"Ma trận" tâm linh, cúng lễ cầu con và trò bịp quanh khu vực Chùa Hương

Hồng Nhân - Ngọc Huyền - Tất Định Thứ ba, ngày 12/03/2024 13:30 PM (GMT+7)
Trên đường hành lễ ở Chùa Hương, có những đối tượng lợi dụng điểm tâm linh để hoạt động mê tín dị đoan, tìm cách moi tiền của du khách qua trò bịp cầu con.
Bình luận 0
"Ma trận" tâm linh, cúng lễ cầu con và trò bịp quanh khu vực Chùa Hương- Ảnh 1.

Quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn (còn gọi là Chùa Hương) gồm hệ thống đình, đền, chùa ,hang, động tọa lạc rải rác quanh dãy núi Hương Sơn. Các di tích Phật giáo này được chia làm 3 tuyến chính là: Thiên Trù - Hương Tích; Tuyến Long Vân - Thanh Sơn; Tuyến Bảo Đài - Tuyết Sơn. Ảnh: Trịnh Trọng.

LTS: Chùa Hương (xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) là điểm du lịch nổi tiếng ở miền Bắc với quần thể di tích văn hóa, tôn giáo độc đáo, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách. Năm 2024, Ban Chỉ đạo lễ hội Chùa Hương đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới, được du khách đánh giá tích cực, đem lại nét mới trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội. 

Tuy nhiên, vẫn có những hạt sạn về hoạt động mê tín dị đoan diễn ra trên đường du khách hành hương, đi lễ Chùa Hương. 

Cụ thể, một số đối tượng lợi dụng các cơ sở tâm linh "Động", "Điện" trái phép để hoạt động bói toán, mê tín dị đoan đưa người dân vào “ma trận” tâm linh, phải chi tiền để cúng lễ, cầu con.

Không ít du khách đã chi ra số tiền từ vài trăm ngàn đồng đến hàng triệu đồng để “cúng” cho những đối tượng làm lễ tại đây. Nhóm phóng viên Dân Việt đã “bóc trần” trò bịp du khách tại khu vực này.

"Ma trận" tâm linh, cúng lễ cầu con và trò bịp quanh khu vực Chùa Hương- Ảnh 2.

Khu vực Chùa Thiên Trù nhìn từ trên cao.

Tự mở điểm tâm linh, diễn trò mê tín moi tiền du khách (Bài 1)

Từ phản ánh của người dân, phóng viên Dân Việt khám phá trùng điệp “bẫy lừa" tâm linh tại chùa Hương, lợi dụng lòng tin của du khách trong không gian chùa Hương để hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi cá nhân.

Điểm tâm linh tự phát, chi tiền mới làm lễ

Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) những ngày cuối tháng Giêng, ngập trong làn mây mù và mưa nhẹ. Hàng vạn người đổ về đây trẩy hội. Từng đoàn thuyền, đò tấp nập chở khách từ Bến Yến xuôi theo Suối Yến tỏa ra các tuyến di tích.

Theo lộ trình, người dân đi qua Chùa Thiên Trù, Động Đại Binh, Chùa Tiên Sơn, Chùa Giải Oan, Đền Cửa Võng và cuối cùng là Động Hương Tích. Đoạn đường dài gần 4km. Trong dòng người đi lễ, có những cặp vợ chồng đến đây với mong muốn có được mụn con, đến chùa Hương để  "thỉnh Cô, thỉnh Cậu".

"Ma trận" tâm linh, cúng lễ cầu con và trò bịp quanh khu vực Chùa Hương- Ảnh 3.

Hàng năm, Chùa Hương đón hàng triệu du khách tới cầu tự và tham quan.

Ngày 9/3 (tức 29/1 Âm lịch), phóng viên Dân Việt hòa vào đoàn người đi bộ theo lộ trình trên. Trên đường, chúng tôi gặp nhiều cặp vợ chồng bồng bế con đi cùng. Theo giải thích, họ đi trả lễ.

Bên cạnh đó, không hiếm các cặp đôi từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình... dìu nhau hành hương hướng lên núi "đi xin lễ".

"Chúng tôi cưới được 2 năm nhưng chưa có con, đầu năm được mọi người mách nước lên xin lễ, xin cậu con trai. Mới lên đây chưa biết phải đi thế nào, đang hỏi đường nơi thỉnh Cô, thỉnh Cậu", nam thanh niên đến từ Hoằng Hóa, Thanh Hóa nói.

"Ma trận" tâm linh, cúng lễ cầu con và trò bịp quanh khu vực Chùa Hương- Ảnh 4.

Lộ trình du xuân ở Chùa Hương, du khách sẽ qua Chùa Thiên Trù, Động Đại Binh, Chùa Tiên Sơn, Chùa Giải Oan, Đền Cửa Võng và cuối cùng là Động Hương Tích. Ảnh phóng viên chụp Bản đồ du lịch thắng tích Hương Sơn.

Trong hành trình, cách chùa Thiên Trù chừng 30 phút đi bộ, phóng viên dừng lại trước khu nhà có tên Suối Tiên, bên cạnh có một hang động được người ta dựng bảng đặt tên là Mắt Rồng. Vậy nhưng trên bản đồ khu di tích không có tên điểm này.

Tiếng nhạc hầu đồng, nhạc nam mô vang lên, bóng đèn nhấp nháy, mùi hương tỏa cả một khu vực. Bên cạnh là những hốc đá sắc nhọn với đủ mọi tạo hình kỳ dị. 

"Ma trận" tâm linh, cúng lễ cầu con và trò bịp quanh khu vực Chùa Hương- Ảnh 5.

Khu vực này gọi được giới thiệu là Suối Tiên. Gồm 2 tầng. Tầng 1 có một mạch nước nhỏ, bài trí thêm bàn ghế để người dân nghỉ chân. Tầng 2 là nơi thắp hương, để nhiều tượng nhiều cậu bé.

Nhiều người đi qua liên tục chắp tay, khấn lạy và rải tiền công đức. Theo lời giới thiệu của một người phụ nữ, khu vực này có mạch nước, gọi là Suối Tiên. Người dân xin nước này rửa mặt mũi, tay chân, uống, mang về sẽ được mát mẻ cả năm.

Chưa hết, tại đây, xuất hiện 1 mạch nước nhỏ, chảy ra từ mỏm đá chính giữa nhà. Một biển tên thủ công ghi dòng chữ “mạch nước Suối Tiên” được đặt ngay ngắn bên cạnh chiếc lu đựng nước "thánh", phía dưới là một chiếc mâm nhỏ, đựng nhiều tờ tiền lẻ.

"Ma trận" tâm linh, cúng lễ cầu con và trò bịp quanh khu vực Chùa Hương- Ảnh 6.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mạch nước suối tiên chảy ra từ mỏm đá thực chất được gắn một ống dẫn nước nhỏ.

Lên tầng 2 theo sự chỉ dẫn, phóng viên gặp một người phụ nữ, đang tiến hành khấn, vái. Thấy chúng tôi, người phụ nữ hướng dẫn: “Đây là nơi thờ bóng Cô Chín Thượng ngàn. Lại đây cô có bùa bình an do các sư thầy trì chú, các con mang theo bên mình, bỏ vào ví cho được lộc rồi con dâng 10.000 đồng tạ lễ Cô Chín”. Được biết, người phụ nữ này tên Trịnh Thị Thụ, túc trực tại khu vực này để mời chào, hướng dẫn người dân "dâng lễ". 

"Ma trận" tâm linh, cúng lễ cầu con và trò bịp quanh khu vực Chùa Hương- Ảnh 7.

Người phụ nữ tên Trịnh Thị Thụ, luôn túc trực tại khu vực này để khấn, lễ, cầu, viết sớ....

Ngay sau đó, người phụ nữ hỏi chúng tôi về năm sinh, lầm rầm khấn vái tạ lễ và yêu cầu chúng tôi ra uống nước Suối Tiên và rửa mặt cho mát.

Sau chúng tôi, các du khách khách khác đều bỏ ra 10.000 đồng để nhận hai vật nhỏ cầu bình an do người này khẳng định đã được "trì chú".

"Ma trận" tâm linh, cúng lễ cầu con và trò bịp quanh khu vực Chùa Hương- Ảnh 8.

Hai "túi lộc" phóng viên nhận được sau khi đặt lễ 20.000 đồng.

Sau khi nhận đồng tiền vàng, chúng tôi có cơ hội nhìn kỹ hơn cách bài trí tại đây. Những mâm lễ lớn, nhỏ được đặt khắp nơi, hàng chục hình nhân “cậu bé” được đặt rải rác trong hốc đá. Trong ánh đèn led tím chiếu từ góc khuất, không gian “tầng 2” càng thêm phần ma mị.

Theo giới thiệu, các hình nộm cậu bé hồng hào trong động chính là các “cậu bé ngoan thông minh” mà cặp vợ chồng hiếm muộn nào cũng mong có được. Đó cũng chính là vật cần thiết để thực hiện nghi lễ khấn cầu con trai.

"Ma trận" tâm linh, cúng lễ cầu con và trò bịp quanh khu vực Chùa Hương- Ảnh 9.

Hình nộm được người phụ nữ tên Thụ đưa cho chúng tôi sau khi làm lễ xong.

Người phụ nữ nhanh chóng vào việc ngay, yêu cầu chúng tôi bỏ 7 đồng tiền lẻ, rồi tiến hành làm thắp hương, làm lễ.

Người đàn bà này đọc bài văn khấn dài, nội dung chủ yếu nêu tên cặp đôi muốn cầu con với những mong muốn nguyện cầu: “Khấn tấu lạy Cô Chín Thượng ngàn… Khấn lạy... nay chúng con hiếm muộn đã về tới cửa cô mong cô ban cho con nối dõi. Đến đây con không sắm sửa được mâm lễ, có đồng tiền dâng lên cửa cô…”.

Sau bài khấn, bà Thụ trấn an: “Nếu con nhất tâm cầu ở đây thì yên tâm sinh cậu ra khôi ngô tuấn tú, khi nào thành công các con về đây lễ tạ”. Và đặc biệt dặn, “cầu đây rồi, các con không cầu chỗ khác nữa, làm nhiều bị sái con”. 

Rồi người phụ nữ này yêu cầu chúng tôi đưa tay hứng cậu, đặt nhẹ nhàng, bỏ vào ba lô để rước cậu về nhà.

"Ma trận" tâm linh, cúng lễ cầu con và trò bịp quanh khu vực Chùa Hương- Ảnh 10.

Bà Thụ đưa cho chúng tôi một tờ giấy, thứ mà bà gọi là sớ rồi yêu cầu viết họ tên đầy đủ để bà "cúng" giúp.

Sau bài khấn, người làm lễ mới đi vào “nội dung chính”. Người phụ nữ căn dặn: “Những ngày tuần rằm trong tháng trong năm, các con không về lễ tạ được thì các con gửi lại cửa cô mỗi ngày 1.000 đồng để nhà chùa chia sắm lễ, khi nào thành công có con, các con về đây lễ tạ”.

Ngày 10/3, PV Báo Điện tử Dân Việt đã thông tin đến UBND huyện Mỹ Đức, Công an huyện Mỹ Đức. Ngay sau đó, đoàn kiểm tra gồm: Ban QL khu DTTC Hương Sơn, Công an huyện Mỹ Đức, Viện kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Đức, Phòng VH - TT - DL huyện Mỹ Đức, Trưởng Công an xã Hương Sơn đã tiến hành kiểm tra xác minh.

Sơ bộ xác định, các hoạt động cầu tự con cái, khấn bái và thu tiền du khách tại Suối Tiên, Chùa Giải Oan, Đền Cửa Võng là hoạt động mê tín dị đoan, vi phạm quy định.

Một năm có 365 ngày, mỗi ngày nhà chùa bỏ ra 1.000 đồng thay gia chủ làm lễ. Đồng nghĩa với việc chúng tôi, cũng như nhiều gia đình khác cầu con tại đây phải bỏ ra số tiền là 365.000 đồng. Khi chúng tôi tỏ ý không còn tiền mặt, người đàn bà nhanh chóng chuyển sang hình thức chuyển khoản. “Có những đồng tiền của các con thì nhà chùa mới làm lễ được”, người phụ nữ nói tiếp.

Chúng tôi đã chuyển tiền vào tài khoản mang tên Trịnh Thị Thụ. Người làm lễ cho chúng tôi cũng thừa nhận đây là tên của mình.

Vừa làm lễ cho chúng tôi xong, bà Thụ lại mồi chài thêm được một vợ chồng khác. Khi vừa thấy họ hỏi về nơi thỉnh Cô, thỉnh Cậu bà nhận ngay chính là nơi này và tiến hành làm lễ.

Tái diễn trò mê tín, móc túi người dân

Theo tìm hiểu của phóng viên, đối tượng Trịnh Thị Thụ từng bị cơ quan chức năng phát hiện hành nghề mê tín dị đoan vào năm 2019. 

Theo đó, năm 2019, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an thành phố Hà Nội lập chuyên án, bắt quả tang 6 người có hành vi lợi dụng mê tín dị đoan để lừa đảo tại lễ hội chùa Hương.

Sáu người bị bắt giữ gồm Trịnh Thị Thụ (SN 1968), Nguyễn Văn Xuân (1967), Hồ Văn Thụ (1975), Hồ Văn Phát (1966), Vũ Văn Doan (SN 1964) – cùng trú tại xã Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) và một người phụ nữ tên Trang.

Trong vụ việc này, cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm tượng sáp cậu bé đỏ được cất giữ, những cuốn sổ dày đặc họ tên khách hàng cùng số tiền lên đến vài chục triệu đồng làm của riêng chứ không được đem đến đền chùa như lời lừa gạt của các đối tượng. Khi bị phát hiện, bà Thụ thừa nhận: "làm ăn thì có đôi lúc nói điêu".

Hơn nữa họ đều biết đây là hành vi vi phạm pháp luật nhưng "vẫn làm để kiếm cơm ăn". Kiếm cơm bằng cách "buôn thần bán thánh", còn du khách thì mua niềm tin sai địa điểm.

"Ma trận" tâm linh, cúng lễ cầu con và trò bịp quanh khu vực Chùa Hương- Ảnh 12.

Năm 2019, Trịnh Thị Thụ và Nguyễn Văn Xuân bị phát hiện đã thu lợi bất chính từ sự mê tín của du khách đến lễ hội chùa Hương. Ảnh: VTC.

Khi bị bắt, vợ chồng Xuân khai nhận không dùng số tiền du khách đóng để cúng vào chùa mà dùng để thu lợi cá nhân. Bên cạnh đó, dòng nước gọi là nước tiên được bơm từ nước máy của gia đình Xuân.

Sau đó, vợ chồng ông Nguyễn Văn Xuân cùng bốn người liên quan đã bị Công an Hà Nội xử phạt 24 triệu đồng do có vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Sau 5 năm, như phản ánh của Dân Việt ở trên, ngựa quen đường cũ, bà Trịnh Thị Thụ tiếp tục trở thành người sắp lễ tại Suối Tiên - nơi không có trong bản đồ hướng dẫn. 

Tình trạng buôn thần bán thánh, lợi dụng niềm tin của người dân để hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính không chỉ xảy ra ở điểm tâm linh tự phát Suối Tiên. Nhóm PV Dân Việt phát hiện các "Động, Điện" khác cũng có tình trạng tương tự. Ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn có nắm được tình trạng này?

Mời độc giả theo dõi trong: Trò bịp cầu con trên đường hành lễ Chùa Hương: Thủ thuật moi tiền trong "Đền, Điện", nạp tiền mới làm lễ (Kỳ 2)

Tại buổi làm việc với Ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đã lưu ý:

Hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định; bố trí bàn ghi công đức, đặt hòm công đức đảm bảo thuận tiện, hợp lý theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; kiểm tra, ngăn chặn xử lý nghiêm các tệ nạn xã hội, không để người hành khất trong khu vực Lễ hội; phòng ngừa các đối tượng bói toán, bán thẻ, mê tín dị đoan, bán sách báo ngoài luồng, đổi tiền lẻ, thuốc nam giả không rõ nguồn gốc, đồ chơi trẻ em nguy hiểm…

Theo chuyên gia phong thủy, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, vì khao khát có con thường đi "bái tứ phương" để cầu xin.

Gia đình và bản thân đứa trẻ là "con cầu tự" thường cảm thấy vinh dự và luôn cố gắng để xứng đáng là "con nhà Phật", không dám làm điều ác, không dám làm những điều trái lời Phật dạy.

Tuy nhiên, lợi dụng niềm mong mỏi có con của những người đi cầu tự, nhiều kẻ xấu đã xúi giục họ tin vào những điều mê tín dị đoan, bành trướng việc cúng bái để trục lợi.

Bởi vì, những người đã mang tâm đi cầu tự đều một lòng tin tưởng vào các thế lực thần thánh, siêu nhiên mà xem nhẹ phần tự lực của bản thân nên rất nhẹ dạ cả tin vào những điều nhảm nhí.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem