Muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông dân không thể đi 1 mình

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 20/05/2022 13:07 PM (GMT+7)
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG), diện tích canh tác hữu cơ của Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng. Năm 2018, diện tích canh tác hữu cơ tăng gấp 4,1 lần so với 2016, khoảng 495.000ha/11,53 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp.
Bình luận 0

Phát biểu tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp "Giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm", sáng 20/5, tại Vĩnh Phúc, Giám đốc Trung tâm KNQG Lê Quốc Thanh cho rằng, diện tích canh tác hữu cơ của Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn so với diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Giám đốc Trung tâm KNQG Lê Quốc Thanh cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ không thể thiếu được vai trò của hệ thống khuyến nông. Thực hiện: Minh Ngọc

"Nông dân không thể đi 1 mình"

Ông Thanh cho biết, ở nước ta hiện nay đã hình thành rất nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ, đây là sự cố gắng của ngành nông nghiệp, trong đó có vai trò không thể thiếu của hệ thống khuyến nông.

Không chỉ các dự án khuyến nông Trung ương mà các dự án khuyến nông địa phương đều cho thấy các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho năng suất cao hơn, đặc biệt là chúng ta có mô hình phát triển sinh kế thân thiện, đáp ứng yêu cầu của nông nghiệp sinh thái, bền vững.

Muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông dân không thể đi 1 mình - Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết, các dự án của Trung tâm KNQG về sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang phát huy được hiệu quả, giúp người nông dân sản xuất an toàn, nâng cao thu nhập. Ảnh: Minh Ngọc

Khi sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giúp nhận thức của người nông dân có sự chuyển biến rất tích cực, từ sản xuất, sử dụng nhiều các loại vật tư vô cơ sang canh tác an toàn, thân thiện. Từ sản xuất quy mô hộ sang xây dựng các chuỗi liên kết...

Hiện nay, Trung tâm KNQG đang xây dựng mô hình hữu cơ ở tất cả các lĩnh vực, cùng với đó là phối hợp với nhiều cơ quan chuyên môn xây dựng các bộ tài liệu tập huấn, cẩm nang để người nông dân có thể dễ dàng tiếp cận và vận dụng vào thực tiễn sản xuất.

Ông Thanh đánh giá, Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp lần này là cơ hội kết nối người sản xuất với người tiêu dùng. "Chúng ta phải minh bạch hóa thị trường để người tiêu dùng phân định được đâu là sản phẩm hữu cơ, từ đó nâng cao được giá trị cho sản phẩm", ông nói.

Muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông dân không thể đi 1 mình - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh (ngoài cùng bên phải) cùng Giám đốc Trung tâm KNQG Lê Quốc Thanh ( (thứ hai bên phải) kiểm tra mô hình sản xuất lúa hữu cơ DT39 tại xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên. Ảnh: Đặng Thưởng

Giám đốc Trung tâm KNQG cũng cho biết, hiện nay, Trung tâm KNQG đang tổ chức hàng loạt diễn đàn, sự kiện kết nối về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ông cũng đánh giá cao vai trò phối hợp, dẫn dắt doanh nghiệp trong việc hướng dẫn người nông dân để sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

"Để sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì đầu tiên phải nói đến vai trò của các doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Khi doanh nghiệp tham gia sẽ giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm hữu cơ vì họ là người đặt hàng cho sản xuất, kết nối sản xuất với nhu cầu thị trường.... từ đó định hướng sản xuất đúng hướng", ông Thanh phân tích.

Muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông dân không thể đi 1 mình - Ảnh 3.

Sáng 20/5, tại Vĩnh Phúc, Trung tâm KNQG phối hợp với Sở NNPTNT Vĩnh Phúc tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp "Giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm".

Ông cũng cho rằng, muốn nhân rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải có sự vào cuộc của các cấp các ngành, phải xem sản xuất nông nghiệp hữu cơ là câu chuyện của toàn xã hội chứ không phải riêng của ngành nông nghiệp, phải xây dựng được cơ chế chính sách cụ thể, tạo môi trường để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, biến các giải pháp thành chính sách của địa phương.

"Tôi cho rằng điều cốt lõi nhất là các hộ sản xuất không thể đi một mình, bắt buộc phải xây dựng được liên kết chuỗi, phân khúc trong chuỗi, vai trò của từng thành tố tham gia, sản xuất hữu cơ mới đi vào cuộc sống", Giám đốc Trung tâm KNQG Lê Quốc Thanh nói.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông dân thu lời lớn

Nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật, phân bón của Trung tâm KN tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc (Tập đoàn Quế Lâm), nhiều hộ dân ở xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo đã trồng rau su su theo hướng hữu cơ, bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Trên diện tích trồng lúa hữu cơ theo mô hình luân canh giữa cây trồng nước và cạn của Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc, vụ Đông năm 2021, gia đình chị Bùi Thị Hằng, xã Hồ Sơn trồng 1,5 sào su su theo hướng hữu cơ.

Muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông dân không thể đi 1 mình - Ảnh 4.

Bà Lê Thị Chín ở thôn Làng Hạ, xã Hồ Sơn (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) thu hoạch rau su su. Ảnh: K.N

Đây là vụ thứ 2 gia đình áp dụng quy trình sản xuất 5 không (không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không phân bón hóa học, không chất kích thích tăng trưởng), tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao.

Theo chị Hằng, do đặc trưng nền nhiệt thấp, khí hậu mát mẻ, điều kiện thổ nhưỡng tốt, cộng với các hộ dân chủ động áp dụng quy trình sản xuất an toàn, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật nên cây su su ở đây rất phát triển, mẫu mã đẹp, vị ngon, ngọt đặc trưng, có thị trường tiêu thụ rộng, được nhiều gia đình lựa chọn trong bữa ăn hằng ngày và trở thành cây kinh tế chủ lực của địa phương.

Cây su su phát triển phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khi thời tiết ấm, mỗi sào su su cho hoạch từ 35 - 40 kg/sào, còn thời tiết lạnh chỉ cho thu từ 10-15kg/sào. Mặc dù thu hoạch su su vất vả vì phải thức dậy từ 3 - 4 giờ sáng nhưng nếu giá ổn định từ 8.000 - 10.000 nghìn/kg, giá trị thu được từ 10 - 12 triệu đồng/sào.

Muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông dân không thể đi 1 mình - Ảnh 5.

Mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ tại xã Minh Quang, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Ảnh: Minh Ngọc

Về chăn nuôi, các mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học và chăn nuôi gà lông màu, vỗ béo bò thịt đã được ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp triển khai đồng bộ và hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình như mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ do Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc và Tập đoàn Quế Lâm phối hợp thực hiện tại các xã Văn Quán (huyện Lập Thạch), xã Minh Quang (huyện Tam Đảo) và thị trấn Đạo Đức (huyện Bình Xuyên)…

Với quy mô chăn nuôi 80 con lợn thịt, đến thời điểm này có thể khẳng định hộ ông Trần Văn Ba ở xã Minh Quang, huyện Tam Đảo đã thành công. Lợn sinh trưởng, phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra. Kết quả kiểm tra cho thấy, trong quá trình chăm sóc nuôi hộ đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi theo hướng hữu cơ có sử dụng đệm lót sinh học. Tất cả quy trình kỹ thuật chăn nuôi được thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, đảm bảo môi trường, giảm được chi phí đầu vào rất nhiều.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem