Nghệ An: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 là một tỷ phú trồng chè xanh nức tiếng xứ Nghệ

Cảnh Thắng Thứ bảy, ngày 16/10/2021 07:00 AM (GMT+7)
Vùng đất xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An) xưa kia là vùng hoang hóa, ít loại cây có thể sống được nơi đây. Duy chỉ có cây chè xanh mới bén duyên trên vùng đất cằn cỗi này. Trong khó khăn, ông Phan Đình Đường (SN 1962) tiên phong đưa cây chè về trồng và biến vùng đất này mỗi năm "đẻ" ra hơn 20 tỷ đồng.
Bình luận 0

Video: Nông dân xuất sắc 2021 Phan Đình Đường, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An và hành trình làm giàu từ cây chè xanh nức tiếng xứ Nghệ.

Bén duyên với cây chè

Sau khi học xong chương trình cấp 3, năm 1985 ông Phan Đình Đường (SN 1962) trú tại xóm 1, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An) lập nghiệp như những bạn bè cùng trang lứa khác. 

Thời điểm này, gia đình ông Đường có truyền thống làm nghề y bốc thuốc cứu người nên ông Đường cũng đã sớm tự học và học hỏi thêm kinh nghiệm của những thầy lang trong làng. 

Dần dà, ông Đường cũng đã sớm khẳng định được bản thân và được chính quyền ghi nhận cho đảm nhiệm vị trí y tá thôn bản tại xã Hạnh Lâm.

Tỷ phú nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 Phan Đình Đường: Hành trình đưa cây chè phủ xanh vùng đất chết   - Ảnh 2.

Tỷ phú nông dân Phan Đình Đường trao đổi với PV báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt điện tử về những thăng trầm với nghề trồng chè và chế biến chè xanh xuất khẩu. Ảnh: Cảnh Thắng

Ông Đường kể: "Ngày xưa vùng đất này như vùng đất "chết", núi rừng bao quanh, đời sống người dân nơi đây vô cùng khó khăn, cây cối hoa màu không phát triển được. Trồng lúa nước thì cũng chỉ trồng được một vụ, nên cuộc sống bà con nhờ cả vào núi rừng...".

Theo ông Đường, thời điểm đó, nhiều gia đình trong xã Hạnh Lâm bị những cơn sốt rét hành hạ, mỗi khi có người bị bệnh, ông phải băng rừng lội suối đến từng nhà dân để điều trị bệnh sốt rét cho mọi người.

Có những lúc phải chăm sóc cho nhiều gia đình bị cơn bệnh sốt rét hạnh hạ từ bát cháo cho đến giấc ngủ. 

"Chăm sóc điều trị bệnh nhân, đến khi người dân khỏi bệnh tôi lại một mình băng rừng về nhà...Lúc đó chữa bệnh cứu người như thiên chức của một người làm nghề y như tôi", ông Đường nhớ lại.

Vất vả khó khăn là vậy, nhưng ông Phan Đình Đường không nhụt chí. Ngoài lĩnh trách nhiệm y tá thôn bản, ông Đường vào rừng khai hoang đất rừng để thử nghiệm nhiều loại cây trồng mới.

Nhưng khi ông trồng thử nhiều loại cây ăn quả, cây thân gỗ kết quả không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau nhiều năm thử nghiệm cây trồng, ông Đường bắt đầu đưa cây chè xanh vào trồng thử nghiệm nơi mảnh đất mình mới khai hoang, và thấy cây chè bén rễ và xanh tốt qua thời gian.

Tỷ phú nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 Phan Đình Đường: Hành trình đưa cây chè phủ xanh vùng đất chết   - Ảnh 3.

Công nhân cơ sở ông Đường đang thu hoạch chè để đưa về cơ sở sản xuất. Ảnh: Cảnh Thắng

Năm 1999, ông Đường là người tiên phong đưa giống chè xanh mới vào trồng tại địa phương. Những năm đầu trồng chè gia đình chỉ biết hái chè, rồi bó thành từng bó chở bằng xe đạp đi bán cho người dân ở thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương và một số địa phương khác. 

Nhưng mọi sự cố gắng cũng không đủ lo toan cho cuộc sống gia đình.

Trải qua nhiều năm vừa làm nghề y tá thôn bản, vừa trồng chè và bán chè thực phẩm nhưng kinh tế không khá giả là bao. 

Nhiều đêm trăn trở, tìm tòi học hỏi, ông Đường cuối cùng cũng đã học được cách sao chè (sao những ngọn chè xanh thành những lô trà xanh mang thương hiệu Đường Hương -PV) và bắt đầu thâm nhập thị trường địa phương từ năm 2000.

Tỷ phú nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 Phan Đình Đường: Hành trình đưa cây chè phủ xanh vùng đất chết   - Ảnh 4.

Ông Phan Đình Đường đang đóng những ngọn chè xanh vào bao để chuẩn bị vận chuyển về khu chế biến. Ảnh: Cảnh Thắng

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Thành Luân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hạnh Lâm cho hay: "Ngay từ những năm 2000, hộ sản xuất kinh doanh của gia đình ông Đường đã nắm bắt được thời cơ, nghiên cứu các công đoạn sao chè tươi thành chè khô để đóng gói bán ra thị trường...". 

"Ông Đường là người tiên phong đi đầu trong việc chế biến sản xuất chè xanh. Đến nay ngoài một lượng lớn chè bán ra thị trường trong nước, sản phẩm chè xanh Đường Hương còn xuất khẩu ra nước ngoài và dần khẳng định thương hiệu chè xanh xứ Nghệ...", ông Luân khẳng định.

Bắt vùng đất chết phải "đãi" ra "vàng"

Trao đổi với PV DÂN VIỆT, ông Phan Đình Đường tâm sự: "Từ lúc gắn bó với nghề trồng chè, mỗi lần thu hoạch bán mỗi bó chè dao động từ 2.000-5.000n đồng. Trong khi nhiều địa phương khác lại bán chè khô, mỗi cân Dao động từ 30.000-40.0000 đồng. Tôi rất trăn trở, quyết nghiên cứu và bằng mọi cách tìm hiểu kỹ thuật làm chè khô."

Tỷ phú nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 Phan Đình Đường: Hành trình đưa cây chè phủ xanh vùng đất chết   - Ảnh 5.

Những ngọn chè xanh tươi tốt trên vùng đất cằn cỗi xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương của ông Đường. Ảnh: Cảnh Thắng

"Đặc biệt vào những năm 2000, nhiều hộ gia đình tại xã Hạnh Lâm khai hoang đất để trồng chè chỉ 1 năm sau bắt đầu có thu hoạch. Lúc này, với lợi thế sẵn có, tôi đứng ra cảm kết với người dân thu mua bao tiêu sản phẩm của họ luôn, thời điểm đó, người dân trong xã ai ai cũng vui mừng", ông Đường cho hay.

Ông Đường kể: "Sau khi thấy việc làm ăn bắt đầu tiến triển, để mở rộng sản xuất tôi đã một mình đi đến các tỉnh thành như Yên Bái, Lâm Đồng, Thái Nguyên, Đắc Lắc...để nghiên cứu mua máy móc thiết bị đồng thời tìm đầu ra cho sản phẩm trà xanh Đường Hương".

Tỷ phú nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 Phan Đình Đường: Hành trình đưa cây chè phủ xanh vùng đất chết   - Ảnh 6.

Ông Phan Đình Đường bên những búp chè xanh sao tại cơ sở sản xuất của gia đình mình. Ảnh: Cảnh Thắng

"Thời gian đầu khởi nghiệp, gia đình gặp muôn vàn khó khăn. Tất cả vốn liếng đều phải vay mượn của anh em bạn bè. Quá trình lao động sản xuất, tôi đã tích góp và trả được nợ, đặc biệt còn mở rộng được nhà máy, thuê thêm nhân công và chú trọng hơn về chất lượng sản phẩm", ông Đường tâm sự.

Để đáp ứng được nhu cầu mở rộng vùng chè nguyên liệu của người dân địa phương, năm 2004, ông Đường lại một lần nữa mở rộng quy mô sản xuất, mua thêm nhiều máy móc thiết bị để đáp ứng năng suất ngày càng cao của cây chè.

Tỷ phú nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 Phan Đình Đường: Hành trình đưa cây chè phủ xanh vùng đất chết   - Ảnh 7.

Ông Phan Đình Đường đang kiểm tra công đoạn sao chè. Ảnh: Cảnh Thắng

Trước khi chia tay phóng viên, ông Phan Đình Đường tâm sự: "Mỗi tấn chè tươi sau khi chế biến, sao ra thì được 150kg trà xanh loại 1 và hơn 50kg chè xanh loại 2. Chè tươi được thu mua tại địa phương 3.000 đồng/kg. trong khi đó chè khô sau khi chế biến và bán ra giá giao động từ 40.000 ngàn đồng đến 50.000 ngàn đồng/kg.

"Hiện nay, bình quân doanh thu của gia đình tôi khoảng 20 tỷ đồng mỗi năm. Để có được doanh thu như vậy, tôi đặc biệt chú trọng đến quy trình sản xuất chè. Chè sau khi được thu mua về, công nhân lựa sao chè xong đến công đoạn vò chè, sau đó chuyển đến dây chuyền sấy chè, khi đó mới định hình phân loại và đóng gói chè trong quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm", ông Đường nói

Hiện nay, sản phẩm của cơ sở sản xuất chế biến chè Đường Hương chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Pakistan, Afghanistan, Ả rập xê Út và nhiều thị trường khác.

Đánh giá về cơ sở sản xuất chế biến chè xanh Đường Hương của nông dân xuất sắc 2021 Phan Đình Đường, ông Nguyễn Thành Luân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hạnh Lâm người gắn bó thông hiểu nhiều năm với gia đình ông Đường cho biết: "Đây là mô hình, là cơ sở sản xuất chế biến chè xanh duy nhất của xã Hạnh Lâm, không chỉ nổi tiếng tại địa phương bởi cơ sở sản xuất khép kín cho nhu nhập cao, ông Đường còn là người có tấm lòng vì xã hội....".

"Ông Đường đã nhiệt tình hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, như làm đường nông thôn, giúp đỡ hộ nghèo...Đặc biệt mới đây, tình hình dịch Covid-19 bùng phát tại địa phương, gia đình ông Đường đã nấu hơn 100 suất cơm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đó là tấm lòng, nghĩa cử rất quý giá", ông Luân khẳng định.

Hiện nay, ngoài 3 ha chè của gia đình, cơ sở sản xuất chế biến chè Đường Hương đã nhận bao tiêu hơn 100 ha chè của người dân trong vùng. Được biết, mỗi ngày cơ sở Đường Hương thu mua của người dân khoảng 20 tấn búp chè tươi; giải quyết công ăn việc làm cho hơn 20 lao động địa phương, lương bình quân mỗi tháng 5 triệu đồng.

Đặc biệt, hàng năm cơ sở sản xuất chế biến chè Đường Hương còn giúp đỡ nhiều hộ gia đình khó khăn trên địa bàn xã bằng những việc làm thiết thực như ủng hộ hàng năm 40 triệu đồng vào quỹ hộ nghèo, quỹ hiếu học, quỹ chất độc da cam....

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem