Nghi phạm đâm Phó công an xã ở Khánh Hòa tử vong có thể bị đối mặt hình phạt nào?

Quang Trung Thứ năm, ngày 14/07/2022 09:02 AM (GMT+7)
Bị phát hiện đột nhập vào kho công an trộm xe máy vi phạm, Hồ Minh Đạt cầm dao đâm tử vong Phó công an xã ở Khánh Hòa. Dưới góc độ pháp lý, hành vi của Đạt có thể bị xử lý thế nào?
Bình luận 0

Bắt kẻ đâm Phó công an xã tử vong

Ngày 12/7, Công an tỉnh Khánh Hòa ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Hồ Minh Đạt (20 tuổi, ngụ xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh) về hành vi giết người.

Theo công an, ngày 25/6, Công an xã Khánh Thành tạm giữ xe máy không biển kiểm soát của bạn gái Hồ Minh Đạt vì vi phạm luật giao thông đường bộ.

Nghi phạm đâm Phó công an xã ở Khánh Hòa tử vong có thể bị đối mặt hình phạt nào? - Ảnh 1.

Hồ Minh Đạt, nghi phạm đâm tử vong Phó công an xã ở Khánh Hòa đã bị bắt đề điều tra về hành vi giết người. Ảnh: CACC

15 giờ ngày 9/7, Công an xã Khánh Thành phát hiện phương tiện trên bị mất nên lập tổ công tác để tổ chức tìm kiếm. Đến 18 giờ, tổ công tác phát hiện xe máy trên tại nhà Đạt nên thu hồi, đưa về trụ sở.

Khi tổ công tác đang đưa phương tiện về, Đạt từ phía sau bất ngờ dùng dao nhọn đâm thượng úy Hoàng Văn Yên, Phó công an xã Khánh Thành, tổ trưởng tổ công tác hai nhát vào lưng, rồi tẩu thoát.

Mặc dù được đồng đội đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên thượng úy Yên đã tử vong.

Sau gần 13 giờ truy xét, sáng 10/7 công an bắt giữ Đạt khi đang lẩn trốn tại nhà chị gái ở xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh.

Cùng ngày, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đã có quyết định thăng cấp bậc hàm lên đại úy đối với thượng úy Hoàng Văn Yên.

Pháp luật quy định thế nào về hành vi giết người?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong vụ việc này, nghi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015.

Nếu nghi phạm bị xử lý về tội danh này có thể sẽ đối mặt với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như sử dụng phương tiện nguy hiểm, có tính chất côn đồ, với người thi hành công vụ.

Ông Hòe cho rằng, hành vi của nghi phạm đã tước đi mạng sống của người khác, gây tang thương mất mát cho gia đình, đồng thời gây mất an ninh trật tự tại địa phương nên cần thiết phải xử lý bằng pháp luật hình sự.

Xét theo nội dung vụ án, nếu giữa bị hại và nghi phạm không có xảy ra mâu thuẫn, nghi phạm dùng dao là hung khi nguy hiểm để tấn công, xâm phạm đến tính mạng người khác nên hành vi này đã có dấu hiệu cấu thành tội giết người.

Về hình phạt, theo luật sư Hòe, khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, quy định, tội giết người bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình trong các trường hợp như: Giết người dưới 16 tuổi, giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân, giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình.

Mức án trên cũng được áp dụng với trường hợp: Thực hiện tội phạm một cách man rợ, có tính chất côn đồ, có tổ chức, vì động cơ đê hèn...

Vị luật sư cho biết, về nguyên tắc, phải căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt.

Tội giết người, hình phạt tử hình được áp dụng đối với người phạm tội mang tính chất côn đồ, nhân thân xấu và xét thấy không còn khả năng giáo dục cải tạo nữa.

Ngoài ra, nghi phạm còn có thể bị điều tra thêm về hành vi trộm cắp tài sản vì đã lấy trộm xe máy tang vật.

Như vậy, nếu bị xác định có tội, tùy tính chất mức độ của hành vi mà nghi phạm sẽ phải đối mặt với hình phạt tương xứng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem