Du khách nước ngoài hào hứng với rối nước nhưng giới trẻ lại thờ ơ, câu hỏi cũ nhưng câu trả lời không cũ!

Chế Bích Ngọc Thứ sáu, ngày 10/11/2023 15:14 PM (GMT+7)
Múa rối nước từ lâu đã trở thành một nét văn hóa dân gian độc đáo của Việt Nam. Tuy vậy, trong khi người nước ngoài hào hứng với môn nghệ thuật này thì ở trong nước, nhất là các bạn trẻ, lại khá thờ ơ và thậm chí thấy xa lạ với rối nước.
Bình luận 0

Du khách nước ngoài hào hứng với rối nước Việt

Rối nước là một loại hình nghệ thuật độc đáo mà khi xét ở góc độ du lịch được coi là một "sứ giả" của văn hóa Việt. Những chiều cuối tuần, Nhà hát Múa rối Thăng Long (đường Đinh Tiên Hoàng, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) đón nhận đều đặn hàng trăm lượt khách ra vào mỗi tiếng một lần. 

Thế nhưng, theo quan sát của PV Dân Việt, khắp các khán phòng của Nhà hát chủ yếu là du khách nước ngoài đến từ nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Ấn Độ... Những vị khách nước ngoài này vô cùng hào hứng khi được trải nghiệm, thưởng thức các tiết mục rối nước đầy lạ lẫm mà rất thú vị. Những tràng pháo tay tán dương liên tục được các vị khách nước ngoài dành cho các tiết mục của các nghệ sĩ.

Múa rối nước – Mới lạ với khán giả ngoại, xa lạ với khán giả nhà - Ảnh 1.

Khắp khán phòng xem biểu diễn múa rối nước hầu hết đều là du khách nước ngoài. Ảnh: Bích Ngọc

Xếp hàng gần 1 tiếng đồng hồ cho vở diễn lúc 16 giờ, bà Miller Amanda, du khách đến từ Mỹ chia sẻ với Dân Việt, đây là lần thứ 2 mà bà được quay lại Việt Nam để xem rối nước, mỗi lần đều cảm thấy rất háo hức, mong được xem các tiết mục múa rối nước tại Nhà hát Múa rối Thăng Long.

"Tôi thấy những con rối gỗ rất to nhưng lại được điều khiển một cách khéo léo, khiến tôi cảm thấy vô cùng thú vị. Trong lúc xem, tôi thấy được người ta câu cá, nhảy múa, và những màn biểu diễn khác nữa… Tôi nghĩ, trẻ em cần được tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống, nếu không sẽ dễ bị lạc lối trong thế giới hiện đại", bà Miller Amanda chia sẻ.

Không chỉ riêng bà Miller Amanda, nhiều du khách nước ngoài có mặt ở Nhà hát Múa rối Thăng Long đều không giấu được vẻ hào hứng trước khi xem và bày tỏ sự hài lòng sau khi xem các tiết mục múa rối.

"Trước khi đến Hà Nội, chúng tôi được bạn bè khuyên nên trải nghiệm khi đến phố đi bộ vào dịp cuối tuần là xem rối nước. Mặc dù, tôi đã được xem qua video bạn tôi gửi cho, nhưng khi đến xem trực tiếp mới thấy khâm phục các nghệ sĩ múa rối nước của Việt Nam.

Tôi không hiểu bằng cách nào họ điều khiển con rối dưới nước lại nhuần nhuyễn, uyển chuyển như vậy. Thậm chí, có những lúc tôi cảm thấy những con rối như đang tự biểu diễn chứ không phải có người điều khiển phía sau", bà Calliandra (du khách đến từ Pháp) cùng chồng và hai con nhỏ đến xem múa rối nước hào hứng chia sẻ.

Khán giả nước nhà thờ ơ...

Với mỗi vở diễn kéo dài 50 phút đồng hồ, 300 ghế ngồi và nằm ở ngay phố đi bộ Hoàn Kiếm và trung tâm Thủ đô Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long hội tụ nhiều tiềm năng để thu hút du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là trong khi du khách thế giới thích thú với những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam, đặc biệt rất yêu thích rối nước thì lại có nhiều người Việt chưa biết, thậm chí chưa bao giờ đi xem rối nước.

Múa rối nước – Mới lạ với khán giả ngoại, xa lạ với khán giả nhà - Ảnh 2.

Hình ảnh sân khấu biểu diễn múa rối nước tại Nhà hát múa rối Thăng Long (Hà Hội ). Ảnh: Bích Ngọc

Mai Anh (20 tuổi) đến từ TP.Hồ Chí Minh cho biết, cô mới chỉ biết múa rối nước qua sách báo và tivi chứ chưa một lần được xem trực tiếp và không hứng khởi cho lắm nếu có ai đó mời đi xem. "Nếu chọn xem một bộ phim trong rạp hoặc xem múa rối nước tôi sẽ chọn xem phim", Mai Anh nói.

Không chỉ Mai Anh, tình trạng chung khi chúng tôi tiến hành phỏng vấn ngẫu nhiên một số bạn trẻ người Việt về múa rối nước, chúng tôi đều nhận được câu trả lời rằng họ có biết đến loại hình dân gian này nhưng không hiểu rõ và cảm thấy khá lạ lẫm.

Ghi nhận ở các địa điểm biểu diễn múa rối nước tại Hà Nội, phần lớn số lượng khách tới xem cũng chỉ là khách du lịch ngoại quốc, nếu có khách người Việt thì cũng là phụ huynh đưa con đi xem lần đầu hoặc các bạn nhỏ được trường học tổ chức đi xem.

Múa rối nước – mới lạ với khán giả ngoại, xa lạ với khán giả nhà - Ảnh 3.

NSƯT Nguyễn Hồ Thủy Tiên - Nữ nghệ sĩ độc diễn rối cạn duy nhất Việt Nam. Ảnh: N.V

Theo nhận định của các chuyên gia, số lượng khán giả trẻ yêu thích và hiểu biết bộ môn này ngày càng ít. Có lẽ, vẫn còn có những bạn trẻ yêu nghệ thuật truyền thống, nhưng số lượng còn quá hạn chế, chưa đủ để tạo hiệu ứng thu hút giới trẻ.

Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, phần kịch bản của một vở rối rằng "không thay đổi, xem nhiều lần sẽ chán".

Chia sẻ về vấn đề này, NSƯT Nguyễn Hồ Thủy Tiên, nghệ sĩ tại Nhà hát Múa rối Thăng Long - người mang rối cạn Việt Nam ra thế giới cho biết: Hiện tại, Nhà hát Múa rối Thăng Long đang tự chủ về kinh tế, vì vậy không có đủ sân khấu để kết hợp giữa rối nước và rối cạn, ít có cơ hội để sáng tạo, mở rộng kịch bản".

Múa rối nước – Mới lạ với khán giả ngoại, xa lạ với khán giả nhà - Ảnh 3.

Nghệ nhân múa rối nước Phan Thanh Liêm. Ảnh: N.V

"Có lẽ, đây cũng là một phần giải đáp cho câu hỏi tại sao kịch bản không thay đổi mà luôn lặp lại những trò rối đó. Nhưng chúng ta cũng nên hiểu rằng, múa rối nước là nghệ thuật dân gian với những trò rối về đi cấy, đánh cá, chăn trâu... mang đậm dấu ấn Việt Nam", nghệ sĩ Thủy Tiên nhận định.

Theo NSƯT Thủy Tiên, hiện tại, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã chọn lọc 16 trò rối nước tinh túy nhất phản ánh chân thực đời sống của người nông dân Việt Nam từ các phường rối nổi tiếng, để biểu diễn hàng ngày phục vụ khán giả trong và ngoài nước. Đây cũng là sự cố gắng và nỗ lực để sống với nghề, từ đó giúp bảo tồn, phát triển những giá trị nghệ thuật dân gian đang dần phai mờ trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Cách giải bài toán "mới người cũ ta"

Nói về nguyên nhân khiến nghệ thuật múa rối nước không còn sức hút với giới trẻ, nghệ nhân múa rối nước Phan Thanh Liêm nhận định: "Có lẽ, lớp trẻ không còn mặn mà với nghệ thuật truyền thống là bởi hiện nay, họ dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, quá nhiều trò giải trí nên lạnh nhạt với những giá trị văn hóa dân gian".

Để trả lời cho câu hỏi: "Làm thế nào để giới trẻ Việt Nam quay lại với nghệ thuật truyền thống vẫn luôn là một câu hỏi lớn?", người nghệ nhân là đời thứ 7 trong một gia đình có truyền thống biểu diễn nghệ thuật múa rối nước cho rằng: Có lẽ, đã đến lúc chúng ta nên đưa những nghệ thuật truyền thống này vào các trường mầm non, để cho các em nhỏ tiếp xúc với văn hóa từ sớm, giới thiệu cho các em tìm hiểu về múa rối nước, chèo, tuồng ngay từ thời điểm mới hình thành nhận thức để thấm ngay vào tư tưởng khi còn nhỏ. 

"Có sự kết hợp giữa giáo dục và sự khuyến khích của phụ huynh, các em sẽ hứng thú và hào hứng muốn tìm hiểu về những văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam hơn", ông Liêm đánh giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem