Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG: “Tôi không cho phép mình được nghỉ”

Nhóm PV Thứ năm, ngày 13/10/2022 07:46 AM (GMT+7)
Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) là dịp để xã hội tôn vinh những doanh nhân, những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế. Nhưng là người trong cuộc, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, hay “ông trùm chứng khoán” Nguyễn Duy Hưng nhìn đó chỉ là một nghề mà mình yêu thích, một công việc mình không cho phép bản thân được nghỉ...
Bình luận 0

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI:
"Làm đúng cái mình thích là sướng chứ sao lại khổ"

Làm doanh nhân là nghề anh lựa chọn. Được làm đúng cái mình thích mình chọn thì sướng chứ sao lại khổ. Thực tế thì nghề nào mà chả có áp lực công việc, kể cả nghề làm báo của em cũng vậy mà.

Tin đồn là điều thường xuyên xảy ra trong các ngành nghề liên quan đại chúng, nên mọi thành viên đều phải học cách thích nghi với nó. Và cuối cùng, các loại tin đồn thật giả đều sẽ được phơi bày sự thật sau một thời gian sau đó. Phải nói là anh yêu nghề chứng khoán nên mọi thứ thuộc về chứng khoán. Mà đã là yêu thì lúc nào cũng thấy vui, kể cả nhiểu lúc không theo ý mình!

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG: “Tôi không cho phép mình được nghỉ” - Ảnh 1.

Doanh nhân Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG:

"Tôi không cho phép mình được nghỉ"

Nhiều bạn bè từng hỏi tôi tại sao không đi chơi, hưởng thụ cuộc sống, làm nhiều thế để làm gì?... Nhưng tôi không cho phép mình được nghỉ. Tạo ra được nhiều công ăn việc làm, đóng góp được nhiều cho xã hội, nộp nhiều thuế cho ngân sách quốc gia… giờ đây đã trở thành niềm hạnh phúc của những doanh nhân thế hệ chúng tôi.

Các bạn thấy đấy, nhiều năm trở lại đây, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam luôn mong muốn gia nhập sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu và Tập đoàn BRG cũng không ngoại lệ. Hội nhập quốc tế đã được Tập đoàn BRG ấp ủ nhiều năm và quyết tâm thực hiện điều đó. Đi với những người đi nhanh, mình buộc phải đi nhanh. Áp lực khi xác định hội nhập với bạn bè quốc tế sẽ giúp chúng ta nỗ lực để vượt qua những điều mình cứ ngỡ rằng không thể vượt qua được, để cống hiến nhiều hơn cho đất nước, cho xã hội.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG: “Tôi không cho phép mình được nghỉ” - Ảnh 2.

Doanh nhân Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG

Việc hội nhập sâu vào thị trường quốc tế của Tập đoàn BRG không phải là nhu cầu thể hiện mình, càng không phải vì con số lợi nhuận. Mà cao hơn thế, đó là trách nhiệm của một doanh nhân với đất nước và tinh thần cống hiến, phụng sự, tạo nên những giá tích cực cho cộng đồng.

Với tinh thần đó, chúng tôi luôn phấn đấu hơn nữa để góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển và có bản sắc trên trường quốc tế.

Ông Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Trần Liên Hưng

"Là một doanh nhân, trước hết là phải tạo công ăn việc làm cho người lao động"

Vai trò là một doanh nhân, là chủ một doanh nghiệp với tôi trước hết là phải tạo công ăn việc làm cho người lao động có thu nhập ổn định góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế Đất nước, một doanh nghiệp lớn mạnh phát triển bền vững hoạt động hiệu quả sẽ có khả năng cạnh tranh quốc tế hơn, nên đóng góp cho nền kinh tế sẽ nhiều hơn.

Có thể nói, sức mạnh kinh tế của một quốc gia thể hiện qua sự thành công của các doanh nghiệp nằm bên trong nền kinh tế đó, quốc gia nào càng có nhiều Tập đoàn lớn, thương hiệu lớn thì nền kinh tế quốc gia đó càng vững mạnh.

Trong đó, vai trò thủ lĩnh của các doanh nhân rất quan trọng trong việc hoạch định chiến lược phát triển, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh bất kể một lĩnh vực gì cũng phải thượng tôn pháp luật, trong khuôn khổ pháp luật cho phép thì mới phát triển bền vững được.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG: “Tôi không cho phép mình được nghỉ” - Ảnh 3.

Ông Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Trần Liên Hưng

Ở những vị trí khác nhau, tôi luôn khát khao đóng góp ý kiến, mời gọi các nhà đầu tư đến với Sóc Trăng nói riêng và đến với vùng ĐBSCL nói chung. Tôi làm tất cả những việc này trước hết xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm của một công dân, một người con được sinh ra, trưởng thành từ miền đất Chín Rồng, với khát khao quê hương ngày một đổi mới, phát triển mạnh mẽ.

Thời gian vừa qua, các chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành đã đi vào cuộc sống và có hiệu quả. Điều này, thể hiện rõ trong việc phòng chống dịch Covid-19 và hậu Covid-19 có những chính sách kích thích, hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội. Nhờ có như thế thì nền kinh tế - xã hội của chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ, lành mạnh, bền vững.

Phần lớn các chính sách đã được ban hành là đúng, trúng, đáp ứng được mong đợi của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Nhưng như tôi từng nhiều lần nêu ý kiến, vấn đề đáng nói nhất với chúng ta là năng lực thực thi chính sách. Chính sách đúng nhưng nếu thực thi mà ở khâu nào đó, bộ phận nào đó trong bộ máy họ làm sai, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp thì chính sách bị làm méo mó, thiếu hiệu quả.

Vì vậy, điều chúng tôi tiếp tục kiến nghị với Đảng, Nhà nước là kiểm soát bộ máy thật tốt, để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức "vừa hồng vừa chuyên" thì đất nước chúng ta sẽ phát triển nhanh và bền vững.

Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT SGO Travel

"Doanh nhân phải biết vun đắp cho thương hiệu của doanh nghiệp mình"

Điều quan tâm nhất để làm một doanh nhân là xây dựng được tổ chức có mô hình phù hợp, khâu tổ chức là đi đầu. Đó là mấu chốt làm những việc tiếp theo. Phải tổ chức được đội ngũ nhân lực từ cán bộ đến nhân viên vừa có nghề vừa có tính chuyên nghiệp, sức mạnh đến từ tinh thần. Đặc biệt cán bộ đến nhân viên phải là một khối thống nhất để hướng đến cái chung phát triển doanh nghiệp. Để phát triển được doanh nghiệp hay doanh nghiệp tồn tại được không thì phải nhờ vào khách hàng.

Điểm nữa đã là một doanh nhân thì phải biết xây dựng, vun đắp cho thương hiệu doanh nghiệp của mình trong mọi tình huống, mọi thời điểm. Và để làm được điều đó thì ngay trong nội bộ doanh nghiệp phải tạo được sự đoàn kết, thống nhất của đội ngũ lãnh đạo, nhân viên để một lòng hướng đến lợi ích chung của công ty hay doanh nghiệp đó. Và điều quan trọng nữa với một lãnh đạo là thấu hiểu, nắm bắt tinh thần, đời sống của nhân viên để. Từ đó, họ cũng sẽ thấu hiểu doanh nghiệp và san sẻ niềm vui hay sự khó khăn trong mỗi giai đoạn phát triển doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG: “Tôi không cho phép mình được nghỉ” - Ảnh 4.

Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT SGO Travel

Khi đã bắt tay vào kinh doanh bất kể ngành nghề nào thì cũng cần có kỹ năng quản lý những rủi ro. Trong đó, được chia làm 3 cấp độ thời gian là rủi ro dài hạn, trung hạn và trước mắt. Ví dụ như ngành du lịch thì không thể quản lý trong một khu vực mà phải bao quát rất nhiều khu vực, thậm chí là cả ở nước ngoài. Lúc đó, phải nắm bắt được tất cả những rủi ro có thể xảy ra như: thời tiết, điều kiện tự nhiên, môi trường xã hội,… Và quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp du lịch là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách hàng. Do đó, phải biết nắm và làm mọi cách để tránh hay cố gắng giảm thiểu tối đa rủi ro.

Tất nhiên là có, làm kinh doanh ở bất kể ngành nghề nào cũng vậy. Đều có những vinh quang nhưng xen lẫn là nước mắt, những khó khăn mà bất kể doanh nhân nào muốn thành công đều phải vượt qua. Đối với kinh doanh du lịch thì ai cũng thấy những người làm du lịch họ được đi đây đi đó, đến khắp các vùng miền, được đến nhiều quốc gia trên thế giới, được làm quen, kết bạn giao lưu văn hóa. Thậm chí, tạo dựng được những mối quan hệ cũng nhờ vào du lịch.

Ông Nguyễn Ngọc – một người kinh doanh xe lâu năm tại Công ty cổ phần Auto 568:

"Muốn doanh nghiệp phát triển, phải thượng tôn pháp luật"

Trong 2 năm vừa qua, không chỉ ngành ô tô gặp khó khăn mà cả nền kinh tế "chao đảo" vì dịch Covid-19 và mới chỉ phục hồi trong vài tháng gần đây. "Vết thương" mà đại dịch này để lại vẫn chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều.

Không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 trong thời gian vừa qua. Riêng ở lĩnh vực kinh doanh xe sang, xe cũ như chúng tôi, rõ ràng những ảnh hưởng là không thể đong đếm được. Thời điểm năm 2021, nhiều dòng xe sang bị lùi thời gian giao xe khá lâu do các hoạt động giao thương đều bị đình trệ và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Đặc biệt, giai đoạn giãn cách xã hội ở Hà Nội kéo dài vài tháng trời. Khi đó, nhiều dòng xe không thể bán được nên vốn đọng lại rất lớn khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Trong giai đoạn đó, chúng tôi đã vượt qua khó khăn khi chuyển hướng sang kinh doanh xe cũ, những dòng xe có thể trao tay khách hàng nhanh chóng hơn để có thể vượt qua giai đoạn này. Nhiều dòng xe được khách hàng quan tâm, hôm trước mua được, hôm sau sang tay bán luôn nên cũng tạm thời duy trì trong lúc dịch bệnh", ông Ngọc kể lại giai đoạn khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG: “Tôi không cho phép mình được nghỉ” - Ảnh 5.

Doanh nhân Nguyễn Ngọc – Công ty cổ phần Auto 568

Để tồn tại trong lĩnh vực ô tô hạng sang, xe cũ hiện nay, mỗi doanh nghiệp đều phải có phương châm riêng và Auto 568 cũng không phải ngoại lệ.

Ở Auto 568 chúng tôi, phương châm là luôn hướng đến khách hàng, mang đến cho những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất từ thời gian nhận xe sớm, xe "độ" và chế độ hậu mãi luôn được đặt lên hàng đầu.

Rủi ro kể ra thì nhiều lắm. Trong lĩnh vực này, rủi ro nhất đến từ nguồn vốn trong khi nhập và bán xe. Hơn nữa, rủi ro sẽ đến nếu doanh nghiệp như chúng tôi không cẩn thận, chú trọng trong việc lựa chọn những đối tác uy tín.

Điều này sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung, xe có chất lượng tốt khi đến tay khách hàng. Để hạn chế rủi ro, ở Auto 568, chúng tôi luôn thượng tôn pháp luật và mọi việc đều được ban lãnh đạo thông qua để không ảnh hưởng đến uy tín cũng như vi phạm pháp luật.

Để tồn tại trong bất cứ lĩnh vực nào, kinh doanh bằng cái tâm sẽ bền vững và được khách hàng tin tưởng, tránh việc làm ăn chộp giật.

Lời khuyên thì cũng không hẳn, nhưng dưới góc độ người kinh doanh xe sang/xe cũ lâu năm, tôi cũng có kinh nghiệm và có những góp ý để bất cứ doanh nghiệp nào muốn phát triển cũng cần có.

Thứ nhất, luôn thượng tôn pháp luật, không làm việc trái với quy định của pháp luật là yếu tố sống còn với doanh nghiệp.

Thứ hai, phải biết điểm mạnh điểm yếu của doanh nghiệp mình, lĩnh vực mà minh kinh doanh để phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yết.

Thứ ba, có cái nhìn tổng quan về lĩnh vực mình kinh doanh, có nhận định về đối thủ và đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp.

Thứ tư, đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, nhiệt tình để khách hàng có thiện cảm ngay từ lần đầu làm việc và muốn quay lại những lần tiếp theo.

Cuối cùng, hãy làm việc có trách nhiệm với xã hội, bản thân và nghề nghiệp, thành công ắt sẽ đến. Làm việc bằng cái tâm, tôi tin bạn sẽ có tầm".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem