Nếu chọn nhà thầu Âu, Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, chất lượng sân Mỹ Đình đã khác

Đông Hưng Thứ năm, ngày 12/01/2023 15:10 PM (GMT+7)
Ông Hà Quang Dự - nguyên bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban TDTT khẳng định từng làm văn bản gửi Chính phủ và đề nghị chọn nhà thầu Philipp Holzmann làm đơn vị thiết kế thi công sân Mỹ Đình, nhưng rồi cuối cùng nhà thầu Trung Quốc HISG lại là đơn vị trúng thầu...
Bình luận 0

Trước trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022 giữa ĐT Việt Nam và ĐT Thái Lan, chất lượng sân Mỹ Đình một lần nữa trở thành tâm điểm của dư luận. Ở 3 trận vừa qua, mặt cỏ với nhiều mảng úa, lộ cả nền đất nhiều lần xuất hiện trên sóng truyền hình, khiến đông đảo NHM bóng đá Đông Nam Á lẫn châu Á vào chê bai.

Nếu chọn nhà thầu Âu, Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, chất lượng sân Mỹ Đình đã khác - Ảnh 1.

Chất lượng sân Mỹ Đình xuống cấp. Ảnh: Lao Động.

Đáng nói, cơ sở vật chất liên quan của sân Mỹ Đình cũng không khá hơn là bao. Ghế ngồi rất bẩn, tường sân nứt vỡ, nhiều bãi rác quanh sân không được dọn dẹp. Những điều này khiến cho sân Mỹ Đình càng nhận nhiều “gạch đá” hơn.

Tình trạng này kéo dài từ trận đấu giữa ĐT Việt Nam và Borussia Dortmund cho đến tận trận đấu bán kết lượt về AFF Cup 2022 với Indonesia mới đây. Trong ngần ấy thời gian, có rất nhiều chỉ đạo nóng được đưa ra từ những thành viên cấp cao của chính phủ lẫn bộ ngành, nhưng mọi thứ ở sân đấu là hình ảnh của một quốc gia chẳng được cải thiện là mấy. Một sự việc lặp đi lặp lại như vậy khiến dư luận không thể nguôi đi.

Vé vào sân Mỹ Đình đã bắt đầu lên cơn sốt, trên mạng đã rao bán tới 10 triệu đồng 1 cặp vé khán đài A xem chung kết lượt đi giữa ĐT Việt Nam và ĐT Thái Lan. Thế nhưng rõ ràng, bỏ ra 10 triệu đồng để vào một sân đấu nhếch nhác, ghế ngồi cũ úa màu, nhà vệ sinh bốc mùi, nhiều bức tường bóc tróc sơn, mặt cỏ dưới sân vàng úa, xuất hiện nhiều chỗ lồi lõm... khiến nhiều người cảm thấy ấm ức.

Vậy vì sao sân Mỹ Đình lại xuống cấp nhanh như vậy và nhiều năm qua, dù bỏ ra cả tỷ đồng mỗi năm để tu sửa nhưng chẳng cải thiện gì nhiều? Câu chuyện có lẽ nên nên bắt đầu từ việc đơn vị thi công là nhà thầu Trung Quốc HISG đã thiếu kinh nghiệm và có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quá trình xây dựng Khu liên hợp Thể thao Mỹ Đình nói chung và sân Mỹ Đình nói riêng. Chính ông Hà Quang Dự - nguyên bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban TDTT, đã chia sẻ lại việc này với Báo Tuổi Trẻ trong một cuộc phỏng vấn năm 2016.

Thời điểm đó Chính phủ đưa ra hạn mức chi phí xây dựng công trình là 67 triệu USD. Khi mở thầu, có rất nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ, trong đó có ba nhà thầu lớn: Philipp Holzmann AG International (Đức) và Hanoi International Group (HISG - Trung Quốc), Lemma (Mỹ).

HLV Park Hang-seo chỉ ra chỗ cỏ lồi lõm trên sân Mỹ Đình cho Hoàng Đức - Ảnh 4.

HLV Park Hang-seo và các cầu thủ Việt Nam không ít lần chê mặt sân Mỹ Đình kém chất lượng. Ảnh: Cao Oanh.

Theo ông Dự, qua tìm hiểu thì nhà thầu Mỹ thực chất là một công ty của một số người Việt đứng đằng sau, giá bỏ thầu của Lemma cũng rất cao và phương án thiết kế kém nhất trong ba nhà thầu. Philipp Holzmann bỏ thầu 57 triệu USD, có thiết kế rất đẹp, trang thiết bị đạt tiêu chuẩn Âu - Mỹ.

Philipp Holzmann cũng có hai chuyên gia người Pháp từng tham gia thiết kế xây dựng sân vận động State de France (Pháp). Riêng nhà thầu Trung Quốc HISG bỏ thầu 53 triệu USD - thấp nhất trong số các đơn vị tham gia đấu thầu.

Sau vòng chấm thầu thứ nhất, ông Dự cho biết ông đã có văn bản gửi Chính phủ và đề nghị chọn nhà thầu Philipp Holzmann.

Ông Hà Quang Dự chia sẻ: “Tiêu chuẩn kỹ thuật của HISG chỉ đạt chuẩn Trung Quốc và Việt Nam. Ngay thời điểm đó hội đồng thẩm định đấu thầu do thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tấn Vạn làm chủ tịch đã có văn bản khẳng định phương án kiến trúc do nhà thầu Trung Quốc HISG thiết kế không đạt yêu cầu.

Cuối cùng HISG đã trúng thầu.

Nếu chọn nhà thầu Âu, Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, chất lượng sân Mỹ Đình đã khác - Ảnh 3.

Sân Mỹ Đình chụp từ trên cao. Ảnh: VTV.

Bộ Xây dựng sau đó lại có văn bản khác khẳng định HISG đạt tiêu chuẩn. Lần đầu tiên trong lịch sử diễn ra việc đơn vị trúng thầu rồi là HISG lại được sửa phương án thiết kế sân vận động.

Cũng phải nói thêm rằng HISG khi đó chưa có kinh nghiệm xây dựng những công trình lớn như sân vận động Mỹ Đình”.

Theo kết luận thanh tra thời điểm tháng 3/2004, quá trình xây sân vận động Mỹ Đình nhà thầu Trung Quốc HISG đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng như: 94% thiết bị sử dụng xây sân vận động (17/18 triệu USD tiền thiết bị) không đúng với hợp đồng.

“Kết luận thanh tra về sai phạm hàng loạt của nhà thầu HISG sau khi xây sân vận động Mỹ Đình đã được công khai nhiều người biết từ năm 2004.

Tôi tiếc rằng nếu chúng ta chọn nhà thầu Âu - Mỹ, chắc chắn chất lượng sân Mỹ Đình sẽ tốt hơn thế này, thiết kế cũng đẹp hơn. Hằng năm ngành thể thao không phải bỏ ra hàng tỷ đồng để sửa sân như suốt những năm qua”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem