Hội nghị du lịch 2023: Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân "đi trước về chậm"

Huy Hoàng Thứ tư, ngày 15/03/2023 10:32 AM (GMT+7)
Sáng ngày 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển".
Bình luận 0

Theo thông tin từ web Chinhphu.vn, Hội nghị nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển" được Văn phòng Chính phủ tổ chức sau đúng một năm mở cửa hoàn toàn du lịch (15/3/2022- 15/3/2023).

Hội nghị du lịch 2023: Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân "đi trước về chậm" - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Lý do nào du khách nước ngoài vào Việt Nam ít hơn các nước trong khu vực?

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và các hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch, các hãng hàng không.

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu cách đây đúng 1 năm, ngày 15/3/2022, khi dịch COVID-19 được kiểm soát khá vững chắc, chúng ta đã quyết định mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế nhập cảnh, đón khách quốc tế sớm.

Đây là những bước chuyển có ý nghĩa bước ngoặt, giúp chúng ta thành công trong kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là đúng đắn.

Nhìn lại những năm phòng, chống dịch vừa qua, ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề. Mặc dù là nước đông dân, đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, song Việt Nam là nước chống dịch và kiểm soát dịch bệnh tốt, mở cửa sớm. Tuy nhiên, so các nước trong khu vực, năm 2022, chúng ta chưa đạt mục tiêu thu hút khách du lịch.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính tổ chức Hội nghị lần nhằm nhìn lại việc phát triển ngành du lịch thời gian qua, đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để vượt qua những khó khăn, biến nguy thành cơ, tận dụng những kinh nghiệm, thời cơ đã có, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước và của ngành du lịch so các nước trong khu vực và thế giới để phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn.

Thủ tướng đặt ra câu hỏi nguyên nhân chủ quan nào khi du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại "đi trước về chậm"? Tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? Các giải pháp đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong du lịch? Chúng ta đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa? Vì sao thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số?

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đặt câu hỏi, việc phát triển ngành du lịch đi đúng hướng chưa, đã tận dụng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, từng vùng, cả nước chưa?

Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp đột phá trong thời gian tới, nhất là vấn đề hạ tầng, xúc tiến và quảng bá như thế nào? Cùng với đó là vấn đề vệ sinh môi trường, vấn đề huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển du lịch, chính sách visa…

Thủ tướng khẳng định cần phát triển du lịch gắn với công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí, du lịch không thể phát triển một mình, du lịch không thể phát triển nếu hạ tầng, văn hóa không phát triển, du lịch không thể phát triển mạnh nếu công nghiệp văn hóa không phát triển mạnh, bền vững.

Hội nghị du lịch 2023: Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân "đi trước về chậm" - Ảnh 2.

Cửa biển Nhật Lệ. Ảnh: Huy Hoàng

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL – Nguyễn Văn Hùng đã có bản báo cáo kết quả sau một năm mở cửa du lịch, đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất cho ngành du lịch.

Theo đó, trong bản báo cáo, Bộ trưởng Bộ VHTTDL – Nguyễn Văn Hùng cho hay kết quả một năm mở cửa của ngành du lịch lượng khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch và đạt 66% so với mức kỷ lục năm 2019.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt (vẫn giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019), đạt 70% so với kế hoạch và kế hoạch năm 2023: khách du lịch quốc tế: 8 triệu lượt; khách du lịch nội địa: 102 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch: khoảng 650 nghìn tỷ đồng.

Về kiến nghị và đề xuất, Bộ VHTTDL đề xuất với Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các giải pháp liên quan nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch, đẩy mạnh thu hút khách du lịch đến Việt Nam.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng và triển khai Đề án phát triển du lịch gắn với mục tiêu phát triển kinh tế của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Với các Bộ, ngành thì phối hợp với Bộ VHTTDL và UBND các tỉnh, thành phố bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế, chính sách để thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu phục hồi, phát triển du lịch.

Đề xuất triển khai thực hiện chính sách thị thực điện tử với tất cả thị trường khách quốc tế, tăng thời gian miễn thị thực đối với các nước đã được áp dụng chính sách miễn thị thực.

Tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải tiến quy trình, thủ tục cấp thị thực điện tử. Cải tiến mạnh mẽ quy trình kiểm soát thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, hải quan tại cửa khẩu đường không, đường bộ, đường biển, bảo đảm nhanh chóng và tiện lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam.

Chỉ đạo triển khai các giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam; tăng thu hút khách du lịch quốc tế thông qua các phương thức vận tải quốc tế như đường không, đường biển…

 Rà soát, kiến nghị các chính sách tài chính, thuế, hải quan để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, nâng cao năng lực, thu hút khách du lịch quốc tế. Hướng dẫn triển khai hiệu quả phương án sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến du lịch tại nước ngoài. 

 Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu chính sách về an sinh xã hội; chính sách về đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, thành lập Hội đồng chứng nhận nghề du lịch.   

Điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng giá điện sản xuất. Nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện cho hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.   


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem