuốt; đến tháng 4-5 sẽ tạo hình, làm sườn như con cá, bướm, ngôi sao, thuyền, hay hoa sen…Sau đó, đến đầu tháng 6 thì tôi bắt đầu dán giấy kiếng; đến tháng 7-8 mình sẽ trang trí xem như thành phẩm bày bán", bà Ngân cho hay.

Làm ra những chiếc lồng đèn trung thu khủng

Theo bà Ngân, để có một chiếc lồng đèn hoàn chỉnh và có tính thẩm mĩ cao thì không hề đơn giản, bởi tất cả các công đoạn từ chẻ tre, trúc, vót, tạo khung hình và trang trí đều rất quan trọng. Nhưng để có được một chiếc lồng đèn đẹp đòi hỏi người thợ phải có tính thẩm mĩ cao và phải không ngừng sáng tạo.

Ngỡ ngàng những chiếc lồng đèn trung thu khủng ở miền Tây - Ảnh 3.

Những khung lồng đèn trung thu được chuẩn bị từ trước. Ảnh: MA.

Còn việc để làm sao để chiếc lồng đèn được điều đẹp, giấy kiếng căng bóng đó cả một sự kỳ công và khéo léo của người làm. Bí quyết ở đây chính là phần keo được bà tự làm từ bột gạo với độ đặc và sánh gấp nhiều lần so với keo bình thường. Bên cạnh đó, việc thoa keo cũng phải chừng mực không thừa không thiếu.

Đôi tay thăm thoắt, chẳng mấy chốc chiếc lồng đèn hình con thuyền đã được dán hoàn tất, tỉ mẩn trang trí thêm để chiếc đèn càng xinh xắn bằng những sợi dây kim tuyến, bà Ngân nói: "Nghề này vất vả lắm, 1 ngày làm hơn 8 tiếng, kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8. Dù vậy, khi thấy mấy đứa nhỏ đến mua lồng đèn tự nhiên mình có động lực để làm, làm từ sáng tới chiều vẫn được. Nhiều khi bán không được chứ năm nào tôi cũng làm".

Ngỡ ngàng những chiếc lồng đèn trung thu khủng ở miền Tây - Ảnh 4.

Ngỡ ngàng những chiếc lồng đèn trung thu khủng ở miền Tây - Ảnh 5.

Ngoài những mẫu mã truyền thống, bà Ngân luôn sáng tạo để cho ra những chiếc lồng đèn trung thu đẹp mắt. Ảnh: MA.

Nghề làm lồng đèn truyền thống khá công phu, dù chỉ bán chạy nhất vào khoảng từ mùng 5 đến rằm tháng 8 âm lịch, nhưng người làm phải tất bật chuẩn bị gần như cả năm.

Dù tay ngang đến với nghề, nhưng với niềm đam mê và sáng tạo không ngừng, những mẫu lồng đèn xinh xắn cứ thế được bà Ngân cho ra đời, không chỉ đẹp mắt mà phải độc đáo. Từ con bướm, con cá, ngôi sao chỉ vài chục cm, bà Ngân còn sáng tạo làm ra đến những chiếc lồng đền có kích thước cao qua khỏi đầu người. Qua đôi tay lành nghề của bà tất cả điều trở nên sống động và có hồn.

Ngỡ ngàng những chiếc lồng đèn trung thu khủng ở miền Tây - Ảnh 6.

Ngỡ ngàng những chiếc lồng đèn trung thu khủng ở miền Tây - Ảnh 7.

Phần keo được bà tự làm từ bột gạo với độ đặc và sánh gấp nhiều lần so với keo bình thường. Ảnh: MA.

Để hoàn thành những chiếc lồng đèn nhỏ, bà Ngân có thể tự làm một mình. Tuy nhiên, với những chiếc lồng đèn trung thu khủng bà Ngân cần đến sự trợ giúp để tạo hình và kết nối các chi tiết. Trung bình, mỗi chiếc lồng đèn nhỏ bà Ngân có thể thu lãi khoảng 20.000 đồng; trong khi đó đó đối với những chiếc lồng đèn khủng có thể lãi 100.000-200.000 đồng/chiếc, tuy nhiên thời gian làm ra có khi cả tuần.

Tận mắt chiêm ngưỡng những chiếc lồng đèn khủng do bà Ngân là ra, anh Lư Trọng Hiền, ngụ Phường 2, TP.Cao Lãnh chia sẻ. "Những chiếc lồng đèn do bà Ngân làm vô cùng bắt mắt, kiểu dáng đẹp. Khi đi rước đèn bằng những chiếc lồng đèn này khiến tôi nhớ lại tuổi thơ của mình rất nhiều. Năm nào cũng vậy tôi thường ghé tiệm của cô Ngân để mua lồng đèn".

Ngỡ ngàng những chiếc lồng đèn trung thu khủng ở miền Tây - Ảnh 8.

Do ảnh hưởng thị trường, năm nay bà Ngân chỉ cho ra 200 chiếc lồng đèn thủ công giá từ vài chục ngàn cho đến vài trăm ngàn 1 chiếc, tùy kích cỡ. Chẳng biết lời lỗ ra sao, đắt ế thế nào người làm ra chúng phần vì đam mê và làm vì niềm vui của những đứa trẻ. Bởi với bà: "khi nào còn người mua lồng đèn giấy kiếng truyền thống, thì khi đó bà vẫn hết mình với nghề".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem