Lô hàng 100 container điều xuất khẩu sang Ý có nguy cơ bị lừa, ngân hàng nói gì?

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 11/03/2022 09:12 AM (GMT+7)
Liên quan đến vụ việc hàng loạt doanh nghiệp điều viết đơn cầu cứu vì bị lừa 100 container điều xuất khẩu, trị giá hàng trăm triệu USD (theo thông tin từ Hiệp hội điều), ngân hàng cho biết đang kết hợp với doanh nghiệp để điều tra.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã có văn bản hỏa tốc gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Ý, Thương vụ Việt Nam tại Ý đề nghị hỗ trợ trong tình huống "khẩn cấp" khi 100 container điều xuất khẩu của các doanh nghiệp có nguy cơ bị lừa.

Lô hàng 100 container điều xuất khẩu sang Ý có nguy cơ bị lừa, ngân hàng nói gì? - Ảnh 1.

Công văn hỏa tốc của Hiệp hội Điều Việt Nam. Nguồn: Vinacas

Lô hàng 100 container điều xuất khẩu sang Ý có nguy cơ bị lừa, ngân hàng đã có cảnh báo?

Được biết, với các lô hàng xuất khẩu này, doanh nghiệp xuất khẩu điều tại Việt Nam đã ủy nhiệm thu cho 5 ngân hàng Việt Nam thông qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment - D/P).

Cụ thể, theo hình thức này, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ trao chứng từ gốc cho ngân hàng Việt để ngân hàng chuyển sang cho ngân hàng mà nhà nhập khẩu chỉ định.

Nhận được chứng từ, ngân hàng đó sẽ yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu thanh toán, thanh toán xong mới trao chứng từ gốc để nhà nhập khẩu nhận hàng.

Tuy nhiên, hiện nay, các ngân hàng mà đối tác nhập khẩu chỉ định cho biết không nhận được chứng từ gốc hoặc đã chuyển trả lại chứng từ gốc song không cho biết đã trả chứng từ gốc qua kênh nào.

Các doanh nghiệp xuất khẩu đang hết sức hoang mang không biết chứng từ gốc ở đâu, bởi bất kỳ ai có chứng từ gốc đều có thể nhận hàng.

Lô hàng 100 container điều xuất khẩu sang Ý có nguy cơ bị lừa, ngân hàng nói gì? - Ảnh 2.

100 container hạt điều xuất khẩu sang Ý trị giá hàng trăm USD của các doanh nghiệp Việt Nam đang có nguy cơ bị lừa đảo. Trong ảnh: Chế biến hạt điều tại Công ty CP Hoàng Sơn 1 (Bình Phước). Ảnh: Hoàng Sơn 1.

Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện một trong năm ngân hàng trong trường hợp nêu trên cho biết, ngân hàng đang phối hợp cùng với các doanh nghiệp xuất khẩu điều, các Hiệp hội phối hợp để thông qua cơ quan điều tra xác minh vụ việc và tìm lại bộ chứng từ gốc.

Trước câu hỏi về việc ngân hàng có hay không trách nhiệm trong việc thẩm định uy tín của nhà nhập khẩu cũng như ngân hàng nhập khẩu, vị này cho biết việc thẩm định này khẩu không nằm trong hợp đồng. Ngân hàng chỉ là đơn vị trung gian đứng ra thu hộ, danh sách ngân hàng, địa chỉ là do khách hàng cung cấp.

Cũng theo vị đại diện này, trong quá trình thực hiện nghiệp vụ, ngân hàng đã phát hiện ra phía ngân hàng nước ngoài đều là các ngân hàng nhỏ không có tên tuổi, tên doanh nghiệp đối tác nhập khẩu hàng cũng rất lạ.

"Lúc đó, phía ngân hàng cũng trao đổi nội bộ và sau đó có thông tin lại và cảnh báo doanh nghiệp tìm hiểu kỹ và cảnh giác vì trường hợp doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng bị lừa đảo mất hàng không phải chưa từng xảy ra. Tuy nhiên sau đó các doanh nghiệp vẫn yêu cầu ngân hàng tiếp tục thực hiện các nghiệp vụ thanh toán như đã ủy quyền", đại diện này thông tin.

Còn nhớ, năm 2015 công ty Phúc Sinh Group cũng từng gặp trường hợp tương tự. Theo đó, đối tác Bulgari đặt mua 50 container hạt tiêu trị giá hàng triệu USD và thanh toán qua hình thức ngân hàng thu hộ. Sau khi thỏa thuận xong điều khoản thanh toán (trả trước 10% còn lại thanh toán qua ngân hàng thu hộ), đối tác đột ngột gọi điện đề nghị thanh toán qua ngân hàng tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo lời khuyên của Vietcombank- ngân hàng mà Phúc Sinh sử dụng dịch vụ - công ty yêu cầu đối tác cung cấp tên ngân hàng tại Thổ Nhĩ kỳ. Sau khi xác nhận được đây là ngân hàng lớn, có thứ hạng, Phúc Sinh mới đồng ý ký hợp đồng.

Tuy nhiên, sau 3 ngày gửi chứng từ, phía nhà vận chuyển thông báo phía ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ từ chối nhận vì không có khách hàng nào có tên như Phúc Sinh thông báo, đồng thời cho biết sẽ chuyển trả lại chứng từ.

Khi Phúc Sinh liên lạc lại với đối tác Bulgari thì đối tác này khẳng định ngân hàng nhầm và liên tục xin số vận đơn. Nhờ tỉnh táo, Phúc Sinh đã nhận ra đây là vụ lừa đảo và kiên quyết không giao số vận đơn cho đối tượng, nhờ vậy thoát được vụ lừa đảo.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Liên quan đến trách nhiệm của các bên trong sự việc 100 container điều xuất khẩu sang Ý có nguy cơ bị lừa, ông Hà Huy Phong Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco cho rằng, danh sách ngân hàng uy tín thường rất rõ ràng vì liên thông quốc tế. Do đó, nếu như có trường hợp ngân hàng uy tín mà địa chỉ "ma" thì việc mất chứng từ gốc là do lỗi của bên chuyển phát và một phần do sự "cẩu thả" của ngân hàng.

"Tất nhiên, bị lừa đảo như thế này thì lỗi do sự bất cẩn của doanh nghiệp xuất khẩu là chủ yếu", ông Hà Huy Phong Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco nhận định.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, rủi ro xảy ra là do nhiều doanh nghiệp Việt Nam do hoa mắt trước các hợp đồng chào hàng giá hời mà nhanh chóng chấp nhận các điều khoản thanh toán, lựa chọn các hình thức thanh toán rủi ro.

Để tránh rủi ro, doanh nghiệp nên đề nghị đối tác sử dụng L/C không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín quốc tế, đồng thời hạn chế cho khách hàng trả chậm. Không nên chọn hình thức thanh toán D/A (nhờ thu chấp nhận chứng từ), thanh toán qua hình thức chuyển tiền bằng Western Union. Đối với thanh toán D/P, doanh nghiệp nên sử dụng mức cọc trên 50% trở lên và phải chọn ngân hàng uy tín.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem