Lúa trổ bông sớm bất thường, nông dân hoang mang

Minh Trung Thứ bảy, ngày 23/01/2016 13:30 PM (GMT+7)
Thay vì 5 ngày hoặc 7 ngày nữa, lúa đông xuân 2015-2016 mới bắt đầu trổ đòng, nhiều diện tích ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xảy ra hiện tượng trổ sớm, khiến nông dân hoang mang, lo lắng.
Bình luận 0

Khổ vì lúa… “đẻ” trước ngày

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, hiện nay có hiện tượng lúa trổ sớm hơn so với thời gian sinh trưởng, phát triển bình thường của cây lúa. Nếu người dân không thăm đồng thường xuyên, phát hiện tình trạng trên thì việc sản xuất sẽ gặp một số trở ngại khi thời gian bón phân, phun thuốc, lượng nước chứa trong ruộng… không phù hợp với chu kỳ phát triển mới.

img

Ông Ngô Hạnh Kiệt lo lắng vì lúa trổ đòng sớm.  Ảnh:  Huỳnh Xây

Dẫn chúng tôi ra đồng ruộng của gia đình, ông Ngô Hạnh Kiệt (ngụ ở ấp 1A, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A) cho biết: “Vụ lúa đông xuân này, ông sản xuất lúa IR50404 và OM5451 trên tổng diện tích 1,2ha. Không như những năm trước đây, 2 loại giống lúa này đã trổ đòng trước khoảng 5 ngày.

Tôi lo lắm, vụ lúa chính cho thu nhập cao nhất trong năm này lại gặp phải tình trạng trổ trước ngày, tháng. Nhờ tôi thường xuyên thăm đồng mới phát hiện ra”.

Như trường hợp của ông Kiệt, ông Huỳnh Thanh Tâm, ngụ ở thị trấn Bảy Ngàn cho biết, lúa OM5451 của ông đã trổ khi mới được 45 ngày trong khi đó thời gian lúa trổ bình thường trước đây là từ 50-55 ngày.

Ông Tâm nói: “Sau khi nghe một số hộ dân bàn về lúa có hiện tượng trổ sớm, tôi ra thăm đồng thử thì phát hiện lúa đã trổ lưa thưa. Chu kỳ sinh trưởng của cây lúa đã có sự thay đổi, không biết năng suất và chất lượng khi thu hoạch tới đây có bị ảnh hưởng không nữa. Hiện tượng này bất thường  vì việc chăm sóc, bón phân và phun thuốc với liều lượng, thời gian cũng như mọi năm, không có gì thay đổi”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không riêng gì tỉnh Hậu Giang, nhiều diện tích lúa đông xuân các địa phương khác ở ĐBSCL cũng gặp tình trạng tương tự. Ông Trương Văn Út (ngụ ở khóm 5, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) sản xuất giống lúa OM5451 trên 1,3ha. Cũng ngày như các cánh đồng lân cận, diện tích lúa của ông cũng bị trổ trước khoảng 5 ngày so với chu kỳ phát triển bình thường của cây lúa.

Tại cánh đồng mẫu lớn 400ha chuyên sản xuất lúa Jasmine ở ấp Thầy Ký (thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) cũng đã có 200ha trổ sớm. Ông Nguyễn Văn Thành – Trưởng Ban quản lý cánh đồng mẫu thông tin: “Bình thường, lúa Jasmine từ 65-70 ngày thì trổ nhưng năm nay phần lớn diện tích đã trổ khi từ 60-65 ngày. Theo kinh nghiệm nhiều năm trồng lúa, tình trạng này có thể làm cho năng suất lúa không cao tới ngưỡng so với việc trổ đúng thời điểm hoặc muộn hơn vài ngày”.

Do thời tiết bất thường

Thường xuyên thăm đồng, phòng trừ dịch bệnh

PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ - Phó Trưởng khoa Phát triển nông thôn (Trường ĐH Cần Thơ) nhận định: Nhiệt độ năm nay cao hơn mọi năm nên dẫn đến hiện tượng lúa trổ sớm. Các năm trước nhiệt độ lạnh hơn. Nếu người dân thường xuyên thăm đồng, có biện pháp phòng trừ dịch bệnh thích hợp thì sẽ không ảnh hưởng đến năng suất.

Theo ngành chức năng các địa phương vùng ĐBSCL, nguyên nhân dẫn đến tình trạng lúa trổ đòng sớm là do thời tiết thay đổi thất thường như nắng nóng kéo dài, nhiệt độ trung bình hằng ngày cao hơn mọi năm.

“Cây lúa hấp thu nhiệt độ ánh sáng tốt đã làm cho lá phát triển nhanh, khi đạt từ 18 lá trở lên, cây sẽ ra bông. Hiện tượng này không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hay năng suất lúa” – ông Trần Ngọc Thể - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang nhận định.

Tuy nhiên, ông Thể cũng lưu ý, bà con nên thăm đồng thường xuyên để xem lúa có trổ sớm không và đưa ra biện pháp phòng trị sâu bệnh hợp lý. Bởi giai đoạn lúa trổ rất dễ nhạy cảm với các loại dịch bệnh, đặc biệt là khi gặp phải thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống khá thấp bất thường.

Cũng như ông Thể, PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ - Phó Trưởng khoa Phát triển nông thôn (Trường ĐH Cần Thơ) nhận định: “Nhiệt độ năm nay cao hơn mọi năm nên dẫn đến hiện tượng lúa trổ sớm. Các năm trước nhiệt độ lạnh hơn. Nếu người dân thường xuyên thăm đồng, có biện pháp phòng trừ dịch bệnh thích hợp thì sẽ không ảnh hưởng đến năng suất”.

Về thông tin lúa trổ sớm bất ngờ khiến cho nhà nông tâm lý hoang mang, lo lắng,  GS-TS Võ Công Thành - Trưởng Bộ môn Di truyền giống nông nghiệp (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng – Trường ĐH Cần Thơ) thông tin: “Do biến đổi khí hậu có những tác động bất thường khiến cây lúa bị “stress” nên trổ đòng sớm. Hiện tượng này không phải do giống hay quá trình canh tác của người dân tác động đến”.

Một số chuyên gia khác có nhiều nghiên cứu về cây lúa cũng cho rằng cây lúa trổ đòng sớm là hoàn toàn có thể xảy ra khi tích lũy đủ lượng ánh sáng, nhiệt độ trong 1 chu kỳ sinh trưởng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem