Nga-NATO-Ukraine: Ngoại giao nhiều, thành quả ít

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ tư, ngày 16/02/2022 14:00 PM (GMT+7)
Bằng việc triển khai lực lượng quân đội lớn ở vùng biên giới với Ukraine, Nga đã làm cho cả châu Âu sôi động như chưa từng thấy kể từ nhiều thập kỷ trở lại đây về chính trị an ninh và đẩy mối quan hệ giữa Nga với Phương Tây vào tâm điểm của chính trị thời sự thế giới.
Bình luận 0
Nga-NATO-Ukraine: Ngoại giao nhiều, thành quả ít - Ảnh 1.

Ảnh Alamy

Ở một phía, Mỹ cùng với NATO và EU cho rằng Nga mưu tính lại tiến hành chiến tranh với Ukraine như hồi năm 2014, quả quyết không những chỉ đã có trong tay bằng chứng về chủ định nói trên của Nga mà còn biết rõ cả về thời điểm cụ thể Nga phát động chiến tranh. 

Phe này chủ ý tạo ra cảm nhận là không những chỉ có chiến tranh chắc chắn xảy ra mà còn sắp xảy ra đến nơi. Họ khuyến nghị công dân của họ rời khỏi Ukraine và rút bớt nhân viên ngoại giao ở đó. Mỹ thậm chí còn chuyển đại sứ quán ở Ucraine từ thủ đô Kiev đến thành phố khác của Ukraine. Ở phía bên kia, Nga dùng việc khi tăng thêm lúc giảm bớt binh lính ở vùng biên giới với Ukraine và tập trận riêng cũng như chung với Belarus để làm cho Mỹ, NATO, Ukraine và EU không biết đâu mà lần với mưu tính chiến lược và sách lược của Nga.

Đồng thời với những diễn biến nói trên, hoạt động ngoại giao giữa phía bên kia với Nga được tăng cường. Mỹ và Nato cùng một số thành viên NATO riêng rẽ chủ động tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với Nga ở cả cấp cao nhất lẫn cấp bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng ngoại giao. Những hoạt động ngoại giao này nhằm trước hết trấn an Ukraine, thể hiện sự đoàn kết của họ với Ukraine và ủng hộ Ukraine trong căng thẳng với Nga, đồng thời thuyết phục Nga không tấn công quân sự Ukraine và răn đe Nga về hệ luỵ tai hại đối với Nga trong trường hợp Nga tiến hành tấn công Ukraine. Nga trở thành tâm điểm của chính trị ngoại giao thế giới. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ba lần điện đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin trong khoảng thời gian ngắn. Cả tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz đều công du tới Nga để gặp ông Putin. Ông Biden, ông Scholz, ông Macron, thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Ukraine Volodymir Selenskij nhiều lần trao đổi qua điện thoại với nhau.

Tất cả những hoạt động ngoại giao này đều được phía Nga tiếp nhận nhưng cho tới nay chưa đưa lại kết quả đáng kể nào và chưa giúp làm giảm căng thẳng và nguy cơ bùng nổ chiến tranh trên thực địa. Tất cả đều chưa làm cho Nga thay đổi đáng kể gì quan điểm, lập luận, chủ ý và hoạt động quân sự của Nga ở vùng dọc biên giới với Ukraine và ở Belarus.

Ông Macron và ông Scholz cũng như ông Johnson cùng cộng sự không thành công với nỗ lực ngoại giao của họ bởi tất cả đều không phải là những đối tác mà Nga nhằm đến để xử lý tình trạng chính trị an ninh hiện tại trên châu lục. Nga nhập cuộc chơi ngoại giao với những bên này để phân hoá họ với Mỹ và NATO, để dùng việc thể hiện thái độ không nhượng bộ nhằm gia tăng áp lực đối với Mỹ và NATO. Đối với Nga, đây là cuộc chơi chính trị an ninh châu lục và thế giới giữa Nga với Mỹ và Nato chứ không phải với EU và càng không phải với Pháp, Đức hay Anh.

Vì thế, phía Nga đâu có ngại làm cho ông Macron bẽ bàng và gần như không để ý gì đến ông Johnson. Phía Nga ôn hoà với ông Scholz vì còn có nhu cầu cứu vãn dự án Nord Stream 2. Những thành viên NATO ở châu Âu này đều biết trước được rằng không thể thuyết phục được Nga hay buộc Nga phải nhượng bộ bởi thấy được rất rõ chủ ý của Nga không muốn xử lý chuyện chính trị an ninh châu lục với họ. Nhưng họ vẫn hoạt động ngoại giao hoà giải hăng hái bởi ai cũng muốn thể hiện và được công nhận là bên xử lý cuộc khủng hoảng chính trị an ninh hiện tại trên châu lục, không thành công thì cũng có thể thành danh.

Mỹ và NATO cũng không thành công với hoạt động ngoại giao của họ với Nga bởi chỉ muốn ngăn ngừa Nga chiến tranh với Ukraine chứ không muốn đàm phán với Nga về những yêu cầu đòi hỏi an ninh mới của Nga, chỉ muốn xử lý vụ việc riêng lẻ chứ không giải quyết vấn đề mang tính nguyên tắc cơ bản với Nga. Hơn nữa, họ lại còn sử dụng phương cách vừa ngoại giao vừa răn đe Nga trong khi Nga đòi hỏi phải được nhìn nhận là bằng vai phải lứa và phải lưu ý thoả đáng đến thể diện quốc gia. Những điều kiện về an ninh mà Nga đặt ra cho Mỹ và NATO xem ra là tối đa chứ không phải là tối thiểu đối với Nga, tức là bao hàm dư địa cho Nga rồi đây nhượng bộ. Nhưng với cách thức ứng xử và đối phó như hiện tại của Mỹ và NATO thì thời điểm chưa thích hợp và tiền đề chưa thuận lợi cho việc Nga đi vào thoả hiệp với Mỹ và NATO về an ninh châu lục nói chung và về Ukraine nói riêng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem