Ngăn ngừa trẻ em tự tử: Đừng bỏ qua các hành vi bất thường của trẻ (kỳ I)

Diệu Linh Thứ ba, ngày 05/04/2022 06:19 AM (GMT+7)
Chuyên gia sức khỏe tâm thần cho biết, cần phải nhận diện sớm các dấu hiệu để phòng ngừa nguy cơ các em tự tử.
Bình luận 0

Một số vụ tự tử trong thời gian vừa qua đã khiến nhiều người xót xa, đặc biệt là khi liên quan đến trẻ em vị thành niên, tự tử vì áp lực học hành, bị la mắng… Chuyên gia sức khỏe tâm thần cho biết, cần phải nhận diện sớm các dấu hiệu để phòng ngừa nguy cơ các em tự tử.

Theo các chuyên gia y tế, trẻ em hay người lớn khi có hành vi tự tử đều không phải "bột phát" mà có quá trình, từ các biến cố gặp phải, đến suy sụp tinh thần, có ý định tự tử… và tự tử.

Do đó, cha mẹ, thày cô, bạn bè đều cần nhận biết các dấu hiệu bất thường của trẻ để cảnh báo, theo dõi, tiếp cận để lắng nghe, chia sẻ với các em, giúp các em vượt qua những cú sốc tinh thần…

Ngăn ngừa trẻ em tự tử kỳ I: Đừng bỏ qua các hành vi bất thường của trẻ - Ảnh 1.

Trẻ vị thành niên dễ suy sụp với các cú sốc đầu đời dẫn đến hành vi tự tử dại dột. Ảnh minh họa Pixabay

Nếu cha mẹ chỉ cho rằng trẻ vị thành niên đang tuổi lớn tâm lý bất ổn, lớn sẽ hết hoặc "hư hỏng, đua đòi bạn bè", "chỉ dọa chứ không dám tự tử"… thì sẽ rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Vì sao nhiều trẻ vị thành niên tự tử vì "lý do nhỏ"?

TS, bác sĩ Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), trẻ mắc rối loạn tâm thần tuổi học đường để lại hậu quả nặng nề nhất, cách giải quyết vấn đề của trẻ hết sức bồng bột, manh động. Không ít trẻ chỉ vì bị thày cô, bố mẹ mắng, hay điểm kém mà tự tử, đến viện thì đã muộn, không cứu được.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mặc dù tự tử xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng theo thống kê, đây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 ở các trẻ từ 15- 19 tuổi trên thế giới. Theo tổ chức Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố, cứ trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên tự tử trên thế giới.

Theo WHO, 20% trẻ em và vị thành niên có rối loạn tâm thần, 50% khởi phát ở độ tuổi 14. Trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn tật ở trẻ vị thành niên. Các phát hiện từ các nghiên cứu dịch tễ học của các quốc gia có thu nhập cao cho thấy tỷ lệ mắc 8-18% đối với các rối loạn tâm thần ở trẻ em ở độ tuổi đi học.

Theo nghiên cứu gần đây nhất, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần dao động 8-29% ở trẻ em và vị thành niên. Trong đó, rối loạn tăng động giảm chú ý chiếm 14%, rối loạn cảm xúc là 11,5%, rối loạn ứng xử là 9%.

"Ở các khu đô thị lớn, tỷ lệ rối loạn tâm thần có vẻ có xu hướng cao hơn ở tỉnh, thành khác. Trẻ nữ cũng có tỷ lệ lo âu trầm cảm, sang chấn tâm lý cao hơn so với trẻ nam. Trẻ sống trong gia đình có mâu thuẫn cũng tỷ lệ rối loạn cao hơn so với các em trong gia đình có sự hòa hợp", TS Loan cho biết.

Đáng nói, sau khi trẻ có các hành vi quá khích, bạo lực hoặc làm hại đến bản thân thì gia đình mới đưa con đi khám. Trước đó, họ đều cho rằng đó là sự "nổi loạn" của tuổi mới lớn, lớn rồi sẽ hết, không có gì đáng nghiêm trọng.

"Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hành vi tự tử ở lứa tuổi vị thành niên. Đây là giai đoạn thay đổi tâm lý nên trẻ rất nhạy cảm với những yếu tố tác động bên ngoài cuộc sống.

Những mâu thuẫn trong cuộc sống với gia đình, bạn bè, xã hội, áp lực thi cử, học tập nhưng không được chia sẻ có thể khiến cho trẻ không tìm ra được những giải pháp để giải quyết.

Trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự tử và xem đó là một cách giúp giải thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống", TS Loan chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoàn (Bệnh viện Tâm thần Mai Hương) nhận định, một số nét nhân cách thường thấy ở thời kỳ vị thành niên cũng có liên quan đến nguy cơ tự tử cũng như có ý định tự tử và thường kết hợp với các rối loạn tâm thần như: Cảm xúc không ổn định; Hành vi cáu giận, gây gổ; Hành vi chống đối xã hội; Dễ bị xung động, kém kiềm chế; 

Suy nghĩ cứng nhắc và khuôn mẫu trong đối phó thực tại; Khi nảy sinh khó khăn thì khả năng giải quyết vấn đề rất kém; Không có khả năng nắm bắt thực tế; Có những ý nghĩ kỳ quặc,tự cao xen kẽ các cảm giác vô dụng; Lo âu đặc biệt là khi có các dấu hiệu hoặc biểu hiện thất vọng; Mặc cảm tự ti hoặc cảm giác hồ nghi; Có vấn đề trong phân định giới tính hoặc định hướng tình dục.

Nhận dạng sự lo buồn và nguy cơ tự tử ở trẻ vị thành niên

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoàn cho biết, bất cứ thay đổi đột ngột nào ảnh hưởng đến kết quả học tập, vắng mặt ở trên lớp và hành vi bất thường của học sinh đều phải được xem xét rất nghiêm túc.

Ngăn ngừa trẻ em tự tử kỳ I: Đừng bỏ qua các hành vi bất thường của trẻ - Ảnh 3.

Bỏ học, lạm dụng chất kích thích (ma túy, rượu, thuốc lá) là một trong những dấu hiệu cảnh báo trẻ sa sút tinh thần có ý định tự tử. Ảnh minh họa Pixabay

Các hành vi bất thường dẫn đến suy sút tâm lý của trẻ như:

- Thiếu quan tâm đến các hoạt động thường ngày.

- Suy giảm các kết quả học tập.

- Không cố gắng sửa chữa.

- Mất tập trung trong lớp học.

- Liên tục vắng mặt mà không có lý do.

- Hút thuốc, uống rượu quá nhiều, sử dụng ma tuý.

- Gây rắc rối cảnh sát phải can thiệp, từng đánh nhau với bạn trong nhà trường.

Theo bác sĩ Hoàn, các dấu hiệu nói trên là cảnh báo về việc trẻ vị thành niên có tâm lý bất ổn. Nếu trẻ đã từng có hành vi tự tử không thành thì nguy cơ tự tử của trẻ rất cao. Trẻ đang ở trạng thái sang chấn có khuynh hướng lặp lại hành động tự tử. 

Ngăn ngừa trẻ em tự tử kỳ I: Đừng bỏ qua các hành vi bất thường của trẻ - Ảnh 4.

Trẻ bị bạo lực gia đình, thường xuyên bị cha mẹ mắng chửi, mạt sát cũng dễ dẫn đến nguy cơ tự tử. Ảnh minh họa Pixabay

"Các chỉ điểm này giúp nhận biết học sinh có nguy cơ bị tác động về mặt xã hội và tâm lý. Học sinh này có thể có các ý tưởng tự tử và cuối cùng sẽ dẫn đến hành vi tự tử.

Nếu như các giáo viên hoặc cha mẹ nhận ra bất cứ dấu hiệu nào thì nên báo ngay cho người có trách nhiệm của nhà trường để tiến hành đánh giá toàn diện học sinh đó.

Vì những yếu tố này thường là biểu hiện của những sang chấn trầm trọng và hậu quả có thể dẫn đến hành vi tự tử ở một số trường hợp", bác sĩ Hoàn cho biết.

Một số yếu tố gia đình và sự cố trong đời sống thúc đẩy học sinh có ý muốn tự tử

"Cha mẹ, thầy cô cần nhận biết hoàn cảnh gia đình và sự cố trong đời sống học sinh thúc đẩy ý muốn tự tử.

Cụ thể, các gia đình có sự đổ vỡ và sang chấn từ thời kỳ thơ ấu sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của học sinh sau đó, đặc biệt là khi chúng không thể đối phó được với những sang chấn.

Các vấn đề bất thường, không ổn định của gia đình học sinh và các sự kiện gây đau khổ ở trẻ thường được thấy là:

- Bệnh tâm thần của bố mẹ.

- Lạm dụng rượu hoặc ma túy, hoặc có hành vi chống đối xã hội trong gia đình.

- Trong lịch sử gia đình có người tự tử hoặc có ý định tự tử

- Gia đình có các hành vi bạo lực hoặc lạm dụng (bao gồm lạm dụng tình dục và lạm dụng thân thể trẻ em).

- Thiếu chăm sóc bởi bố mẹ, thiếu quan tâm, giao tiếp trong gia đình.

- Thường xuyên cãi vã giữa bố mẹ cùng với căng thẳng và thù địch trong gia đình.

- Bố mẹ ly hôn, ly thân hoặc đã chết.

- Trẻ mong đợi quá nhiều hoặc quá ít ở vai trò của bố mẹ.

- Độc đoán quá mức hoặc không thoả đáng của bố mẹ.

- Sự khắt khe của gia đình.

- Áp lực học hành, thi cử xuất phát từ cha mẹ.

Mô hình gia đình này thường đặc trưng cho các trường hợp trẻ có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Bằng chứng cho thấy trẻ tự sát thường từ các gia đình có nhiều vấn đề như vậy trong đó các nguy cơ dồn nén lại".

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoàn

Kỳ II: Cha mẹ làm gì để giúp đỡ con vượt qua cú sốc? 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem